YẾN TUYẾT
Mới đó mà đã 43 năm trôi qua kể từ ngày 2/4/1982 khi tôi đặt chân xuống đất Mỹ.
Suốt tuần cuối của tháng Ba năm nay, vì cần nghỉ ngơi sau khi mổ mắt, tôi hay nằm dài ra, nhắm mắt và nhớ lung tung những chuyện xảy ra trong đời mình từ khi bước vào khúc ngoặt mới ấy.
Tôi nhớ lại những nơi chốn đã đi qua, những người mình đã gặp, những công việc mình đã làm, những đau khổ và hạnh phúc, những khó khăn và may mắn trong những năm tháng của quá khứ.
Kỷ niệm cứ tuần tự diễn ra trước mắt như những thước phim chiếu thật chậm. Tuy nhiên, chúng mông lung khi tỏ, khi mờ vì thời gian cũng đã quá lâu rồi.
Tháng Tư đối với tôi có nhiều kỷ niệm đặc biệt vì tôi sinh ra trong tháng Tư, miền Nam mất về tay Cộng sản ngày 30/4. Tháng 4/1992, tôi đoàn tụ với người yêu cũ sau 17 năm xa nhau.
Thế nhưng hôm nay tôi chọn cái ngày 2 tháng Tư này để nhìn lại các chặng đường đã đi qua ở nơi tôi chọn làm quê hương thứ hai. Tôi muốn chú ý đến những năm tháng tôi sống ở Mỹ với những thay đổi của nó theo thời gian.
Dĩ nhiên cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm ơn thượng đế và hãnh diện được sống ở California, một tiểu bang có tinh thần phóng khoáng nhất nước Mỹ , theo ý tôi. Cali cũng là nơi có khí hậu ôn hòa và các bãi biển đẹp nhất nước Mỹ luôn.
Điều đầu tiên, tôi muốn nhớ đến là thành phố Los Angeles – Thành phố Thiên Thần- đã chào đón chúng tôi khi bay đến Mỹ từ Thái Lan sau khi sống ở đó sáu tháng.
Trên đường đi từ Los Angeles về đến Downey, là thành phố đầu tiên tôi cư ngụ, vì có ông anh lớn bảo lãnh, tôi những tưởng mình đang sống trong mơ sau những ngày vượt biên, sau những trại tị nạn.
Những cao ốc, xa lộ thênh thang, nhà cửa khang trang, phố xá đẹp đẽ với đèn đuốc sáng trưng. Los Angeles trước đó tôi chỉ từng thấy được trong phim ảnh và sách báo nay ở ngay trước mắt mình hào nhoáng quá, sang trọng quá và văn minh quá.
Sau khi sống hơn sáu năm dưới chế độ Cộng sản khi qua Mỹ nhìn đâu chúng tôi cũng thấy hoa mắt, trầm trồ khen ngợi liên hồi.
Lần đầu tiên đem con đến ghi tên ở trường tiểu học, tôi không hề tưởng tượng một lớp học chỉ có khoảng 20 học sinh mà có tới hai cô thầy giáo.
Không như hồi mình đi học tiểu học thì có tới 50, 60 học trò trong một lớp. Lên Trung học thì 80, 90 môt lớp.
Tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi theo bước chân con lên trung học, rồi đại học. Tụi trẻ có không biết bao nhiêu là trường lớp, ngành nghề khắp nước Mỹ để tha hồ chọn lựa và học hỏi.
Sách vở thì in giấy đẹp và đầy tràn trong các thư viện. Trường học thì đồ sộ và đẹp đẽ như những lâu dài, dinh thự.
Hồi đó mặc dù ít học trò châu Á nhưng vấn đề kỳ thị trong trường học hiếm khi xảy ra.
Tôi đã sống qua nhiều căn apartment và nhà thuê ở những thành phố của quận Los Angeles như Hollywood, Downey, Norwalk rồi Bellflower.
Sau đó, khi di chuyển về San Diego thì sống ở hai thành phố La Mesa và San Carlos, rồi cuối cùng mới định cư dài hạn gần 30 năm nay ở Huntington Beach rồi Garden Grove thuộc Orange County
Như vậy, chỉ riêng California mà tôi đã kinh qua để sống ở đến ba quận hạt Los Angeles, Orange County và San Diego. Không biết có ai di chuyển nhiều như tôi không nhỉ?

Cũng nhờ kinh nghiệm ở apartment từng trên hay từng dưới, rồi tới nhà duplex, single house nên tôi biết được đời sống của những người dân Mỹ chung quanh mình vì họ thuộc đủ mọi hạng người.
Khi ở Los Angeles County và San Diego, hàng xóm của tôi là người thuộc đủ mọi sắc dân. Họ là những người Mễ, người Hy Lạp, người Ấn độ và dĩ nhiên có cả người da màu và da trắng. Trong số đó có người trở thành bạn tôi trong nhiều năm, có người chỉ là láng giềng rồi chia tay là quên nhau.
Sống giữa những người di dân giống mình, tôi chứng kiến việc nước Mỹ từng mở rộng tay chào đón mọi người di dân trên thế giới, giúp họ cơ hội học hành, làm việc và trở thành công dân Mỹ.
Chúng tôi được hưởng sự bình đẳng như mọi công dân người bản xứ khác. Nhờ đó, những di dân như chúng ta có thể đóng góp nhân lực và trí lực vào việc xây dựng cho Hiệp Chủng quốc này được giàu mạnh hơn.
Ở Hoa Kỳ, tôi từng nghe nói về sự ích kỷ và tinh thần cá nhân chủ nghĩa của dân Mỹ nhưng may mắn cho cá nhân mình, tôi tìm được tình người bàng bạc ở nhiều nơi.
Như khi ở LA, tôi nhớ đến cô hàng xóm người Mễ tên Mary làm nghề giữ trẻ. Mary có khi trông dùm con tôi không lấy tiền vì tôi không đủ tiền trả công. Cô Jane người gốc Hy Lạp bán chợ trời, hay cho con tôi các món đồ chơi mà cô mua rẻ ở chợ.
Ở San Diego, tôi gặp Tracy, một cô gái da màu chịu khó đi học accounting buổi tối, ban ngày đi bán Hamburger ở Mcdonald. Chuyên khó tin mà có thật là đôi khi Tracy nhờ tôi giúp làm homework vì văn phạm tiếng Anh của tôi khá hơn cô một chút! Trong khi tôi nói thì cô không hiểu lắm vì phát âm tiếng Anh giọng Việt. Vậy mà một thời gian ngắn sau, cô ấy ra trường và làm kế toán ở môt hãng nọ.
Khi tôi đau phải nằm nhà thương, mấy bà khách hàng người da trắng và Mễ thay phiên nhau chở con tôi đi học.
Trong 10 năm đầu ở Mỹ, tôi làm rất nhiều nghề tay chân, nào là may hàng gia công, hầu bàn, làm móng tay, bán hàng… nhờ đó, thông cảm được với tầng lớp lao động phải bươn chải như thế nào để kiếm sống bằng mồ hôi của họ khi không có cơ hội đi học hay được huấn luyện.
Sau đó, trong thời gian sống hơn 20 năm ở Orange County, tôi lần lượt làm việc trong ba cơ quan tư nhân vụ lợi: Hội Hiến Tủy Á Châu A 3M, Children Home Society of California và Council on Aging of Southern California.
Ở những cơ quan tư nhân vô vụ lợi này, tôi được làm bạn với những người có tâm hồn cao thượng bên cạnh việc có trình độ học vấn hay chuyên môn cao.
Tôi ngạc nhiên thấy nhiều người đồng nghiệp dù có kiến thức rộng và trình độ học vấn cao như trong cơ quan Council on Aging of Southern California, có ít nhất là ba luật sư, hai giáo sự đại học, còn lại phần lớn đều có Master ngành Lão Khoa – Gerontology; thế nhưng họ lại chọn làm việc cho các cơ quan trả lương thấp kể trên.
Hóa ra chỉ vì họ có tinh thần phục vụ tha nhân rộng lớn, không màng lợi danh và hết lòng giúp đỡ người yếu đuối, già cả và bệnh tật.
Ở những cơ quan này, tôi còn có dịp làm việc bên cạnh những thiện nguyện viên thuộc đủ mọi sắc dân, từng giữ những chức vụ quan trong trong xã hội như hiệu trưởng, giám đốc hay ngay cả từng là chuyên viên như bác sĩ, kỹ sư, sau khi về hưu vẫn muốn giúp đỡ người khác bằng cách tình nguyện làm việc không lương.
Và họ làm việc một cách tận tâm, có trách nhiệm và nghiêm chỉnh. Thái độ và cách cư xử của họ cho thấy họ là những con người ỏ Mỹ được đào tạo và hấp thụ đời sống văn minh và lịch sự được xây dựng từ nhiều thế hệ trước đây. Bởi vậy nên khi đợt người tị nạn đầu tiên đến Mỹ ngay sau 30/4/1975 đã được những gia đình người Mỹ như thế giúp đỡ.
Tôi không biết những người như họ còn sót lại bao nhiêu qua những đổi thay gần đây? Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều hy vọng lắm vì khi có những thiên tai xảy ra, người Mỹ rất hào phóng và rộng lượng trong tinh thần lá lành đùm lá rách.
Có dịp làm việc cho những chương trình xã hội và y tế hỗ trợ người lợi tức thấp hay cao niên, tôi thấy người dân Mỹ thật là may mắn vì được những chương trình giúp đỡ cho họ về nhiều mặt.
Những người lập các chương trình này trước hết phải người có lòng nghĩ đến những người yếu đuối, bệnh tật và đã bỏ tim óc và công sức để tìm hiểu về nhu cầu của đời sống. Họ chắc chắn đã phải tranh đấu để các chương trình y tế và xã hội trở thành đạo luật nhờ đó, không biết bao người dân không tiếng nói được giúp đỡ.
Đất nước Mỹ giàu có về tiền bạc nhưng chính sự có mặt của những tấm lòng vi tha muốn chia sẻ, những cánh tay mạnh mẽ muốn giúp đỡ người cô thế, cộng với sự tôn trọng nhân quyền đã khiến cho người dân Mỹ cảm thấy hãnh diện về một đất nước luôn được ngưỡng mộ và là mơ ước được trở thành công dân của hàng triệu người trên thế giới.
Nhìn lại 43 năm đã qua, tôi thấy cho dù mình từng làm những công việc rất nhỏ và tầm thường trong xã hội nhưng tôi đã làm đủ vai trò của một người di dân lương thiện. Tôi làm việc hết lòng và đóng thuế đều đặn, luôn nghĩ rằng đó là bổn phận và trách nhiệm (tuy đã có lúc cũng thấy buồn vì phải đóng “hơi nhiều” cho những cái check rất nhỏ của mình).
Thế nhưng, khi lái xe trên những đường phố không ổ gà hay những xa lộ rộng thênh thang có đường vẽ trật tự; hay khi đèn tắt vì gió bão là có người sửa chữa liền, tôi không than phiền nữa về việc đóng thuế của mình.
Khi đi bệnh viện, được những y tá và bác sĩ nhã nhặn hỏi han, săn sóc bên cạnh việc nằm trong phòng ốc vệ sinh, dụng cụ y tế tối tân, cơn đau hay sự sợ hãi của tôi tự nhiên giảm xuống.
Khi nhìn thấy con cháu mình được ngồi trong những trường ốc thoải mái, rồi sau đó được giúp đỡ tài chánh để có thể trả học phí đại học và bây giờ có cơ hội tìm được việc tốt, hợp với khả năng, tôi không buồn nữa.
Tôi từng cảm ơn cái đời sống hạnh phúc mà một người dân Mỹ tầm thường như tôi được hưởng.
Tiếc thay, trong thời gian gần đây, nước Mỹ mà tôi yêu mến có rất nhiều thay đổi.
Có vẻ như có nhiều hơn những người Mỹ bản xứ hay cả di dân chỉ muốn nhận nhưng không bao giờ muốn cho đi. Họ kiếm tiền nhiều nhưng không muốn trả thuế. Họ giàu có và tiêu xài phung phí, không cần biết đến những kẻ nghèo đói, không may mắn đang có mặt trong xã hội. Họ kỳ thị màu da, giai cấp. Họ gian tham hơn, độc ác hơn.
Dù sao đi nữa trong những năm tháng ngắn ngủi còn lại của một đời người, tôi cảm tạ Thượng đế đã cho tôi sống ở đất nước này và đã được hưởng hạnh phúc từ những gì mình tạo ra và nhận được.
Cảm ơn những năm tháng bình yên đã qua. Và tôi cố gắng nghĩ rằng cho dù những giông bão có xảy ra trong đời sống, chúng ta nên tiếp tục cầu nguyện và tin tưởng rằng nước Mỹ vẫn còn rất nhiều người yêu nước, yêu người, họ sẽ tranh đấu với lòng quả cảm để đất nước chúng ta được bình yên trở lại, như tôi đã từng được sống trong hơn 40 năm qua.
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/yen-tuyet/