Tưởng niệm Mother Teresa Một tâm hồn bác ái bao la trong thế kỷ XX

by Tim Bui
Tưởng niệm Mother Teresa Một tâm hồn bác ái bao la trong thế kỷ XX

THANH PHONG

Nhân dịp tưởng  niệm 27 năm Mẹ Têrêsa (Mother Teresa) qua đời vào ngày 5/9/1997, xin cùng tìm hiểu về cuộc đời của một bậc vĩ nhân đáng kính mà khi lìa trần được cả ba quốc gia Ấn Độ, Albani, và Hoa Kỳ chịu quốc tang và khắp thế giới thương tiếc.

Theo tài liệu của Tòa Thánh Vatican, Mẹ Têrêsa sinh ngày 26/8/1910 tại Skopje, Albani, là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu, được lãnh nhận bí tích Rửa Tội với tên gọi là Gonxha Agnes, rước lễ lần đầu lúc năm tuổi rưỡi và lãnh bí tích Thêm Sức vào tháng Mười Một năm 1916.

Năm lên tám tuổi, cha cô Gonxha Agnes đột ngột từ trần. Tuy gia đình lúc ấy lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng người mẹ vẫn cố gắng tiếp tục làm mọi việc để nuôi nấng dạy dỗ các con với tình yêu thương dạt dào. Chính lòng yêu thương phục vụ và tinh thần đạo đức của người mẹ đã tác động rất lớn đến tính tình và ơn gọi của Gonxha Agnes.

Năm 18 tuổi Gonxha Agnes ước ao được trở thành một nhà truyền giáo. Được sự khuyến khích của mẹ, Gonxha Agnes từ giã mẹ và gia đình vào tháng Chín năm 1928 để gia nhập Tu Viện Đức Nữ Đồng Trinh Maria, thuộc Dòng Nữ Tu Lorento ở Ái Nhĩ Lan (Ireland). Tại đây Gonxha Agnes nhận tên gọi mới “Maria Têrêsa” tên của Thánh Têrêsa thành Lisieux (tức là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu). Tháng Mười Hai năm 1929, nữ tu Têrêsa  lên đường đến Calcutta của  Ấn Độ vào ngày Sáu tháng Giêng. Hai năm sau cô khấn lần đầu và được Bề Trên  gửi đến phục vụ tại Cộng đồng Loreto Entally tại Calcutta với nhiệm vụ dạy học tại trường Nữ Saint Mary’s School. Ngày 24/5/1937 cô Têrêsa khấn trọn đời dâng mình phục vụ Chúa với khẩu hiệu “Người Bạn Trọn Đời của Chúa Giêsu.” Bảy năm sau cô trở thành hiệu trưởng của ngôi trường này, và từ đây cô được gọi là  “Mẹ Têrêsa.”

Vào ngày 10 tháng Chín năm 1946 trên chuyến xe lửa từ Calcutta đi Darjeeling để tham dự tĩnh tâm thường niên, Mẹ Têrêsa nghe tiếng Chúa gọi hãy thành lập một Tu Hội Truyền Giáo Bác Ái để  cho các nữ tu dấn thân phục vụ  những người nghèo khó. Sau gần hai năm cầu nguyện và đắn đo suy nghĩ, ngày 17/8/1948 Mẹ Têrêsa được phép khởi công xây dựng Tu Hội. Lần đầu tiên Mẹ mặc  áo dòng trắng viền xanh bắt đầu ra khỏi cổng tu viện Loreto để khởi đầu bước vào thế giới của những người cùng khổ. Mẹ được một nữ tu có chuyên môn về  Y tế ở  Patna hướng dẫn cấp tốc về nghiệp vụ y tá. Sau khóa học ngắn đó, Mẹ trở về Calcutta và tạm trú cùng các Nữ Tu Tiểu Muội Người Nghèo. Hàng ngày Mẹ ra đi tìm đến các hang cùng  ngõ hẻm để thăm hỏi các gia đình nghèo, săn sóc, băng bó  các vết thương cho người bệnh và trẻ con, giúp người già hấp hối và những phụ nữ sắp chết vì đói và bệnh lao phổi. Trong thời gian đi giúp người nghèo khổ và bệnh tật, Mẹ luôn kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi. Sau thời gian ngắn, một số cựu học sinh của Mẹ đã theo Mẹ cùng đi làm việc bác ái.

Sau khi Tu Hội Truyền Giáo Bác Ái của Mẹ chính thức được thiết lập tại Tổng Giáo Phận Calcutta vào ngày Bảy tháng Mười năm 1950, Mẹ Têrêsa bắt đầu gửi các nữ tu đến nhiều vùng tại Ấn Độ, rồi từ đó Tu Hội của Mẹ lan rộng sang các nước Venezuela, Tanzania, Roma và nhiều nước khác trên thế giới với  gần 4600 nữ tu được phân phối trong 610 tổ chức tại 132 quốc gia trong đó có Việt Nam, đặc biệt Mẹ đã thành  lập được các Tu Hội tại một số nước Cộng sản như Albani, Cuba, Việt Nam và Liên Xô. Năm 1963 Mẹ Têrêsa thành lập Tu Hội các Sư Huynh Truyền Giáo, năm 1976 thành lập Dòng Nữ Tu Chiêm Niệm. Ngoài việc thành lập các Tu Hội, Mẹ Têrêsa còn thành lập các tổ chức quy tụ các người không cùng tôn giáo với Mẹ nhưng có tinh thần giúp người nghèo khó để chia sẻ và sự cảm thông của họ.

 Với sự hy sinh lớn lao cho người nghèo khổ và giúp người bệnh hoạn trên khắp thế giới, Mẹ Têrêsa được các quốc gia trao cho nhiều giải thưởng cao quý, đặc biệt năm 1979 Mẹ Têrêsa được trao Giải Nobel Hòa Bình. Khi nhận giải thưởng cao quý này, Mẹ coi đó là làm sáng danh Thiên Chúa và nhân danh kẻ nghèo chứ không phải  vinh danh Mẹ. Mẹ Teresa đã sang Việt Nam hai lần vào năm 1994 và 1995.

Nói chuyện với các người Việt đến gặp Mẹ, Mẹ Têrêsa thường dặn dò “Các con hãy cùng Mẹ cảm tạ Chúa, vì Việt Nam là quốc gia thứ 100 mà  các nhà Thừa Sai Bác Ái hoạt động, và nhà tại Việt Nam là nhà thứ  500 của họ”..Với dáng người nhỏ bé nhưng vững vàng trong đức tin, Mẹ Têrêsa đã được trao phó sứ mệnh loan truyền lòng Chúa yêu thương những người nghèo khó, hèn kém nhất. Mẹ thường nói về nguồn gốc của mình như sau:  “Xét theo huyết thống, tôi là người Albani, xét theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ, xét theo đức tin, tôi là  một nữ tu Công giáo, xét theo ơn gọi của tôi, tôi thuộc về thế gian này. Còn về trái tim tôi, tôi hoàn toàn thuộc về  Trái Tim Chúa Giêsu.” 

Vào tháng Ba năm 1997 Mẹ Têrêsa  chúc lành và trao chức vụ Mẹ Tổng Bề Trên cho nữ tu kế vị. Sau lần gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo  II cũng là lần gặp cuối cùng, Mẹ  Têrêsa trở về Calcutta và trải qua những ngày cuối cùng. Ngày 5/9/1997 Mẹ Têrêsa đã được Chúa đem về Trời. Chính phủ Ấn Độ đã làm lễ quốc táng với sự tham dự của nhiều quốc trưởng, thủ tướng các nước trên thế giới. Ngoài Ấn Độ, Hoa Kỳ và Albani cũng chịu quốc tang để tỏ lòng tôn kính một vĩ nhân của nhân loại đã hiến trọn cuộc đời săn sóc, giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật trên toàn thế giới. Sau khi Mẹ Têrêsa qua đời được hai năm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã cho phép mở hồ sơ phong thánh cho bà,và  sau 6 năm Mẹ Têrêsa đã được phong Chân Phước, có lẽ Mẹ Têrêsa là  người được phong Chân Phước nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.



You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights