Sài Gòn tháng Bảy âm lịch

by Tim Bui
Sài Gòn tháng Bảy âm lịch

NGUYÊN QUỐC

Tháng Bảy âm lịch, tháng “Vu Lan báo hiếu”, tháng “cô hồn”, mùa  “xá tội vong nhân”… cũng là tháng bắt đầu bước vào tiết Thu, tiết trời dịu mát, quyến rũ nhất trong năm, dù trời Sài Gòn vẫn nóng hầm hập. Tháng Bảy cũng là tháng rục rịch chuẩn bị cho mùa Trung Thu sắp đến…

“Né né” để bớt… cô hồn sống!
Tháng Bảy năm nay, nghe chuyện một một số bà con buôn bán ở khu Đèn Năm Ngọn (khu chợ vải Soái Kình Lâm, góc Phùng Hưng – Trần Hưng Đạo, quận 5) có… chiêu mới để … né đám giựt cô hồn sống mà… đã cái bụng.

Sau rằm tháng Bảy người Sài Gòn bắt đầu tục cúng cô hồn, còn đối với đám con nít, chúng gọi là “mùa giựt cô hồn”. Giựt cô hồn xuất phát từ tục cúng cô hồn cũng được xem là nét văn hóa và xuất phát từ rất lâu. Gia chủ dọn một mâm đồ cúng ra ngoài sân để cầu an cho những vong linh còn vất vưởng, phiêu bạt. Tục cúng cô hồn còn có tên gọi khác là tục cúng chúng sinh. Trong mâm cúng, thường là bánh, kẹo, trái cây, cháo; nhà nào khá hơn thì cúng gà luộc, heo quay. Sau khi cúng xong, đồ cúng sẽ được phân phát cho người nghèo, người đi đường. Trong một khu phố có thể thấy hình ảnh rất nhiều những đứa trẻ đua nhau đến giựt các mâm đồ cúng. Có lẽ càng ngày càng nhiều lũ trẻ giựt cô hồn nên mâm đồ cúng dần thay đổi gồm trái cây, cóc ổi, thèo lèo, mía khúc, đậu phộng nấu…

Ở góc độ nhân văn, tục cúng cô hồn mang ý nghĩa đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí. Trong mâm cúng, các món chọn cúng không cần phải quá cao sang, những loại đồ ăn mặn thường là đồ khô dễ mang đi. Ngoài ý nghĩa xá tội vong nhân, giúp đỡ, bố thí ma đói để các vong linh không quấy nhiễu gia chủ giúp họ yên ổn làm ăn, tục giựt cô hồn sau khi cúng cô hồn xem như việc giúp đỡ cho cả người trần và người âm. Vì sao cúng cô hồn lại mong bị giựt? Dân gian cho rằng “Đồ cúng phải giựt mới linh.” Ở Sài Gòn người ta quan niệm cúng cô hồn phải có người đến giựt mới hên! Có khi đang cúng đã có người tới bưng cả mâm đi. Hành động này không phải là cướp giật gây phản cảm mà chính là phong tục, văn hóa của người miền Nam hay người Sài Gòn.

Chiều tối ngày 18/8 (rằm tháng Bảy âm lịch), nhiều gia đình buôn bán tại khu Đèn Năm Ngọn đã chuẩn bị mâm lễ, trái cây, gà, heo quay, tiền lẻ, vàng mã để cúng cô hồn. “Ti dô” (thông tin) này lộ ra nên từ sớm đã có hàng trăm “băng” cô hồn… sống tụ về nơi đây. Nhưng đám cô hồn này sớm thất vọng, tiu nghỉu bỏ về vì biết chủ nhà thuốc Đông y cổ truyền Phùng Hưng Hãng (186 Trần Hưng Đạo, quận 5), thay vì cúng tiền như thông lệ, thì chỉ tổ chức tặng quà gồm: gạo, mì, nước tương và nhu yếu phẩm cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Ông Ban Trí (chủ nhà thuốc Phùng Hưng Hãng) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi chuyển sang phát 1.000 phần quà gồm gạo, đường, muối, dầu ăn… gửi đến người dân khó khăn theo danh sách phát phiếu từ trước. Những năm trước, gia đình tôi chuẩn bị tiền để rải cho người dân đến giựt cô hồn với mong muốn càng nhiều người giật thì nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia chủ. Nhưng nhiều năm qua, việc rải tiền cũng gây mất trật tự, ảnh hưởng đến mọi người, địa phương khuyên gia đình ngừng rải tiền.

Ông Trí và nhiều chủ tiệm ở khu này, làm vậy là quá… chí lý. Nhiều năm nay, không khó để người dân Sài Gòn nhận thấy, từ tục cúng cô hồn vào tháng Bảy âm lịch đã hình thành rất nhiều… “băng cô hồn sống” chuyên nghiệp! Các “băng” này, có cả chục mạng, đủ cỡ tuổi, từ choai choai 15, 16 tuổi đến vài ba chục tuổi. Mỗi băng đều có sự phân công, sắp xếp bày binh bố trận, lớp trong lớp ngoài để giựt… cô hồn rất bài bản. Mỗi “băng” đều trang bị vài ba cây vợt bằng vải mùng, đường kính cả mét, có sào dài vài mét, được đồng đội “ba rê” để đứng dưới lầu hoặc ban công những nhà khá giả thích cúng cô hồn bằng cách… rải tiền. “Chiêu” hứng tiền cúng bằng vợt này, tỏ ra rất lợi hại khi hầu như họ hứng được gần trọn số tiền mà gia chủ rải ra, chưa kịp bay tán loạn… theo gió và rơi xuống đất. 

Vào tháng cô hồn, có băng kiếm được của hoạnh tài cả chục triệu mỗi ngày là thường. Nên thường, có “ti dô”, là có khi cả chục băng không hẹn mà khắp nơi hội ngộ tại một địa điểm, rồi dàn quân, bố trận… rất dễ xảy ra xô xát, đụng độ rồi… choảng nhau, gây náo loạn cả một khúc đường, khu phố là chuyện… nhỏ. Quá khứ, đã không có ít đám giựt cô hồn rồi dẫn đến ẩu đả, đâm chém, gây đổ máu, thương tích.

“Lành” hơn là những đám… cô hồn sống, chuyên “me” ở các nhà giàu, nhà nghệ sĩ nổi tiếng, các tiệm mặt tiền buôn bán lớn, văn phòng các công ty… Những đám này thường cơ động bằng xe gắn máy, đi rảo và đánh hơi rất tài tình. Thấy có “mùi cô hồn” là cả đám liền “à la xô” nhào vô… giựt, bất kể gia chủ mới vừa bày mâm, bày bàn, chưa kịp đốt nhang, lên đèn. Đã có nhiều nhà cả chục người, văn phòng công ty cả chục nhân viên mới lễ mễ chuẩn bị đã những đám cô hồn này bị ào vô giựt, chỉ trong chớp nhoáng là cả văn phòng, cả nhà như bị một trận bão, trận cuồng phong… cấp 8 quét qua, tan hoang, đổ nát! Sau khi… giặc rút đi mà nhiều gia chủ, người trong cuộc vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, chưa kịp hoàn hồn. Sau đó, kiểm tra lại thì thêm cái hạn… mất của, đồ đạc trong nhà, trong văn phòng. Đúng là, cúng lộc đâu chưa thấy mà… hạn đã đến!

Thôi thì, tập tục nào cũng phải “biến thể” theo dòng chảy cuộc sống. Tiền cúng, thay vì rải ra để… rước họa, thêm phiền lụy, thì nay gom góp lại, ít nhiều làm thiện nguyện với người thất thế, cơ nhỡ, cũng là tạo nghiệp trong tháng “xá tội vong nhân.”

Bánh Trung Thu: Vẫn chờ một mùa… hên, xui
Như một thói quen, mới bước vào tháng Tám, đầu tháng Bảy âm, nghĩa là còn hơn tháng nữa đến Trung Thu mà bánh Trung Thu đã chộn rộn “xuống đường”. Các con đường lớn ở quận Nhất, quận 10, 5, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, như: Hùng Vương, Ba Tháng Hai, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Sỹ, Ngã 6 Lý Thái Tổ, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Đồng, Xô Viết Nghệ Tĩnh… đã thấy hàng dãy tiệm bánh Trung Thu, đủ các thương hiệu: Như Lan, Đồng Khánh, Kinh Đô, Bibica, Bảo Minh… được bày bán, chào mời. Năm nay, bánh Trung Thu giá bình dân được các doanh nghiệp tung sớm ra thị trường, “khỏi” có các chiêu thăm dò thị hiếu, bởi kinh tế vẫn khó khăn, chi tiêu của người tiêu dùng có phần dè xẻn. Thị trường bánh Trung Thu, có lẽ hấp dẫn người mua nhiều nhất là ở thời điểm cuối tháng Bảy và tuần đầu tháng Tám Âm lịch. Đó là lúc mà người mua bận rộn nhất để mua bánh để… biếu! Giá bánh năm nay cũng chỉ “nhỉnh” hơn giá năm ngoái, chỉ ở khoảng 60.000-75.000 đồng/bánh 2 trứng, loại 150gr, với nhiều loại nhân truyền thống quen thuộc đậu xanh, khoai môn, sữa dừa, hạt sen, thập cẩm…

Rảo quanh, dạo giá các thương hiệu bánh lớn, có uy tín cho thấy, giá bánh năm nay tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/bánh so với năm trước. Giá bán phổ biến 45.000 – 150.000 đồng/cái tùy kích cỡ và thương hiệu. Trong đó, dòng bánh Đồng Khánh (đa số là các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất) có giá thấp nhất từ 45.000 – 70.000 đồng/cái; bánh Kinh Đô có giá phổ biến 60.000 – 140.000/cái, đặc biệt loại gà quay 4 trứng (800g) giá 410.000 đồng/cái. Tương tự, một số đơn vị sản xuất bánh Trung Thu có tiếng trong nước cho biết, giá bán một số loại bánh sẽ tăng 1.000 – 4.000 đồng/cái so với năm ngoái. Loại có trọng lượng 150 – 200gr dao động từ 50.000 – 200.000 đồng/cái. Một hộp bánh Trung Thu, với 4 – 6 cái có giá 200.000 – 500.000 đồng, riêng những hộp bánh cao cấp có giá từ 500.000 – 5.000.000 đồng/hộp. Mức giá này tăng từ 2.000 – 5.000 đồng/cái so với năm ngoái.

Nguyên nhân khiến giá bánh tăng là do giá các loại nguyên, vật liệu làm bánh năm nay tăng cao hơn so với năm trước. Tuy vậy, với nguồn nguyên liệu được dự trữ sẵn, các thương hiệu đã luôn trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng ngay lượng lớn bánh Trung Thu nếu thị trường hút hàng.

Riêng với dòng bánh cao cấp, Tai Thong Bakery – thương hiệu bánh nhập cảng, cho biết năm nay sẽ ra mắt bộ sưu tập vẻ đẹp vượt thời gian với 6 phiên bản quà tặng và 14 hương vị bánh đa tầng. Mức giá phổ biến từ khoảng 800.000 đồng – 1,6 triệu đồng/hộp 4 cái. Khách sạn Sheraton Saigon Grand Opera cũng ra mắt bộ sưu tập bánh Trung Thu hạng sang, với giá từ gần 1,5 triệu đến gần 3 triệu đồng, tùy phiên bản hộp. Tại The Reverie Saigon, khách sạn này từ tháng 7 đã tung ra thị trường nhiều hộp bánh quà tặng có giá thấp nhất gần 1,4 triệu đồng, cao nhất khoảng 2,5 triệu đồng. Hiệu bánh quen thuộc với người dân Sài Gòn là Brodard cũng có nhiều dòng quà tặng như: Hương sắc bốn mùa, Dạ nguyệt đoàn viên, Non sông gấm vóc… với mức giá thấp nhất hơn 1,5 triệu đồng, cao nhất 6,6 triệu đồng/hộp. Tại Brodard, giá bánh lẻ cũng từ 170.000 – 400.000 đồng/cái, tùy loại nhân và trọng lượng.

Bà Kim Thủy, chuyên gia làm bánh Trung Thu cao cấp theo đơn đặt hàng làm quà tặng, cho biết: rất khó để định giá đúng giá bánh Trung Thu ở mức nào. Nhiều khi giá trị chiếc hộp còn cao hơn… cả bánh bên trong vì nhu cầu hình thức. 

Vẫn chưa vào mùa, các nhà sản xuất bánh Trung Thu vẫn đang “nghe ngóng” lượng khách mua, chưa đẩy mạnh xuất hàng tới các đại lý với số lượng lớn, trừ những đơn hàng được doanh nghiệp và đại lý đặt trước. Bên cạnh những loại nhân bánh hương vị truyền thống như: thập cẩm, sữa dừa, đậu xanh, hạt sen… một vài khách sạn 4 – 5 sao, còn tung ra những hương vị độc đáo, “heo thì” (healthy: lành mạnh) được người trẻ yêu chuộng, như: sữa chua cranberry, phô mai sen, trà sữa trân châu, ít đường, ít muối, đạm nguyên chất… Ngoài ra còn có những loại nhân bánh cao cấp như: bào ngư, yến sào, tôm hùm… giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi cái.

Giờ, các hãng, nhà sản xuất bánh chỉ còn có trông mong vào sức mua… hên, xui của thị trường. Có vẻ như sức mua của người dân cũng chưa hồi phục nổi sau cơn “bạo bệnh” Covid-19, cùng với giá cả thực phẩm, điện nước luôn chực chờ… leo cao. Bởi, ở cái đất Sài Gòn quanh năm suốt tháng, 24/7 tất bật mưu sinh này, ngoài việc mua bánh để giao tế, biếu xén “buộc phải có”, mấy ai ở cái đất Sài Gòn này còn có đủ tâm trạng, tâm thế để mà ngắm trăng, thưởng trà và nhâm nhi chiếc bánh cùng gia đình, con cháu vào mùa Trung Thu.

Rộn ràng xóm lồng đèn
Từ tháng Năm, tháng Sáu, xóm lồng đèn giấy kiếng ở Giáo xứ Phú Bình (phường 5, quận 11), đã chộn rộn lắm rồi. Dù ở xóm lồng đèn có gần 50 năm làm nghề truyền thống này, nay cũng chỉ còn có trên dưới 10 nhà làm lồng đèn Trung Thu truyền thống…

Ghé nhà chị Thu Loan (432/8 Lạc Long Quân, quận 11), vừa tiếp chuyện chúng tôi, tay chị vừa thoăn thoắt chiếc cọ chấm bột phẩm để vẽ vây, vẽ vảy cho loạt lồng đèn cá chép bày la liệt quanh mình. Chị Loan vui miệng: “Tôi ngoài 50 rồi mà thâm niên đã gần 50 năm làm lồng đèn giấy kiếng cùng người nhà cũng đã ba đời rồi”. Nói rồi, chị khoát tay chỉ đứa cháu gái cũng đang ngồi ráp lồng đèn trong nhà, với cơ man các loại đèn Trung Thu đủ màu sắc, chất quanh, treo giăng kín mít gian nhà hơn 20m2. 

Chị Loan vui cũng phải, bởi theo chị chỉ năm kia, năm ngoái, thị trường lồng đèn Trung Thu truyền thống phía Bắc bỗng đột nhiên hút hàng “bao nhiêu cũng hốt”, từ xóm lồng đèn Phú Bình này. Chị kể, “hình như ở ngoải họ oải ba cái lồng đèn nhựa của Trung Quốc, nên dù có nhập về, giá rẻ chỉ hơn một nửa so với lồng đèn của tụi tui làm nhưng mẫu mã, con gì mới, số lượng bao nhiêu là các mồi ở ngoải “bao hết”. Thế là xóm lồng đèn Phú Bình… lên hương. Chị Loan cũng không quên khoe thêm, sở dĩ “ở ngoải” chuộng lồng đèn giấy kiếng Phú Bình là vì mấy năm nay, lồng đèn giấy kiếng, khung tre ở đây đã được cải tiến, có nhiều loại xếp gọn lại được. Nên người làm có thể xếp gọn thành kiện cả trăm, cả ngàn cái, “ship ra” cho khách. Tiện, gọn, không cồng kềnh, ít chiếm khoảng không hoặc không gian xe chứa hàng. Làm giảm giá vận chuyển đáng kể. Người bán chỉ việc bung ra theo nếp là có ngay một kiểu lồng đèn giấy bóng kiếng truyền thống, dùng đèn cầy đàng hoàng.

Cách nhà chị Thu Loan không xa, là cơ sở sản xuất của chị Thanh Xuân, cũng là dân từ làng nghề lồng đèn ở Bác Cổ (tỉnh Nam Định) di cư vào Nam, truyền nghề qua nhiều thế hệ. Chị Xuân thố lộ, ở ngoài kia cũng có nghề làm lồng đèn ở phố Hàng Bạc, Hàng Mã nhưng vài chục năm nay, nghệ nhân đã tứ tán, con cháu thì ít người theo nghề vì thu nhập… quá hẻo. Nếu còn, họ cũng chỉ làm vài kiều đèn ông sao, mẫu mã và màu sắc đơn điệu, không hút khách nên vài năm nay, thị trường ngoài kia lại chuộng các loại đèn ở Phú Bình với kiểu dáng, kích cỡ và màu sắc… cỡ nào, giá nào cũng có. Có lẽ là vậy, khi thị trường năm nay, các loại đèn giấy kiếng mini của xóm Phú Bình, hình rồng, hình cá, bướm chỉ… cỡ bàn tay, gắn đèn led, nhỏ gọn, giá chỉ 15 – 20 chục ngàn đồng/cái, hút khách rất đáng kể. Chị Xuân cho biết, nghề này ở xóm thường từ khoảng tháng Tư, ngay sau khi Tết Nguyên đán, nay trễ hơn nhưng có việc là mừng lắm rồi. Cách đây 30 năm, mỗi hộ dân ở đây chỉ cần làm một mùa Trung Thu là có thể sống được trên cả năm. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế đã thay đổi, giá thành của những chiếc lồng đèn cũng không còn cao. Giờ đây, dù làm “bù đầu, bù cổ” cũng chỉ đủ ăn, chứ không có dư giả gì. “Do đó, mỗi gia đình trong xóm phải tìm một công việc chính nào đó, làm lồng đèn từ chính sang phụ. Nếu không, họ sẽ không đủ sống”.

Trái ngược với sự “rủng rỉnh” của xóm lồng đèn, khu bán lồng đèn Trung Thu truyền thống ở đường Lương Nhữ Học (phường 11, quận 5), có vẻ như chưa lung linh cho lắm. Anh Minh, chủ tiệm Tài Linh (117B Lương Nhữ Học) thẳng thắn: “Thời điểm này, bà con đi ngắm là chủ yếu chứ chưa mua nhiều. Ban đêm có rộn ràng hơn chút xíu mà trời mưa quá nên cũng chỉ dăm ba khách dừng chân “nghía” qua thôi”. Lý giải cho cái sự mua bán chưa được “ì xèo” các loại lồng đèn, anh Minh bộc bạch: “Tụi nhỏ bây giờ chơi đồ điện tử không hà, đứa nào cũng lận 1 cái smartphone, chơi “quẹt” xả láng từ sớm tới khuya thì ai còn ngó ngàng tới… lồng đèn Trung Thu.”. Hơn nữa, theo anh bây giờ bà con mình sống ở chung cư, căn hộ cao tầng nhiều nên cũng ớn ba cái vụ cháy nổ mà ít dám chơi lồng đèn giấy kiếng, thắp đèn cầy (nến) như cách đây vài chục năm. Nếu có, thì chỉ cho tụi nhỏ chơi lồng đèn điện tử, đèn led, chạy pin, có nhạc, nhiều chế độ sáng… an toàn và tiện lợi hơn nhiều. 

Một vòng ghi nhận ở khu chợ này, thời điểm này chỉ có lác đác vài ba tiệm là trưng lồng đèn bán. Bán chạy nhất là các loại đèn lồng giấy kiếng mini, đủ các loại bước, cá, rồng, chim, thú… kích cỡ khoảng 15cm, xài đèn led, giá chỉ 30 – 35 ngàn/cái. Còn các loại đèn cỡ lớn, giá hàng trăm ngàn đến cả triệu thì chỉ có hàng đặt, chủ yếu bỏ mối các tỉnh miền Tây hoặc phía Bắc. Tôi hỏi nhỏ: “Dậy chắc anh bán… cho vui chứ lời lóm gì mấy?” Anh phì cười rồi xởi lởi: “Bán cho đỡ… ngứa nghề anh ơi!” như một hoài niệm về thuở ấu thơ mãi lung linh với ánh nến đèn lồng, cùng tiếng trống múa lân rộn ràng xóm nhỏ. 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights