Chính trị là gì?

by Tim Bui
Chính trị là gì?

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Sự tiến hóa đã dẫn dắt con người sống quây quần với nhau tạo thành những xã hội. Nhu cầu trao đổi sản phẩm trong xã hội đã tạo ra những thành thị mà lịch sử gọi là thành bang (city-state). Thành bang là một vùng thành thị với tường bao bọc và một vùng nông thôn nằm ngoài thành mà đất đai do những cư dân trong thành làm chủ.

Sau thành bang, khái niệm quốc gia bắt đầu hình thành. Quốc gia bao gồm nhiều thành bang. Ngày nay, các nhà xã hội học định nghĩa một quốc gia là một thực thể bao gồm một lãnh thổ có biên giới xác định, với những người cư dân sống trên lãnh thổ đó, và một chính quyền cai trị người dân.

Trong quá trình tiến hóa, mô hình cai trị người dân có nhiều thay đổi và tiến bộ theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Bài viết này phân tích một cách sơ bộ các mô hình chính trị và sự thay đổi của nó qua từng thời kỳ.

Những mô hình chính trị tương tự hầu như xuất hiện một cách đồng loạt ở các khu vực có nền văn minh lớn như Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, Trung Hoa, và Ấn Độ. Tuy nhiên ở Đông Phương, vào khoảng năm 1000 trước Công Nguyên (TCN), dưới thời nhà Chu, triết gia Trung Quốc là ông Chu Công Đán, người có thể được xem là người đầu tiên hệ thống hóa lại lý thuyết trị quốc mà ngày nay được gọi là “Chủ thuyết Phong kiến.

Chủ thuyết Phong kiến Trung Quốc cho rằng đứng đầu thiên hạ là một vị vua. Vị vua này là con của Trời gọi là Thiên tử và có nhiệm vụ thay Trời hành đạo. Vì đất đai trong thiên hạ quá rộng lớn mà phương tiện giao thông thời đó thì có giới hạn, cho nên Thiên tử phong cho các vị có công lập quốc, mỗi người một vùng đất và tự cai trị gọi là chư hầu, theo khuôn mẫu quy định bởi Thiên tử nhà Chu trong khái niệm “Phong hầu – Kiến ấp.” Nhiệm vụ của các vị chư hầu này là triều cống Thiên tử một số của cải mỗi năm một lần.

Không lâu sau, khi thế lực của nhà Chu dần dần yếu đi, thì các chư hầu nổi lên đánh chiếm lẫn nhau tranh ngôi bá chủ. Thời kỳ này gọi là thời kỳ Chiến quốc. Cuối cùng thì chư hầu nhà Tần đứng đầu bởi Tần vương Doanh Chính đánh bại và thôn tính tất cả các chư hầu khác và lập ra Đế quốc Tần.

Đế quốc Tần sáng chế ra một mô hình chính trị mới gọi là mô hình “Quân chủ chuyên chế – Trung ương tập quyền.”  Trong mô hình này Đế quốc Tần hủy bỏ hình thức tự trị và triều cống của các chư hầu, biến các chư hầu thành các quận, huyện của nhà Tần, và dân chúng thời đó bị cai trị bởi những quan lại Tần với một bộ luật rất khắt khe.

Sau khi Đế quốc Tần sụp đổ, hình thức Quân chủ chuyên chế – Trung ương tập quyền vẫn được các thế lực kế thừa tiếp tục sử dụng cho đến cuối thời kỳ Mãn thanh vào thế kỷ thứ 19.

Còn ở Tây Phương, thì mặc dù không có những lý thuyết để giải thích sự chính danh cho sự cai trị, nhưng những hình thức như Phong kiến và Quân chủ chuyên chế cũng được hình thành một cách tự nhiên. 

Danh từ Chính trị lần đầu tiên được giới thiệu vào khoảng thế kỷ thứ 4 TCN bởi Triết gia Aristote trong thời kỳ văn minh Hy Lạp. Trong chữ Hy Lạp, Chính trị là “Polis” có nghĩa là thành bang, ý ông muốn nói là sự quản trị dân chúng trong một thành bang. Người La Mã dịch qua tiếng Latin thành “Politic” và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Trước Aristotle, khái niệm chính trị đã được manh nha bởi Triết gia Socrates khi ông này chỉ trích chính sách của nhà cầm quyền Hy Lạp nhằm để tạo lợi ích cho giới quý tộc chứ không phải cho quần chúng nhân dân. Socrates bị chính quyền bắt và bị xử tử bằng thuốc độc.

Kế thừa Socrates là Triết gia Plato, ông này phân chia xã hội thành ba thành phần là: giới cầm quyền, những người quân nhân và cảnh sát, và giới lao động. Giới lao động không có kiến thức về chính trị cho nên chỉ giúp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Ông đề nghị giới cầm quyền nên là những người chính trực và có kiến thức để tạo cuộc sống tốt cho quần chúng. Giới cầm quyền huy động quân đội và cảnh sát để bảo vệ an ninh cho người dân. 

Aristotle là học trò của Plato. Ông quan sát các hình thức chính trị trong các thành bang của Đế quốc Hy Lạp và tổng kết thành ba mô hình khác nhau: mô hình quân chủ cai trị bởi một vị vua, mô hình giai cấp ưu tú cai trị bởi một nhóm người, và mô hình dân chủ thì các chính sách có sự tham dự quyết định của người dân.

Aristotle không đề cao mô hình nào. Ông chỉ đề nghị giới cầm quyền cần có một bản hiến pháp rõ ràng, lãnh đạo bởi những người có kiến thức, kinh nghiệm, và chỉ nhắm vào lợi ích của người dân. 

Những khái niệm ban đầu về chính trị dưới thời văn minh Hy Lạp sau đó được truyền bá khắp nơi dưới ảnh hưởng của Đế quốc La Mã. Trong thời kỳ Phục hưng ở Âu châu vào thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 16, những triết gia mới trước sau xuất hiện đã hệ thống hóa khoa học chính trị làm nền tảng cho các thể chế chính trị ở Âu châu. 

Vào thế kỷ thứ 19, các cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng xã hội lần lượt diễn ra ở Âu châu. Của cải được sản xuất dồi dào hơn, khái niệm dân chủ và nghị viện đại diện cho dân bắt đầu được thực hành rộng khắp ở Âu châu thay thế cho hình thức Quân chủ chuyên chế. Tuy nhiên với sự hùng mạnh về quân sự, các quốc gia tiên tiến ở Âu châu bắt đầu vượt đại dương đi xâm chiếm các dân tộc nhược tiểu ở khắp nơi trên thế giới làm thuộc địa, hình thành Chế độ Thực dân. Khái niệm dân chủ chỉ hạn chế ở mẫu quốc, còn ở các thuộc địa thì người dân không có tự do và bị bóc lột tàn nhẫn.

Sự xuất hiện của các Đế quốc sanh sau đẻ muộn, điển hình là Đức và Nhật, dựa trên tinh thần dân tộc và khái niệm chủng tộc ưu việt, đã đẻ ra một hình thức chính trị mới theo kiểu Phát xít. Chủ nghĩa Phát xít đề cao sự lãnh đạo quốc gia bởi giai cấp quân phiệt hiếu chiến. Chủ nghĩa Phát xít là nguyên nhân dẫn đến các hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc. Cuối cùng thì các quốc gia theo chủ nghĩa Phát xít bị thất bại trong chiến tranh thế giới và chủ nghĩa Phát xít bị phá sản.

Cũng vào thế kỷ thứ 19, một triết gia khác là Karl Marx đề nghị một mô hình chính trị mới là Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản. Theo Karl Marx thì chính trị và kinh tế là hai thực thể không thể tách rời nhau.

Ông cho rằng trong quá trình tiến hóa của xã hội loài người, con người đã trải qua các thời kỳ kinh tế – chính trị bắt đầu là giai đoạn Công xã nguyên thủy trong đó mọi người cùng nhau kiếm lấy thức ăn và của cải vật chất được dùng chung và hưởng chung. Kế tiếp là giai đoạn Chiếm hữu nô lệ trong đó các thế lực mạnh đánh bại các thế lực yếu và bắt họ làm nô lệ. Khi xã hội tiến triển hơn thì quốc gia được thành lập, chủ nghĩa Phong kiến được sử dụng để cai trị xã hội, trong đó quyền lợi về tay giới quí tộc và giai cấp cầm quyền trong khi những người sản xuất là nông dân bị họ bóc lột. Khi Cách mạng Công nghiệp thành công, của cải dồi dào hơn thì đại đa số của cải nằm trong tay giới tư sản, hình thành một chủ nghĩa mới gọi là Chủ nghĩa Tư bản, trong đó người sản xuất là công nhân thì cũng bị bóc lột như người nông dân trong thời Phong kiến.

Theo Karl Marx thì trong quá trình phát triển của xã hội đã xuất hiện nhiều sự mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và những người dân bị trị, mâu thuẫn giữa địa chủ và nông nô, mâu thuẫn giữa giới tư sản và công nhân bị bóc lột. Quá trình tiến hóa của xã hội là quá trình đấu tranh giai cấp và ông đề nghị một mô hình mới trong đó giai cấp công nhân đoàn kết với nhau để lật đổ giai cấp Tư sản và giai cấp quý tộc cầm quyền để lập nên một hình thức chính trị mới là Chủ nghĩa Xã hội trong đó giai cấp Công nhân sẽ làm chủ đất nước và nhà máy.

Với hình thức Xã hội chủ nghĩa như vậy, năng suất sẽ tăng lên và của cải vật chất sẽ dồi dào hơn. Cuối cùng thì xã hội sẽ bước vào giai đoạn Cộng sản trong đó người dân có thể làm theo năng lực của mình và sẽ hưởng được những tiện nghi vật chất mà mình muốn theo phương châm “làm theo năng lực – hưởng theo nhu cầu.” Mặc dù đề ra lý thuyết đấu tranh giai cấp để giành lấy chính quyền, nhưng Karl Marx đã không vạch ra phương hướng làm cách nào để quản lý và xây dựng xã hội theo phương án Xã hội chủ nghĩa.

Khái niệm Chủ nghĩa xã hội được Vladimir Lenin thực hành ở Nga và thành công trong việc tổ chức đảng Cộng sản Bolshevik lật đổ Nga hoàng vào tháng Mười năm 1917. Lenin sau đó thực hiện cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Nga và đạt được một số thành công đáng kể. Ông thành lập Liên bang Xô Viết (Liên Xô) bao gồm nước Nga và 15 nước khác nằm bên cạnh nước Nga vào năm 1922.

Kế thừa thành quả của Lenin, Joseph Stalin tiếp tục công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Nga với chủ trương độc tài chuyên chế. Vào thời điểm này, Thế chiến thứ Hai, khởi động bởi các quốc gia theo chủ nghĩa Phát xít là Nhựt-Đức-Ý, bùng nổ. Liên bang Xô Viết cùng với phe Đồng minh cuối cùng đánh bại phe Trục Phát xít. Liên bang Xô Viết thu được nhiều thắng lợi từ nước Đức bại trận như tài sản, khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu và sản xuất vũ khí, cùng nhiều tài sản trí tuệ khác, nên nhanh chóng trở thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới bên cạnh Hoa Kỳ.

Chủ trương của Chủ nghĩa Cộng sản là tiêu diệt Chủ nghĩa Tư bản để mọi người trên thế giới đều được sống và làm việc một cách công bằng, không ai có thể bóc lột ai, và xã hội không còn phân chia giai cấp. Để thực hiện mục tiêu như vậy Liên Xô nhanh chóng giúp đỡ các quốc gia từng bị Phát xít chiếm đóng, các quốc gia từng là nạn nhân của đế quốc và thực dân tiến lên làm cách mạng và thực thi phương án Xã hội chủ nghĩa ở quốc gia mình. Phong trào Cộng sản lan rộng nhanh chóng có ảnh hưởng đến gần phân nửa quả địa cầu. 

Một cuộc chiến mới để tranh giành ảnh hưởng giữa khối Cộng sản lãnh đạo bởi Liên bang Xô Viết và khối Tư bản đứng đầu bởi Hoa Kỳ gọi là Chiến tranh Lạnh. Những cuộc chiến trực tiếp đã xảy ra ở Trung Quốc, Triều Tiên, và Việt Nam…  và phần thắng nghiêng về phe Cộng sản. Ngoài những cuộc chiến này, thì còn có những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và chương trình không gian của hai bên để chứng minh sự ưu việt của mỗi chế độ chính trị. 

Sau mấy chục năm đeo đuổi theo Chủ nghĩa xã hội, các nước Cộng sản, điển hình là Trung Quốc chỉ gặt hái được những kết quả nghèo nàn, đói kém, và lạc hậu so với các quốc gia theo Chủ nghĩa Tư bản. Cuối cùng, vào năm 1991, dưới thời của lãnh tụ đảng Cộng sản Nga, Mikhail Gorbachev, Liên bang Xô Viết tan rã và sau đó là sự tan rã của cả hệ thống Cộng sản lãnh đạo bởi Liên Xô.

Nhận thức được sự thành tựu của các nước theo Chủ nghĩa Tư bản là hình thức kinh tế thị trường, các quốc gia từng theo Cộng sản như Trung quốc, vội vàng chuyển hướng. Nhưng khác với các nước Tư bản theo phương thức chính trị dân chủ, các quốc gia này vẫn giữ hình thức chính trị do đảng Cộng sản độc quyền toàn trị. Một mô hình chính trị mới được thành hình gọi là Chế độ Tư bản nhà nước. Hiện nay thành quả của hình thức chính trị mới này là mang lại nhiều của cải vật chất hơn nhưng chất lượng cuộc sống của người dân rất kém nhất là vấn đề quyền tự do của con người và nạn ô nhiễm môi trường do sự quản lý thiếu tính khoa học.

Mặc dù Chủ thuyết Cộng sản trên căn bản đã bị phá sản, tuy nhiên lý thuyết xây dựng cuộc sống của người dân theo phương thức này có ảnh hưởng lớn đến các chế độ chính trị của các quốc gia tiên tiến ở Âu châu và các quốc gia nói tiếng Anh trừ Hoa kỳ ra, như Anh quốc, Canada, Úc Đại Lợi, và Tân Tây Lan. Một hình thức chính trị dung hòa mới được hình thành gọi là Tư bản xã hội. Trong hình thức này, chính quyền bảo đảm một số phúc lợi căn bản cho người dân như bảo hiểm y tế, tiền thất nghiệp, và tiền hưu bổng cho người già.

Để thực hành chính sách Tư bản xã hội, các quốc gia này phải dùng một ngân sách to lớn để chi dùng cho các chương trình phúc lợi. Đối với các quốc gia nói tiếng Anh, thì với tài nguyên dồi dào, họ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đối với các quốc gia ở Âu châu, đặc biệt là ở trong khối Thị trường chung Âu châu (EU), kiệt quệ sau các cuộc thế chiến, thì về lâu về dài đường lối chính trị này bắt đầu lộ ra những điểm yếu. Gần đây nhiều nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, và Ireland đã bị phá sản và nước Anh phải tự cứu lấy mình bằng cách ly khai khỏi Khối Thị trường chung Âu châu (Brexit).

Một hệ quả tiêu cực khác của chính sách tư bản xã hội là đã đẻ ra một lớp người mới gọi là “Tây ba lô” là những người chỉ lãnh tiền trợ cấp của chính phủ đi chu du khắp nơi trên thế giới.

Tóm tắt lại thì chính trị là vấn đề quyền lực để quản trị xã hội. Câu hỏi của chính trị là sự quản trị này để phục vụ cho tầng lớp nào? Và người dân nói chung được những gì trong hình thức chính trị này? Và cuối cùng là mô hình nào là tốt nhất cho xã hội?

Hiện nay có thể nói nền chính trị dân chủ dựa trên nền kinh tế thị trường, điển hình nhất là hình thức tam quyền phân lập dựa trên một bản hiến pháp rõ ràng như ở Hoa Kỳ, là có kết quả nhất. Tuy nhiên hoàn cảnh của mỗi quốc gia rất khác nhau. Có thể mô hình này có kết quả tốt ở một quốc gia, chưa hẳn là có thể thực hiện được ở một quốc gia khác. Hiện tại nền dân chủ của Hoa Kỳ cũng đang đứng trước một sự thử thách lớn qua các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây.

Một đặc điểm chung của những quốc gia đã canh tân và trở mình thành một quốc gia tiên tiên ở Á châu như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan là họ có một vị nguyên thủ quốc gia có lòng yêu nước, có tầm nhìn, và biết thúc đẩy sự hợp tác của các nhân tài trong cũng như ngoài nước. Đây là một trong những mô hình đáng được tham khảo cho các quốc gia kém phát triển như Việt Nam.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights