Đi xem hạc và bướm trú đông ở Bắc Cali

by Tim Bui
Đi xem hạc và bướm trú đông ở Bắc Cali

TRÙNG DƯƠNG

“Câu chuyện của loài chim di trú là câu chuyện của một lờì hứa — lời hứa sẽ trở lại.”
Winged Migration (2001)

Tôi thường bị lôi cuốn bởi cuộc thiên di hàng năm của loài vật, lớn như cá voi hoặc nhỏ như loài bướm monarch, vì nhu cầu sống còn, hai lần mỗi năm, và mỗi bận cả mấy ngàn dặm. Và tôi hay lẩn thẩn tưởng tượng nếu mỗi năm mình cũng phải dọn nhà tới lui như vậy.

Khi còn làm việc ở Stockton, Bắc California, tôi hay đi xem hạc vào mỗi cuối Thu hoặc mùa Đông ở Lodi, một tỉnh cách Stockton 12 miles về phía Bắc. Cuối Thu là lúc chúng trở về từ những chốn xa xôi cả mấy ngàn dặm trên mạn Bắc, như giữ lời hứa sẽ trở lại — như lời trích bên trên từ phim tài liệu Winged Migration rất công phu, của đạo diễn Jacques Perrin.

Xế chỗ tôi sống một dạo ở Bandon, trên bờ biển Nam tiểu bang Oregon, người ta có thể đứng trên bờ biển dùng ống nhòm thấy cá voi xám (grey whale) di trú mỗi mùa Xuân và Hè.

Bây giờ, định cư ở thủ phủ Cali, cách Lodi về phía Nam khoảng nửa giờ lái xe, tôi lại có cái may mắn đi xem hạc về trú Đông mỗi cuối Thu tại nơi này. Và nữa, cách chỗ tôi ở trên 2 tiếng lái xe, tôi có thể đi xem bướm monarch về trú Đông ở Santa Cruz, trong công viên tiểu bang Natural Bridges.

Hạc trú Đông ở Lodi

Hạc, đối với người Á châu, tượng trưng cho tuổi thọ và sự thanh cao. Đối với người Nhật, được tặng 1,000 con hạc gấp giấy là được lời chúc lành của người tặng. Tôi nhớ trước năm 1975, một phụ nữ Nhật đã cặm cụi gấp và gửi tặng Việt Nam Cộng Hoà, qua vị tổng thống đương nhiệm, một ngàn con hạc giấy, với lời cầu chúc sớm có hoà bình. Tiếc là hòa bình cuối cùng có đến với Việt Nam, song bằng một giá quá mắc, đó là sự mất tự do của cả hai miền Nam Bắc và sự tha hóa cả một dân tộc suốt nửa thế kỷ qua.

Hiện có 15 loài hạc còn tồn tại, rải rác hiện diện ở nhiều nơi, trừ Nam Mỹ và Nam Cực. Tại Việt Nam ở khu đầm lầy vùng Tràm Chim, nay là công viên quốc gia, trong tỉnh Đồng Tháp vùng đồng bằng Sông Cửu Long, có loài hạc gọi là saurus crane, tiếng Việt gọi là sếu (không rõ có phải từ chữ saurus). Loài hạc này thường về trú Đông ở đây, hiện đang bị đe dọa vì những thay đổi môi trường trên đường thiên di của chúng, và đã được Liên minh Quốc tế về Loài chim (International Union for Conservation of Nature (IUCN) đưa vào danh sách bị đe dọa. Hạc là loài chim có chiều cao nhất trong các loài chim bay được, có khi tới 6 feet (1.8m), như loài saurus. Hạc thường bị nhìn lẫn với loài cò, nhưng có thể phân biệt ở lối bay của mỗi loài: hạc, cao lớn hơn, thường bay vươn cổ thẳng, thay vì co lại theo hình chữ S như cò, và hai chân duỗi thẳng.

Ở Mỹ có hai loại hạc cư trú, là sandhill và whooping crane. Loài hạc whooping đã suýt tuyệt chủng, hiện đang được phục hồi qua một chương trình đặc biệt và rất công phu, gọi là captive breeding program, tức gây giống từ trên chục con hạc nguyên thủy còn sót lại được đưa về nuôi trong trại. Các nhân viên phải phục sức như hạc khi tiếp xúc với hạc con vừa nở và trong suốt thời gian chăm nuôi chúng. Khi hạc đủ lớn cần được huấn luyện để bay, để khi được thả chúng biết cách thiên di như một phần của bản năng sinh tồn.

Từ hồi nào không ai biết, có lẽ đã nhiều ngàn năm, một cánh đồng ở Lodi đã được loài hạc sandhill chọn làm nơi về trú Đông. Một nhóm người địa phương nhận thấy cần phải họp nhau lại để giúp duy trì nơi trú Đông của loài hạc, đó là những cánh đồng sau mùa gặt vẫn cần có nước vào mùa Đông để hạc có chỗ nghỉ đêm—khác các loài chim khác, loài hạc thiếu ngón chân sau để quặp vào cành cây cho phép chúng nghỉ trên cây an toàn khỏi các loài thú như chồn cáo, do đấy hạc cần nghỉ trong đầm nước như một cách bảo toàn. 

Tổ chức vô vị lợi Lodi Sandhill Cranes Association (LSCA) được thành lập cách đây 25, với sự phối hợp của Hội đồng thành phố, Phòng Thương mại Lodi và cơ quan tiểu bang Fish and Wildlife. Hội hạc đầu tiên được tổ chức năm 1997 vào đầu tháng Mười Một, là lúc hạc về đã khá đông. Nói là đông nhưng số hạc về mỗi năm ở Lodi một ít do chỗ những trạm dừng cánh dọc đường của chúng ngày một giảm bớt vì ruộng đồng bị san bằng để con người xây cất nhà cửa, thương xá và các cơ sở địa ốc. Hiện hạc về Lodi chỉ còn vài trăm. 

Năm nay Hội Hạc miễn phí ở Lodi sẽ diễn ta vào các ngày 1 đến 3 tháng 11, gồm các buổi thuyết trình về hạc, và các chuyến đi xem hạc cần ghi danh trước và có trả tiền. Chương trình cho toàn hội hạc tham khảo ở đây:

https://lodisandhillcrane.org/presentations/, và chọn tour ở đây https://lodisandhillcrane.org/events-calendar/ 

Khi bài này đăng có lẽ trễ với nhiều người muốn tham dự Hội Hạc Lodi để lập chương trình. Do đấy tôi đề nghị bạn vẫn có thể tổ chức đi riêng từ đây cho tới hết Đông, không chỉ cho chuyến đi xem hạc mà cả cho chuyến đi xem bướm monarch về trú Đông ở Santa Cruz gom lại trong một chuyến đi khoảng hai hay ba ngày.

Nơi tôi đi thường xem hạc có tên là Woodbridge Ecological Reserve (https://wildlife.ca.gov/Lands/Places-to-Visit/Woodbridge-ER), một vùng đồng ruộng ở Lodi. Hàng năm vào khoảng sang Thu, hạc sandhill từ mạn Bắc tụ về đây và ở lại tới qua Đông. Thời điểm tốt nhất để xem hạc về từng đàn, gọi nhau râm ran một góc trời, là trước khi mặt trời lặn, là lúc hạc đi kiếm ăn về ruộng nước tại đây để nghỉ đêm.

Đón hạc đi kiếm ăn về ruộng nước nghỉ đêm tại Woodbridge Ecological Reserve, còn có tên là Isenberg Sandhill Crane Reserve, ở Lodi, Bắc California. (Ảnh tư liệu Trùng Dương)

Xem hạc không nhất thiết chỉ có ở Lodi. Một nơi tôi vẫn muốn đi mà chưa thực hiện được, đó là Công viên Bosque del Apache National Wildlife Refuge ở New Mexico, nơi hàng trăm ngàn hạc sandhill về trú Đông mỗi năm. Năm nay Hội Hạc ở đây tổ chức trễ so với hội Lodi, vào giữa tháng Mười Hai. Độc giả có thể tham khảo chương trình của hội hạc này tại https://friendsofbosquedelapache.org/festival/ 

Nhân nói về hạc, tôi có một kinh nghiệm thú vị, xin “khoe” với bạn đọc. Vào một sáng đầu Xuân cách đây năm năm, tôi đang ngồi trước laptop đối diện với khung cửa rộng ngó ra những cây phong vừa được mặc áo mới mầu xanh lá cây non mướt trong ánh nắng buổi sáng đầu Xuân. Chợt một bóng chim lớn cánh rộng sà xuống lan can ban công, tiếng cánh đập gió nghe thấy cả từ bên trong khung cửa kính mà tôi thích coi đó là tiếng gõ cửa rộn rã. Một anh hay chị hạc sandhill vừa đậu xuống trên lan can nhà tôi, thong thả gấp hai cánh dài lẫn vài chiếc lông đen chấm phá xuống hai bên mình, chậm rãi ngó quanh quan sát. Tôi vụt đứng dậy, quơ cái iPhone bước tới sát cửa, tất nhiên không dám mở cửa ra, mà đưa máy bấm liên tiếp, từ ban công nhà tôi tới mái nhà nhà đối diện mà hạc bay tới đậu, ngó quanh như kiếm tìm, rồi bay đi. Tôi không khỏi ngẩn ngơ hỏi sao giờ này hạc còn ở đây thay vì đã phải là thiên di về Bắc với đồng loại từ tháng Ba rồi mới phải. Hôm sau, lại vẫn chú hay cô hạc tới đậu tại lan can ban công nhà tôi, vẫn một mình, đứng ngó quanh một lúc rồi bay đi, để lại trong tôi một câu hỏi không có giải đáp.

Bướm Monarch trú Đông ở Santa Cruz
Bướm monarch, được mệnh danh là chúa tể của loài bướm (king of butterflies), là loài côn trùng duy nhất phải di trú hàng năm cả mấy ngàn dặm. Từ miền Bắc, có khi tận trên vùng Tây Bắc ở Canada chúng bay xuống vùng bờ biển California, hoặc từ phía Đông của rặng Rockies chúng bay Nam xuống tận Mexico, nơi khí hậu ấm vào mùa Đông mặc dù vẫn trên núi cao cả chục ngàn feet. Thường chúng phải mất từ ba tới năm thế hệ cho mỗi cuộc hành trình, có nghĩa là đàn bướm chúng ta thấy hôm nay không phải là đàn bướm ta thấy năm ngoái, mà là thế hệ cháu, chắt của đàn bướm năm ngoái. 

Đường thiên di của bướm monarch: từ phía Tây rặng Rockies xuống miền duyên hải California; và từ phía Đông rặng Rockies xuống Mexico để trú Đông từ tháng Mười, Mười Một tới qua mùa Đông mỗi năm. (Nguồn: http://www.fs.fed.us/monarchbutterfly/migration/index.shtml; tìm hiểu thêm về loài bướm này tại đây).

Đối với loài bướm, cũng như loài hạc và các sinh vật di trú khác, bảo vệ chúng đồng thời là bảo vệ các môi sinh nơi chúng dừng chân trên đường thiên di hoặc nơi chúng trú ngụ qua mùa Đông. Do đấy, đặc biệt tại các vùng nghèo, như vùng cao nguyên Michoacán và Estado của Mexico, nơi hàng triệu bướm monarch từ phía Đông rặng Rockies bên Mỹ và từ Đông Nam Canada bay về trốn lạnh từ tháng Mười tới hết tháng Hai, người ta đã có những nỗ lực để bảo vệ những cụm rừng nơi bướm trú Đông. Với sự tiếp tay của các cơ quan quốc tế, như International Crane Foundation (ICF), và qua giáo dục và tái huấn nghệ, dân địa phương được hướng dẫn trồng lại rừng và mưu sinh bằng những cách khác bớt phương hại tới môi sinh, như việc phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tôi đọc biết được nhiều nơi ở vùng này bên Mễ, người ta đang khai quang để trồng avocado cung cấp cho thị trường của Mỹ. Do đấy, bạn có thể cười tôi vì tôi thường tránh mua loài trái cây này khi có dán nhãn nhập cảng từ Mễ. 

Tôi đã cùng vài người bạn sang Mễ xem bướm trên cao nguyên vùng Michoacán cách đây vài năm, sẽ rủ bạn “đi” nơi này vào một dịp khác. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập tới các nơi ở Cali ta có thể đi xem loài bướm phải thiên di hàng năm này (xem bản đồ bên dưới); đặc biệt nơi tôi đã đưa nhiều nhóm bạn tới, đó là Công viên Tiểu bang Natural Bridge ở San Cruz, là nơi có một cụm rừng khuynh diệp được bảo vệ cho một số bướm nhiều hơn cả về trú đông ở đây. 

Địa điểm các nơi bướm monarch từ phía tây rặng Rockies về trú đông ở bờ biển Cali

Khu bảo toàn bướm monarch (Monarch Butterfly Nature Preserve) nằm trong cụm rừng khuynh diệp (eucalyptus) thuộc công viên tiểu bang Natural Bridges ở Santa Cruz. Hàng năm, khoảng 100,000 bướm monarch về đây trốn lạnh và sinh nở, từ tháng Mười cho tới hết tháng Hai. Nghe nói con số này nay chỉ còn vài ngàn. Một trong những lý do là việc mất những nơi có sẵn cây milkweed trên hành trình thiên di bắc-nam-bắc của bướm. Milkweed, tạm gọi là cỏ sữa, một loài cây dại, mà sâu bướm cần lá của nó để ăn và phát triển thành bướm. Xem hành trình hóa thân của sâu bướm tại đây.

Do đấy, nhiều tổ chức đã khuyến khích dân chúng trồng loại cây này trong vườn sau, trên sân thượng, chỗ đất hoang, để bướm có chỗ dừng cánh đẻ trứng trong hành trình ba-bốn-thế-hệ-mới-tới-bến. Đây là từng bước hướng dẫn cách trồng milkweed để giúp bướm monarch sinh sôi nảy nở.

Xem bướm monarch trú đông tại Monarch Butterfly Natural Preserve, Natural Bridges State Park, Santa Cruz. (Ảnh tư liệu TD)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights