PHẠM VŨ
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vừa qua khiến khoảng 50% dân Mỹ vui mừng hân hoan mong chờ một tương lai với kinh tế phồn thịnh, trong khi khoảng 50% buồn và lo âu về cả mặt kinh tế lẫn nhiều chính sách mà họ cho là sẽ làm suy yếu thể chế dân chủ.
Thế nhưng góc nhìn của thế giới về Hoa Kỳ trong những ngày tới thì rất khác.
Theo kết quả khảo sát của Pew Research Center, được thực hiện tháng 11/ 2020, không quá 25% người dân ở 13 quốc gia được thăm dò ý kiến bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ trong một “triều đại Trump 2.0.”
Chúng ta hãy duyệt qua một vài quan ngại.
Chính sách ngoại giao “America First”
Việc Tổng thống đắc cử Donald J. Trump trở lại Tòa Bạch Ốc lần thứ hai đồng nghĩa với sự trở lại của chính sách “America First.”
Phản ứng toàn cầu đối với nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống đắc cử Donald Trump ít nhiều được định hình bởi cách các quốc gia diễn giải chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông và những tác động tiềm tàng của chính sách này.
Để ứng phó với viễn ảnh chính quyền Donald Trump sẽ giảm hỗ trợ với NATO và các quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu có thể đẩy nhanh những nỗ lực nhằm đạt được quyền tự chủ chiến lược. Liên minh châu Âu đã và đang tìm cách độc lập hơn trong chính sách quốc phòng, thương mại, và công nghệ. Dưới thời chính quyền ông Trump lần thứ nhất, các sáng kiến như Hợp tác có cấu trúc thường trực (PESCO, Permanent Structured Cooperation) và Quỹ quốc phòng châu Âu (EDF, European Defence Fund) dường như đã trở nên cấp thiết hơn, khi châu Âu sẵn sàng cho nước Mỹ sẽ là một đối tác không thể chắc chắn dựa vào được, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump.
Về mặt quốc phòng, Pháp và Đức có thể thúc đẩy chiến lược quân sự mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể thành lập một quân đội châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Với thương mại và năng lượng, Liên minh châu Âu có thể mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc để cân bằng mọi sự gián đoạn có thể có trong quan hệ thương mại với Mỹ. Thỏa thuận xanh của châu Âu có thể được đẩy nhanh, khi khối này tăng cường năng lượng sạch để chuẩn bị cho sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi các thỏa thuận về biến đổi khí hậu.
Số phận của Ukraine, Đài Loan, Palestine, và Nam Hàn
Nhiệm kỳ tổng thống mới của Donald Trump có thể mang lại lập trường mềm mỏng hơn của Mỹ đối với Nga, so với lập trường cứng rắn của chính quyền Biden. Hơn nữa, chính quyền Trump trước đây đã rất do dự trong việc hỗ trợ Ukraine, và một lập trường tương tự như vậy trong nhiệm kỳ 2, hoàn toàn có thể làm suy yếu khả năng ứng phó của Ukraine trước Nga, từ việc Mỹ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine và tìm kiếm một giải pháp đàm phán có lợi cho Moscow.
Đối với Đài Loan, một chính quyền Trump thứ hai đồng nghĩa với việc Mỹ giảm các cam kết quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đài Loan có thể phải đối mặt với áp lực quân sự gia tăng từ Trung Quốc, và Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội cắt giảm hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ để tăng cường tấn công quân sự, an ninh mạng, nhằm phong tỏa và cô lập Đài Loan.
Với Nam Triều Tiên, chính quyền Trump có thể áp lực buộc nước này phải chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây, hoặc làm suy yếu liên minh chiến lược của hai nước. Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường ủng hộ Bắc Triều Tiên về quân sự và kinh tế, nhằm đối phó với Nam Triều Tiên.
Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo bốn năm của Donald Trump (2016 – 2019) luôn ưu ái đối với Israel, và nhiều người e ngại một lập trường tương tự sẽ tiếp tục dưới thời Trump lần thứ hai. Mối quan hệ chặt chẽ của Trump với Israel có thể khuyến khích quốc gia này theo đuổi các chính sách hung hăng, gia tăng sự đàn áp với người Palestine, mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, và xóa sổ các nỗ lực đàm phán cho một nhà nước Palestine độc lập.
Gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và Nga
Trung Quốc có thể coi xu hướng “America First,” có hậu quả cô lập nước Mỹ là cơ hội vàng nhằm củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu. Bắc Kinh có thể tăng cường nỗ lực để định vị Trung Quốc là quốc gia số một của chủ nghĩa đa phương, lấp khoảng trống quyền lực mà Mỹ trong thời Trump để lại trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế, và phát triển cơ sở hạ tầng. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể chứng kiến sự tham gia lớn hơn từ các quốc gia tìm kiếm sự viện trợ.
Việc chính quyền mới của Hoa Kỳ có thể rút Mỹ khỏi châu Phi, cùng việc cắt giảm viện trợ, và các chương trình phát triển, có thể đẩy các quốc gia châu Phi xích lại gần Trung Quốc và Nga hơn. Bắc Kinh có thể củng cố chỗ đứng của mình qua các sáng kiến như Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC), cung cấp các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ công nghệ. Trong khi đó, Nga có thể mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các quan hệ đối tác quân sự và các thỏa thuận khai thác tài nguyên.
Trong khi các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích ngắn hạn đối với các quốc gia châu Phi, thì những lo ngại về khả năng duy trì nợ có thể nảy sinh khi các quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh hơn.
Còn ở khu vực Mỹ Latinh, các chính sách chống nhập cư của Trump và khả năng bỏ bê khu vực này có thể làm trầm trọng thêm khuynh hướng chống Mỹ. Venezuela và Cuba có thể tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga, trong khi các quốc gia Colombia, Chile, và Mexico có thể xa lánh Hoa Kỳ.
Các quốc gia Mỹ Latinh phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, có thể phải đối mặt với những thách thức thương mại, nếu Trump đưa ra các chính sách bảo hộ. Một viễn cảnh có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua thương mại, các dự án cơ sở hạ tầng, và các liên minh chiến lược, nhằm đưa ra một giải pháp thay thế Hoa Kỳ.
Tình hình Trung Đông
Đối với Iran, chính quyền Trump có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân hiện có, hoặc tăng cường các lệnh trừng phạt. Điều này có khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực, làm tăng nguy cơ xung đột ở vùng Vịnh và tạo ra sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, khiến giá dầu có thể tăng bất thường.
Thêm vào đó là viễn ảnh chính quyền Trump sẽ rút khỏi Syria, Iraq và Yemen, có thể dẫn đến tình trạng mất quyền lực, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mở rộng ảnh hưởng, thậm chí ISIS hoặc các nhóm cực đoan khác, có thể lợi dụng tình trạng bất ổn làm phức tạp thêm các nỗ lực chống khủng bố quốc tế.
Toàn cầu hóa thương mại và kinh tế
Chính quyền Trump có thể tìm cách đàm phán lại hoặc rút khỏi các thỏa thuận thương mại hiện có. Ví dụ, gia tăng giám sát với Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) hoặc yêu cầu thay đổi các cam kết của Hoa Kỳ đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các chính sách bảo hộ có thể tái diễn, tác động đến thị trường toàn cầu và gia tăng chủ nghĩa dân tộc kinh tế trên toàn thế giới.
Các thị trường mới nổi phụ thuộc vào thương mại, hoặc viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với những thách thức. Các quốc gia ở Đông Nam Á, Châu Phi, và Châu Mỹ Latinh có thể chứng kiến sự hỗ trợ giảm sút của Hoa Kỳ cho các chương trình phát triển. Cho nên, các quốc gia này sẽ có thể chuyển hướng liên minh của họ sang Trung Quốc để được viện trợ.
Những thay đổi chính sách thương mại khó lường của Trump có thể dẫn đến những biến động trên thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể phải đối mặt với sự không chắc chắn về thuế quan thương mại, lệnh trừng phạt, và sự thay đổi trong các ưu tiên kinh tế của Hoa Kỳ, có khả năng làm giảm tăng trưởng toàn cầu.
Biến đổi khí hậu và chính sách môi trường
Trong nhiệm kỳ đầu tiên 2016-2019, tổng thống đắc cử Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Paris, cho thấy những vấn đề biến đổi khí hậu không phải là ưu tiên của chính quyền ông.
Vào ngày 20/1/2021, ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống, tổng thống Joe Biden đã ký văn bản đưa Hoa Kỳ trở lại Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, viễn ảnh Donald Trump sẽ một lần nữa rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này có thể làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu, đặc biệt là nếu Hoa Kỳ cắt giảm tài trợ cho các chương trình năng lượng tái tạo và viện trợ môi trường cho các nước đang phát triển.
Thêm nữa, việc Trump tập trung vào việc phục hồi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch có thể đảo ngược nhiều chính sách môi trường của chính quyền Biden. Điều này có thể tạo ra sự bất đồng với các quốc gia và khối ưu tiên năng lượng xanh, chẳng hạn như Liên minh châu Âu, và cản trở quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch.
Max Boykoff, giáo sư Khoa Nghiên cứu Môi trường Đại học Colorado, cho biết một chính quyền Trump thứ hai và tác động với các chính sách khí hậu ảnh hưởng đến những người yếu thế nhất ở Mỹ là điều rất đáng lo ngại.
Tống cựu nghinh tân
Theo giáo sư Boykoff, sự trở lại của Trump có thể thúc đẩy các phong trào dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và làm suy yếu nền dân chủ toàn cầu.
John Ikenberry của Đại học Princeton, một nhà lý thuyết hàng đầu về quan hệ quốc tế, thì cho rằng các đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ nằm trong số những quốc gia cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất bởi cách Hoa Kỳ (sẽ) thực thi quyền lực của mình trong thời gian tới. Các nền dân chủ cường quốc trung bình như Vương quốc Anh, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Đức và toàn bộ EU đã quen với một thế giới mà thị trường Hoa Kỳ mở cửa — và Hoa Kỳ là nước luôn luôn cung cấp sự bảo đảm an ninh chống lại các thế lực độc tài khắp năm châu.
Ikenberry đơn cử một tuyên bố đáng chú ý mà tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra trong năm nay rằng ông sẽ để Nga “làm bất cứ điều quái gì họ muốn” với các quốc gia trong NATO không đáp ứng được các cam kết chi tiêu cho quốc phòng. Mối đe dọa đến quyền lợi của các đồng minh đã dẫn đến những cuộc tranh luận đau đớn ở một số quốc gia mà ông đang nhắm tới.
Chẳng hạn khi Chrystia Freeland từ chức bộ trưởng tài chính của Canada, bà đã cáo buộc Thủ Tướng Justin Trudeau không nhận ra “thách thức nghiêm trọng” do “chủ nghĩa dân tộc kinh tế hung hăng” của Mỹ đặt ra, gồm cả mối đe dọa về mức thuế quan (tariff) 25%.” Freeland cho rằng Canada cần phải giữ cho nguồn tiền tài chính ở một mức có thể chuẩn bị cho “cuộc chiến thuế quan sắp tới.”
Câu hỏi về việc có nên phản ứng và phản ứng như thế nào với mức thuế quan của Trump đang khiến thế giới phương Tây phải đau đầu. Việc tìm ra câu trả lời càng trở nên khó khăn hơn vì ý định thật sự của Trump vẫn chưa rõ ràng. Cựu tổng thống và tổng thống tương lai Donald Trump có nên được hiểu chỉ là một con buôn không? Hay ông ấy chính là một nhà cách mạng – có ý định phá hủy hệ thống hiện tại, bất kể hậu quả?
Phản ứng ban đầu của EU sẽ là hy vọng rằng các mối đe dọa về thuế quan của Trump chỉ đơn giản là một chiến thuật đàm phán — và một thỏa thuận hợp lý có thể đạt được, trước khi một cuộc chiến thương mại toàn diện nổ ra.
Dù nhìn vấn đề cách nào thì từ ngoài Hoa Kỳ nhìn vào, đa số cho rằng trong năm 2025 thế giới sẽ đối diện với vô số bất ổn, cạnh tranh địa chính trị và thách thức kinh tế, bên cạnh những thách thức do chủ nghĩa độc đoán sẽ gia tăng.
Tác động dài hạn của những chính sách sẽ thay đổi của Hoa Kỳ phụ thuộc vào khả năng thích nghi của các nhà lãnh đạo thế giới trước một nước quốc gia đang trở lại chủ nghĩa “America First.”
Tham khảo
https://www.ft.com/content/d11fa816-0c8f-4c79-abb0-8523dd2ecfe4
https://www.bruegel.org/policy-brief/european-defence-industrial-strategy-hostile-world
https://climate.law.columbia.edu/content/president-trump-announces-withdrawal-paris-agreement-0