“Rợ” hay “chợ” mấy nhà?

by Tim Bui
CHỮ & NGHĨA - Xã hội hóa

HAI DỐT

Từ lâu, trên các diễn đàn thường bàn cãi một chữ trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan. 

Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà

Với rất nhiều người và nhiều ý kiến cho rằng, chữ “rợ” không đúng mà phải là “chợ” thì mới phải.

Chợ thì ngày nay con nít vài tuổi cũng biết, Hai tui khỏi bàn. Còn “rợ” thì….

Hầu hết các tự điển Việt-Việt từ Đại Nam quấc âm tự vị cho tới những tự điển mới trong thế kỷ 20 đều định nghĩa tương tự nhau. Nghĩa đồng nhứt đa số là “mọi” chỉ người không cùng gốc với số đông trong hoặc ngoài quốc gia, nay uyển ngữ kêu là “dân tộc ít người.

Rợ có các nghĩa sau trong Đại Nam quấc âm tự vị in năm 1895-1896 tại Sài Gòn:

Mọi rợ, chỉ các dân tộc ít người trong hoặc ngoài quốc gia.

Bí rợ, bí trái lớn, vỏ cứng, ruột vàng, có hột ăn ngon sau khi rang lên; còn kêu là “bí ngô” [người Bắc Việt].

Tính rợ, tính nhẩm vốn là thói quen của các bà các chị buôn bán ở chợ.

Còn tự điển do Văn Tân chủ biên in năm 1991 tại Hà Nội ngoài nghĩa mọi rợ còn có:

Rợ: dây nhỏ buộc chân gà, màu sắc sặc sỡ, khó coi.

Chỉ với những nghĩa này thì Bà Huyện xưa viết “chợ” là có lý. Thế nhưng lẽ nào bà ta có Thiên lý nhãn đứng từ rất xa mà ngó thấy “bên sông chợ mấy nhà”? Làm sao bà phân biệt được chỗ nào chợ và chỗ nào không? Mà chợ ở đâu giữa cá vùng rừng núi mênh mông này? Và từ rất xa làm sao Bà Huyện biết được đó là “chợ”? Câu hỏi này dường như các nhà phản biện chưa đặt ra hay trả lời không thông! Và những người bảo vệ chữ rợ trong thơ Bà Huyện cũng vì thiếu thông tin nên đành bó tay, chấp nhận chữ “chợ” chứ trong lòng không phục lắm, trong số đó có Hai tui.

Vốn dốt kinh niên, dốt thường trực nên Hai tui luôn kè kè theo mấy cuốn tự điển của tiền nhân từ Tự vị Latin của Bá Đa Lộc cho tới mấy cuốn tự điển hiện thời. Và có thể nói rằng, tất cả những cuốn tự điển đã in từ trước tới nay đều ứ có nghĩa nào khác ngoài mấy định nghĩa nói trên.

Gần đây, Hai tui rảnh quá nên mò tới mấy tự điển chữ Nôm và phát giác ra một điều. Đó là chữ “rợ” xưa là chữ Nôm, trong Hán tự không có chữ Rợ. Nghĩa là chữ rợ là chữ Việt rặt ròng không lai tạp, không dính dáng gì tới chữ nghĩa nước ngoài. Các sách Tàu, khi nó tới những dân tộc mà họ khinh thường đều dùng chữ “man di” với nghĩa là “mọi rợ” chớ không có chữ “rợ”. Sẽ có người hỏi lại “Vậy chớ họ gọi là “rợ Hung Nô thì sao?” Xin thưa, họ chỉ kêu Hung Nô là giặc chớ chưa bao giờ kêu là rợ hết! Chỉ khi dịch nghĩa từ chữ Hán sang chữ Việt mới xuất hiện chữ Rợ.

Vậy rợ còn có nghĩa là gì?

Xin thưa, chữ đó còn có nghĩa là “dựa dẫm, dựa vào”, một cái nghĩa mà lâu nay chúng ta ít hoặc chưa bao giờ thấy. Và với cái nghĩa này, thì Hai tui nghĩ bà Huyện nói chính xác là “rợ” chứ hổng phải “chợ.”

Đứng ngó từ xa thấy và căn nhà đứng dựa bên sườn núi là có lý hơn xác định nó là “chợ mấy nhà.” 

Lác đác bên sông rợ mấy nhàChớ làm sao mà ngó thấy bên kia sông có “lác đácchợ mấy nhà” cho được. Tầm mắt của con người dẫu là người mắt sáng như sao thì cũng hạn chế bởi không gian và cảnh vật, thì không thể nào thấy lác đác cái “chợ mấy nhà.” Mà đã là chợ thì sao có mấy nhà? Xin quý vị vô trang tự điển Lantern tra phần chữ Nôm coi có đúng không!


THƠ

Qua đèo ngang
bà HUYỆN THANH QUAN

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta…

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights