Tội nghiệp dân!

by Vy Trần

David Le

Nhà cầm quyền Việt Nam vừa tung ra chiêu 47/2024 khiến người nghèo cả nước rúng động. Đó là chiêu “kiểm định khí thải xe gắn máy từ 5 tuổi trở lên” kể từ ngày 1-1-2025. Theo thông tư nói trên, việc nầy nhằm giảm ô nhiễm môi trường mà xe gắn máy là phương tiện gây ô nhiễm nhiều nhứt!

Phải thật lòng mà thưa rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam rất đáng báo động. Ở Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố lớn khác, buổi sáng thường có mây mù bao phủ dù là mùa nắng hay mùa mưa. Không khí nặng nề khó thở và bụi mịn gần như luôn có mặt ở khắp mọi nơi. Khi ra đường, dù có đeo khẩu trang cẩn thận nhưng khi về nhà mặt ai cũng nhám ổ như vừa ở trong một đám bụi chun ra.

Vì vậy, việc làm sạch môi trường, chống ô nhiễm là việc cần làm. Việc nầy không chỉ làm “mát” bộ mặt quốc gia trước các du khách mà còn bảo vệ dân chúng tránh bớt những bịnh tật do ô nhiễm gây ra.

Song nói đi phải nói lại. Ô nhiễm của Việt Nam đâu chỉ do xe gắn máy! Ai ở Việt Nam đều biết, thủ phạm của ô nhiễm có rất nhiều nhưng “bị” bỏ qua, không ai dám nhắc tới, bởi nói hoài cũng vậy. Đó là những chiếc xe vận tải, xe hơi thường phun khói kèm bụi mù mịt trên đường phố. Đó là bụi đất từ các công trình giao thông công chánh, đào lên rồi để đó với đầy đất đá ngổn ngang bốc lên mỗi khi có gió hơi lớn. Đó là các hãng xưởng nằm trong lòng thành phố, cái thì phun khói cay mắt dân chúng xung quanh, cái thì xả ra mương, rãnh, sông, rạch những dòng nước đầy hóa chất. Mới đây, người ta phát hiện ra cả một con mương có nước màu đỏ và sau đó biết được nó chảy ra từ một xưởng sản xuất. Rồi các khu chế xuất nằm ven thành phố cũng tha hồ phun khói, xả nước dơ với nhiều loại hóa chất độc hại nhưng không bị ai làm gì bởi biết điều, biết thủ tục “đầu tiên”! Có đi ngang quận 7 Sài Gòn trên con đường Nguyễn Văn Linh mới thấy xe vận tải ken dầy tới mức không có chỗ cho người đi lọt và bụi tung mù mịt. Thủ phạm ô nhiễm còn là bụi từ các con đường lớn nhỏ trong thành phố chưa hề được công trình công cộng nào quét dọn trong nửa thế kỷ qua!

Nói như vậy để mọi người thấy thủ phạm của ô nhiễm không khí đâu chỉ của xe gắn máy!

Vả lại, một nhà cầm quyền luôn miệng nói là “vì dân” thì phải nghĩ tới dân chúng khi bung ra một quyết định gì đó liên quan mật thiết tới dân, nếu không trưng cầu dân ý. Đằng nầy, tuy nói là “bảo vệ dân” nhưng các cơ quyền lực “đánh úp” dân khi tung ra quyết định nầy nọ.

Tôi chắc rằng, những người ký cái thông tư nói trên đều biết xe gắn máy là phương tiện tối thiểu của người nghèo trong khi hệ thống xe công cộng còn thiếu quá nhiều. Xe gắn máy là phương tiện đi làm việc hàng ngày của công nhân viên chức. Xe gắn máy là phương tiện chở con đi học, của bà nội trợ đi chợ. Xe gắn máy là phương tiện kiếm sống của người nghèo phải chạy grab, xe ôm. Xe gắn máy là phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu cho nhà sản xuất nhỏ, tiệm quán, chợ búa…nhanh và gọn gàng. Xe gắn máy là phương tiện ưu việt trong mua bán và giao hàng qua mạng internet.

Một chiếc xe gắn máy đối với người nghèo là tài sản lớn nhứt mà họ có được. Nó làm đủ thứ nhiệm vụ vừa để đi lại, vừa để kiếm miếng ăn hàng ngày, vừa làm nhiệm vụ trong gia đình, vừa để đi vui chơi, thư giản với bạn bè và gia đình. Trong cơn “kiểm tra nồng độ cồn xe gắn máy” thì xe ôm, grab là  “cứu tinh” của những người ghiền hay thích uống bia, rượu. Có người hỏi “Tại sao không đi tắc xi, grab car mà đi xe gắn máy chi cho bị kiểm tra?”. Xin thưa, đâu phải ai cũng có tiền dư để đi tắc xi. Bạn bè mời dự sinh nhựt, cưới hỏi buộc phải làm vài ly bia ở nơi không xa nhà mình lắm mà đi tắc xi có khi tốn nhiều tiền hơn món quà tặng, tốn nhiều thì giờ chờ đợi trong khi chỉ cần vài chục phút là tới nơi! Tại sao phải tốn kém vô lý như vậy?

Khi ra quyết định nầy, nhà cầm quyền có nghĩ tới hàng triệu người phải bỏ công ăn việc làm, tốn tiền, tốn nhiều thì giờ chờ đợi để được cái giấy kiểm định? Tôi chắc là không! Bởi nếu nghĩ thì họ không ký ngay cái quyết định mà chỉ hai tuần nữa là có hiệu lực!

Ở Việt Nam, tốn thời giờ với người nghèo bị coi là chuyện nhỏ! Chuyện gì hể liên quan đến công quyền đều phải mất công chờ đợi. Xác nhân nhân thân, ký cái giấy bản sao cũng phải ra phường và chờ đợi các công chức làm việc rất chậm chạp. Làm lại cái bằng lái xe sắp hết hạn cũng phải đi vòng lại từ đầu, nghĩa là phải đi khám sức khỏe, phải đi chụp hình thẻ, phải khám mắt, phải, phải, phải…và mất chừng một ngày mới xong các thủ tục. Có những công đoạn có thể làm rất nhanh nhưng người ta làm rất chậm rãi như thể sợ làm nhanh quá thì…”có hại cho sức khỏe!”. Dĩ nhiên, nếu biết thủ tục đầu tiên thì…Mỗi cơ quan người được trả lương đông như quân Nguyên nhưng làm việc thì chỉ có vài người! Và cũng vì vậy mà các “cò” đủ loại có đất sinh sôi nẫy nở tràn ngập. Và các loại giấy tờ giả cũng phổ biến tới mức…chịu hỏng nỗi!

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 70 triệu chiếc xe gắn máy từ 50cc trở lên. Nhà cầm quyền dự định mở khoảng 3000 điểm kiểm định xe gắn máy. Nếu chia đều thì mỗi tỉnh thành sẽ có khoảng 50 điểm. Dĩ nhiên đây là dự định chớ một thành phố có chừng 15 triệu dân như Sài Gòn thì 50 điểm nhằm nhò gì. Bởi ước tính khoảng 10 triệu xe dồn về 50 điểm kiểm định chắc mỗi nơi đều bị khủng hoảng!

Có một điều mà thông tư nầy không nói rõ mà nó rất mập mờ là “Khi đi kiểm định, chủ xe cần xuất trình một trong các giấy tờ: Bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe. Cơ sở đăng kiểm sẽ đối chiếu thông tin xe trên phần mềm quản lý với chứng nhận đăng ký. Xe không trùng khớp sẽ bị từ chối. Nếu đạt tiêu chuẩn, xe sẽ được kiểm định và cấp chứng nhận điện tử được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe”. Chỗ mập mờ là “xe được cấp giấy chứng nhận tỉnh nầy có được kiểm định ở tỉnh khác không?”. Mọi người đều biết, trong một quốc gia “tự do, dân chủ” thì việc đi lại, làm ăn thông thương với nhau. Một chiếc xe mua và có giấy tờ ở Huế, và người chủ mang theo đi làm việc ở Sài Gòn, thì có được kiểm định ở Sài Gòn không hay phải về Huế? Mà loại nầy có rất nhiều ở các thành phố lớn. Chưa thấy thông tư nói rõ.

Rồi mỗi lần kiểm định là bao nhiêu tiền? Cũng chưa ai nói. Nếu giá kiểm định quá tiền mua chiếc xe thì sao?

Nói chung còn nhiều câu hỏi cần được trả lời.

Mà câu hỏi lớn nhứt là có thiệt là nhà cầm quyền lo cho dân hay không? Có thiệt là xe gắn máy là thủ phạm chánh làm ô nhiễm không khí hay không? Hay là chỉ là một cách nói cho có để hành dân? Dĩ nhiên các câu hỏi nầy không biết hỏi ai vì chắc nhà cầm quyền không trả lời như nhiều câu hỏi khác đã từng hỏi.

Tội nghiệp dân!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights