Phố ẩm thực ở Sài Gòn

by Tim Bui
Phố ẩm thực ở Sài Gòn

QUỐC ĐỊNH

Ngoại trừ phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), vốn là “thiên đường ăn uống” từ rất lâu trước khi được dán nhãn “phố ẩm thực” nổi tiếng với các món ăn Campuchia, hay Vĩnh Khánh (quận 4) là sáng đèn mỗi tối. Còn hầu hết các phố ẩm thực khác tại Sài Gòn, (nay gọi là TP.HCM) đều rơi vào tình cảnh “chợ chiều,” mà “bỏ thì thương, vương thì tội”…

“Teo” dần các phố ẩm thực
Mới nhất, phố thương mại ẩm thực Sky Garden (phường Tân Phong, quận 7) vừa được khai trương, với quy mô 2,6 ha tại “khu nhà giàu” Phú Mỹ Hưng, nhằm “hút” du khách, người dân vui chơi giải trí với nhiều hoạt động thương mại, văn hóa, ẩm thực.

Khu vực này có hơn 200 cơ sở kinh doanh về dịch vụ ăn uống – ẩm thực, có nhiều gian hàng món ăn thuần Việt, như: bún nước lèo, bún suông, bánh xèo, bánh lá, chè bưởi, hải sản… được quy tụ và hoạt động từ 18h đến 24h hàng ngày. Du khách đến đây được sử dụng Wifi miễn phí, truy cập thông tin các cơ sở kinh doanh tại khu vực như địa chỉ, pháp lý, nhóm ngành nghề, thông tin khuyến mãi… thông qua hệ thống mã QR tổng thể tuyến phố và mã QR của từng cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh còn có nhiều chương trình khuyến mãi trên tất cả các lĩnh vực ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, lưu trú…

Hiện nay, Sài Gòn ngoài 2 phố đi bộ là Bùi Viện và Nguyễn Huệ (quận 1), còn có 7 “phố ẩm thực” là: Hồ Thị Kỷ và Kỳ đài Quang Trung (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4), Hậu Giang (quận 6), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Thảo Điền (TP Thủ Đức).

Qua một thời gian dài, ghi nhận tại các phố này thì ngoài Hồ Thị Kỹ và Vĩnh Khánh, hầu hết các nơi còn lại đều “le lói,” chỉ hoạt động cầm chừng. Có nơi hầu như đã “chết” hẳn. Ghé khu ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), gọi nơi này là con đường kể ra cũng… hơi quá, vì nó vốn là khu đường rầy xe lửa bắt đầu từ ga Sài Gòn (nay là Công viên 23/9) chạy ngoằn ngoèo băng qua nhiều con đường để ra ga Hòa Hưng (nay là ga Sài Gòn).

Hai bên đường rầy vốn là những xóm nhỏ, nhà mái tôn, mái lá tạm bợ rồi qua thời gian, đường rầy này bị lấp vào thập niên 1990, thành con đường Nguyễn Thượng Hiền ngày nay. Con đường này vốn nhỏ (vì nằm cặp hai bên đường rầy), cư dân hai bên đường buôn bán lặt vặt, tạp nham nay bỗng trở thành… nhà mặt tiền nên “bung ra” buôn bán vô tội vạ. Từ năm 2010 trở đi, khu này là “thủ phủ” của bánh tráng trộn, nem, tré, trứng cút, trà sữa… bán lẻ có, bỏ mối cho hàng rong rồi bán đi các tỉnh cũng có. Rồi “đùng một cái,” cuối năm 2022, khu này bỗng thành… “phố ẩm thực!”

Thực tế, chỉ sau sáu tháng dán nhãn “phố ẩm thực” Nguyễn Thượng Hiền, theo nhiều hộ bán ở đây, lượng khách… mất hơn nhiều hơn (?) so với lúc chưa quy hoạch. Kỳ vọng về một điểm nhấn “đặc sản” hút khách mới của quận 3 dần “héo hon” với người dân nơi đây và nhà cầm quyền.

Anh Nguyễn Tấn Quyền, người dân sống trên 20 năm ở đây cho biết: “Mang tên phố ẩm thực nhưng ở đây lại có quá ít các món ăn.” 

Còn chị Kim Hai, chủ một quầy bánh tráng trộn và khoai tây chiên cho biết, các quán xá ít có khách ngồi lại vì diện tích quá hẹp, nơi để xe cách khá xa khu phố dẫn tới bất tiện cho khách du lịch khi tới tham quan. “Khu ăn uống nhưng ăn no lại phải đi bộ xa khiến nhiều người rất ngại khi ăn các món như cơm, bún, cháo…” chị Hai phân trần.

Riêng anh Quế, chủ quán nước, mỗi tháng đang phải trả 15 triệu tiền thuê mặt bằng mà lượng khách tới chỉ 20 – 30 người. Hiện quán đang trong tình trạng “thu không bù chi.” “Buôn bán năm nay thua xa năm ngoái, đặc biệt là từ khi khu này… được “chuyển thành” phố ẩm thực thì chỉ đông khách những ngày đầu, từ đó tới nay vắng khách thê thảm, không buôn bán được,” anh Quế lo lắng. 

Con đường quá nhỏ, mặt hàng buôn bán bình dân không có quá nhiều sự lựa chọn, người, xe đi lại, ăn uống lộn xộn, không có vỉa hè, chỗ ngồi chật chội, không có không gian thư giãn… là những “đúc kết” của dân buôn bán ở đây, là những lý do mà “phố ẩm thực” này… chết yểu.

Tình cảnh của phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Kỳ đài Quang Trung (quận 10) còn… thê thảm hơn nhiều.

Tháng 12/2023, phố ẩm thực Phan Xích Long khai trương dài hơn 1,5 cây số từ ngã tư Phan Xích Long – Phan Đăng Lưu đến đường Vạn Kiếp, có 4 làn xe với hơn 250 hộ kinh doanh. Hai bên đường san sát nhau, những: nhà hàng ẩm thực, quán cà phê, karaoke, khách sạn… từ bình dân đến cao cấp. Khu vực “mở” phố ẩm thực nằm trong khu dân cư đông nhà cửa, thông nhau bởi nhiều nhánh đường xung quanh như Trường Sa, Hoàng Sa uốn quanh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, các đường mang tên “hoa” (Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Cúc…) đều có lộ giới nhỏ, trong đó, đường Phan Xích Long trục xương sống. 

Để chuẩn bị cho sự ra đời của phố ẩm thực này, địa phương đã đầu tư hạ tầng như lát đá vỉa hè, dải phân cách, đèn… Quận sử dụng một phần lòng đường, lề đường Hoa Phượng làm bãi đậu xe hơi có thu phí. Xe gắn máy được gửi ở khuôn viên nhà thi đấu Rạch Miễu và một phần lề đường Trường Sa. Thời gian hoạt động của khu phố không quá 24h mỗi ngày. Theo dự tính của Sở Công Thương, phố ẩm thực sẽ tạo không gian giải trí, tham quan, vui chơi cho người dân, đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế đêm.

Nhưng “trời không chiều lòng người,” chỉ vài tháng sau khi “lân pháo rộn ràng” khai trương, phố ẩm thực này teo tóp dần, từ hàng trăm hộ, xe hàng rong đăng ký bán mỗi đêm, hiện chỉ còn khoảng một chục xe “trụ” lại, lui về một góc trong khuôn viên Nhà thi đấu Rạch Miễu. Các buổi tối cuối tuần, cũng chỉ có lèo tèo vài ba xe hàng rong trong khuôn viên, bán đồ nướng, nước uống là có khách.

Anh Hồ Quang, chủ một xe bán râu mực, xúc xích, thịt nướng… rầu rĩ: “Một xe như vầy, thêm vài ba bàn hơn một chục ghế, mà tui phải trả mỗi tháng tiền thuê là 8 triệu, chưa kể điện nước ở trong khuôn viên. Còn ra mặt tiền đường Phan Xích Long thì giá cao hơn nhiều, người bán chịu không thấu, vài tháng đã dần “rụng” hết không bán nữa.” Anh cho biết thêm, khu này nhà hàng nhiều, khách là giới trung lưu trở lên. Có đi ăn uống cuối tuần, họ vào nhà hàng, ít khi lân la hàng quán lề đường. Khu ẩm thực này, chỉ bán hơn chục món ăn vặt, nước uống bình dân nên không có khách.

Còn khu Kỳ đài Quang Trung (quận 10), từ hơn một năm nay đã lâm vào sự ảm đạm. Dù là giờ cao điểm ngày cuối tuần nhưng, khi đáo qua nơi đây, chúng tôi lại thấy cảnh các chủ tiệm người thì tám chuyện, người thì rảnh tay “quẹt” điện thoại. Khách ra vào chẳng có mấy ai, hầu hết khách đều là người dân sinh sống tại khu vực. Khu này từng có 29 gian hàng ẩm thực chuyên kinh doanh các món Việt Nam, Nhật, Hàn, Âu… giờ chỉ còn loe hoe 5, 6 xe cá viên chiên, trà sữa… Các gian hàng quần áo, quà lưu niệm không còn.

Gần 2 năm bán các món dim sum tại đây, chị Cẩm Thi, cho biết thời hoàng kim của phố này khách ra vào tấp nập, chẳng có chỗ chen chân. Khách đến đây bên cạnh việc ăn uống còn được chơi nặn tò he, nghe đờn ca tài tử, acoustic… Nhưng kể từ khi các chương trình ca nhạc thường niên mỗi tối thứ Bảy bị hủy, khách thưa thớt rồi vắng hẳn. “Trước đây, khách đến đông lắm. Cuối tuần các cửa hàng không còn ghế trống. Khách đến đây vừa ăn, vừa có thể xem các nhóm nhạc nổi tiếng trình diễn. Giờ thì… trống vắng,” chị Thi nói.

Mỗi ngày, chị Thi bán được khoảng 20 dĩa. Trừ đi tiền thuê mặt bằng 5 triệu, tiền nguyên vật liệu, lợi nhuận cũng không bao nhiêu. Những ngày mưa, vắng khách, chị chỉ biết… ngắm mưa và… thở dài. Các ngày cuối tuần, lễ, Tết chị bán nhiều hơn, nhưng cũng khoảng 30 – 40 dĩa, chỉ bằng 1/3 so với trước đây. 

Giờ, chị Thi vô cùng “quải chè đậu” vì thấy chợ mỗi ngày mỗi đìu hiu, hoàn toàn mất đi sự sôi động, nhộn nhịp vốn có. Chị cho biết, khi mở “phố ẩm thực,” chị cũng như chính quyền đều kỳ vọng rất lớn vì đây vốn là khu dân cư đông đúc, nhiều người dân có thói quen “ăn hàng” mỗi khi chiều xuống, là chỗ tập trung rất nhiều ngả đường. Nhưng không hiểu sao, từ khi mở “phố ẩm thực” (cuối năm 2022), từ chỗ háo hức ban đầu, dần dà khách ăn lại từ từ… rút lui và dần biến mất.

Những kế hoạch cho tương lai
Cuối năm 2023, quận 1 đã xây dựng Đề án “Định hướng phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) trên địa bàn quận 1” với “3 trục động lực.” Cụ thể là: Trục Văn hóa, thương mại “Tinh hoa Sài Gòn” với trục đường chính là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, mở rộng về đường Hàm Nghi và kéo dài ra Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Phạm Ngọc Thạch (từ vòng xoay Công trường Quốc tế đến nhà thờ Đức Bà). Tại đây sẽ phát triển không gian biểu tượng, tập trung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đường phố, quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, triển lãm sáng tạo, đổi mới, khoa học công nghệ… đóng vai trò kiến tạo bản sắc và xây dựng hình ảnh quốc tế với mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế, cũng như người dân Sài Gòn vào ban đêm.

Mới đây, huyện Bình Chánh cũng đề nghị mở phố ẩm thực đêm Trung Sơn, hoạt động 18-24h mỗi ngày, với 252 gian hàng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Huyện Bình Chánh là địa phương tiếp giáp với nhiều địa điểm du lịch ở trung tâm Sài Gòn và tỉnh Long An, có tiềm năng thu hút du khách từ trung tâm Sài Gòn và các tỉnh. Các địa phương như TP Thủ Đức, quận 12, quận Tân Phú, huyện Cần Giờ… cũng “nhập cuộc” để sớm cho ra mắt phố đêm An Sương, phố đêm Nguyễn Nhữ Lãm, phố đêm Cần Thạnh (Cần Giờ). Theo quy hoạch, sắp tới Sài Gòn sẽ có khoảng 20 phố đêm ẩm thực.

Làm sao để phố đêm, phố ẩm thực “níu” khách?
Tại một hội thảo về phát triển KTBĐ gần đây, đại diện của Bến Thành Tourist cho biết: “Muốn phát triển kinh tế đêm, TP cần quy hoạch các ngành nghề cùng kinh doanh một mặt hàng, dịch vụ với nhau để có thể mở cửa thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, dịch vụ tại các khu phố đêm hiện nay, đa số chỉ mở cửa đến 22 giờ thì chưa thể gọi là kinh tế đêm được. Cần kéo dài thời gian hoạt động đến 4 – 5 giờ sáng, đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách ở các con phố đêm, chợ đêm.” Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách, còn lại mức chi tiêu ban ngày của du khách chiếm khoảng 30%. “Làm thế nào để “móc” được 70% này của du khách, là cả một bài toán cần nhiều sở, ngành tính toán,” vị đại diện này nhấn mạnh.

Thực tế hơn, kiến trúc sư [KTS] Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia quy hoạch đô thị – cho rằng: Các quận, huyện đề xuất hình thành phố đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ cần đảm bảo đủ nguồn lực để làm “tới nơi tới chốn,” cơ bản nhất là cần có nơi che mưa, che nắng, bảng hướng dẫn, không gian xanh, nơi trú chân, đèn chiếu sáng, hoạt động quy cũ và có cơ quan hỗ trợ du khách khi xảy ra sự cố. Còn KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, nêu rõ: Quy hoạch các tuyến phố theo mô hình trên có thể nằm trong các đường hẻm, len lỏi qua khu dân cư, nhưng cần khai thác tại khu vực trung tâm. “Khu vực trung tâm là nơi tập trung đông khách du lịch, cũng là nơi người dân mọi nơi có xu hướng đổ về vui chơi. Khách du lịch thường muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa, cách thức sinh hoạt, món ăn của địa phương, thì các địa chỉ ở khu trung tâm sẽ dễ dàng cho họ tiếp cận,” ông nhận định. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết, Sài Gòn có đủ tiềm năng để trở thành “bếp ăn” của thế giới. Đặc biệt, phố ẩm thực mang lại kinh tế đêm là một trong những thế mạnh. Đây là nơi khách du lịch có thể tìm thấy những món ăn khác nhau mà không phải “tới lui” nhiều. “Hiện tại, Thái Lan là một quốc gia đang phát triển điều này rất tốt. Để xây dựng khu phố ẩm thực chuyên nghiệp, khiến du khách cảm thấy an toàn khi lựa chọn dịch vụ ăn uống, cần xây dựng một hệ sinh thái đi kèm. Cụ thể như giao thông, ngân hàng, kiểm tra vệ sinh, nhà vệ sinh…” ông Thơ nói. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, cho biết việc phát triển tốt phố ẩm thực sẽ giúp kích thích nền kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, phố ẩm thực cũng giúp lan tỏa giá trị văn hóa và kinh tế địa phương, giúp người dân tiếp cận được nguồn lợi mà khách du lịch mang lại. “TPHCM coi trọng và đưa ẩm thực là nội dung chính trong việc khai thác nền kinh tế ban đêm là rất đúng,” song ông cũng cho biết, các địa phương đã xác định được mục đích xây dựng phố ẩm thực nhưng lại loay hoay với bài toán tổ chức ở đâu, tổ chức thế nào. Sài Gòn thiếu một quy hoạch tổng thể về phố ẩm thực. Các địa phương tự vận dụng thế mạnh để khai thác thành khu phố ăn uống riêng. Từ đó khiến bức tranh trở nên lộn xộn, có những chỗ không phù hợp. “Nơi làm phố ẩm thực phải đảm bảo các yếu tố như: có khả năng trở thành nơi tập trung đông người, nhiều hàng quán, không cản trở giao thông. Tuy nhiên, một số địa phương lại quy hoạch phố ẩm thực vào nơi quá chật chội, có nơi lại quá rộng. Khi chưa có sự nghiên cứu và khảo sát kỹ càng, việc thất bại là điều thấy rõ,” ông Kỳ nhận định.

Không phải là chuyên gia, nhưng nhiều “hướng dẫn” của người dân cho thấy, quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà không bao giờ thấy vắng, kể cả 2h-3h sáng vẫn đông nghịt giới trẻ. Nơi này không phải phố đêm hay phố ẩm thực, không có tổ chức bài bản, chỉ đơn giản trải vài tấm bạt, uống mấy ly cà phê mà vẫn thu hút được đông người dân và du khách. Hay khu Đèn Năm Ngọn, chợ Phùng Hưng (quận 5) tối nào cũng nườm nượp khách ra vô. Vậy nên khi làm phố đêm ẩm thực, các địa phương cần tìm hiểu và tạo ra nét đặc trưng riêng để thu hút người dân. Cái quan trọng là, khu ẩm thực, ngoài đa dạng các thức ăn món uống, giá cả vừa phải, cũng cần có không gian để khách dừng chân, nghỉ ngơi, thưởng thức và ngắm nghía rồi… tám chuyện. Nhất thiết là phải có chỗ vệ sinh công cộng. Quan trọng hơn, mỗi phố, mỗi khu phải có món “độc,” đặc trưng để tạo thành dấu ấn, thương hiệu, đừng “na ná,” đại trà… để “níu” chân khách.

Quốc Định
September, 2024

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights