Sách về thượng nguồn sông Thu & những niềm vui lan tỏa

by Tim Bui
Sách về thượng nguồn sông Thu & những niềm vui lan tỏa

PHÙNG KIM HƯƠNG

Viết theo cảm hứng trong chuyến đi tặng sách của chương trình Đáp Đến Tiếp Nối đến hai trường tiểu học ở tỉnh Quảng Nam.

Những ngày Hè nắng chói chang cùng cái nóng thiêu đốt đang cố nán lại trên mảnh đất đầu nguồn Nông Sơn trước ngày các em học sinh bước vào năm học mới. Sáng sớm hôm ấy, trên những nẻo đường quanh co dẫn về xã Quế Lâm với cây rừng xanh tươi, chúng tôi đã thấy tràn ngập màu vàng rực của bắp ngô vừa thu hoạch được phơi đầy trên những tấm vải nhựa trải trên con lộ nhỏ dọc đường đi.

Những ruộng bắp tươi tốt mạnh mẽ tháng trước còn mang trên mình những quả bắp mập mạp với lớp áo xanh thẫm giờ đã úa vàng xơ xác như bà mẹ bị lũ con vắt kiệt sức.
Mùa bắp đã qua, cho nên, khi tôi nhờ cô lái đò giúp nấu hộ vài chục bắp cho chuyến đi thuyền lên Hòn Kẽm Đá Dừng, cô bảo bữa này đâu còn bắp non nữa.

Nông Sơn là huyện miền núi nằm ở đầu nguồn sông Thu Bồn, nguồn sống người dân dựa vào nông nghiệp và làm rừng. Từ khi nhà nước đóng cửa rừng, họ chỉ còn biết sống nhờ vào chút đất ruộng, đất nà hay làm thuê.

Đất đai nhỏ lẻ, trồng lúa chỉ vừa đủ ăn, những nà bắp dù chỉ đem lại rất ít lợi tức, nhưng cũng là một nguồn thu nhập để cha mẹ có thể sắm sửa áo quần, sách vở cho con vào đầu năm học mới.

                                                          ***
Trên những nẻo đường quanh co xanh màu cây rừng, băng qua chiếc cầu treo nhỏ bé hay đi thuyền qua sông, hôm nay các em nhỏ trở lại trường, tham gia ngày hội trao tủ sách của chương trình cộng đồng Đáp Đền Tiếp Nối cho nhà trường.

Những đôi chân bé nhỏ lại thoăn thoắt trên con đường đến trường quen thuộc. Những mái tóc cháy nắng lại được chụm đầu bên nhau vui chơi, nghe kể chuyện, tô màu, vẽ tranh, làm chim giấy thăng bằng, chong chóng trái tim, hay tham gia trò chơi Rung chuông vàng.

Trở lại trường trước ngày khai giảng năm học mới, các em học sinh được các cô MC dẫn dắt vào không khí vui tươi của ngày hội, quên đi cuộc sống còn nhiều nhọc nhằn thiếu thốn.

Hai mươi mốt em học sinh của hai trường Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Đình Hiến nhận học bổng của chương trình, mỗi em một phận đời buồn: bệnh tật, cha mẹ tàn tật không công ăn việc làm, mồ côi, gia đình ly tán, sống với ông bà già cả nghèo khó.

Con đường đến trường của các em gập ghềnh đá núi và bủa vây sông nước hiểm nguy.

Hỏi một bé sao tóc con cháy nắng vậy, bé cười hồn nhiên: “Do mùa hè nghỉ học con đi giữ bò cho bà ngoại.” Mùa hè của em khét mùi nắng gió, mùi phân bò, mùi đất đai rơm rạ…

Trong buổi lễ ra mắt tủ sách Đáp Đền Tiếp Nối, các em học sinh đã được tham gia một ngày hội thực sự và để lại trong lòng các em những dư vị tuyệt vời đến nhiều ngày sau.

Rất nhiều phụ huynh đưa con đi hôm ấy cũng náo nức theo dõi, quay phim, chụp ảnh, nhiều người còn phát hình trực tiếp qua Facebook cá nhân, và về nhà chia sẻ với xóm làng những câu chuyện, những đoạn phim hay những tấm ảnh như một sự kiện kỳ diệu nơi vùng làng quê nghèo khó.

                                                                 ***

Mấy lần lên Nông Sơn, từ thị trấn Trung Phước cho đến khu trung tâm huyện, từ những khu phố chợ đông đúc đến những con đường làng vắng vẻ, tôi không thấy bất kỳ một nhà sách hay quán sách nào.

Cô thủ thư trường Nguyễn Văn Trỗi cho biết huyện không có quầy bán sách báo. Trong chợ huyện có hai sạp hàng bán sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập… thêm một ít sách bài tập. Chỉ có vậy. Cha mẹ muốn mua sách đọc cho con phải gửi người quen ở Tam Kỳ hay Đà Nẵng mua giùm.

Nguồn sách đọc của các em phần lớn là từ nhà trường. Nhưng vào thư viện nhà trường, với 1200 bản sách, hầu hết là sách giáo khoa và sách tham khảo, số sách truyện chỉ là một ít truyện tranh đã cũ, thử nghĩ các em có gì để đọc, để giải trí, để hiểu thêm về cuộc sống hay thế giới ngoài làng quê của mình.

Hơn 800 bản sách với các thể loại từ văn học, khoa học, lịch sử, sách học làm người… được đem đến từ Chương trình Cộng đồng Đáp Đền Tiếp Nối sẽ bổ sung cho thư viện nhà trường thêm phong phú, sẽ làm cho những giờ đọc sách của các em có ý nghĩa thực sự, giúp các em hiểu nhiều hơn về thế giới rộng lớn bên ngoài ngôi làng nhỏ ở đầu nguồn sông Thu Bồn. Và cũng từ những trang sách, trong tâm hồn thơ trẻ của các em bắt đầu thắp lên những đốm lửa ước mơ.

Khi nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của cô thủ thư, tôi mới hiểu món quà của Đáp Đền Tiếp Nối đem đến cho nhà trường là lớn và quý giá như thế nào. “Sách quá giá trị cô à. Em không thể nghĩ thư viện trường em lại có được những cuốn sách đẹp và hay như vậy. Lúc mở các thùng sách ra, giáo viên trường em thật quá bất ngờ…” Niềm vui của các em học sinh hẳn còn lớn hơn vì từ đây, các em sẽ được tiếp cận với những cuốn sách đầy màu sắc, tiếp cận với những kiến thức mới mẻ, những câu chuyện thú vị, học được nhiều điều bổ ích về đạo đức, lối sống, cách ứng xử và cuộc sống của các em biết đâu sẽ mở ra những trang đời đẹp đẽ.

Harvey Mackey – người đàn ông truyền cảm hứng nổi tiếng của nước Mỹ đã nói: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc.”

Với gần một trăm nghìn bản sách được trao đi trên các tỉnh thành của cả nước, Đáp Đền Tiếp Nối đang làm công việc gieo những hạt mầm và mong mỏi “đủ nước, đủ nắng, hoa sẽ nở,” mong sẽ có những thay đổi tích cực trong cuộc đời các em nhỏ từ những vùng đất khó khăn nhất.

Và những thành viên của Đáp Đền Tiếp Nối lại tiếp tục “Lên đường dài tôi đi…” tìm hiểu, kết nối để những cuốn sách lại được đưa tới những ngôi trường trên các miền đất nước, để sách thực hiện sứ mạng của nó: nguồn cung cấp tri thức bất tận và là món quà tặng tuyệt vời cho những tâm hồn thơ trẻ.

Trích Facebook PKH

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights