David Le
Sáng ngày 9-9, cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ sập khiến 8 người “mất tích” (nói mất tích cho nhẹ nhàng chớ qua 2 ngày chưa kiếm được khi nước sông Hồng chảy ầm ầm e rằng đã…) và hàng chục xe cộ, có cả xe container rớt xuống sông Hồng. Và như nhiều vụ tai nạn khác, hễ có chuyện gì xảy ra thì nhà cầm quyền lập tức mở một cuộc “kiểm tra”. Tỉ như vụ cháy chung cư ở Hà Nội thì Sài Gòn mở cuộc kiểm tra các chung cư. Cháy xe giường nằm trên quốc lộ xuyên Việt thì Sài Gòn mở trận kiểm tra các xe giường nằm. Nhánh cây rớt làm chết người thì nhà cầm quyền lập tức kiểm tra bằng cách “cắt mẹ” các ngọn cây lớn cho…an toàn. Và nay, khi cầu Phong Châu ở Phú Thọ sập thì Sài Gòn cũng lập tức kiểm tra các cây cầu! Đúng là “mất trâu rồi mới làm chuồng” như ông bà xưa đã nói.
Và các cây cầu sắt cũ, lâu năm như: cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…được chọn để “kiểm tra”, “khảo sát” độ bền vững và cho rào chắn các chân cầu. Các cây cầu có đánh số 1 là những cây cầu cũ xây dựng từ lâu mà lâu nay vẫn tiếp tục sử dụng nhưng việc “chăm sóc” chưa được nhiều lắm.
Ở Hà Nội thì nhà cầm quyền lập tức cấm lưu thông qua cầu Đuống đã quá cũ, kiểm tra lại và hạn chế qua lại cầu Chương Dương xây dựng hoàn thành từ năm 1985 có thiết kế tương tự cầu Phong Châu. Nói chung người ta đang mau mau làm chuồng khi trâu bị mất!
Trang wikipedia giới thiệu việc xây câu Chương Dương dài 1230 m như sau:
“Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên hoàn toàn do phía Việt Nam tự thiết kế và thi công mà không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác. Hiện trên hai đầu nhịp cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc tên cầu và thời gian thi công: Cầu Chương Dương – 10.1983 – 6.1985”. Và cầu “tận dụng vật liệu “đầu thừa đuôi thẹo” là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để các dầm sắt này phù hợp khổ cầu đường bộ như cầu Chương Dương, ông Lưu đã phải chỉ đạo “chế sửa” lại theo cách riêng mà thế giới chưa từng làm”.
Trừ cầu Chương Dương, nhà cầm quyền ít lưu ý đến những cây cầu mới xây vài chục năm gần đây, nghĩa là cầu do chế độ “Xã hội chủ nghĩa” xây. Có lẽ họ cho rằng, cầu mới xây thì “ngon lành” hơn nên chưa cần kiểm tra lại. Song họ lại quên rằng, cầu Phong Châu ở Phú Thọ mới xây vào năm 1995, nghĩa là mới có ba chục năm thôi! Không biết xây dựng ra sao, xài ra sao mà vài chục năm đã “tạm biệt chim én” rồi! Ở Bắc Việt, nhiều cây cầu cũ như cầu Long Biên tên cũ là Paul Doumer xây từ cuối thế kỷ 19 bắc qua sông Hồng ở ngay Hà Nội, người Pháp xây nó đã hơn trăm năm nhưng vẫn ngon lành! Hay cầu xe lửa Đông Dương do ông kỹ sư Lưu Văn Lang thiết kế xây dựng nối miền Bắc với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, từ năm 1909 tới nay vẫn chưa suy suyển! Mà cái thời thực dân, kỹ thuật chẳng tân tiến, điều kiện xây dựng cũng còn “lạc hậu” mà sao họ xây được những cây cầu “trăm năm” ngon lành vậy? Sao người ta không nghĩ tới chuyện phải học người xưa nhễ! Hay là người ta cho rằng, trình độ làm cầu của xã hội hôm nay mới ngon, còn người xưa thì là …đồ bỏ?