Trái cây và sức khỏe

by Tim Bui
Trái cây và sức khỏe

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Ai trong chúng ta cũng đều biết, tất cả các loại trái cây có thể ăn được, dù sinh sôi nảy nở trong bất kỳ mùa nào, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng đều là những tặng vật tuyệt vời của trời đất. Và dù có vị ngọt hay chua, có dáng vẻ bên ngoài đẹp đẽ hay không, những loại trái cây ấy vẫn luôn là một kho tàng vô giá của thiên nhiên ban cho sức khỏe con người.

Với đề tài hôm nay, người viết xin giới thiệu đến quý vị vài loại trái cây thường gặp trong đời sống hàng ngày, quen thuộc đến nỗi chúng ta dường như không chú ý nhiều đến những tính năng ưu việt của chúng. Trước hết là:

Strawberry – Dâu

Strawberry, còn được gọi là dâu Tây (từ đây sẽ gọi là Dâu), có lẽ để dễ phân biệt với quả dâu ta, vốn là một loại trái cây chỉ thích hợp với miền ôn đới. Tại Việt nam, cách đây gần 90 năm, người Pháp đã đem giống dâu của mình qua trồng thử nghiệm tại một vài nơi, nhưng duy thành phố Đà lạt mới có khí hậu và phong thổ thích hợp nhất. Từ đó trở đi, dâu được xem là một loại trái cây tiêu biểu nhất cho thành phố này. Quả dâu có một màu đỏ thắm trông rất hấp dẫn, nhiều hương vị, được trồng quanh năm, nhưng thu hái nhiều nhất từ cuối năm cho đến mùa Hè năm sau. Tại Pháp, dâu được trồng và khai thác lần đầu tiên vào năm 1740 tại vùng Brittany. Đó là một thành quả lai giống, từ giống dâu Bắc Mỹ do mùi thơm của nó, cùng với loại dâu từ Chile và Argentina do kích cỡ lớn của loại dâu này, để tạo thành giống dâu đặc thù của nước Pháp. Sau này, người Pháp đã đem loại dâu lai giống này đến Việt Nam, đó chính là lý do vì sao dâu Dalat thơm ngon và ngọt đến như vậy. Tuy nhiên, theo thời gian, giống dâu này đã bị thoái hóa nên quả có kích cỡ nhỏ hơn, màu nhạt hơn, dù vẫn giữ được mùi thơm đặc biệt.

Vì vậy mà sau này, người dân Đà lạt đã nhập về giống Strawberry từ Đài Loan, Hoa Kỳ, và New Zealand, nên quả dâu thu hái được to hơn, màu đẹp hơn, phần thịt cứng chắc hơn. Nhưng giống dâu mới này lại không thơm ngon bằng giống của Pháp và không những thế, lại hơi chua.

Có thể nói, Strawberry là một loại quả rất phong phú vitamins và khoáng chất. Các phân tích trong phòng xét nghiệm cho thấy, Strawberry có chứa Calcium, Iron, Magnesium, Phosphorus, Potassium, Sodium, Zinc, Copper, Manganese, Selenium, và các vitamin C, A, E, B1, B2, B3, B6, B9, B12, các chất béo, các amino acid, chất xơ và Carbohydrate (tinh bột), nước và năng lượng (calories).
Đó là những dưỡng chất có khả năng tăng cường sức mạnh của hệ miễn nhiễm, đề phòng cảm cúm, làm đẹp da, và đặc biệt là gần đây, các nghiên cứu khoa học tại Hoa Kỳ đã kết luận rằng Strawberry có khả năng chống lão hóa (chống oxy hóa) rất cao.

Những ai thường xuyên ăn dâu sẽ có huyết áp thấp hơn, do hàm lượng Folate, tức là B9 trong máu gia tăng, và có thể giảm được phần nào trọng lượng cơ thể. Dâu thường được chế biến trong nhiều thức uống như cocktail, kem, rượu dâu, smoothies, milkshake, yogurt…  

LƯU Ý: Tuy rằng dâu đem đến rất nhiều ích lợi cho cơ thể, vẫn có một số ít người bị dị ứng với dâu. Loại dị ứng này thường xảy ra ở miệng, gọi là hội chứng dị ứng miệng, và có thể kèm theo chứng sốt và dị ứng da, trường hợp nặng có thể làm khó thở. Các dị ứng này thường xảy ra nếu chúng ta ăn phải những quả dâu dù đã chín, nhưng lại có màu trắng, màu vàng nhạt, hay màu vàng. Đó là do cây dâu này, vì một nguyên nhân nào đó, bị thiếu đi một loại protein cần thiết, khiến quả dâu có màu sắc bất bình thường.

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu về quả Nho.

Grape – Nho

Nho, ngoài màu đỏ tía – purple, còn có rất nhiều màu sắc khác như: màu đỏ thắm, màu đen, màu xanh đen, vàng, xanh lá cây, màu cam và màu hồng. (Riêng loại nho màu trắng, thật ra chính là nho màu xanh lá cây, do trong quá trình tiến hóa bắt nguồn từ loại nho màu đỏ tía, một sự đột biến di truyền – genes, đã ngăn cản sự sinh sản chất anthocyanins. Chính anthocyanins, cùng với một vài thành phần sắc tố khác đã khiến cho quả nho có màu đỏ tía với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau, mà chúng ta thường thấy trong rượu nho).

Nho mọc theo chùm, với số lượng từ 15 đến 300 quả trong một chùm. Sau đây là vài con số khá thú vị về diện tích trồng nho trên thế giới. Theo một tính toán vào năm 2005 của Tổ chức Lương Nông Thế giới – the Food and Agriculture Organization, gọi tắt là FAO, trên toàn thế giới có đến gần 76,000 km vuông dành cho việc trồng nho. Khoảng 70% sản lượng nho dùng để làm rượu, 28% dành để ăn tươi, và 2% dùng làm nho khô.

Các quốc gia dùng sản lượng nho để làm rượu nhiều nhất, được kể theo thứ tự sau đây: Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Thổ nhĩ kỳ, Hoa Kỳ, Iran, Romania, Portugal, Argentina, Australia, Armenia, và Lebanon. Nhưng đến tháng Mười năm 2009, cũng theo một ước tính khác của FAO, các quốc gia có sản lượng Nho hàng năm nhiều nhất, theo thứ tự sau đây gồm có: Ý: 8 triệu rưỡi tấn – Trung hoa: gần 7 triệu tấn – Hoa Kỳ: gần 6 triệu rưỡi tấn – Pháp: hơn 6 triệu tấn – Tây Ban Nha: gần 6 triệu tấn – Thổ nhĩ kỳ: hơn 3 triệu rưỡi tấn – Iran: 3 triệu tấn – Argentina: gần 3 triệu tấn – Chile: khoảng 2 triệu rưỡi tấn – và sau cùng là Ấn độ: khoảng 1 triệu 6 tấn. Tổng cộng, vào năm 2009, sản lượng Nho trên toàn thế giới là hơn 67 triệu tấn!

Ngoài tính chất giải khát, nho còn có rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, được liệt kê như sau: Năng lượng (calories), tinh bột, đường, chất xơ, chất béo, Protein và các Vitamins sau: B1- Thiamin, B2 – Riboflavin, B3 – Niacin, B5, B6, B9 – Folate, B12, C, K, Iron, Magnesium, Manganese, Phosphorus, Potassium, Sodium, và Zinc.

Đến đây chúng ta cần lưu ý, nho có hột chứa nhiều dưỡng chất hơn loại nho không hột, thế nhưng trên thị trường hiện nay, có thể vì chiều theo sự khoái khẩu, loại nho không hột chiếm đa số lượng bày bán.
Nho có nhiều ích lợi quan trọng cho cơ thể. Quan sát cách ăn uống của người Tây phương, đặc biệt là người Pháp, người ta rất ngạc nhiên khi thấy người Pháp ăn rất nhiều thịt và mỡ, nhưng nguy cơ bệnh tim mạch vẫn thấp.

Hiện tượng này được gọi là French Paradox, nghĩa là Hiện tượng được bảo vệ nhờ uống Red Wine, tức là rượu Vang đỏ. Khi phân tích quả nho, các nhà khoa học nhận thấy, các thành phần dưỡng chất trong vỏ nho tác dụng tốt cho sức khỏe như sau: a/ Bảo vệ và tránh những tổn thương trong thành mạch máu. b/ Giảm sự co thắt của động mạch, từ đó làm giảm huyết áp. c/ Kích thích sự sản xuất một loại hormon giúp mạch máu được thư giãn.

Nghiên cứu trên còn cho thấy là những ai uống rượu vang mỗi ngày một ly cho phái nữ, và mỗi ngày hai ly cho phái nam, sẽ có một sức khỏe tim mạch khả quan hơn những người không uống.

Một ưu điểm quan trọng khác là những hóa chất thực vật -phytochemicals trong quả nho như Resveratrol, một hóa chất thực vật chống lão hóa, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ loại Ung thư nào, giảm thiểu được bệnh tim mạch, bệnh thoái hóa thần kinh, nhiễm virus, và đề phòng bệnh Alzheimer, cũng như giảm cholesterol xấu – LDL.

Resveratrol còn có tác dụng bảo vệ hệ di truyền, tránh những rối loạn đưa đến sự lão hóa cơ bắp, cơ tim, vốn là một yếu tố quan trọng đưa đến trụy tim – heart failure. Dưỡng chất Resveratrol tập trung nhiều nhất trong vỏ và hạt, nhiều gấp khoảng 100 lần nếu so với thịt quả nho. Vì thế, khi ăn nho, chúng ta hãy chọn loại Nho có hột, và nhai luôn hột là tốt nhất!

Bây giờ chúng ta sẽ bàn về trái Bưởi nhé!

Grapefruit – Bưởi

Nói đến bưởi, chúng ta lại nhớ đến bưởi Tân Triều, một địa danh thuộc tỉnh Biên Hòa, Việt Nam. Dân gian thường gọi vắn tắt là bưởi Biên Hòa, có quả ngon và thơm nhất. 

Những đoạn đường xa lộ gần Biên Hòa luôn thơm lừng hương bưởi vào những tháng cuối năm. Rồi bưởi Năm Roi ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhiều nhất là ở Vĩnh Long, quả ngọt và to, có thể nặng đến năm ký lô! Trước đây, bưởi Năm Roi có nhiều trong vài tháng cuối năm, kể từ tháng Tám, nhưng hiện nay được thu hái quanh năm, do kỹ thuật nuôi trồng ngày càng tiến bộ.

Bưởi là một loại trái cây rất phổ biến trong đời sống người Việt Nam từ xa xưa, nhưng ở các quốc gia Tây phương, chỉ được biết đến và thưởng thức vào cuối thế kỷ thứ 19. Trước đó, người ta chỉ xem Bưởi như một loại cây kiểng mà thôi.

Cũng từ cuối thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia trồng Bưởi nhiều nhất, tại các tiểu bang Florida, Texas, Arizona và California. Theo thống kê của Tổ chức Lương Nông Thế giới – FAO, vào năm 2007, Hoa Kỳ đã thu hái được khoảng 1 triệu 600 ngàn tấn bưởi.

Nói chung, bưởi ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, không khác biệt với bưởi Biên Hòa Việt Nam cho lắm, ngoài màu sắc của vỏ.

Ngoài màu xanh dịu mà chúng ta thường thấy, một vài nơi còn có bưởi màu đỏ và màu hồng nữa, điều này lại tùy thuộc vào mầu của những múi bưởi bên trong. Nước cốt bưởi chứa nhiều acid, và có vị từ hơi đắng, cho đến ngọt, hoặc hơi chua và chát.

Cũng như dâu và nho, bưởi có rất nhiều dưỡng chất! Ngoài năng lượng tính bằng Calories, Carbohydrate, chất xơ, Đường, Protein… Bưởi còn có nhiều Vitamins, khoáng chất và các kim loại cần thiết cho cơ thể như: B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, Calcium, Iron, Magnesium, Phosphorus, Potassium, Manganese và Zinc.

Đó là một nguồn dưỡng chất tuyệt vời cho sức khỏe, với các tác dụng như hạ cholesterol xấu – LDL, tăng cường chức năng chuyển hóa để tiêu hủy chất béo. Bưởi còn chứa nhiều chất Lycopene, là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu. Trong bưởi còn có chất Spermidine với hàm lượng khá cao, đó là một dưỡng chất khi đem thí nghiệm trên loài chuột, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng đáng kể khả năng chống lão hóa. Khi xét nghiệm các tế bào miễn nhiễm của người trên một mẫu vật có chất Spermidine, các nhà khoa học nhận thấy, các tế bào miễn nhiễm trên có tuổi thọ lâu hơn.  

Đến đây, chúng ta không thể không nhắc đến tinh dầu vỏ bưởi, được dùng trong Hương Liệu pháp – Aromatherapy, một phương pháp trị liệu rất hiệu quả trong việc làm giảm Stress và thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Bưởi còn có mặt trong một sáng tạo rất độc đáo thuộc khoa ẩm thực của người Việt Nam, đó là chè bưởi. Ở Costa Rica, người ta cũng biến chế bưởi bằng cách nấu chín để loại trừ chất chua, sau đó tẩm đường thành một món tráng miệng ngọt ngào sau mỗi bữa ăn.

Bưởi cũng thường được ép thành nước cốt, để có được một loại nước giải khát nhiều sinh tố, thật tốt cho phái nam lẫn phái nữ. Nhưng bưởi và nước bưởi cũng là một đề tài gây tranh luận giữa các nhà khoa học, về việc có làm gia tăng nguy cơ gây ra ung thư vú hay không, cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh – menopause?VÀI LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI DÙNG BƯỞI:

Vào năm 2007, một số nhà nghiên cứu cho rằng, ăn quá nhiều bưởi (1/4 quả), hoặc uống nhiều nước bưởi mỗi ngày có thể làm gia tăng 30% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, với lý do là một enzymes trong bưởi có thể làm gia tăng nội tiết tố Estrogen một cách bất thường.

Nhưng đến năm 2008, kết quả một cuộc nghiên cứu khác lại khẳng định, bưởi và nước bưởi không những không làm tăng, mà còn giảm đáng kể nguy cơ loại ung thư này, nhất là cho những ai chưa từng dùng đến Hormone Therapy.

Cuộc tranh luận trên đến nay vẫn chưa ngã ngũ, nhưng có lẽ như các cụ ngày xưa vẫn thường nhắc nhở: “Thái quá” thì “bất cập”, vì thế, vừa đủ và điều độ bao giờ cũng là một phương cách dinh dưỡng an toàn nhất.

Điều cuối cùng cần lưu ý là, nước bưởi có nhiều ảnh hưởng bất lợi đến một số loại Tây dược hay Đông dược mà chúng ta đang sử dụng để điều trị một căn bệnh nào đó. Trong trường hợp cần uống nước bưởi khi dùng thuốc, quí vị nên tham khảo trước với bác sĩ hay dược sĩ của mình.

Và sau hết, người viết mong mỏi quý vị hãy thường xuyên dùng trái cây, vì đó chính là một trong những phương thức phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe hữu hiệu và an toàn nhất.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights