50 năm ‘giải phóng’ như thế này phải không anh?

by Tim Bui
50 năm ‘giải phóng’ như thế này phải không anh?

LÝ THÀNH PHƯƠNG

LGT: Mượn ý ca từ “Bao năm giải phóng như thế này phải không anh” trong nhạc phẩm “Chiều Tây Đô” của nhạc sĩ Lam Phương, chúng tôi lòng trải ra đây những suy tư, trăn trở suốt bao năm qua đằng sau thực tế những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam, kể từ biến cuộc ngày 30/4/1975. Sau 50 năm thống nhất đất nước, có phải “Bên thắng cuộc” đã tạo nên những đột phá thần kỳ như họ đã quảng cáo, tuyên truyền, hay chỉ là ảo tưởng về viễn cảnh đổi thay từ lối tư duy “chủ quan duy ý chí?”   

“Chiến thắng” vĩ đại – Bước ngoặt lịch sử

Trong quá trình hình thành và phát triển đất nước, dân tộc Việt đã trải qua nhiều giai đoạn. Nhìn lại lịch sử, từ triều đại này chuyển qua triều đại khác đều thấy có một sự tiến bộ. Những sự tiến bộ này làm cho xã hội Việt Nam càng ngày càng văn minh hơn, nói một cách hãnh diện là có thể sánh vai với các nước khác trên bản đồ thế giới.

Trong thời kỳ cận đại, vì sự bảo thủ, nhà Nguyễn đã không chịu tiếp cận với nền văn minh thế giới lúc đó đang trở mình, Việt Nam trở thành một thuộc địa của Tây phương.

Với sự du nhập của chủ thuyết Cộng sản vào Việt Nam, lịch sử bước vào một giai đoạn mới mà những người theo Cộng sản gọi là “bước ngoặt.” Những bước ngoặt này bao gồm: bước ngoặt thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bước ngoặt Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bước ngoặt chiến thắng Điện Biên Phủ, và vào ngày 30/4/1975, họ đã làm nên một bước ngoặt mới mà họ gọi là “Chiến thắng vĩ đại – Bước ngoặt lịch sử.”

Với chiến thắng vĩ đại này, những người Cộng sản muốn đưa nước Việt Nam thống nhất tiến lên Chủ nghĩa xã hội mà họ cho là sẽ không còn giai cấp, mọi người được bình đẳng, và sẽ làm cho nước Việt Nam “tươi đẹp hơn gấp mười ngày nay.”

Đã qua 50 năm (1975 – 2025), những người Việt lưu vong ở hải ngoại đã chấp nhận nơi dung thân mới làm quê hương thứ hai. Nhân ngày kỷ niệm 30 tháng Tư này, chúng ta hãy cùng nhau phân tích xem “Bên thắng cuộc” đã tạo được bước ngoặt mới gì cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cụm từ “Bên thắng cuộc” là tựa đề một cuốn sách từng gây sóng gió của nhà báo Huy Đức, chúng tôi tạm mượn để ám chỉ phe Cộng sản Bắc Việt.

***

Sau khi “Bên thắng cuộc” chiếm lấy được miền Nam, thống nhất đất nước, họ lập tức dẹp đi Chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, con bài Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam của họ, với lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, sao vàng và thành lập nước Việt Nam thống nhất với cái tên “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và luôn luôn đi liền với cụm từ “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc.” Để thực hiện mục tiêu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, về phương diện chính trị, “Bên thắng cuộc” theo đuổi mô hình Chuyên chính vô sản.

Chuyên chính vô sản là gì?

Chuyên chính, một danh từ mỹ miều của thế giới Cộng sản, chẳng qua là sự độc tài chuyên chế của giới cầm quyền. Vô sản là giai cấp công nhân trong một xã hội tư bản hay giai cấp nông dân trong một xã hội nông nghiệp chưa phát triển đến tư bản.

Chuyên chính vô sản là sự quản trị đất nước mà giới lãnh đạo là giai cấp vô sản bằng hình thức chuyên chế để thực hiện mục tiêu của họ là Chủ nghĩa xã hội. Phương thức của họ trước tiên là tiêu diệt những thế lực gọi là “phản động” gồm những người của chế độ cũ mà họ gọi là “Ngụy quân – Ngụy quyền;” kế tiếp là tiêu diệt mầm mống của Chủ nghĩa tư bản mà họ gọi là đại diện cho sự bóc lột để tiến tới một xã hội không có giai cấp, không có sự bóc lột, mọi người được bình đẳng, và đồng thời xây dựng một “nền văn hóa Xã hội chủ nghĩa” dựa trên phương châm đạo đức cách mạng “Yêu nước chính là yêu Chủ nghĩa xã hội,”  và “Sống, chiến đấu, lao động, và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại;” bên cạnh việc tiêu hủy tất cả những giá trị văn hóa và đạo đức trước đó mà tiền nhân đã xây dựng qua mấy ngàn năm.


Chuyên chính vô sản có gì sai?

Cái không đúng nằm ở chỗ này: thành phần vô sản là những người công nhân hay nông dân cho nên vô sản thường đi đôi với vô học, hay ít học. Vô học hay ít học không phải là một điều xấu. Thượng đế sinh ra con người, có người này người khác. Người có đầu óc suy nghĩ nhiều thì có khiếu học, ra đời làm chuyện cần đầu óc; người có khiếu kỹ năng thì làm việc lao động chân tay; mọi người cùng nhau đóng góp vai trò của mình trong bộ máy của xã hội. Tuy nhiên, công việc quản trị xã hội là công việc của những người có “trí,” nắm vững  lý thuyết vận hành của xã hội, tuyệt đối không phải là công việc mà giai cấp vô sản, những người không có kiến thức và kinh nghiệm gì về xã hội có thể làm được.

Trong lịch sử Trung Quốc, Hán Cao Tổ Lưu Bang xuất thân từ một Đình trưởng (Trường Ấp) mà lại đánh bại thiên hạ, thống nhất Trung Hoa lập ra nhà Hán. Ông ấy cũng từng nói là đâu cần đám trí thức giúp việc triều đình, nhưng cuối cùng rồi cũng tỉnh ngộ và nhận ra rằng là những người vũ phu chỉ có thể dùng vũ lực đánh lấy thiên hạ, còn việc trị nước thì phải nhờ đến những người có ăn có học, hiểu biết về đạo lý trị nước và quản lý xã hội.

Chuyên chính vô sản đã xây dựng kinh tế như thế nào?

Karl Marx sáng tạo ra chủ thuyết Cộng sản chỉ cách cho giai cấp vô sản công nhân giành lấy chính quyền nhưng không dạy cho giai cấp công nhân làm sao xây dựng đất nước.

Lenin, lãnh đạo đảng Cộng sản Nga, thực hiện phương án này đánh đổ Nga Hoàng lập nên nước Cộng sản Nga và dùng mô hình kinh tế chính trị của riêng mình với Chuyên chính vô sản và mô hình kinh tế hoạch định cứng rắn tạo ra những kỳ tích ở nước Nga.

Khi những người Cộng sản Việt Nam thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, họ cũng theo mô hình nước Nga Xô của Lenin để quản trị đất nước, vì vậy họ gọi là theo chủ nghĩa Mác-Lenin. Trong thời kỳ chiến tranh 1955 – 1975, khi miền Bắc vừa thoát khỏi chế độ đô hộ của Pháp và của Nhật với nạn đói làm chết cả triệu người, một chế độ bao cấp như vậy, cũng như ở Nga vào thời kỳ đang đói khổ trước Cộng sản, đã thành công.

Khi chiếm được miền Nam, với kiến thức kinh tế hạn hẹp đóng khuôn trong thế giới Cộng sản, Lê Duẩn quyết định dùng mô hình kinh tế miền Bắc, ông ấy nói là “vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lenin vào hoàn cảnh Việt Nam,” đưa cả nước tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội mà không qua giai đoạn phát triển của kinh tế tư bản. Đây quả là một hành vi được người trong giới phân tích cho là phản động.

Tại sao lại là hành vi phản động?

Câu chuyện phản động là như thế này: Trong thời kỳ phong kiến vua chúa nắm quyền, kinh tế chính là nông nghiệp với thủ công nghiệp, một hệ thống sản xuất và cung cấp đồ dùng cho xã hội với tầm vóc địa phương. Cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ thứ 18, với phát minh ra máy hơi nước, điện và nhiều sáng kiến trong sản xuất dây chuyền đã tạo ra nhiều của cải vật chất hơn khiến cuộc sống của người dân nói chung được tốt hơn. Mặc dù những người Cộng sản chỉ trích là nền kinh tế tư bản đi đôi với sự bóc lột của giới chủ nhân, nhưng cũng nói như họ, đó là sự mâu thuẫn. Căn cứ theo quan điểm động thì mối mâu thuẫn giữa chủ nhân và công nhân dần dần sẽ được cải thiện như đã được chứng minh trong thời kỳ cận đại này.

Kinh tế tư bản đã đưa thế giới trước đó, trong tình trạng căn bản chỉ đủ sức cung cấp cái ăn cái mặc cho người dân và lúc nào cũng bị nạn đói do thiên tai lũ lụt đe dọa, bước vào thời kỳ thoải mái đủ thức ăn đồ dùng và không còn tình trạng thiếu thốn của ngày xưa.

Điều không thể chối cãi được là giai đoạn phát triển kinh tế tư bản là giai đoạn chuyển mình của nhân loại để tạo ra của cải dồi dào cho xã hội. Và căn cứ theo quan điểm động thì những mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất giữa chủ nhân và công nhân, một cách tự nhiên, cũng được giải quyết và dần dần cải thiện như đã được chứng minh trong các xã hội tư bản cao cấp tại các nước tiên tiến ngày nay.

Những người vô sản Việt Nam, có lẽ vì thiếu kiến thức về kinh tế và quản trị đã quyết định đưa nước Việt Nam tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội mà bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản. Việc này đồng nghĩa với bỏ qua giai đoạn công nghiệp hóa. Những nhà kinh tế tư bản tự hỏi là làm thế nào mà sản xuất được dồi dào cho dân giàu nước mạnh mà không xây dựng máy móc công nghiệp? Nhưng người Cộng Sản Việt Nam rất tự tin vì với lời vàng ngọc của Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Dời núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.”

Họ đã làm thế nào để xây dựng xã hội chủ nghĩa giàu đẹp?

Việc đầu tiên trong xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa là đánh tư sản, tiêu diệt “đám chủ nhân” đầy kinh nghiệm sản xuất và khả năng quản trị ở miền Nam và đày họ lên vùng kinh tế mới trồng củ khoai, nhưng éo le thay, củ khoai cũng từ chối không chịu mọc lên! Sau đó thì đưa “đám” phó giáo sư tiến sĩ tốt nghiệp từ Liên Xô vào tiếp quản các nhà máy xí nghiệp ở miền Nam. Những “nhà bác học Liên Xô” này, đại đa số là đảng viên đảng Cộng sản, thích diễn thuyết mà nhiều khi không hiểu chữ họ viết có ý nghĩa gì.

Trước đó, miền Nam với sự hậu thuẫn của Mỹ, cũng bắt đầu phát triển được chút công nghiệp khả dĩ cung cấp được các mặt hàng tiêu dùng cho dân chúng. Vài thí dụ tiêu biểu như những thương hiệu kem đánh răng Perlon, Hynos, xà bông Cô Ba, xà bông giặt quần áo hiệu Việt Nam, với bao bì tuyệt đẹp, xe hơi La Dalat, và rất nhiều thứ nữa.

Kết quả của quản lý kiểu xã hội chủ nghĩa với những người vô sản cầm quyền là những sản phẩm tiêu dùng dần dần biến mất. Thay thế vào đó là những xà bông giặt, kem đánh răng được phân phối như một cục đất sét dẻo nhẹo, và phân phối một cách hạn chế. Quần áo thì không còn và thay thế bằng những tấm vải thô được phân phối theo tiêu chuẩn một năm hai khúc. Giầy dép thì làm bằng vỏ xe hơi phế thải gọi là dép Bình Trị Thiên.

Về nông nghiệp, để thực thi phương thức làm chung hưởng chung, chính quyền buộc nông dân đưa ruộng đất của họ gia nhập tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp. Người dân miền Nam không mặn mòi mấy với hình thức này, thà bỏ ruộng hoang chứ không vào hợp tác xã. Kết quả sau mười năm bao cấp, gạo không có ăn, toàn quốc chỉ ăn toàn khoai củ và bo bo mua chịu của Liên Xô và Ấn Độ.

Thương nghiệp tư nhân bị hủy bỏ lập tức sau ngày 30/4 và thay thế bằng thương nghiệp quốc doanh bán theo sổ lương thực và hộ khẩu hàng tháng một cách nhỏ giọt. Hàng hóa rất khan hiếm và trở nên đắt đỏ trong thị trường “chợ đen.” Cả nước không có việc làm, chỉ đi buôn lậu kiếm chút cháo sống qua ngày.

Hậu quả của Chuyên chính vô sản

Trong thời kỳ mười năm đầu xây dựng Xã hội chủ nghĩa, sau này họ gọi là thời kỳ bao cấp, kinh tế Việt Nam suy sụp, người dân không có thực phẩm để ăn. Các cán bộ có quyền trong tay có cơ hội “hợp tác” với nhau. Cán bộ thương nghiệp có hàng tiêu dùng, cán bộ lương thực có gạo, cán bộ y tế có thuốc. Các chiêu thức mánh mung theo bản năng sinh tồn của con người tự nhiên được bộc lộ. Những kỹ năng lợi dụng quyền lực để trao đổi các hàng nhu yếu phẩm giữa các cấp chính quyền với nhau được sáng tạo và trau dồi, cho nên dù đất nước trong tình trạng nghèo đói, nhưng giai cấp cán bộ “vô sản” thì được ăn trên ngồi trước. Hiện tượng này gọi là “móc ngoặc.” Những hoạt động móc ngoặc làm cho giai cấp vô sản cầm quyền càng hiểu rõ rằng việc nắm giữ quyền lực là yếu tố sống còn để nắm lấy các quyền lợi kinh tế trong nước, dần dần trở thành một hành vi không những của giới cầm quyền mà còn là một văn hóa thống trị tư tưởng trong xã hội và tư duy của các thế hệ về sau.

Đến năm 1986, sau mười năm tiến lên Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam cuối cùng nhận ra là một sự sai lầm đáng tiếc, bèn tính chuyện đổi mới theo phương thức kinh tế thị trường theo “định hướng Xã hội Chủ nghĩa!”

Trước hết, chính phủ kêu gọi Việt kiều ở các nơi trên thế giới gửi “quà” về Việt Nam, sau đó thì cho phép Việt kiều về quê thăm gia đình, rồi tạo mọi điều kiện tốt để Việt kiều về nước đầu tư. 

Đối với các công ty nước ngoài thì họ mở rộng quan hệ thương nghiệp với các nước tư bản. Và cuối cùng cũng kêu gọi Mỹ bình thường hóa ngoại giao.

Không lâu sau, ngoại tệ từ nước ngoài đổ vào làm cho đời sống người dân đỡ khốn khổ hơn.

Nước ngoài dần dần đầu tư, mở hãng sản xuất ở Việt Nam tận dụng tiền nhà rẻ, nhân công rẻ làm cho GDP mỗi năm mỗi tăng lên. “Made in Vietnam” xuất hiện càng ngày càng nhiều trên thế giới. Nhưng mặc dù GDP cao làm cho mọi người đều có cảm tưởng là kinh tế Việt Nam đã trở nên phồn thịnh, nhưng lợi nhuận từ những con số này thì thuộc về các chủ nhân tập đoàn của nước ngoài. Người Việt chỉ được cái là có công ăn việc làm khỏi bị chết đói. Và một cái lợi nữa là giới cầm quyền được mập ra vì trục lợi trên đầu cơ đất đai và tiền hối lộ.

Công cuộc đổi mới có một kết quả lớn nhất là thu hút được một số lượng kiều hối khổng lồ độ chừng 30 tỷ đô la Mỹ kim mỗi năm từ số lượng khoảng 4 triệu Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới. Số tiền khổng lồ này mặc dù gởi về cho thân nhân ở Việt Nam, nhưng với sự móc ngoặc giữa Đảng và những giai cấp liên hệ qua đầu cơ đất đai, chứng khoán, trái phiếu, thì một phần lớn về tay giai cấp cầm quyền làm cho họ càng ngày càng trở nên giàu có.

Phần còn lại làm cho phố xá được xây dựng khang trang hơn, chốn ăn chơi, quán ăn nhậu mọc lên như nấm làm cho bộ mặt các thành phố lớn trở nên tráng lệ. Xã hội Việt Nam có hai bộ mặt và hình thành ba tầng lớp: Bộ mặt thành thị với phố xá tráng lệ và cuộc sống xa hoa và bộ mặt ngoài thành thị với cuộc sống của thời kỳ nghèo khốn của các thế kỷ trước thời kỳ hiện đại. Ba tầng lớp bao gồm: “Tư bản đỏ” với đặc quyền ký tên lấy tiền, tầng lớp đại gia có cơ hội ăn trên ngồi trước, và đại đa số giới bình dân thì lây lất sống qua ngày.

Ngoài ra, việc xây dựng một cách bừa bãi, vô tổ chức chỉ tạo vẻ đẹp bên ngoài, còn hạ tầng cơ sở, cống rãnh không tuân theo phương thức khoa học, tạo ra ô nhiễm môi trường, lụt lội, nghẽn tắc giao thông, không chóng thì chầy cũng sớm bị sụp đổ.

Bộ mặt xã hội Việt Nam sau 50 năm “Giải phóng”

Để thực thi công cuộc của Chuyên chính vô sản, Đảng Cộng sản Việt Nam nắm lấy chính quyền trong đó các đảng viên Cộng sản nòng cốt và con em của họ, đại đa số là từ miền Bắc, chia nhau nắm lấy các chức vụ then chốt từ trung ương cho đến địa phương. Với chế độ cai trị độc đảng này, chỉ có con em của các đảng viên mới có cơ hội vào đảng và tiếp tục ngôi vị lãnh đạo như trong hình thức “cha truyền con nối” trong thời kỳ phong kiến.

Trong quá trình tiến hóa của dân tộc, hiện tượng “tập ấm” này chỉ tồn tại trong thời kỳ phôi thai khi dựng nước dưới triều nhà Đinh, nhà Lê. Kể từ thời nhà Lý, triều đình đã có những khoa thi tuyển mộ nhân tài ra giúp nước. Nhưng trong chế độ Chuyên chính vô sản của Việt Nam thì chỉ có tầng lớp Đảng viên mới được cái đặc quyền quản trị đất nước.


Về phương diện chính trị, sau mấy chục năm xây dựng nền Chuyên chính vô sản, giai cấp vô sản cầm quyền cũng xây dựng được mô hình chính trị “tam quyền,” trong đó có hành pháp là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa, lập pháp là Quốc hội, và hệ thống tư pháp với các luật sư tốt nghiệp đại học Luật ở Việt Nam. Cái khác của tam quyền trong Xã hội chủ nghĩa là không có “phân lập.” Nhà nước là người của Đảng chỉ định, Quốc hội thì cũng do Đảng đưa ra ứng cử, và hệ thống tư pháp thì tất cả cũng do Đảng đạo diễn xử án theo ý Đảng. Đây cũng như những con rối bị giật dây trong một xã hội chưa có khái niệm “thượng tôn pháp luật.”

Thời kỳ đổi mới sau đó, nước ngoài thi nhau vào Việt Nam đầu tư, mua đất. Việt kiều có cơ hội về nước đem tiền về cho gia đình. Nước Việt Nam bỗng trở thành giàu có. Các chức vụ then chốt đều có cơ hội đẻ ra tiền. Với trình độ “tự học” mánh mung, móc ngoặc học được Thời bao cấp, qua Thời kỳ đổi mới, các chức vụ đều có giá cả rõ ràng. Trong thời kỳ hiện đại này, cả hệ thống nhà nước Xã hội chủ nghĩa đều có sự quy định giá cả cho mỗi vị trí trong cơ quan nhà nước, tùy theo mức độ để ra tiền của nó. Thật là “một bước ngoặt vĩ đại cho lịch sử dân tộc!”

Mua quan bán chức thì đã từng xảy ra trong lịch sử. Nhưng mua quan bán chức trong nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa còn ghê gớm hơn ta tưởng, khi nó đã thành một luật bất thành văn trong chế độ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, và Nhân dân làm chủ.” Ngày nay, mọi chức vụ, nếu có cơ hội móc ngoặc đẻ ra tiền, đều phải mua bằng một giá phải chăng.

Chính quyền của Chuyên chính vô sản cũng nhận được ít nhiều chỉ trích của các thế lực tư bản, cho rằng họ là giới cầm quyền dốt nát chỉ biết ký tên. Không lâu sau thì có chỉ thị các cấp chính quyền từ trưởng phòng (cấp quận/huyện) trở lên phải có ít nhất bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học (học hết lớp 12). Thế là giai cấp cán bộ đi học bổ túc văn hóa. Những người cán bộ này chỉ có trình độ tiểu học, có người còn viết chữ chưa rành, đi học bổ túc văn hóa chỉ trong một năm thì đã lấy được bằng trung học. Những người khác, chức vụ cao hơn thì học thêm một năm nữa lấy luôn bằng cử nhân, thạc sĩ. Ngày nay, Việt Nam là quốc gia có số lượng thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư cao nhất thế giới, đa số là cán bộ nhà nước, có điều là họ đều không biết ngoại ngữ và không sáng tạo được cái gì ra hồn, ngoài tài “lộng ngôn, vọng ngữ.” 

Dưới sự lãnh đạo của các tiến sĩ giấy này, chất lượng giáo dục ngày càng thấp kém. Quan chức trong ngành giáo dục cũng muốn kiếm cháo bằng cách đổi sách giáo khoa liên tục để bán cho học sinh các cấp và tạo ra nhiều loại chi phí khác nhau để thu tiền học sinh. Trên thế giới ngày nay, dù ở những nơi lạc hậu như ở Phi châu, một số nước kém phát triển ở Á châu, và châu Mỹ La Tinh, dù họ có nghèo cách mấy, cũng không có quốc gia nào thu phí học sinh ở bậc tiểu học, duy chỉ có nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa – Độc lập, Tự do, và Hạnh phúc là làm được điều đó. 

Trong lĩnh vực y tế, nhiều lần chức bộ trưởng y tế lại là người không phải trong ngành y tế. Không hiểu các vị này biết gì trong phạm vi y học lại có khả năng điều hành một ngành y cực kỳ phức tạp như vậy. Bệnh viện thì có bệnh viện tư dành cho người có tiền, còn bệnh viện công, muốn vào thì phải qua nhiều thủ tục như sắp hàng đăng ký, qua y tá, bác sĩ… Mỗi chặng đường đi qua mà không có phong bì thì phải chịu khó chờ lâu và sẽ được phục vụ theo tiêu chuẩn của người đi xin xỏ. Đây gọi là văn hóa phong bì!

Hạ tầng cơ sở yếu kém, đường xá xây dựng một cách lạc hậu, cầu cống bắc qua các con sông lớn phải nhờ vào sự giúp đỡ về tiền bạc và kỹ thuật nước ngoài, trong khi tiền bạc trong nước thì lại đem đi xây tượng đài, cổng chào, nhà mồ một cách vô ích. Cho đến bây giờ có người nói Việt Nam còn chưa chế tạo nổi một cái bù lon thật không có gì là quá đáng.

Tại sao lại như vậy? Chỉ vì tư duy mới nảy sinh trong thời kỳ 10 năm bao cấp đã hình thành và thống trị trong văn hóa bây giờ, cho nên chỉ có giới lãnh đạo cầm quyền có cơ hội hốt bạc mới tiếp tục ở lại để vơ vét của dân như một vị đảng viên đại biểu quốc hội từng nói là “Tiền trong dân còn nhiều lắm!” Những người có tài và những người tạo ra được chút của cải thì tìm cách di dân ra nước ngoài. Còn lại những người khác, “dân ngu khu đen” nếu có cơ hội thì cũng lập tức đi ngay. Trong tâm thức của mọi người, mọi giới chỉ là kiếm tiền để đi ra nước ngoài sống, đâu có ai nghĩ đến chuyện xây dựng đất nước xã hội. Khái niệm nơi chôn nhau cắt rốn không còn tồn tại trong tư tưởng của người Việt, đến nổi có câu nói “nếu cái cột đèn mà có chân thì nó cũng đi luôn!”

Sản xuất và xây dựng không có kế hoạch nên gây ra nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng ở các thành phố lớn. Ở miền Bắc các con sông đều ô nhiễm nặng. Còn trong miền Nam thì ngày nay trẻ con cũng không dám nhảy xuống sông. 

Với luân lý hốt bạc “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi,” Chuyên chính vô sản khai thác rừng vô tội vạ. Ngày nay rừng núi chỉ còn lại những cây non cỏ dại, mà giới cầm quyền thì không có chương trình gì trồng lại những cánh rừng này. Sau vụ thải hóa chất độc hại Formosa ở Hà Tĩnh, khu vực Thanh – Nghệ -Tỉnh và lân cận bị ô nhiễm trầm trọng. Nhưng Formosa đã dùng tiền để bịt miệng từ trên xuống dưới cho nên không còn ai quan tâm đến những hoạt động tiếp tục phá hoại môi trường của họ nữa. Với chủ trương triệt nguồn nước xuống đồng bằng sông Cửu Long, Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đồng chí “môi hở răng lạnh” của Việt Nam tạo ra các đập thủy điện khổng lồ trên thượng nguồn và lái các nguồn nước đi nơi khác. Hậu quả là ngày nay, ruộng đồng ở miền Nam, vựa lúa của cả nước, nơi mà mùa nước lũ nước tràn ngập cánh đồng với vô số thủy sản các loại, nay thì bị khô cằn và nhiễm mặn. Than ôi, còn chi là “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu!”

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa ở khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, nay thuộc về đồng chí Trung Quốc. Thêm vào những mỏ bô xít, cao lanh, đất hiếm, thậm chí đến mỏ than Quảng Ninh cũng chịu chung số phận.

Với công cuộc tiêu diệt văn hóa gọi là đồi trụy của thời trước do tiền nhân xây dựng qua mấy ngàn năm và thay thế bằng đạo đức cách mạng mơ hồ, đạo đức trong xã hội ngày càng suy đồi. Những khung luân lý vô hình bao trùm trong xã hội dần dần biến mất, để lại cho con người trở lại bản chất dã thú của mình. Người ta sẵn sàng áp dụng nhục hình với một ai đó vì một câu chuyện nhỏ nhoi. Con người hành xử văn hóa một cách kỳ lạ không theo sự tiến hóa chung của một xã hội văn minh như các quốc gia trên thế giới.

Với tư duy như vậy, đạo đức nghề nghiệp không còn tồn tại nữa. Người thương buôn sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để được lợi nhuận. Thực phẩm giả và đầy hóa chất tràn lan trong xã hội như một thiên la địa võng không có cách nào tránh được. Người hiểu chuyện tự nhủ rằng “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết.” Thế mà Chuyên chính vô sản thì cứ làm ngơ cho dân mình đi vào con đường diệt chủng.

Bác Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời từng nói: “Bây giờ đất nước mình có nhiều ô tô chạy đầy đường,” tốt hơn nhiều so với thời kỳ ở trong rừng. Nhưng chỉ có điều là mình không làm ra được cái bù lon đinh vít cho chiếc ô tô, và đường xá thì chật hẹp, xe cộ thì kẹt cứng. Có người hỏi bác vậy thì chừng nào nước mình tiến đến Xã hội chủ nghĩa để mọi người được hưởng “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” thì bác Trọng trả lời là “mình đang đi đến đó!”

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/i-to-p/ly-thanh-phuong/

You may also like

Verified by MonsterInsights