Mè – Sesame trong cái nhìn y học

by Tim Bui
Mè – Sesame trong cái nhìn y học

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Dẫn nhập
Mè là một loại hạt khá phổ biến trong khoa ẩm thực của người Việt Nam nói riêng và của nhiều dân tộc khác trên thế giới nói chung. Bên cạnh việc được xem là một thực phẩm chính trong các bữa ăn có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhất là trong phương pháp dưỡng sinh Ohsawa, Mè còn được xem là một dược thảo quan trọng trong ngành Đông y. 

Nguồn gốc & phân loại

Nguồn gốc
Cây mè có mặt ở những quốc gia miền nhiệt đới trên toàn thế giới, nhất là ở Phi châu và Ấn độ, sống quanh năm, hạt mè vì thế cũng được thu hái quanh năm. Riêng tại Hoa Kỳ, Mè được nhập cảng từ Việt nam, Trung quốc, Đại hàn và Nhật bản… nhưng nhiều nhất là từ Mexico.

Phân loại
Tùy theo giống, cây mè có hoa hình ống, nhiều màu sắc khác nhau, từ màu trắng cho đến màu vàng, màu xanh và cả màu tím nữa. Từ nguyên nghĩa sesame, có nghĩa là cây dầu, cho chúng ta thấy, hạt mè chứa rất nhiều dầu. Dầu mè lại chứa đựng rất nhiều sinh tố, khoáng chất, và nhiều dưỡng chất cần thiết khác. Hạt mè có nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau, từ màu ngà (mè trắng – cream white) cho đến màu than (mè đen – charcoal black), nhưng nói chung, thành phần dinh dưỡng không khác gì nhau mấy, trừ một điều, theo quan điểm Đông y, mè đen có tác dụng trực tiếp vào thận hơn là mè trắng.

Thành phần dưỡng chất
Theo quan điểm Đông y
Mè có vị nhạt, hơi đắng, tính bình. Khi được rang lên, mè có mùi thơm. Tác dụng kiện tỳ vị – tăng cường sức mạnh của hệ tiêu hóa, dưỡng can và bổ thận, dưỡng âm, thanh nhiệt nhẹ, rất tốt cho da, tóc và gân cốt, chống táo bón.

Theo quan điểm Tây y
Nhìn vào bảng liệt kê thành phần dưỡng chất của mè, chúng ta có thể thấy ngay một điều rất quan trọng, là mè có rất nhiều chất béo không bão hòa (có thể hòa tan), rất tốt cho cơ thể, nhất là cho những ai có bệnh cao mỡ trong máu, bệnh nghẽn động mạch vành tim. Một nghiên cứu được thực hiện ở Úc năm 1992 đã đưa ra chứng cứ rằng chất oleic acid trong dầu mè có thể làm giảm cholesterol.

Một cách tổng quát, hạt mè có nhiều sinh tố, khoáng chất, và chất xơ cần thiết cho cơ thể. Trong mỗi 100gr mè, có đến 48gr chất béo có thể hòa tan, và 20 gr protein cần thiết cho hoạt động của tế bào, nhiều kim loại cần thiết như sắt, magnesium, manganese, đồng, calcium, rất giàu vitamin B và nhất là vitamin E. Hơn thế nữa, mè lại có nhiều chất phytoestrogen (estrogen thực vật) có khả năng chống lão hóa và đề phòng ung thư khá mạnh mẽ.

Ứng dụng

Trước tiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới, mè được sử dụng như một loại gia vị trong các món ăn, do mùi thơm khá quyến rũ của hạt, cũng như của dầu mè. Đối với người Việt Nam, khi nhắc đến mè thì người ta sẽ nghĩ ngay đến món muối mè thường ăn kèm với nhiều món ăn khác, nhất là các món xôi như xôi bắp, xôi cúc, xôi mặn; chỉ cần thêm vào tý muối mè là hương vị trở nên hấp dẫn và thơm ngon vô cùng.

Ở các quốc gia Trung Đông, hạt mè màu nhạt được ưa chuộng nhất, trong khi đó, ở các quốc gia miền Viễn Đông, như Việt Nam, Trung Hoa…, cả hai hạt mè màu ngà và màu đen đều được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng.

Tại Nhật, hạt mè được dùng trong vài món salad trộn, cũng như sushi…

Tại vài quốc gia Phi Châu như Togo chẳng hạn, hạt mè là thành phần chính trong vài món súp, ở Congo, Angola, mè còn được dùng trong các món smoked fish, và cả lobster nữa.

Tại Hoa Kỳ, chúng ta thấy hạt mè thường được phủ lên vài món ăn làm từ bột như bagel, hamburger, cũng như trong vài loại bánh mì, vài loại cracker…

Và còn nhiều nơi trên thế giới, hạt mè trở nên rất phổ biến, không chỉ vì hương thơm mà còn vì có rất nhiều chất bổ.

Mè còn có mặt trong các bài thuốc của ngành Đông y Việt nam cổ truyền, trong các phương thuốc dân gian Ấn độ với nhiều tác dụng trị liệu khác nhau, và hơn thế nữa, là một thành phần chính trong phương pháp dưỡng sinh Ohsawa, mà chúng ta sẽ đề cập đến trong phần kế tiếp. Sau đây là một vài kinh nghiệm dân gian Việt Nam trong việc sử dụng mè vào việc trị liệu như:

Trị Táo bón
Có thể nói, mè là một thần dược trị táo bón lâu ngày, thích hợp với mọi lứa tuổi và khá an toàn cho người cao niên. Cách dùng như sau:

Uống một muỗng cafe dầu mè (sesame oil) trước bữa ăn sáng hoặc tối 1 giờ đồng hồ, cùng với một chút nước ấm để giúp dầu mè trôi xuống bao tử và đường ruột dễ dàng. Nếu táo bón nặng (kéo dài hơn 5 ngày), có thể uống 2 lần trong ngày, trước mỗi bữa ăn 1 giờ đồng hồ. Chỉ cần uống vài lần là sẽ thấy ngay kết quả.

Sữa mè
Đây là một thức uống rất tốt cho da và tóc, có khả năng chống lão hóa khá mạnh, và đặc biệt thích hợp trong việc làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh (premenopause) của phụ nữ. 

Công thức
Thành phần chuẩn bị: 200 gr Mè trắng, đã rang vàng và xay nhuyễn – 150 gr đường nâu – 1 lít sữa đậu nành.

Cách pha chế
Rót 200ml sữa đậu nành vào cối xay sinh tố, thêm vào 5 muỗng cà phê mè rang xay nhuyễn và 3 muỗng đường, tiếp tục xay đều độ 1 phút. Mỗi ngày uống một lần. Xin quý vị lưu ý là công thức này không thích hợp với người bị bệnh tiểu đường.

Mè và phương pháp Dưỡng sinh Ohsawa
Đây là phương pháp dưỡng sinh do ông George Ohsawa (1893-1966) tìm ra. Dưỡng sinh Ohsawa là phương pháp rất nổi tiếng và có hiệu quả trong việc trị bệnh và duy trì sức khỏe, với hai nguồn thực phẩm chính là gạo lứt và muối mè.

Cách chuẩn bị hơi cầu kỳ, dù không đòi hỏi quá nhiều thời gian. Nhưng cách ăn đòi hỏi người áp dụng phải kiên nhẫn, chịu khó làm theo những hướng dẫn, thì sẽ đạt được những kết quả rất kỳ diệu.

Tác dụng trị liệu của phương pháp này khá rộng như: hạ cholesterol, chống bệnh cao mỡ trong máu, xơ cứng động mạch, chống ung thư, chống tiểu đường và các bệnh nan y khác.

Phương thức áp dụng
Trước hết, gạo lứt cần được ngâm trước ít nhất 8 giờ đồng hồ, sau đó nấu trong một nồi sành. Nếu không thể nấu bằng nồi sành, quý vị có thể dùng tạm nồi kim loại, nhưng không nên dùng nồi cơm điện. Mè cần được rang lên, sau đó nghiền nát và trộn thêm một lượng muối vừa phải (từ 1 đến 2 muỗng cafe muối rang, trộn với 200 gr mè), sau đó dùng chung với cơm gạo lứt. Chúng ta cũng có thể ăn thêm các loại rau quả để cung cấp những sinh tố cần thiết và chất tươi cho cơ thể.

Khi ăn, mỗi một và cơm, chúng ta phải nhai từ 60 đến 90 mươi lần trước khi nuốt. Cách ăn này cần khá nhiều thời gian, thật khó thích hợp cho những ai đang còn phải đi làm, nhưng lại thích hợp cho những người lớn tuổi, hay đã về hưu. Mục đích của cách nhai này nhằm bảo đảm sự dễ tiêu, cũng như để cho các enzymes của nước miếng (saliva) tận dụng được hết khả năng của mình, có đủ thời gian tác dụng với các dưỡng chất trong gạo lứt và mè, làm thành một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể.
Những người có bệnh cao huyết áp cần lưu ý là bình thường, để bảo vệ tim mạch, chúng ta không nên ăn quá 5gr muối mỗi ngày.

Tuy nhiên, với họ phương pháp trên vẫn có thể áp dụng được, với điều kiện là muối phải rất ít, nằm trong phạm vi cho phép là 2gr mỗi ngày. Ví dụ, nếu chúng ta ăn mỗi ngày 100gr mè, thì trong 100gr mè đó, hàm lượng muối cho phép chỉ là 2gr mà thôi. Và để đạt được hiệu quả tốt nhất, chúng ta chỉ nên dùng muối biển, là loại muối chưa được chế biến, sẽ an toàn hơn.

Phương pháp nhai dầu mè
Đây là một phát hiện rất mới của Y học về cách dùng dầu mè vào việc trị liệu. Vào năm 1990, bác sĩ F. Karach đã trình bày trước Hội Nghị All-Ukrainian, gồm các bác sĩ chuyên khoa ung thư, các nhà vi trùng học thuộc Hội Khoa Học USSR – Nga sô, về phương pháp Oil Pulling (tạm dịch là ngậm và nhai dầu mè). Bác sĩ Karach nói: “Với liệu pháp dầu, tôi đã khỏi bệnh nhiễm trùng máu kinh niên 15 năm. Và trong 3 ngày đầu của thời gian dùng liệu pháp này, tôi được khỏi bệnh đau khớp nặng, một căn bệnh từng khiến tôi phải nằm liệt giường.”

Điểm độc đáo của phương pháp chữa lành này là tính đơn giản. Phương pháp chỉ gồm việc làm cho dầu mè được luân chuyển trong miệng. Tiến trình chữa lành sau đó, được hoàn thành bởi chính cơ quan của con người.

Theo các kết quả nghiên cứu thì những căn bệnh sau có thể được chữa trị hiệu quả bằng phương pháp nhai dầu mè: nhức đầu kinh niên, viêm cuống phổi, các bệnh phổi và gan, nhức răng, nghẽn mạch máu, các bệnh về máu, đau khớp, tê liệt, nấm da, chàm, bệnh đường ruột như loét dạ dày, các bệnh tim và thận, viêm não, thần kinh và các bệnh phụ nữ, và sau cùng là gia tăng khả năng chuyển hoá của cơ thể. Nhờ đó mà sức khỏe ngày càng được bảo vệ và gia tăng.

Theo bác sĩ Karach, cách áp dụng cần tuân theo các chỉ dẫn như sau:

Buổi sáng trước bữa điểm tâm, lúc bụng đói hoàn toàn, quý vị có thể lấy gần một muỗng canh dầu mè (bằng 2 muỗng cafe) ngậm trong miệng nhưng đừng nuốt. Dầu sẽ được luân chuyển bằng cách nhai từ từ, qua hàm răng phía trước, vào trong miệng và chạm vào tất cả các phần của màng nhày bên phải cũng như bên trái phía trong khoang miệng từ 15 đến 20 phút. Dầu được luân chuyển (nhai) chầm chậm và hòa kỹ với nước bọt. Việc nhai chậm rãi này sẽ kích thích các enzymes rút các độc tố ra khỏi máu. Đó là lý do chúng ta không được nuốt dầu vì lúc đó, dầu đã thấm nhiều độc tố. Sau khi nhai khoảng 15 phút, dầu mè trở nên loãng hơn và chuyển thành màu trắng. Đó là lúc chúng ta phải nhổ dầu ra ngoài.  

Nếu dầu mè được nhổ ra vẫn còn màu vàng, có nghĩa là chúng ta đã không nhai kỹ hoặc nhai chưa đủ lâu. Sau khi nhổ dầu, quý vị hãy súc miệng vài lần để rửa miệng. Tốt hơn nữa là hãy súc miệng bằng một ly nước muối ấm.

Quý vị cũng có thể làm một công thức dung dịch súc miệng như sau: 1/2 muỗng cà phê muối và 1/2 muỗng cafe baking soda hòa cùng trong một ly nước ấm (nếu không có baking soda, quý vị hãy dùng một muỗng cà phê muối). Sau đó, đánh răng, nạo lưỡi cho sạch. Có thể đánh răng bằng muối, hoặc đánh răng bằng kem đánh răng như thường ngày.

Quí vị cũng có thể đổ thêm nước lạnh vào phần nước muối còn lại để làm giảm bớt độ mặn, sau đó để nghiêng ly nước này dưới mũi, nhẹ nhàng hít nước muối vào để rửa đường mũi, rồi nhẹ nhàng xịt mũi ra. Sau cùng, quý vị hãy rửa sạch bồn rửa mặt vì nước súc miệng nhổ ra có chứa nhiều vi trùng và các độc tố trong cơ thể.
Một xét nghiệm nước súc miệng sau khi nhai dầu mè đã cho kết quả như sau: Nếu để một giọt nước súc miệng này dưới kính hiển vi có độ phóng đại 600 lần, quý vị có thể nhìn thấy những con vi trùng đang phát triển ở giai đoạn đầu. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao chúng ta nhận biết được những dấu hiệu chữa lành của phương pháp nhai dầu mè?

Những dấu hiệu chữa lành
Những người mắc bệnh lâu năm có thể sẽ có một dấu hiệu ngược lại, căn bệnh dường như nặng thêm nếu so với lúc bắt đầu thực hành. Đó là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ bệnh đang trong tiến trình chữa lành. Thân nhiệt vì thế cũng được tăng lên.

Một vài kết quả tốt đẹp khác ghi nhận được, là sau một thời gian ngắn áp dụng phương pháp nhai dầu mè – Oil pulling, những chiếc răng bị lung lay trở nên chắc lại, bệnh chảy máu nướu răng giảm thiểu nhiều, và hàm răng trắng hơn trước. Điều quan trọng quí vị cần chú ý là tiến trình nhai dầu đã kích thích khả năng chuyển hoá của cơ thể (metabolism). Nhờ đó sức khỏe tổng quát cũng được gia tăng.

Tốt nhất là quý vị hãy thực hành việc nhai dầu mè trước bữa ăn sáng. Để mau khỏi bệnh, quý vị có thể áp dụng mỗi ngày ba lần, nhưng luôn luôn trước bữa ăn, khi bụng đói hoàn toàn. Cách này sẽ làm cho tiến trình chữa lành được nhanh chóng hơn.

Kết luận
Cho dù các phương pháp trị liệu trình bày ở trên được áp dụng dựa trên các tác dụng tốt của mè, như phương pháp dưỡng sinh Ohsawa, hoặc phương pháp nhai dầu mè chẳng hạn, dù có thể rất hữu ích cho sức khỏe con người, cũng vẫn không thể thay thế hoàn toàn việc điều trị của bác sĩ chuyên khoa Đông hoặc Tây y. Vì thế, trong khi đang theo đuổi phương pháp trên, nếu thấy các triệu chứng trở nên nặng nề hơn, quý vị cần báo ngay cho bác sĩ gia đình biết để tìm hiểu xem những triệu chứng này nằm trong tiến trình chữa lành của phương pháp, hay do tình trạng thực tế của bệnh nhân đang trở nên trầm trọng, cần phải đối phó và chữa trị ngay.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights