BẮC KỲ DI CƯ
Bữa hổm, đang lơn tơn lái xe đến thăm Thầy Tư mới đi Việt Nam dìa, Sáu tui bị một cú sốc giựt mình.
Đi trên đường Bôn Sa, muốn quẹo trái vào đường Bút Sa, nên tấp vô ngã tư Bôn Sa – Bút Sa, chờ đèn đỏ. Thình lình, nghe cái “ình,” cái mông tui nẩy lên, cái đầu tui, nếu không có dây chằng, lộn, lộn, dây sít beo, thì cái đầu tui đã đập vào miếng kính trước mặt rồi. Sáu tui tá hỏa tam tinh, ngồi một vài phút mới tỉnh lại, tắt máy, bước ra, đứng nhìn về phía sau, thấy một cái xe KemRi ủi vào đít tui, hổng phải, bị xốc, đầu óc cháng váng, lại nói lộn, nói lại: xe Kemri ủi vào đít xe tui làm bẹp nguyên một vè, thụn vào trong.
Cùng lúc ấy, người lái xe bên kia mới lụm cụm bước ra: một ông Việt xồn xồn, cũng cỡ trên sáu bó, mặt tái mét, xanh lè.
Tui thấy ổng run, đột nhiên tui tội nghiệp, hỏi: “Mới qua hả?” Ổng run run trả lời: “Dà… không! Cũng trên năm năm!” Tui hỏi tiếp: “Có bằng lái không?” Ông lắp bắp: “Dà… có!” “Có bảo hiểm không?” Cũng “có” luôn! Tui hỏi “Đi đâu mà nhớn nhác vậy? Ông ủi vào đít tui, làm bẹp nguyên cái vè sau này, sửa lại cũng cả bẩy, tám trăm. Gặp ông thần “Chém” thì bạc ngàn!” Ông kia nín thinh. Tui nói cho ổng hay là nếu tui cờ-lem với luật sư, đòi tiền bảo hiểm, tiền chữa bệnh thì ổng lúa luôn. Ổng run, nói không được. Tui thấy tội nghiệp. Chắc ông này mới được con cái bảo lãnh qua, bây giờ mà báo luật sư, thì tiền bảo hiểm ổng tăng tàn trời luôn, con cái nó dũa cho nhức óc.
Tui bèn hỏi: “Túi ông bây giờ có bao nhiêu?” Ổng ngớ ra. Tui nói tiếp: “Ông móc ví ra cho tui coi, xem có bao nhiêu thì tui tính cho.” Ổng run run móc ví ra, chìa cho tui coi, có hơn 200! Tui vỗ vai ông, nói: “Thôi, đừng sợ! Có nhiêu, đưa nhiêu để tui đi sửa xe lấy. Tui không báo luật sư đâu! Coi như tui xui hôm nay! Chắc chắn là sửa không dưới bạc ngàn!”
Ông kia mừng húm, lập cập đưa tui 200. Tui lại an ủi ông: “Thôi, đừng run nữa. Bài học cho ông đó! Lái xe phải cẩn thận, gặp người khác là đời ông tàn!” Rồi tui lái xe đi, để ông kia đứng run mãi. Tui mang xe vào khu sửa xe Bôn Sa, gặp người chủ quen thân, ông chủ nhìn tui, lắc đầu: “Tôi cố sửa cho ông vì người quen, nhưng không thể nào dưới 500! Vì phải móc cái chắn xe ra, gò lại, rồi sơn, rồi gõ cái thùng cho nó thẳng ra, cũng cả ngày làm việc với hai người thợ. Ông đưa chỗ khác, ít nhất cũng ngàn rưởi! Tôi chỉ lấy tiền sơn!”
Tui thấy ông chủ nói cũng có lý, thôi đành, coi như “ra ngõ gặp gái gọi,” hổng có quờ quạng được gì mà mất mẹ nó ba bớp, chưa kể mấy chục tiền taxi về nhà! Về đến nhà, bà chủ nghe chuyện lại la thêm một chập: “Sao mà anh ngu quá! Tự dưng bỏ tiền cho người lạ!” Tui nín khe, hổng biết nói sao. Tại tính tui nó vậy rồi!
Thiệt ra, chuyện người mình lái xe ở khu Bôn Sa nhiều quá chừng chừng, kể hổng hết. Mà chuyện đau thương nữa chứ! Một ông lẩm cẩm, lái xe đi chợ Á Đông. Tới cửa chợ, thay vì đạp thắng, lại tống thêm ga, đâm vào hai vợ chồng già ngồi chờ con trước cửa, không nhớ sống chết ra sao. Một bà lái xe Mẹc Xê Đì cũng lái trên đường Bôn Sa, tông vào một bà homeless đi bộ sang đường! Chắc cũng không sống nổi!
Hồi trước đây hơn chục năm, ngã tư Moran vào các tờ nhật báo và Bôn Sa, đụng xe hà rầm. Người quẹo trái không nhường người quẹo phải. Người đi thẳng không chờ đường trước mặt hết xe…Thành phố phải cắm đèn đỏ ở đây, mới hết tai nạn.
Một lần tui lái trên đường Westminster về phía West, gần tới ngã tư Brookhurst thấy kẹt xe. Một ông Việt chưa già, lái từ khu chợ ra, tính quẹo gắt sang trái để vào Brookhurst phía South, mà khúc đó ngắn củn. Ông cứ đâm sang bên trái, làm kẹt cả dẫy. Mấy người lái xe bị kẹt, bấm còi tùm lum, mà ông ta tỉnh bơ.
Còn nhiều chuyện qua mặt không bóp còi. Một hôm, tui đang lái xe trên đường Westminster, qua Magnolia về phía Newland, trên lằn đường giữa. Bất ngờ một chiếc xe từ bên trái tui vọt lên, tạt ngang qua mũi xe của tui, rồi quẹo gấp vào khu ăn uống bên phải. Tui hết hồn thắng gấp. Chiếc xe kia tàn tàn quẹo vào khu parking! Tui nổi nóng, rượt theo, đến khi xe kia đậu lại, tui nhìn qua, tính xổ ra một tràng “mẹc xà lù, bú dù, cu song” nhưng thấy người lái xe là một bà sồn sồn, mặt sượng trân, tui đành nuốt hận vào lòng, chỉ nghiến răng giơ tay dứ dứ quả đấm thôi, rồi bỏ đi.
Bữa khác, tui đậu xe chờ chỗ trống để vào tiệm bán hột vịt lộn Long An, trước cửa chỉ có khoảng bốn chỗ đậu mà đã kín rồi. Tui ngồi chờ, ngồi chờ… Khi thấy một chiếc xe rời đi, mừng húm, chuẩn bị quẹo vô thì bất ngờ có một chiếc xe phía sau đít tui, vọt lên, phóng cái ào vào chỗ trống, tắt máy rồi bước ra: một nàng mặc áo bà ba mà hai tà áo khá cao, gió bay phất phới!
Đáng lẽ thấy áo bà ba thì nhớ tới chiếc áo bà ba của mấy nàng chèo đò ở sông Hậu, tà áo nhẹ nhàng bay lên, để lộ ra phần da eo trăng trắng, hấp dẫn vô cùng, nhưng hôm ấy, tui thấy chiếc áo bà ba vô duyên tệ. Tui nghiến răng, đè cơn phẫn nộ hổng cho nó bùng lên. Một vài phút sau, có chiếc xe khác rời đi, tui phóng vào, đậu xe, rồi hầm hầm đi tìm chiếc áo bà ba kia, định… Không ngờ, khi thấy tui bước vào, nàng ngỏn ngoẻn cười tình. Nụ cười của nàng tươi nở trên chiếc áo bà ba tròn căng, như thùng nước lạnh, dội tắt cơn nóng của tui ngay. Tui chới với trước các sự tròn tròn nóng hổi của nàng, đứng ngây như pho tượng. Nàng quay đi, đôi mông tròn xinh nhảy múa trước mắt tui làm tui muốn xỉu…“Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Lỡ rồi, còn chi đâu em ơi!” Tui lụm cụm ôm mấy hột vịt lộn về nhà mà tưởng như đang ôm quả đào tiên… Về nhà, bước vào cửa, thấy bà chủ nhà đang quét dọn vất vả, mấy quả đào tiên lại trở lại nguyên hình là mấy hột vịt lộn.