Thầy giáo làng, kỳ 32

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 32

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Vinh Qui

Học trò đang bận dùng bút lông để chép lại những nét chữ Tâm đã viết trên một tờ giấy lớn treo trên tường. Học trò lớn tuổi hơn thường bình tĩnh và thoải mái và sử dụng bút của mình một cách thành thạo, trong khi những người ít tuổi hơn tỏ ra quyết tâm và cau mày để cố gắng tập trung vào bài làm của mình.

Mặc dù Tâm giữ vẻ ngoài thản nhiên, nhưng chàng hài lòng với lớp học của mình. Sau khi về làng, chàng lập tức mở trường dạy học trở lại. Bọn trẻ cảm nhận được sự thay đổi nơi người thầy giáo làng và đã đáp lại bằng cách trở thành những học sinh giỏi nhất mà Tâm có được từ trước cho đến nay.

“Thưa thầy, mời thầy xơi trà,” một giọng nói nhẹ nhàng cất lên sau lưng chàng.

Một tách trà bốc khói được đặt bên cạnh tay phải của Tâm. Chàng quay lại và gật đầu với Thi, người thường mang thức uống yêu thích của chàng từ phía sau nhà lên cho chàng vào lúc buổi chiều. Nàng mỉm cười và xoay người để trở về chỗ ngồi của mình ở cuối lớp, nơi các học trò lớn thường ngồi. Chàng đưa tách trà lên mặt và thổi vài lần trước khi nhấp một ngụm. Trà vẫn còn rất nóng và chàng đặt tách trở lại khay.

Bên ngoài, trên con đường trước cửa trường, dường như có tiếng ồn ào, rồi sau đó là những giọng nói hào hứng và tiếng chân chạy. Cả lớp cũng nghe thấy, và nhiều học trò quay đầu về phía cửa trước thường mở sẵn. Ngoài kia có nhiều người đang vội vã đi đến điểm đối diện với nơi trường học nằm trên hình bầu dục hẹp xác định ranh giới của làng. Chẳng mấy chốc, học trò quay lại đối mặt với thầy Tâm, những câu hỏi không lời lơ lửng trong không trung.

Tâm trả lời lớp học: “Chắc là đoàn rước vinh quy sắp vào làng. Các em viết nhanh cho xong đi, sau đó mình sẽ đi ra xem.”

Học giả nào đã vượt qua các kỳ thi do triều đình tổ chức, theo truyền thống, được quyền trở về quê hương theo lễ nghi vinh quy bái tổ. Nằm trong một vùng với nhiều học giả nổi tiếng, ngôi làng thường chứng kiến ​​những đám rước như vậy hầu như mỗi khi có kỳ thi, bình thường là ba đến năm năm một lần. Vì thời buổi khó khăn chính trị và vì chiến tranh, đã lâu làng không có một đám rước nào.

Tâm đã chấp nhận thực tại là một trong những người vượt qua kỳ thi Đình vừa qua không ai khác là Chí, một bạn học cũ. Từ khi bắt đầu đi học cho đến khi tham dự vòng thi cuối cùng, Chí là một học sinh có tài năng, tuy không vượt bực. Chàng học hành chăm chỉ, biết Tứ Thư Ngũ Kinh, sáng tác văn xuôi đàng hoàng và những bài thơ có thể chấp nhận được. Nói chung Chí làm tất cả những gì được yêu cầu, nhưng chàng chưa bao giờ đạt được mức sáng tạo và thông minh xuất chúng của Tâm, con trai ông thầy giáo làng. 

Sau khi cha mất, Tâm thay ông lên làm thầy giáo làng. Đó là lúc Chí quyết định đi Hà Nội học. Chàng không muốn được dạy bởi một người bằng tuổi mình, ngay cả sau khi chàng đâm ra thất vọng với ông thầy đắt giá ở Hà Nội.

Giờ đây đối thủ của Tâm là người trở về làng trong niềm kiêu hãnh của lễ rước vinh quy, và chàng chỉ đứng như một người dân làng thường trong đám đông đón tân tiến sĩ về.

Khi dẫn cả trường của mình đi về phía trung tâm làng, Tâm thầm nhủ không nên nghĩ ngợi về quá khứ nữa. Đây là dịp để làng tự hào, tôn vinh truyền thống đưa những người tài giỏi nhất của làng ra phụng sự tổ quốc. Cha chàng sẽ thất vọng vì Tâm không phải là người được vinh quy, nhưng ông sẽ tự hào vì chính ông là người đã dạy Chí và Tâm từ khi hai anh còn mới chập chững biết đi.

***

Vị học giả đang được rước về làng theo nghi lễ vinh quy, Chí, vừa được bổ nhiệm làm Tuần Phủ. Chí dừng ngựa ở điểm cao nhất của một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống làng. Vì chưa quen hẳn với thuật cưỡi ngựa và sự khắc nghiệt của việc di chuyển từ kinh đô về làng, cơ thể của chàng tiến sĩ tân khoa đã đau khắp mình mẩy. Chí hơi đầy đặn, với khuôn mặt bầu bĩnh, bình thường xanh xao nhưng bây giờ đã rám nắng sau nhiều ngày trên lưng ngựa. Từ cuộc chiến hàng ngày chống lại những cơn đau khi cưỡi ngựa, chàng thường xuyên cau có và khóe miệng vĩnh viễn cong xuống.

Đại úy Duẩn, sĩ quan phụ trách đoàn quân hộ tống, hô khẩu lệnh và cả đoàn dừng lại. Ở phía trước, có người đang mang một cái trống và một cái chiêng treo trên cột. Theo sau họ là một nhóm đàn ông trong làng hôm trước đã đi bộ đến tỉnh để hộ tống quan tuần phủ mới trở về quê làng. Họ mặc lễ phục và mang theo những cây cột được trang trí bằng những lá cờ nhiều màu và những tấm biển thông báo niềm tự hào của làng về vị tiến sĩ tân khoa.

Những người lính mang súng chia thành một nhóm đi trước Chí và một nhóm theo sau. Đại úy Duẩn cũng cưỡi ngựa, nhưng những người còn lại phải đi bộ kể từ sáng hôm đó. Tất cả hoan nghênh thời gian dược dừng chân nghỉ và ai cũng tận dụng cơ hội để kiểm tra trang phục, cờ xí hoặc thiết bị của họ. Ai cũng muốn dân làng trông thấy mình với mũ áo và khí giới gọn gàng cho cuộc diễn hành đến địa điểm cuối cùng trong hành trình của họ.

Cỏ dại hai bên con đường dẫn từ ngọn đồi đến cổng làng đã được làm sạch, và chính con đường đó đã được dân làng quét dọn sạch sẽ trong mấy ngày qua, theo lệnh của ông Xã Trưởng, cha của vị tiến sĩ tân khoa. Một số người vẫn còn vẩy nước trên đường để làm giảm lượng bụi sẽ do đoàn diễn hành tạo ra. 

Chí thấy dân làng bắt đầu xếp hàng hai bên đường. Có nhiều người ở xa bỏ ruộng, bỏ nhà để chạy đến xem. Vị tân khoa mỉm cười hài lòng và quyết định kéo dài thời gian nghỉ ngơi trên đỉnh đồi để cho những kẻ chậm trễ có thêm thời giờ. Chí muốn mọi người trong làng được nhìn thấy mình về làng trong vinh hạnh.

“Đại úy nói với mọi người chúng ta sẽ nghỉ ngơi ở đây một lúc,” Chí ra lệnh cho ông đại úy. “Trong khi chờ đợi, hãy cho tiếp tục đánh trống và khua chiêng để cho những người ở xa biết chúng ta sắp vào làng.”

Những người lính đã đánh trống và khua chiêng đều đặn suốt buổi sáng. Nhưng sau lệnh của đại úy chỉ huy, những tiếng trống và chiêng  trở nên nhịp nhàng và tăng cường độ như thể đang triệu tập một đơn vị đồn trú tập họp, hoặc kêu gọi binh lính đến cổng và thành lũy để đẩy lui một cuộc tấn công của quân thù.

Chí chắc chắn rằng cả gia tộc đã xếp hàng trước cửa nhà mình, với vô số họ hàng từ các làng và thị trấn lân cận đến. Điều duy nhất Chí thắc mắc là địch thủ không đội trời chung của mình, anh chàng thầy giáo làng, con người đáng lẽ ra phải được vinh quy bái tổ. Tâm sẽ xuất hiện hay sẽ trốn trong ngôi trường làng?

Trong nhiều trường hợp, một học giả đã kết hôn sẽ để vợ ngồi kiệu sau chồng trong đám rước vinh quy. Nhưng bất chấp những nỗ lực của cha mẹ trong việc tìm kiếm một người vợ cho Chí trong những năm qua, tiến sĩ tân khoa vẫn còn độc thân và chẳng cần kênh kiệu gì.

Trong thời gian sau cùng ở kinh đô, nhiều quan lại và ngay cả những người thuộc hoàng tộc đã gợi ý rất khéo với Chí về những cô con gái đang đến tuổi lấy chồng của họ. Nhưng Chí đã quá bận rộn chuẩn bị cho chức vụ mới của mình để suy nghĩ nhiều về chuyện đó. Chàng đã phải tham gia các khóa học cấp tốc về hành chính cấp tỉnh. Chàng đã phải tỏ lòng kính trọng với rất nhiều chức sắc đến nỗi chàng không nhớ nổi họ là ai và đã nói gì với mình. Chàng không phải không thấy những liên minh hôn nhân có thể đạt được nhờ thành tích của chàng trong kỳ thi Đình vừa qua, nhưng trong vài năm nay, một ý nguyện đã lớn dần và củng cố trong tâm trí chàng. Chí sẽ đợi cho đến khi về nhà để thực hiện ý nguyện đó.

Nhìn xuống ngôi làng của mình, Chí không còn thấy ai chạy về phía đường làng nữa. Hai bên đường chật ních người, và trẻ con đang phóng từ bên này sang bên kia đường, hoặc trèo lên cây để chiếm vị trí thuận lợi hơn để nhìn. Cha mẹ của chúng và cảnh vệ trong làng không thể làm gì khác ngoài việc la hét và đe dọa trừng phạt bọn trẻ. Một nhóm người mặc áo dài đen và đầu đội khăn, chắc là phái đoàn chính thức của các chức sắc, đang đứng gần cổng làng và nhìn về phía ngọn đồi, có lẽ đang thắc mắc tại sao lại đoàn vinh qui dừng lại trên đồi.

Chí nhìn Đại Úy Duẩn và hất cằm ra hiệu rằng chàng đã sẵn sàng tiến lên phía trước. Viên sĩ quan hô to lệnh di chuyển và đoàn quân bắt đầu đổ xuống làng.

***

Như thường lệ, Thi là người cuối cùng rời khỏi lớp học và thấy ngay mình đang đi bên cạnh Thầy Tâm trong khi các học sinh khác đi phía trước, nói cười vui vẻ trước sự thay đổi bất ngờ và thú vị này trong sinh hoạt hàng ngày của trường làng. Nàng liếc nhìn chàng và thấy vẻ mặt bình tĩnh hàng ngày. Chàng bắt gặp ánh mắt của nàng và, mặc dù nàng thoáng nhìn thấy một nụ cười trên khuôn mặt chàng, Tâm không nói gì.

“Thưa thầy, anh ấy sẽ đến trường của chúng ta chứ?” Thi hỏi.

Cả hai đều biết nàng muốn nói đến ai.

“Thi, thầy không biết,” Tâm trả lời.

“Chắc anh ấy phải đến để tỏ lòng kính trọng với mẹ của thầy chứ!”

“Có thể, nhưng mình không biết trước được. Bây giờ anh ấy là quan tuần phủ, một người quan trọng với nhiều trách nhiệm.”

Như mọi người khác trong làng, Thi biết chuyện gì đã xảy ra ở kỳ thi Đình tại kinh đô. Tin tức truyền đi rất nhanh và đến tận làng trước khi Tâm về. Nàng là một trong số những người cảm thấy số phận đã đối xử bất công với thầy mình, nhưng từ ngày Tâm về đến làng, chàng đã không đề cập đến việc thi cử với ai cả. Nếu người nào hỏi Tâm về chuyện đó, chàng sẽ khéo léo lái cuộc trò chuyện sang đề tài khác, và sau một thời gian, người hỏi sẽ nhận ra rằng chàng đã dựng lên một bức tường mà ít ai có thể vượt qua.

Mới đây, khi Tâm hỏi có học trò nào muốn tình nguyện học chữ Quốc Ngữ mới do các nhà truyền giáo nước ngoài sáng chế, chàng đã nhìn thẳng vào Thi và nàng gật đầu ngay. Một số học sinh khác cũng đồng ý tham gia. Sau giờ học mỗi ngày nhóm học sinh đó đã ở lại trường để học đọc và viết chữ Quốc Ngữ mới.

Tâm nói với nhóm học trò tình nguyện rằng ngay sau khi họ thành thạo với chữ Quốc Ngữ mới, họ sẽ trở thành giáo viên phụ của chàng và sẽ đi khắp nơi để dạy cho dân trong làng. Đó là một ý kiến đã thu hút tất cả học trò và tạo thêm sinh lực cho nhóm hơn bất cứ điều gì khác trong quá khứ. Thi không thể không mỉm cười khi nghĩ đến việc chính nàng sẽ trở thành một cô giáo.

“Điều gì làm cô bé vui thế? Có phải là sự xuất hiện của quan tuần phủ mới, phải không? Ngài trông rất nổi bật và đẹp trai phải không? Ha, ha, đúng rồi, phải không?”

Người kéo Thi ra khỏi mơ mộng là bà Canh, bà hàng xóm, lúc này đang cười toe toét, nhe hàm răng đen, và đang thưởng thức sự khó chịu mà mấy lời trêu chọc của bà đã gây ra cho Thi.

“Không phải vậy,” Thi vội cải chính. “Cháu đang nghĩ chuyện khác.”

Ngay lúc đó, nàng thề sẽ không bao giờ nhuộm răng đen như một số đàn bà lớn tuổi trong họ hàng đã bắt đầu gợi ý. Khi sắp lấy chồng, các thiếu nữ thường phải tốn vài ngày để nhuộm răng cho đen. Hầu hết chấp nhận truyền thống này, nhưng Thi thì không, bất chấp ai nói gì.

“Có ít nhất một nửa số các cô ở độ tuổi của cháu trong làng đang ước mong họ có thể đi theo sau ngài tiến sĩ  trên một chiếc võng. Nhưng vẫn chưa quá muộn đâu, cháu. Bác biết cháu sẽ rất có thể được gọi là phu nhân của quan tuần phủ.”“Cháu chưa bao giờ nói rằng cháu muốn trở thành… cái đó!” Thi phản đối mạnh mẽ nhưng người phụ nữ đã bỏ đi, tay vỗ vào hông, miệng cười khúc khích. Thất vọng, Thi giậm chân khi quay trở lại nhóm của mình. Nàng thấy Tâm đang quan sát nàng, nhưng chàng quay đi khi nàng đến gần hơn. Thi mừng thầm vì chàng không hỏi gì cả.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights