Nhà Tiền Lê (980 – 1009)

by Tim Bui
Nhà Tiền Lê (980 - 1009)

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Nhà Tiền Lê là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi Đinh Phế Đế – Đinh Toàn nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980, trải qua ba đời vua, trong đó vua Lê Long Việt chỉ làm vua được có ba ngày, và chấm dứt khi Lê Long Đĩnh qua đời, tổng cộng được 29 năm. Quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt.

Sỡ dĩ gọi là nhà Tiền Lê là để phân biệt với nhà Hậu Lê sau này, khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh và lên làm vua.

Vua Lê Đại Hành
Sau khi Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị ám hại, Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn làm phụ chính, xưng là Phó vương. Triều thần sợ Lê Hoàn cướp ngôi vị Thiếu đế, nên các công thần là Định Quốc công Nguyễn Bặc và Ngoại giáp Đinh Điền dẫn quân về kinh đô định giết Lê Hoàn. Lực lượng này thua trận và bị Lê Hoàn tiêu diệt.

Năm 980, quân Tống nhân cơ hội đem quân sang muốn cướp nước. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân. Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn.” Quân sĩ đều hô vạn tuế.

Lúc đó, người đứng đầu triều đình là Dương Thái hậu không còn cách nào khác do mọi quân sĩ đều tôn lập Lê Hoàn, bèn thuận theo, sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, đưa Lê Hoàn lên làm Hoàng đế. Đây chính là thời khắc lập ra nhà Tiền Lê. Lê Hoàn lên ngôi lấy hiệu là Lê Đại Hành.

Cai trị
Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn chuẩn bị chống lại nhà Tống trong Chiến tranh Tống – Việt năm 981, và đã anh dũng đánh bại quân Tống xâm lược. Sau chiến thắng, Lê Hoàn liền sai sứ sang nhà Tống cống các đồ thổ sản và dâng biểu tạ lỗi nhằm giữ mối quan hệ hòa hảo không đáng đánh mất giữa Việt và Tống, đồng thời cũng thảo phạt Chiêm Thành đang rất mạnh ở phía Nam.

Ngay sau bàn định ngoại trị, Lê Hoàn vì muốn ổn định chính trị bên trong, đã cưới Dương Thái hậu làm một trong các Hoàng hậu của mình. Theo quan điểm Nho giáo của các nhà chép sử sau này, như trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết, thì ông bị chê trách về đạo vợ chồng do ông đã lập Dương Thái hậu làm Hoàng hậu của mình.

Tuy nhiên, điều đó cũng không cản trở ông có nhiều thành tựu xây dựng quốc gia, cũng như chứng minh được tài trị vì của mình. Trong khi cai trị, ông đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng nền kinh tế. Ông là vị Hoàng đế trong lịch sử mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lê Hoàn là một vị Hoàng đế có rất nhiều con trai. Con trưởng của ông là Lê Long Thâu đã được chọn làm người kế vị từ những năm đầu tiên khi ông lên ngôi, nhưng lại đột ngột qua đời sớm vào năm 1000, để lại ngôi vị Thái tử bỏ ngỏ.

Vào lúc này, người con thứ năm của ông là Khai Minh vương Lê Long Đĩnh tự ứng cử mình làm Thái tử. Theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Hoàn rất thích Long Đĩnh và tính chọn làm Trữ quân, nhưng bị các đại thần thân cận ngăn lại vì nhiều người con lớn và tài ba hơn Long Đĩnh, trong đó có Lê Long Tích, giữ tước vị Đông Thành vương và là con trưởng nhất lúc đó của ông sau khi Lê Long Thâu qua đời. Lê Hoàn bỏ ý định lập Long Đĩnh làm Thái tử, nhưng cũng không chọn trưởng tử Long Tích, mà chọn người anh cùng mẹ của Long Đĩnh là Nam Phong vương Lê Long Việt.

Năm 1005, Lê Hoàn sau 24 năm trị vì thì qua đời tại Trường Xuân điện.

Nội chiến giữa các hoàng tử
Ngay lập tức, các hoàng tử là Khai Minh vương Lê Long Đĩnh, Đông Thành vương Lê Long Tích, Trung Quốc vương Lê Long Kính tranh vị với Thái tử Lê Long Việt. Trong nước tám tháng không có ai làm chủ. Vào mùa Đông năm 1005, Đông Thành vương Lê Long Tích bị Thái tử Long Việt đánh bại, chạy đến châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì bị người bản địa giết chết. Vài tháng sau, Lê Long Việt thuận lợi lên ngôi Hoàng đế.

Trước sự thắng thế của Lê Long Việt, các hoàng tử khác tạm thời án binh bất động. Tuy nhiên, Lê Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị em cùng mẹ là Khai Minh vương Lê Long Đĩnh giết chết lên thay.

Lê Long Đĩnh lên ngôi, tôn hiệu “Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế.”

Lê Long Đĩnh
Là một người có nhiều quân công, Lê Long Đĩnh liền sau đó hiểu rằng ông phải đích thân đi dọn dẹp các hoàng tử khác mới mong được sự trị vì vững chắc và yên ổn.

Khi đó, Ngự Bắc vương Lê Long Cân và Trung Quốc vương Lê Long Kính chiếm trại Phù Lan để làm phản. Lê Long Đĩnh thân đi đánh, khiến Ngự Bắc vương Long Cân phải bắt Trung Quốc vương Long Kính đem nộp và xin đại xá. Long Đĩnh tha cho Long Cân, còn Long Kính bị xử tử. Ngự Man vương Lê Long Đinh do khiếp sợ cũng đầu hàng. Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả.

Sau đó, Lê Long Đĩnh đã củng cố ngoại giao bằng những chính sách rất mềm dẻo đối với nhà Tống. Ông rất chuộng Phật giáo, bằng việc xin thỉnh kinh Đại Tạng về. Kinh Đại Tạng là một bộ sách Phật giáo được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển. Đó là lần đầu tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa.

Ngoài kinh Đại Tạng, nhà Tống còn tặng cho Cửu kinh gồm: Kinh DịchKinh ThiKinh ThưKinh LễKinh Xuân ThuHiếu KinhLuận NgữMạnh Tử và Chu Lễ. Cửu kinh là chín quyển sách hợp thành Tứ thư – Ngũ kinh, là nền tảng của văn minh Trung Hoa lần đầu tiên nhập vào Việt Nam là do Lê Long Đĩnh lấy về. 

Ngoài ra, ông cũng chăm lo kinh tế bằng cách cho xây đắp các tuyến đường lớn, những con đường thủy bộ cho vững chắc để tiện việc giao thương. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1009, Lê Long Đĩnh lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu thuộc Trung Hoa, nhưng Tống đế chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng, là những nơi giáp vùng biên giới thôi.

Theo An Nam chí lược, vua Tống cho rằng Giao Chỉ thường cướp phá vùng bờ biển nước Tống, nay cho buôn bán ở Ung Châu không tiện, cứ theo lệ cũ là trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng. Lê Long Đĩnh trong bốn năm cầm quyền đã năm lần cầm quân đánh dẹp ở các vùng đất mà ngày nay thuộc Hưng YênPhú ThọTuyên QuangThanh HóaNghệ AnHà Tĩnh. Vì nhà nước Đại Cồ Việt vẫn là nhà nước mới và vẫn chưa thực sự mạnh để các nơi tuân phục, điều này tiếp diễn nhiều năm trong thời kỳ đầu của nhà Lý.

Năm 1009, Lê Long Đĩnh qua đời lúc mới 24 tuổi, ở ngôi bốn năm. Theo sử sách ghi lại thì do vua chơi bời quá độ, nên mất sớm, do đó sau khi mất đi, vua còn bị gọi là Lê Ngọa Triều. Các con của vua Lê Long Đĩnh hãy còn rất nhỏ, quan Điện tiền chỉ huy sứ là Lý Công Uẩn được sự ủng hộ của Chi nội là Đào Cam Mộc cùng thiền sư Vạn Hạnh đã lên ngôi hoàng đế; các quan trong triều đều nhất trí suy tôn. Từ đây nhà Lý chính thức thành lập.

Việc nội trị dưới triều nhà Tiền Lê
Nhà Tiền Lê nối tiếp và hầu như giữ nguyên mọi quy củ của nhà Đinh. Năm 980, sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đặt chức quan trong triều, phong Hồng Hiến làm Thái sư, Phạm Cự Lạng làm Thái úy, Từ Mục làm Đại tổng quản, Đinh Thừa Chinh làm Nha nội đô chỉ huy sứ.

So với nhà Đinh, quyền hành tập trung về tay hoàng đế, vua Lê đã chia trách nhiệm cho các đại thần. Chỉ riêng việc đánh dẹp thì nhà vua thường thân chinh cầm quân.

Nhà Tiền Lê xem trọng nông nghiệp. Vào đầu xuân năm 987 vua  Lê Đại Hành đã thực hiện lễ cấy tịch điền, để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp. Đó là lễ tịch điền đầu tiên mà một vị vua Việt Nam thân hành đi cày mà được sử sách ghi nhận lại.

Đối ngoại
Với Trung Quốc
Nhà Tiền Lê thực hiện chính sách: “thuần phục giả, độc lập thật“. Về cơ bản, quan hệ ngoại giao giữa nhà Tiền Lê với nhà Tống có nhiều thuận lợi. Nhà Tống tỏ ra dè dặt, mềm dẻo với các vua Lê vì luôn phải đối phó với nguy cơ từ người Khiết Đan ở phía Bắc. Sau thất bại năm 981, vua Tống bằng lòng công nhận Lê Hoàn, phong ông làm Tiết độ sứ và không hỏi tới dòng dõi nhà Đinh nữa.

Với Chiêm Thành
Năm 981, Lê Đại Hành sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành bị vua Chiêm bắt giữ. Lê Đại Hành nổi giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh.

Năm 982, vua Lê khởi binh thân hành nam tiến đến kinh đô của Chiêm Thành lúc ấy là ở Quảng Nam bây giờ. Quân Đại Cồ Việt thắng lớn, chém chết vua Chiêm là Ba Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to, nhiều quân sĩ bị bắt sống. Quân Lê bắt lính cùng cung phi mỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu nước Chiêm.

Quân Việt đã phá hủy hoàn toàn kinh đô Indrapura (làng Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay). Sau thất bại này, người Chăm phải bỏ Indrapura dời kinh đô xuống Vijaya (Bình định ngày nay).

Một viên tướng là Quảng giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại Chiêm Thành và sau này chiếm lấy ngôi vua Chiêm Thành.

Năm 992, vua Chiêm mới là Harivarman II sai sứ sang xin lại 360 tù binh bị bắt giữ mang về châu Ô Lý (Thừa Thiên – Huế bây giờ). Harivarman II sai sứ là Chế Đông sang dâng sản vật địa phương, vua Lê trách là trái lễ, không nhận. Harivarman II sợ hãi, năm 994 lại sai cháu Chế Cai sang chầu. Từ đó quan hệ hai bên khá yên ổn không xảy ra xung đột.

Nghi vấn về Lê Ngọa Triều 

Đa số sách sử nhận định rằng, vào những năm cuối đời, Lê Long Đĩnh là một hôn quân. Sử chép rằng, vì chơi bời sa đọa, nên Lê Long Đĩnh bị bệnh trĩ không ngồi được, phải nằm mà coi chầu, nên được gọi là Lê Ngọa Triều.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư nói, Lê Ngọa Triều tính hiếu sát thường thiêu sống, dìm nước hay dùng dao cùn mà tùng xẻo tù nhân; sư sãi vốn có thế lực rất lớn đối với chính sự nhưng Ngọa Triều từng sai người róc mía trên đầu sư Quách Ngang để làm trò cười; lại nuôi nhiều bọn hề làm trò khôi hài trong triều để làm loạn lời tâu việc của các quan. Do những việc làm đó, Ngọa Triều bị quan lại và dân chúng căm ghét. 

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng chơi bời sa đọa không phải là nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ, mà có thể Lê Long Đĩnh bị suy nhược bởi nhiều nguyên nhân nào đó.

 Xét ra, dữ kiện lịch sử có nhiều mâu thuẫn. Một vị vua chuộng đạo Phật, thỉnh kinh Đại Tạng về truyền bá trong nước; mở mang giao thông, phát triển kinh tế; trong bốn năm cầm quyền đã năm lần đích thân cầm quân dẹp loạn. Một vị vua tin dùng Sư Vạn Hạnh như một quân sư, sao lại hành hạ những nhà sư và nhanh chóng trở thành một hôn quân. Có lẽ lại xuất hiện một bí mật trong cung đình như cuối thời nhà Đinh, mà sử sách không tiện ghi lại chăng?

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights