VŨ NGỌC MAI
Mới đó mà 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Cộng Hòa miền Nam Việt Nam bị mất về tay Cộng sản Bắc Việt ngày 30/4/1975.
30/4/2025 năm nay hầu hết các nước có người Việt tỵ nạn trên thế giới đều đang tổ chức kỷ niệm đặc biệt trên dưới nửa thế kỷ chúng ta đã lìa xa quê hương cũ trong nuối tiếc!
Sau 30/4/1975, chính quyền cộng sản kêu gọi sĩ quan, công nhân viên cấp cao trình diện học tập cải tạo, mang theo lương thực trong 10 ngày nên ai cũng nghĩ rằng họ khoan hồng, sẽ xóa bỏ hận thù sau khi thống nhất đất nước. Nhưng dân miền Nam đã bị hiểu lầm vì thật ra CSVN đã giam giữ “ngụy quân ngụy quyền,” theo cấp bậc cao hay thấp mà ấn định thời gian, có thể ngắn hay dài tùy theo chính quyền mới quyết định. Vì phải lao động khổ sai, ăn uống kham khổ, lại thiếu thuốc men khi đau ốm… nên không ít sĩ quan và nhân viên miền Nam Cộng Hòa đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc tại miền Bắc.
Làn sóng di tản đến đất nước tự do của miền Nam đã bắt đầu bằng máy bay cho một số giới chức cao cấp trong chính quyền mà tính mạng có thể bị đe dọa vào năm 1975. Sau đó, đường thủy và đường bộ được âm thầm tổ chức. Một số tư nhân miền lục tỉnh đã lén đóng tàu bè theo nhiều cỡ lớn và nhỏ để đưa người đi vượt biên. Họ phải trả tiền hay vàng trước khi đi cho chủ tàu. Họ có thể đến bến bờ tự do hay cũng có thể bị bắt, bị cầm tù hoặc được thả tùy theo sự quyết định của địa phương nơi vượt biên. Và đau đớn thay, rất nhiều người bất hạnh đã bị đắm tàu, bị chết mất xác ngoài biển khơi. Thế nhưng bãi bến vượt biên vẫn được mua, người ta kháo nhau “cái cột đèn mà biết đi thì cũng trốn đi thôi!” Người ta đã chấp nhận tự do bằng bất cứ giá nào, kể cả hy sinh tính mạng!
Trong hoàn cảnh xã hội mà người chồng và người cha từng là chủ gia đình bị bắt giam ở tận phương xa, vợ con nơi quê nhà cũng gặp phải nhiều khó khăn về phương diện vật chất, tinh thần và tình cảm.
Trước năm 75, tôi đi dạy bằng xe gắn máy rồi xe hơi, và từ sau 75, tiền bạc trong nhà băng đã được nhà nước “quản lý” nên không thể mua xăng nhớt nữa. Ôi thôi, lần đầu tiên gò lưng trên chiếc xe đạp mới thấm thía và mỏi mệt làm sao!
Rồi giáo viên từ áo dài xuống áo ngắn, áo bà ba, môn quốc văn được cán bộ miền Bắc vào hướng dẫn làm giáo án, lồng chính trị vào văn chương. Hơn nữa, thường mỗi lớp đều có đoàn viên của họ ngồi học để kiểm soát thầy cô giáo và báo cáo với cấp trên về người thầy để họ được tiếp tục dạy hay bị cho nghỉ việc vì có tư tưởng mà họ cho là phản động. Thế vẫn chưa đủ, mỗi cuối tuần hay vào ngày nghỉ lễ Tết thì đều có những cuộc thi đua khiến mọi người phải làm việc ngày đêm, không còn đủ thì giờ lo cho con cái. Vì vậy mà trình độ học vấn của học sinh bị yếu kém hơn trước rất nhiều.
Sau hai năm được lưu dụng, tôi bị cho nghỉ việc vì có chồng bị đi tập trung ở miền Bắc Việt Nam. Tôi bắt đầu mang đủ thứ trong nhà có thể bán ra chợ trời vùng Dakao, Tân Định, Phú Nhuận… để kiếm tiền nuôi ba con tuổi vừa 11, sáu và hai ! Thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng bán được, từ quần áo cũ, đến nồi niêu xoong chảo, xà bông, dao kéo và vô số những thứ linh tinh khác v.v… Tôi cũng may mắn được một chị bạn hàng xóm cũ nhờ bán rất nhiều thứ như nồi cơm điện, vải vóc, máy móc, mỹ phẩm, máy hình, nữ trang… rồi chia cho tôi khoảng 10% để nuôi gia đình.
Nhưng chỉ sau khi hai ông anh ruột ở Pháp và Canada gửi giúp tiền bạc, và tôi nhờ được cô bạn thân bên Pháp mua giùm thuốc Tây để gửi về Việt Nam thì tiểu gia đình tôi mới tạm đủ ăn, vừa có thể mua từng chỉ vàng mà đóng cho chủ tàu để đi tìm tự do.
Ban ngày thân thể đã rã rời vì đạp xe dưới trời nắng gắt, ban đêm còn phải đi họp tổ dân phố, được nghe những ý tưởng về xã hội chủ nghĩa mà tôi đã phải cố gắng học thuộc lòng nhằm trả lời đúng các bài kiểm tra của họ! Nhờ vậy tôi chiếm được lòng tin của chủ phố. Bà ta hay mời tôi lên phát biểu trong mỗi buổi họp.
Trong thời gian này, tôi chỉ dám tiếp xúc với những người bạn có đồng chính kiến và đáng tin cậy vì sự kiểm soát quá nghiêm nhặt của chính quyền mới. Đám chúng tôi thường đến nhà nhau để chụm đầu thầm thì chuyện trò ngõ hầu toan tính những chuyến đi xa. Còn các con của chúng tôi thì trao đổi những món đồ chơi cũ kỹ mà chúng có từ nhiều năm trước.
Nỗi lo sợ cả nhà bị bắt đi Kinh Tế Mới khi con trai đang sắp đến tuổi lính đã khiến tôi bắt đầu biết tìm cách biếu xén hay đúng hơn, dùng quà cáp hối lộ khi cần để được yên thân!
Nghề bói toán bỗng trở nên thịnh hành vì được rất nhiều thân chủ chuẩn bị vượt biên tìm đến. Họ muốn biết bao giờ đi, chuyến đi có được an toàn trên biển cả hay không? Nhưng không phải thầy bói nào cũng đoán đúng mà có thể một số chỉ dựa vào tâm lý muốn tìm tự do của người xem rồi phỏng đoán để kiếm tiền sống qua ngày mà thôi. Tôi có cô bạn sau khi thầy bói đoán con cô phải năm tới mới đi được, nhưng cô lại tin vào câu “đức năng thắng số,” và con cô ấy cũng đã tới bến bờ tự do sau bảy ngày đêm lênh đênh ngoài biển cả!
Mặc dầu mang nỗi bất an triền miên trong lòng nhưng khi đêm về, bốn mẹ con chúng tôi vẫn lén khẽ vặn máy nghe nhạc tiền chiến, nhạc Pháp hay nhạc Abba trong bóng tối. Âm nhạc quả nhiên đã nâng cao tâm hồn con người và giúp chúng tôi có chút niềm vui và hy vọng vào tương lai.
Rồi sau nhiều chuyến đi thất bại, lại có một lần bị cầm tù, một lần gặp cướp biển ngoài khơi, ba mẹ con tôi đã được định cư tại Hoa Kỳ năm 1984. Riêng cháu thứ nhì vì nghĩ rằng nếu mẹ, anh và em mình bị bắt thì sẽ bị chính quyền tịch thu mất nhà nên đã tình nguyện ở lại và sẽ đi cuối cùng vào lúc con tôi vừa tròn 14 tuổi! Đây là một cuộc chia ly đầy nước mắt vì mãi sau năm năm trời tôi mới chính thức được đoàn tụ với người con trai quá dễ thương này của tôi.
Vào năm 1987, chồng tôi qua đời trong trại tập trung miền Bắc vì lâm bạo bệnh, mặc dầu tôi đã gửi rất nhiều lần thức ăn và thuốc men những mong cứu được anh. Cho đến nay, tôi đã ở vậy bên ba con và tám cháu nội được 38 năm tròn với không biết bao nhiêu thăng trầm và thử thách trong cuộc đời đơn chiếc phải bắt lại từ đầu với hai bàn tay trắng!
Sau năm 1975, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều khó khăn của một số đông gia đình đã mất việc làm và cạn kiệt tiền bạc để sinh sống. Người ta phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ để được mua một miếng thịt hay vài kí-lô gạo loại xấu. Các bà nội trợ vắng chồng nay càng vất vả chạy ngược chạy xuôi để nuôi một đàn con!
Kỷ niệm 50 năm Tháng Tư Đen, người Việt Nam trên khắp nơi trên thế giới vẫn giữ được lá cờ Việt Nam Cộng Hòa năm cũ.
Việt Nam Film Club đã thực hiện bộ phim giới thiệu về miền Nam Việt Nam, một “bộ phim tài liệu nhiều tập về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Việt Nam Cộng Hòa, lòng yêu thương đất nước và đồng bào Việt Nam.” Các chủ đề về y tế, phụ nữ, kinh tế, âm nhạc, giáo dục, thể thao… được hết lời khen ngợi. Nhóm chủ trương muốn để lại một số di sản quý giá của 14 triệu dân miền Nam Cộng Hoà cho tuổi trẻ Việt Nam ở khắp nơi. Họ cần được biết về chính trị, tài nguyên, con người thật sự chứ không bị xuyên tạc bằng những tác phẩm bất lợi và sai sự thật mà nhà nước cộng sản muốn thêu dệt.
Một số hội đoàn cùng nhau tổ chức gây quỹ để lấy tiền lo cho ngày Quốc Hận 30/4/2025, chẳng hạn Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, Liên Hiệp Cựu Chiến Sĩ Nam California, Tập Thể Chiến Sĩ QLVNCH Hải Ngoại-Trung Tâm Tây Nam, Viện Bảo Tàng Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa.
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã cho biết sẽ tổ chức đêm nhạc “Saigon Một Thoáng 50 Năm” nhằm trình bày những ca khúc về tình yêu quê hương, sự đấu tranh, niềm thương nhớ Saigon và vượt biển. Chương trình được sự đóng góp của một số ca sĩ như: Như Mai, Ngọc Trọng, Nguyễn Đức Đạt v.v…
Chương trình “Chiều Nhạc Quê Hương” trưa 23/3/25 rất đặc sắc với những bài hát bất hủ của cố nhạc sĩ Phạm Duy như: Tình Hoài Hương, Tình Ca, Ngày trở Về…, Nhật Ngân với Quê Hương Ơi Thôi Đành Xa, Nam Lộc với Người Di Tản Buồn, Nguyệt Ánh với nhạc đấu tranh Một Lần Đi, Trần Thiện Thanh – một trong tứ trụ Nhạc Vàng gồm Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cường và Trần Thiện Thanh – với Người Ở Lại Charlie và Anh Không Chết Đâu Anh, Ngân Khánh với Một Mai Giã Từ Vũ Khí mà theo nhạc sĩ thì ‘lính luôn đa tình và đáng yêu.”
Bên cạnh những sinh hoạt hội đoàn và văn nghệ, việc bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt cũng được hết sức chú trọng qua những Trung Tâm Việt Ngữ được mở ra vào mỗi cuối tuần cho con em chúng ta được hiểu biết thêm tiếng mẹ đẻ của mình. Hiện nay đã có chương trình dạy tiếng Việt tại trường tiểu học Murdy và DeMill thuộc học khu Westminster. Cô Francis Nguyễn Thế Thủy hiện là Ủy Viên Giáo Dục, một người rất tha thiết với việc truyền dạy Việt ngữ cho tuổi trẻ Việt Nam nơi đây.
Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, nhiều dịch vụ dành riêng cho người Việt đã được mở ra nhằm phục vụ hữu hiệu cho cộng đồng như: địa ốc, khai thuế, cố vấn pháp luật, văn phòng y, dược, nha khoa, trường dạy làm nails, hớt và uốn tóc…
Nhờ khéo tay, một số lớn phụ nữ theo nghề nails đã nuôi con ăn học thành tài. Có thể nói, đây là một nghề điển hình cho sự hội nhập của di dân Việt Nam với xã hội Mỹ và các sắc dân khác. Nghề này cũng đang được nhiều hãng có sáng kiến cung cấp vật liệu và dụng cụ như bồn ngâm chân, nước sơn đủ màu sắc mà thân chủ rất ưa chuộng.
Về phương diện chính trị, giới trẻ Việt Nam trong mùa bầu cử cũng tham gia nhiệt tình. Xin đơn cử một vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn dân biểu Tạ Đức Trí từng đắc cử vài lần tại địa hạt Westminster và một vài nơi khác, và Janet Nguyễn là nữ Thượng Nghị Sĩ duy nhất của chúng ta trong quá khứ. Cũng trong nhiều năm liên tiếp, cả hai vị đã được cộng đồng Việt tín nhiệm bầu vào quốc hội dưới nhiều vị trí khác nhau. Cộng đồng Việt cũng bỏ phiếu đông đảo cho Derek Trần, người vừa đồng bảo trợ và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Hạ Viện, cho phép Văn Phòng Hỗ Trợ của Cơ Quan Doanh Nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ (SBA) xem xét dữ kiện kinh tế quốc tế và đại diện doanh nghiệp nhỏ trong những cuộc thảo luận quốc tế.
Về mặt quân sự, dân tị nạn tại Hoa Kỳ đã nhập ngũ trong quân đội dưới nhiều cấp bậc: binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp tá và tướng, chẳng hạn Thiếu tướng Lương Xuân Việt, Phó Đề Đốc Hải quân Nguyễn Từ Huấn, Phó Đề Đốc Vũ Thế Thùy Anh…Số người nhập ngũ làm y tá, dược sĩ, bác sĩ cũng khá đông. Họ từng là con cháu của các bậc ông bà, cha mẹ thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Năm mươi năm đã qua đi, chương trình HO đã định cư một số lớn những vị sĩ quan được thả về từ nhũng trung tâm cải tạo cùng với gia đình. Họ đã làm lại cuộc đời với nhiều khó khăn, nhất là khi tuổi già ngày một chồng chất.
Sinh viên tại Việt Nam được du học tự túc hoăc hưởng học bổng từ một số Đại học nơi đây. Thực phẩm và nhiều loại hàng hóa được nhập cảng sau khi đã qua xét nghiệm và có đủ tiêu chuẩn do chính quyền Mỹ và một số quốc gia Âu Á khác đề ra. Người ta có thể về Việt Nam thăm gia đình hay lập gia đình, đưa con cái về xem thắng cảnh và sự phát triển của quê hương cũ.Nhưng dù có những khía cạnh lạc quan nêu trên, đối với những người đã từng ở trong cảnh lầm than ngày cũ, chắc hẳn họ vẫn không sao quên được ngày quốc hận của nửa thế kỷ vừa qua!