TÁM BÔN XA
Ông bà xưa có câu “cháy nhà lòi ra mặt chuột” là bởi “ông Tí” có tài chi, trốn giỏi gì đi nữa thì nhà cháy cũng phải chạy ra! Dám trốn ở lại không, có mà thành chuột quay thôi! Mà chạy ra thì người ta mới thấy mặt chớ. Chuyện đó cũng dễ hiểu mà!
Siêu bão Yagi vừa tràn vào Bắc Việt làm thiệt hại cả người và của vô cùng lớn, cho tới nay vẫn chưa tính hết được. Và vẫn còn khá nhiều nơi chìm ngập trong nước, đời sống dân chúng rất thảm thương và đang được đồng bào trong nước ở những vùng an toàn cứu giúp! Tám tui xin nghiêng mình chia buồn cùng bà con và cầu mong cho tai nạn mau qua để bà con yên ổn làm ăn không phải tha phương cầu thực, vừa khổ thân vừa khổ cho người khác!
Song cơn bão Yagi lại làm “lòi ra” một chuyện khác. Đó là chuyện trồng cây ở lề đường và các công viên tại Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thì thành phố này có 1,7 triệu cây xanh trong đô thị, tức cây được trồng ở lề đường và trong các công viên. Cũng báo cáo này, từ năm 2016 tới năm 2020 có tới 1,6 triệu cây mới trồng. Nghĩa là khá nhiều cây ở cái thành phố “thủ đô” này. Nói tới cây là Tám tui thấy mát rượi cả người! Bởi cây là lá phổi của đô thị giúp cho đô thị mát mẻ, có khí hậu thanh sạch, làm đời sống thêm phần tươi tắn hơn.
Cơn bão vừa qua đã làm cho 40.000 cây ở Hà Nội trốc gốc, trong số đó có 100 cây cổ thụ quý, được trồng từ lâu đời, được bà con giữ gìn. Theo lẽ thường, cây trốc gốc vì gió bão cũng bình thường và sau đó mình trồng lại thôi, chả có vấn đề gì đáng nói. Điều đáng nói mà nhiều người théc méc là “Tại sao cây lại trốc gốc quá dễ dàng như vậy?” và khi cây trốc gốc “người ta thấy các gốc cây đều còn nguyên “bao bì” như khi vận chuyển?”
Hai câu hỏi này hơi căng nha.
Bởi cái này người nay kêu là “cháy nhà lòi ra mặt chuột” như thời xưa. Bởi nếu không có gió bão thì có thằng Tây nào chui xuống đất để biết lý do cây trốc gốc dễ dàng và gốc cây còn nguyên đai nguyên kiện như khi vận chuyển?
Theo các “chiên da” về trồng cây, thì muốn trồng một cái cây cho thiệt ngon lành, chịu đựng được mưa to gió lớn, người ta phải đào sâu từ khoảng 0,8 cho đến 1,2m. Trong khi các cây bị trốc gốc người ta thấy chỉ sâu chừng ba bốn tấc đất, ước chừng ba bốn em nhỏ xô mạnh chắc cũng ngã ngang chớ đừng nói chi tới gió lớn. Vậy mà….
Thay vì trả lời rằng, thì, là, mà… thì ông giám đốc cái công ty chịu trách nhiệm trồng cây lại gạt ngang “chúng tôi không trồng những cây ấy!” Nghĩa là theo ông ta, trách nhiệm thì ở ông nhưng việc trồng là của ai đó chớ chẳng dính dáng gì tới cái công ty của ông ta! Lạ thiệt! Chẳng lẽ có thằng Tây nào đó tưng tưng và rảnh lắm nên trồng cây dùm cho cái công ty của ông ta? Dĩ nhiên, tiền mua cây, trồng cây thì công ty ông ẵm rồi, dễ gì mà bỏ qua!
Theo quyết định số 7109 ngày 26/12/2016 của nhà cầm quyền Hà Nội thì đơn giá chi phí mỗi cây được trồng và chăm sóc trung bình khoảng hai triệu đồng [khoảng 80 đôla], nếu chỉ bớt đi khoảng 10% các chi phí này tức khoảng 200 ngàn đồng/cây thì cái nơi có trách nhiệm trồng và chăm sóc sẽ bỏ túi bao nhiêu trong số hàng triệu cây được trồng ắt cũng dễ tính toán nhen. Chưa hết, còn có vụ chặt bỏ các cây “có vấn đề” rồi những cây bị chặt ‘đi về đâu” cũng đáng lưu ý.
Nói cách khác, sau cơn bão thì nhiều chuyện bị lòi ra, giống như… à mà thôi, Tám tui không dám nói nữa.
Theo Tám tui, chuyện này cũng tại ông Bật Mã Ôn!!! Chuyện nghe lâu lắc, ai kể, quên rồi.
Chuyện rằng:
Hồi xưa thiệt là xưa có con khỉ đá tài phép vô song, thấy thiên hạ làm quan được ăn ngon mặc đẹp, ở lầu son gác tía, mới bực mình xách thiết bảng lên quậy Thiên đình. Binh tướng nhà trời đánh không lại, Ngọc Hoàng lo lắng, các gian thần liền bàn nên cho nó một chức quan là êm! Nhưng ghế quan thì ít mà đít quan thì nhiều đâu còn chỗ. Cuối cùng người ta nhớ còn một chỗ khuyết, đó là chức Giữ ngựa có tên khá kêu là Bật Mã Ôn. Vậy là khỉ ta được phong ngay chức ấy. Có chức, khỉ ta lấy làm sướng. Nhưng ngựa trời cũng dễ dạy, chỉ cần nhịp thiết bảng là chúng tự ên ăn uống chạy nhảy không cần phải dẫn dắt. Rảnh, Bật Mã Ôn liền đằng vân giá võ trong vùng thiên đình ngắm cảnh. Một bữa nọ, Bật Mã Ôn tới vườn đào thấy trái chín thơm phức liền nhào xuống, khỉ mà! Hỏi ra mới biết, chỉ có loại thượng tiên mới được dự Hội vườn đào và ăn loại đào ba ngàn năm mới có trái một lần. Mà Bật Mã Ôn là chức Hạ tiên nên còn lâu mới được ăn! Nghe vậy, Bật Mã Ôn nổi điên, hóa ra một bầy khỉ ăn sạch vườn đào, đái vô gốc, rồi quơ thiết bảng đập cho cây trốc gốc hết.
Đó là phần của ông Ngô Thừa Ân kể. Phần còn lại thì không rõ của ông nào.
Sau khi cây trốc gốc mới lòi ra các gốc đào dù được trồng nhưng vẫn chưa lột bỏ những bao bì bọc rễ. Do vậy, thay vì một ngàn năm có trái thì tới ba ngàn năm mới có. Lâu nay cây sống được là nhờ linh đơn của Thái Thượng Lão Quân cung cấp với giá cao. Thấy gốc đào bị lộ, các tiên chăm sóc vườn đào chạy tới khóc với Thái Thượng Lão Quân nhờ cứu. Sau rất nhiều đại hội cứu cây, ông này liền làm phép cho các cây đứng dậy, đổ linh đơn cho cây mọc trái như cũ. Và dĩ nhiên cung cấp linh đơn với giá cao khiến các tiên chăm sóc vườn đào vừa móc túi mà nước mắt cứ ứa ra như cha chết!
Từ đó, việc trồng cây khỏi cần bỏ bao bì bọc rễ trở thành “bí quyết” được bí mật truyền lại cho đời sau một cách, chỉ con cháu người trong nghề mới được biết. Việt Nam vốn là con rồng cháu tiên nên cũng được truyền lại bí quyết này! Chớ hồi thằng Tây còn ở xứ ta do không biết bí quyết này nên trồng cây cứ đứng hoài suốt trăm năm gió lớn gió nhỏ gì cũng chẳng sao, mưa chẳng gãy, thiệt là…bậy bạ hết sức!
Bí quyết bị lộ cũng tại cơn bão Yagi! Vậy là từ nay việc trồng cây kiếm cơm coi bộ hơi mệt à nhen!
Thương quá!