Phía sau phận đời của người bán vé số dạo 

by Tim Bui
Phía sau phận đời của người bán vé số dạo

QUỐC ĐỊNH

“Nếu chưa gặp người bán vé số, là bạn chưa tới Sài Gòn,có lẽ cũng nên có slogan như vậy về đất Sài Gòn phồn vinh hoa lệ ngày nay!

Vé số dạo dường như là hình ảnh “trung thực” nhất của đất Sài Gòn hiện nay. Đóng góp lớn vào doanh số hàng trăm, hàng ngàn tỉ mỗi năm của các công ty xổ số là mồ hôi, nước mắt của hàng trăm ngàn con người lao động có tên: bán vé số dạo. Họ hàng ngày, hàng giờ lang thang, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, bất chấp nắng, mưa, bệnh tật, để kiếm vài ngàn đồng mưu sinh…

Xóm vé số
Ít ai biết rằng, ngay tại trung tâm một Sài Gòn lung linh, hoa lệ lại có một “xóm vé số.” Đó là hẻm 214 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), vốn xưa là “cái rốn” của khu Mã Lạng nổi tiếng.

Tôi cũng chưa thể lý giải, tại sao mà tám phần mười cư dân đang hành nghề “vé số dạo” của cái xóm này đều xuất thân từ cái “miệt” Phú Yên nắng gió. Nhiều nhất là người ở các huyện Sông Cầu và Đông Hòa.

Là do ngẫu nhiên? Chưa thể biết, nhưng ở cái hẻm chỉ hơn trăm mét này, cứ năm, bảy nhà lại có một đại lý vé số, mà toàn là người “xứ Nẫu.”

Theo “hồi ức” của một số người dân ở hẻm 214, thì nhiều chục năm trước có một người đàn ông lớn tuổi tên An quê ở Phú Yên vào thuê căn phòng trọ nhỏ, hành nghề bán vé số.

Hồi đó, Sài Gòn chưa có nhiều người bán vé số dạo như bây giờ, nên việc buôn bán của ông An ở quanh cái xóm nghèo này khá thuận lợi. Một thời gian sau, người ta thấy ông An đưa một số người đồng hương về cho họ sống tạm trong căn nhà trọ của mình, cho mượn vốn lấy vé số đi bán. Ban đầu mọi người còn đi xa lấy vé số từ các đại lý. Thấy vậy, ông An mở một đại lý nhỏ để các đồng hương của mình tiện lấy vé đi bán. Rồi để “có lính” cho đại lý của mình, ông bèn “hú” về quê tuyển dụng vài người thân, bà con chòm xóm của mình “dô” Sài Gòn làm chung. Làm ăn được, số “lính” của ông An dần “nở nồi,” “hú” thêm bạn bè, người thân cùng quê tiếp tục “dô” Sài Gòn lập nghiệp nữa… Lần lữa, qua ngày đoạn tháng, cái xóm này trở thành một “xóm Nẫu,” chuyên ngành “vé số” hồi nào không hay.

Ở xóm này có hai “đặc thù” rất rõ nét: Thứ nhất là, trừ các đại lý bán vé số ra, ban ngày hầu như không thấy bóng cư dân của xóm. Họ tứ tán, tản mác đi bán từ sáng sớm mất rồi. Chỉ khi “đỏ đèn” vào lúc chạng vạng sáu, bảy giờ tối mới thấy mặt người trong xóm. Thứ hai là gần như tuyệt không có bóng con nít.

Chị Kim Ánh, 69 tuổi, chủ một đại lý vé số ở hẻm này cho biết, chị em ở đây có con nhỏ, đều gửi cho nội, ngoại hay bà con ở quê nhà nuôi dùm, hàng tháng họ gửi tiền về để cho con ăn học. Không có chuyện mang con vô đây để vất vưởng hay mang con theo hành nghề bao giờ. Họ lo cho tương lai mấy đứa nhỏ. Còn sinh nở, họ cũng chạy về quê để mẹ tròn con vuông, con cứng cáp rồi, mới gửi lại mà vô đây bươn chải tiếp.

Không thể nghe hết, kể hết những thân phận xa quê, xa người thân để mưu sinh nơi đất khách với cái nghề quá đỗi cơ cực mà bạc bẽo này. Hàng trăm con người ở “xóm vé số” là hàng trăm câu chuyện kiếm sống bi thương. Chỉ biết, họ đã kiên tâm, bền bỉ biết bao để chỉ kiếm mỗi ngày một vài trăm ngàn đồng, chỉ để tồn tại rồi chắt bóp, tằn tiện trong hy vọng kết thành con số dư tháng tháng vài triệu đồng để gửi về quê nuôi con, nuôi người thân già yếu và nuôi cái hy vọng lớn hơn nữa, xa hơn nữa là cái Tết, cái xe, một mái nhà hoặc một tương lai có tông màu sáng hơn với những đứa con của mình.

Còn với họ, bữa nay bán hết vé số là xong, là hết! Ước mong, cầu mong lớn nhất, khát khao nhất là mình đừng… đổ bệnh hoặc bị tai ương nào đó. Để ngày mai, sớm dậy còn đi… bán tiếp. Cứ thế, họ quần cư với hàng trăm người đồng hương cùng sống trong xóm nhỏ, cùng chia sẻ vui buồn, cùng đồng cam cộng khổ với nhau, chẳng khác nào một đại gia đình.

Người viết hỏi một người phụ nữ tàn tật bán vé số, tại sao khi bán không “nhín” lại cho mình một, hai tờ để “cầu” trúng độc đắc mà “đổi đời?” Chị phá ra cười như nghe một chuyện “tiếu lâm” rồi lại… buồn: “Mỗi người đều có một số mạng. Như tui số mà may mắn thì đã chẳng phải vất vả như vầy. Biết là mình không được tốt số nên mơ làm gì cái chuyện… trời ơi đó. Thôi thì cứ an phận làm công việc của mình, mỗi ngày kiếm ít tiền ky cóp nuôi con ăn học là… may rồi.

Chị quả là may, khi cách nay vài bữa cả xóm này đã náo động, khi phải vô viện cấp cứu một chị bạn trọ bị bất tỉnh vì bị cướp gần 300 tờ vé số giữa ban ngày ban mặt. Họ chắt chiu, người thì vài chục, người thì hơn trăm để góp tiền viện phí cho chị, rồi lại phải chia nhau chăm sóc bữa cơm bữa cháo khi chị về nhà trọ và góp thêm, trợ cấp vốn để chị ấy khi khỏe người, lại phải lăn ra đường “cày” tiếp nghề vé số.

Chị triết lý cũng… phải. Với họ, còn sức khỏe, còn đi lại, “cày cuốc” được là còn rất may. May hơn nhiều so với những “tai bay vạ gió,” những tai vạ và rủi ro “trời ơi đất hỡi” mà cái nghề bạc bẽo này luôn phải gánh. Những cái vạ như: xe đụng, bị cướp giựt, bị lừa, bị đánh hội đồng, ăn hiếp… Những cái bệnh như: ngất xỉu, bất tỉnh, đột quỵ… do nhịn đói, khát hay kiệt sức, gần như đều là “tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp” hàng ngày, như “cơm bữa” của những người bán vé số dạo.

Cảnh bươn bả, ngược xuôi mải miết theo dòng chảy của xã hội và thời gian của những người bán vé số dạo khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một tổ mối, bối cảnh xã hội loài mối.

Đó là hình ảnh hàng ngàn, hàng vạn con mối thợ ngày đêm đi kiếm, tha mồi về “bón” cho con mối chúa khổng lồ, có thân hình to béo hơn gấp trăm lần với đám mối thợ, nằm chình ình giữa tổ mối mà hưởng thụ cả đời, chỉ với một nhiệm vụ duy nhất là sinh sản, duy trì nòi giống.

Cấp thiết phải có chế độ an sinh cơ bản, rõ ràng
Nhiều công ty xổ số phía Nam đưa ra con số 5.000-7.000 người bán vé số dạo trên mỗi tỉnh, thành. Con số này thật quá là ít ỏi so với thực tế.

Chỉ tính riêng tại Sài Gòn, số người bán số đã rất lớn. Bạn cứ thử ngồi một chỗ ở bất cứ con đường nào, ngõ hẻm hang hóc nào, vào bất kể giờ nào… chỉ cần nửa tiếng thôi là bảo đảm sẽ có không dưới bốn, năm người bán vé số dạo đến chào mời. Mà hầu hết họ là người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, chống nạng, đi xe lăn, lê lết hoặc bệnh tật, già yếu, trẻ em mồ côi…

Đây cũng chính là nguồn nhân lực chủ yếu và đông đảo nhất để tạo nên doanh thu khổng lồ, lợi nhuận thuộc hàng “top” của các công ty xổ số, khi đưa các loại hàng hóa đến tận tay người mua. Họ chẳng khác gì nhân viên bán hàng ở các doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hóa, dịch vụ khác.

Nhưng khác với nhân viên bán hàng, những người bán vé dạo phải làm việc 24/7, không hề có khái niệm ngày nghỉ, ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay lễ Tết gì, có khi họ làm việc đến 12-14 tiếng/ngày.

Theo báo cáo của Chủ tịch Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, trong sáu tháng đầu năm 2024, toàn khu vực đã thực hiện hoạt động phúc lợi, từ thiện tổng trị giá 145,908 tỷ đồng. Hội đồng đã: hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà vì người nghèo, nhà đại đoàn kết và sửa chữa nhà cho người nghèo với 1.414 căn, tương ứng giá trị 76,76 tỷ đồng. Đóng góp, tài trợ cho chương trình giáo dục, y tế, hỗ trợ an sinh xã hội, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, học bổng, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, khắc phục thiên tai và các hoạt động phúc lợi xã hội khác… tương ứng với giá trị hơn 69 tỷ đồng.

Đó là lòng hảo tâm rất đáng được tôn vinh, nhất là sự hảo tâm với cộng đồng và xã hội. Nhưng sự hảo tâm là sự “nổi hứng” bất chợt, hôm nay có thể có, ngày mai lại không. Có cũng (tốt) được, không có cũng chẳng chết ai. Không có một quy định hoặc chế định nào ràng buộc ở đây.

Nhưng ở đây, có những cái cần sự tỉnh táo, công tâm của cộng đồng, dư luận và cả chính quyền để tách bạch một sự việc. Số lượng lao động chính, bán vé số dạo khắp các tỉnh, thành, nhất là ở Sài Gòn, chưa và không phải là đối tượng mà sự hảo tâm trên của các công ty xổ số hướng đến.

Cái chúng ta cần hướng đến là, trách nhiệm chăm lo về đời sống tinh thần, vật chất, chính sách và chế độ an sinh xã hội của lực lượng lao động này, mà các công ty xổ số là pháp nhân (gián tiếp hoặc trực tiếp) sử dụng lao động phải có trách nhiệm. Họ đã mang lại lợi nhuận khổng lồ, thu nhập cao chót vót cho công ty và cá nhân ở các công ty xổ số, họ có xứng đáng được mua (hưởng) bảo hiểm xã hội hàng tháng không? Họ phải liên tục “cày” không một ngày nghỉ quanh năm suốt tháng và là “lớp người yếu thế trong xã hội.” Họ  là người già, người mất sức lao động, người tàn tật, tha hương cầu thực xứng đáng để được hưởng thụ đời sống tinh thần cùng vật chất.

Họ có cần các chính sách an sinh xã hội xứng đáng với công sức, mồ hôi, sức khỏe mà họ đã bỏ ra, mất đi hay không? Thu nhập hàng ngày của họ có thể mất bất cứ lúc nào, khi họ hay con cái họ đổ bệnh. Lúc đó, họ có cần nằm bệnh viện điều trị hoặc chí ít là mua thuốc, ăn uống…thì tiền ở đâu ra?

Phải quan tâm hơn đến “lớp người yếu thế trong xã hội”
Những câu hỏi này, tôi đã từng hỏi nhiều người, nhiều giới, ngay cả những người bán vé số dạo. Hầu hết đều né tránh câu trả lời. Với những người bán vé số dạo, cái né tránh của họ luôn là: Cầu trời những cái họa đó sẽ không rớt xuống đầu mình. Mặc dù, trong thâm tâm họ luôn biết là nó sẽ đến với mình, không sớm thì muộn. Còn với những quyền lợi mà họ lẽ ra phải được hưởng so với công lao khó nhọc, sự hy sinh của mình thì, họ luôn cho rằng mình “sinh ra dưới một ngôi sao xấu,” “cái số của mình là vậy,” cắn răng chịu sự thua thiệt như một lẽ dĩ nhiên. Coi như mình không biết, mình không có cho lòng nó thanh thản.

Với nhiều người, nhiều giới khác ngay cả người có chút chức phận thì, câu trả lời cũng là, thôi thì… sự đời nó vậy, ngay cả bản thân họ (những người bán vé số dạo), không biết đến, không cần và không đòi hỏi thì ai kêu cho mình! “Con có khóc mẹ mới cho bú” chứ! Nhiều lần, nhiều tháng, nhiều năm… những câu hỏi này cứ trôi tuột đi. Âm thầm, lặng lẽ cứ lịm đi vào dòng đời, vô thanh vô ảnh hệt như những thân phận của những người bán vé số dạo.

Câu hỏi này đâu phải tự nhiên mà có, nó cũng đâu vô lý như một kiểu ăn vạ. Giữa người bán vé số dạo, trực tiếp mang lại doanh thu, lợi nhuận hàng ngày cho các công ty xổ số. Hàng tháng cộng lại thành doanh thu để nuôi sống, để trả lương, để thành lợi nhuận khủng của các công ty thì đó là quan hệ gì? Mối quan hệ này phải có những hệ quả, trách nhiệm và nghĩa vụ thế nào?

Hay như bấy lâu này như mọi người vẫn nhìn nhận, mối quan hệ lao động này chưa có quy định trong các văn bản nhà nước hay trong Luật lao động, thì mặc nhiên nó là một nghề tự do, cả hai bên không có một sự ràng buộc nào cả. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, người bán vé số dạo có thể mua BHXH tự nguyện, với mức phí cũng khá thấp và nhà nước đang hỗ trợ phí với ba mức 10%, 25% và 30% tùy đối tượng. Thế nhưng, đây vẫn là bài toán “quá hớp” với những người bán vé số khi làm công việc mà được bữa nay, lo bữa mai. 

Mọi sự hảo tâm, hỗ trợ đều đáng quý và trân trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có một chính sách, chế độ nào thật sự căn cơ, hữu hiệu với đội quân vé số dạo. Họ là trẻ em, người già mất sức, là người tàn tật hoặc khuyết tật…

Chưa có chính sách an sinh xã hội cụ thể, thu nhập tối thiểu ổn định, chưa được theo dõi và chăm sóc y tế hàng tháng, định kỳ. Đây lại là nhóm người vô cùng yếu thế, trẻ thì suy dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu cân, thiếu chăm lo học hành từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học… rất dễ bị lợi dụng về thể xác lẫn tinh thần, hiếp đáp, đánh đập, bạo hành, tai nạn. Già thì bệnh tật, suy dinh dưỡng, ốm đau không người chăm sóc sức khỏe tinh thần lẫn thể trạng. Dễ bị đột quỵ, bị cướp, tai nạn giao thông, hành hung…

Việc cần thiết trước mắt là, các công ty xổ số, cần phải trích cố định phần trăm lợi nhuận hàng tháng, hàng năm để xây dựng một quỹ an sinh cho người bán vé số dạo. Từ quỹ này, sẽ xây dựng những chính sách cho người bán vé số dạo như chính sách, chế độ của một người lao động đã được ký hợp đồng lao động với công ty của mình. Từ đó, mới xây dựng chế độ lương, thu nhập hàng tháng, các chế độ an sinh như: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn, khám chữa bệnh định kỳ, nghỉ ốm đau, thai sản… như mọi người lao động ở những ngành nghề khác.

Cũng cần xây dựng các chế độ ưu tiên cho các dạng lao động đặc biệt, đặc thù của ngành như: người vô gia cư, người cao tuổi, sức khỏe kém, trẻ em (có gia đình hoặc mồ côi), thương tật (nghễnh ngãng, khiếm thính, khiếm thị, mù, khuyết tật tay, chân, cơ thể…)

Trong tương lai, ngành lao động cũng cần xem xét để đưa dạng lao động tự do này vào luật để điều chỉnh theo hướng đảm bảo hơn các quyền về thu nhập, an sinh xã hội. Ngành tài chính cũng cần xem xét tăng thêm mức phần trăm hoa hồng mà người bán dạo phải trực tiếp được hưởng.

Nhìn rộng ra khía cạnh xã hội, một khi người bán vé số dạo cùng gia đình, có thu nhập ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo thì xã hội sẽ văn minh hơn, cuộc sống hài hòa hơn.

Tầng lớp lao động này sẽ bớt mặc cảm, chan hòa “thân phận” hơn, hội nhập và cống hiến cho gia đình và xã hội nhiều hơn. Sẽ bớt đi những tiếng ồn ào khi mà “một bà mẹ bán vé số nuôi hai con vào đại học” hay những “cô bé, cậu bé bán vé số đậu thủ khoa hai trường đại học”… như là một hiện tượng lạ, kỳ diệu trong xã hội! Trước mắt, ổn định được đời sống những người bán vé số dạo, nhà nước và xã hội cũng sẽ an tâm hơn, để tập trung lo nâng cao những chuyện an sinh khác, như: giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng hay đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

Chị Trần Thị Nguyệt, 56 tuổi, quê Phú Yên, có hơn 20 năm bán vé số dạo tại Sài Gòn. Mong ước duy nhất của chị hiện nay là mình… đừng bệnh, để bán vé số có tiền gửi về quê nuôi mẹ, nuôi cháu ngoại
Anh Thạch Son, 43 tuổi, cụt cả hai tay cùng đứa con gái 6 tuổi, dong ruổi cả ngày mới có thể bán hết gần 200 tờ vé số, lời gần 200 ngàn đồng

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights