Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 18 Cao Văn Chánh: Chủ bút nhật báo ở tuổi 18

by Tim Bui
Cao Văn Chánh: Chủ bút nhật báo ở tuổi 18

TRẦN NHẬT VY

Về Đồng Sĩ [hay Sỹ] Bình, trang wikipedia viết: “Đồng Sĩ Bình là chí sĩ cận đại, tên lúc nhỏ là Cơ, tự Mậu Lâm, hiệu Minh Phụng. Ông sinh giờ Dậu, ngày 22/9/1904 (tức ngày 13/8 năm Giáp Thìn), trong một gia đình nghèo làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế), mất ngày 15/8/1932. Với thiên tư đặc biệt, 9 tuổi ông mới được học chữ Hán, nhưng ông học rất giỏi, bị thầy đồ phản đối kịch liệt khi sau bốn năm học ông chuyển sang học chữ quốc ngữ. Chương trình 6 năm nhưng ông chỉ học trong 2 năm rưỡi đã thi đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène) và sau 4 năm học cao đẳng tiểu học ở trường Quốc học Huế đã đậu Thành chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène), xếp thứ 2. Vì nhà nghèo, phải lo cho cha mẹ già yếu, các em còn nhỏ nên ông thi vào làm ở văn phòng của đại lý Tòa Khâm sứ Trung kỳ bên cạnh Hội đồng Thượng thư của triều đình Huế, rồi bị điều làm thông phán ở Tòa Sứ Quy Nhơn. Sau đó từ chức, dấn thân vào các hoạt động yêu nước, bị đày ải ở nhiều nhà tù, ông mất vì bệnh tật chỉ 25 ngày sau khi ra tù lần cuối”.

Từ năm 1955, tên ông đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đặt tên đường ở đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, đó là đường Minh Phụng đi từ quận 6 qua quận 11 và năm 1957 chính phủ này cũng đặt mộ bia của ông ở làng Mậu Tài. Năm 1988, chính phủ Việt Nam ghi nhận công lao của ông qua lời xác nhận của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “về hoạt động của anh Đồng Sĩ Bình thì tôi có biết và tôi xác nhận đó là sự thật. Anh Đồng Sĩ Bình đáng được công nhận là liệt sĩ.” Và từ năm 2010, đường mang tên ông cũng được đặt ở Huế và Ban Mê Thuột.

Vụ Đồng Sĩ Bình bị bắt và xử đã gây ra một cơn ồn ào phản đối trên báo chí Sài Gòn thuở ấy. Người ta kể rằng: “Khi kết thúc lễ đặt thi hài cha vào quan tài, thấy người đến bắt, ông mặc lại đại tang, không chịu để chúng dẫn đi thầm lặng bằng thuyền. Ông biện luận theo phong tục tập quán, một người con, nhất là con cả, chỉ có thể rời thi hài cha mình khi bị cưỡng bức. Thế là tay bị trói, những người bị trưng dụng để khiêng ông long lanh nước mắt. Một tiểu đội lính dõng mang vũ khí đi theo “hộ tống.” Chúng đưa ông đi qua các làng Mậu Tài, Thanh Tiên, Thế Vinh và Tiên Nộn, qua sông Hương, đến thị trấn Bao Vinh, vào Huế. Từ đó đoàn người theo sau dọc theo sông Đông Ba, đường Paul Bert, nay là đường Trần Hưng Đạo (hồi đó và nay vẫn là khu thương mại sầm uất nhất của thành phố). Và sau khi qua cầu Trường Tiền (người Pháp gọi là Clemenceau), đoàn người vào phố Jules Ferry, nay là phố Lê Lợi. Ở đó có khách sạn Morin lớn nhất thành phố, tòa nhà của Ngân hàng Đông Dương, các sở và các biệt thự của các công chức cao cấp xứ Trung Kỳ, của tỉnh Thừa Thiên và của thành phố Huế đến nhà tù tỉnh ở cạnh đó. Suốt đoạn đường ông bị khiêng đi, chừng 6 – 7 km, người ta nhìn theo người thanh niên mặc y phục đại tang ấy, hai tay bị trói chặt và ngồi trên một cái trạc chuyển phân.

Sau vụ báo Tân Thế Kỷ không biết ông Cao Chánh làm gì, còn mê nghề báo hay không? Song sau khi Phụ Tân Văn ra đời mấy tháng, thì thấy tên ông xuất hiện.

Báo Phụ Nữ Tân Văn số 12 ra ngày 18/7/1929 viết vắn tắt tiểu sử ông Cao Văn Chánh như sau:

“…Ông Cao không chỉ làm quốc sự mà thôi, cũng có công về văn chương ở trong báo giới và văn giới bấy lâu, cũng có trước tác nhiều…Ở đây chúng tôi chỉ xin nhắc lại những tờ báo mà ông Cao đã viết cùng chủ trương từ khi mới 18 tuổi đến nay. Công Luận Báo (1921-1923); Nam Kỳ Kinh Tế Báo, Essor Indochinoise, Tân Thế Kỷ và Action Indochinoise. Chúng tôi cũng nhắc để độc giả nhớ rằng ông Nguyễn Phan Long và ông Bùi Quang Chiêu tuy đã từng bị báo Essor Indochinois công kích lắm mà cũng nhận rằng ông Cao Văn Chánh là người thành thật. Trong bài xã luận của ông E. Dejean de la Batie đăng ở Echo Annamite vẫn cũng công nhận ông là người thành thật và kiên gan. Đến quý báo Đông Pháp Thời Báo hồi ông Diệp Văn Kỳ chủ trương, nhơn dịp chúc mừng báo Action Indochinoise, tiên sanh cũng có khen ông Cao Văn Chánh là chủ bút tờ báo tây ấy rằng “Người như ông, đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, tiền tài cũng chẳng bằng ai mà đã đem thân chịu trận với đời hết Essor đến Tân Thế Kỷ, thôi Tân Thế Kỷ lại Action. Hóa nhi tuy đã nhồi vật nhiều keo mà một tấm lòng kiên vẫn chưa hề nao núng. Đáng khen thay!”

Cũng trong số báo này, bài Bổn báo khải sự, viết “…Lại kỳ tàu tới đây, bổn báo có đặc phái ông Cao Văn Chánh, nguyên chủ nhậm báo Tân Thế Kỷ sang châu Âu, mà thứ nhứt là sang Pháp quấc để:

Làm phái viên cho bổn báo: thông tin tức về sanh viên nào sẽ lãnh học bổng của Phụ nữ Việt Nam.
Thường viết bài gửi về, nói chuyện thời sự ở Âu châu và nhứt là những vấn đề phụ nữ bên ấy.

    Ông Cao Văn Chánh cũng sẽ tòng học ở một trường đại học ở Paris để theo đuổi cái mục đích mà ông đã bày tỏ trong một kỳ báo Phụ Nữ Tân Văn đã qua.

    Ai đã từng đọc văn ông trong các tờ báo của ông chủ trương, thì tất nhận những bài đăng ở bổn báo lâu nay có ký biệt hiệu Thạch Lan. Cảnh vô cùng của các bể lớn, không khí thong thả ở châu Âu. Hai cá đó chắc là sẽ kích thích cái chí tiến thủ của ông về đường học vấn hơn nữa. Chị em và anh em đọc báo Phụ Nữ Tân Văn từ nay về sau sẽ đọc được các bài báo nói về thờ thế châu Âu, tự tay của bổn báo phái viên đến tận những nơi đô thành lớn bên ấy mà biên ra. Bổn báo chủ nhân xuất tư quỹ ra để cung cho sự phí tổn của phái viên; tự tin rằng làm được hai việc ích lợi: giúp cho sự học vấn của một người thanh niên có chí, mở trong tờ báo được một mục đặc biệt cho độc giả.”

    Còn Thiếu Sơn viết “Ông Cao Văn Chánh tự Thạch Lan. Ông này viết báo từ hồi còn nhỏ tuổi, khi ông lãnh trách nhiệm bĩnh bút hai tờ Công Luận và Nam Kỳ Kinh Tế thì ông chưa đầy 20 tuổi. Rồi lần lượt thấy ông viết những tờ Essor Indochinoise, Action Indochinoise, Tân Thế Kỷ…Trên Phụ Nữ Tân Văn thỉnh thoảng cũng có bài của ông, lời lẽ hiên ngang khí phách, tư tưởng tiến bộ và thiên tả rõ ràng. Rồi ông cũng đi Tây học thêm ít năm. Nhưng tới khi về nước thì ông lại ít hoạt động hơn trước. Rồi thấy ông im hơi kín tiếng luôn. Té ra ông đã có vợ mà vợ ông là cô Nguyễn Thị Khang, người phụ nữ Bắc được lựa đi dự cuộc đấu xảo ở bên Tây và cũng là một nữ sĩ. Hai vợ chồng được bà chị giúp đỡ cho buôn bán phát tài rồi cả hai đều không cầm bút nữa. Một hôm tôi gặp Cao Văn Chánh ở một bữa tiệc. Ông ăn mặc rất sang, có một xâu chìa khóa đút túi quần. Ông móc xâu chìa khóa cho tôi coi rồi nói “xâu chìa khóa này có nhiều quyền lực hơn cây viết. Phải làm giàu, phải thành tư bổn. Chỉ tư bổn mới sai khiến được người ta” 

    Qua hai bài báo này và cả nội dung cuốn Trời thẳm đất dày, chúng ta có thể xác định, ông Cao Văn Chánh sinh năm 1903 và là một trong những người chủ trương sáng lập tờ Phụ Nữ Tân Văn với câu slogan nổi tiếng “Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam” và là một người yêu nước. Ở tuổi 18, 19 mà làm chủ bút một tờ báo lớn, có tiếng như tờ Công Luận Báo thì khả năng và tài năng của ông không nhỏ! Khi Phụ Nữ Tân Văn ra đời, ông cũng đang ở độ tuổi 20, độ tuổi mà ngay cả ngày nay, thế kỷ 21, nhiều người còn đang ngồi ghế nhà trường, hay đang loay hoay tìm một hướng đi cho tương lai, thì ông đã là một cây viết nổi tiếng trong giới báo chí.

    Ông là người viết thường xuyên cho tờ báo này với bút danh Thạch Lan, một bút danh mà người đời sau cứ ngờ là của ông Phan Khôi hoặc Đào Trinh Nhất. Và cũng có thể do ông cần học hành thêm, còn quá trẻ và đã có “phốt” với nhà cầm quyền nên không đứng tên làm chủ bút chăng?

    Hay vì một lý do khác? Có thể với chủ trương “phụ nữ ba miền nắm tay nhau” mà Phụ Nữ Tân Văn chọn một chủ bút có thể mời được nhiều cây viết ở cả ba miền? Và thực tế nội dung tờ báo cho thấy tin tức cả ba miền đều được đăng tải, chữ nghĩa cả Bắc Nam đều đọc được và tờ báo được ghi nhận là báo “đầu tiên phát hành ở miền Bắc.” Có thể vì vậy mà ông bà Nguyễn Đức Nhuận chọn ông Đào Trinh Nhất, một nhà báo từ miền Bắc vào Sài Gòn làm việc, làm chủ bút thay vì người thân của mình. Cũng xin nhớ rằng, Nguyễn Đức Nhuận xuất thân là một nhà kinh doanh trước khi bước vô nghề báo!

    Khoảng giữa năm 1933, Cao Chánh trở về Sài Gòn và xuất hiện thường xuyên hơn trên Phụ Nữ Tân Văn. Cùng với với Phan Văn Hùm, ông viết nhiều loạt bài nẩy lửa như Cái án của báo giới Nam Kỳ, Đêm đông của Việt Nam tại Pháp, Ý nghĩa một cuộc xung đột trong làng văn…

    (Kỳ tới: Quái kiệt Phan Thứ Khanh)

    You may also like

    Leave a Comment

    Verified by MonsterInsights