Tiếng Việt rắc rối!

by Tim Bui
Tiếng Việt rắc rối!

HAI DỐT

Không phải tới bây giờ, mà từ ngày xưa thiệt là xưa, tiếng Việt đã “bị” các giáo sĩ xác nhận là “rắc rối!” Sau khi đã có chữ quốc ngữ, thì lại càng rắc rối hơn nữa! Với nhiều cách đọc, nói đánh vần… dân gian đã biến tiếng Việt thành những “trò chơi” mà người ngoài khó thể hiểu!

Tỉ dụ như câu thơ lục bát có từ thời tám hoảnh nào rồi, ai biết tiếng Việt đều có thể đọc và hiểu được:

NKMHUƠ
MKNHMRQN

He he, xin đánh vần theo kiểu Sài Gòn và đừng đọc lớn, nhứt là đọc trước mặt mấy bà, mấy cô, thì dễ bị…!

Hay “Đang đi trên đường” rồi quẹo lại “đương đi trên đàng.” Hai tui nói thiệt nhen, mấy ông bà ngoại quốc học rành tiếng Việt mà không sống với hoặc trong nước Việt thì cả đời cũng không hiểu nổi. Bởi tiếng Việt có 1001 cách nói, cách đọc như nói lái, nói khái, nói ẩn dụ… tới mức không thể dịch ra thứ tiếng nào khác được. Thời thực dân thì dân gian nói “Thầy tu thì phải thù tây” mà “thù tây thì phải đánh thầy tăng!”

Từ cách đọc hay đánh vần chữ Việt, tiếng Việt ngày càng phong phú hơn. Xưa, trong giới thanh niên có hút thuốc, bạn nào lại chẳng từng nghe “Phải anh là lính. Mời anh lên lầu!” Đây là biến thể từ thuốc pall mall. Còn với thuốc Capstan thì có vô vàn. Nào là “Con anh phá sản tại anh ngu,” hoặc “Chốn ấy phùng sinh tự ấu niên,” “cho anh phát súng tim anh nát”

Nay, giang hồ lại xuất hiện rất nhiều kiểu đọc, nói mà ngay cả người Việt cũng phải “đứng hình” khi nghe và phải mất thời gian “xi nghĩ” mới hiểu. Tỉ dụ để phê phán cách làm ăn dối trá, gian giảo thì có câu:

Sai đâu sửa đó,
Sai đó sửa đâu
Sửa đâu sai đó!

Hoặc nhắc nhở những cái đầu quá nóng trong việc tố giác những tệ nạn hoặc dám nói thẳng, nói thật như em học sinh tên Vinh, đang bị những người tự cho là “bảo vệ đất nước” hè nhau đánh trên mạng vì dám nói thiệt.

Đấu tranh là đánh trâu
Đánh trâu thì trâu đánh
Trâu đánh thì tránh đâu?

Còn cho mấy ông mang họ “thích đèo bồng” thì lại có câu:

Sáng chở cơm đi ăn phở
Trưa chở phở đi ăn cơm
Tối về ôm cơm nhớ phở

Người ta ví bà vợ ở nhà như cơm, lúc nào cũng có dù có nhiều hay ít tiền. Còn bồ là phở, chỉ bán ở tiệm và phải có tiền hơi nhiều mới có. Cho nên…

Nhà nghiên cứu Dương Thành Truyền mới xuất bản một cuốn sách có tên “Tình ca tiếng nước ta.” Ông ghi nhận.

Có một bộ “sưu tập thơ” khá phong phú nhiều bài về loại thuốc hút này cả đọc ngược lẫn xuôi.

Chiều ấy phố sầu tình anh nặng,
Nặng ân tình sao phụ anh chi
Cho anh phát súng tim anh nát
Nhưng anh tin số phận anh còn

Thậm chí còn có nhiều bài thơ nghe cũng đã lắm.

Chuyến về phép anh dừng chân nơi quán trọ,
Ánh mặt buồn em len lén nhìn anh
Phố đêm về mùa đông tim buốt giá
Sương lạnh rơ hồn cảm thấy cô đơn
Trai thời loạn yên chi rồi nuối tiếc
Ái ân ơi xin hiểu thấu lòng ta
Nàng gái nhỏ ta yêu em có biết!

Nghe thiệt là…sến, nhưng xin chú ý các chữ đầu câu của bài thơ.

Nhưng đó là kiểu “ngày xưa thân ái.” Nay thì ác chiến hơn nhiều!

Thập niên 1980-1990, một anh chàng Việt kiều về thăm quê, ghé một quán bia [xưa kêu là la ve] để giải khát. Vừa đặt mông xuống ghế, đã có ngay mấy em tiếp viên xinh như mộng, váy ngắn hơn quần tà lỏn, xuất hiện mời mọc.

-Anh uống bia Tiger dùm em nhen! Bia tình yêu đó!
-Sao là tinh yêu?
-Thì anh đọc đi “tình yêu giết em rồi!
-Vậy hả? Thôi tình của em bạo lực quá!

Anh ta chưa dứt lời thì một em khác đẹp không thua em Tiger xuất hiện liền.

-Vậy thì anh uống San Miguel của em đi. “Sao anh nhớ mà ít ghé uống, em lo.” Uống đi, em sẽ nhớ anh…suốt đời!
-Thôi đừng đừng nhớ! Con sư tử nhà anh răng và móng nó còn bén lắm!
-Vậy anh uống Carlsberg nhen. Một em khác lên tiếng. Loại này chỉ dành cho người sành điệu thôi nhen!

-Là sao? sao?
-Là “cho anh ráng lấy sức bế em ra giường”.
-Trời! Uống thứ này thì anh thành homeless tức thời mấy em ôi!
-Còn Heineken thì sao anh? Uống xuôi ngược gì cũng được mà.
-Em nói coi nó ra sao?
Nè, “hôn em ít nên em khều, em nhéo” hoặc là “nếu em khôn em nằm em hưởng!”
Nghe thương mấy em quá! Nhưng anh chỉ thích bia Saigon thôi!
-Sao anh lại thích loại đó?
Số anh iêu gái ở nhà, vừa nói anh ta vừa chỉ vô chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út.

Vậy là mấy em rút dù chạy mất dép hết.

Vụ này phải là mấy ông bạn Việt kiều mới bị mấy em vây nhen. Chớ dân “kỳ lâm” ở Saigon thì không lạ lùng gì. Kỳ lâm nghĩa là cầm ly, tiếng dành riêng cho những người “trưa trưa, chiều chiều mà không thấy ai phone đi nhậu thì buồn buồn.

Hồi trước, ở số 81 Trần Quốc Thảo tên cũ là Trương Minh Giảng, có một quán bia luôn đông đúc dân kỳ lâm. Ta nói cứ trưa trưa một chút khoảng chừng 10 g sáng trở đi, nơi đây trở thành trung tâm “vui vẻ” của mấy ông vì nó rẻ. Và vì là nơi tập trung của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… nói chung là nhiều nhà, nên giang hồ cũng xuất hiện đủ thứ cách nói, đọc tiếng Việt để rồi trở thành “tình yêu” của mọi người.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Ngó về 81 có nhiều tay chơi
Mồi, bia tràn ngập khắp nơi
Uống xỉn giải tán, ngày mơi lại dìa”.

Thơ thì vậy chớ nhiều trận uống xỉn xong lại pặc co tay đôi, đập chai vô đầu nhau rồi khi tỉnh lại thì xin lỗi rồi nhậu tiếp!Vui lắm một chốn xưa và đầy ắp những câu nói, cách đọc tiếng Việt nghe không phê không lấy tiền!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights