Vương quốc Chiêm ThànhDân tộc Champa (Chăm)

by Tim Bui
Vương quốc Chiêm Thành Dân tộc Champa (Chăm)

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Nhắc lại lịch sử loài người là xuất phát từ Phi châu. Trải qua hàng triệu năm, khi dân số tăng dần, những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và chiếm hữu nô lệ trong thời kỳ đồ đá đã đẩy loài người di dân đến khắp nơi trên thế giới. Lúc đó con người sống quây quần thành từng nhóm có cùng nguồn gốc gọi là bộ lạc. 

Vào thời kỳ đồ đồng, xảy ra khoảng 6000 năm trước Công nguyên (TCN). Khi con người bắt đầu biết trồng trọt, thì nhiều bộ lạc có khuynh hướng định cư tập trung hơn ở lưu vực những dòng sông lớn. Ở châu Á, hai nền văn minh lớn đã xuất hiện, đó nền văn minh sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, và nền văn minh sông Ấn ở Ấn Độ.

Trong nền văn minh sông Hoàng Hà ở Trung Nguyên, những bộ lạc mạnh đã thôn tính các bộ lạc yếu hơn và hình thành nhiều nước có tổ chức hơn dưới thời Xuân thu – Chiến quốc vào khoảng 1000 TCN. Nền văn minh này từ từ đã lan rộng xuống phía Nam đến các bộ tộc bán khai (tiến bộ hơn so với thời kỳ đồ đá – nhưng không có vũ khí đồng thau và chưa có quần áo) mà họ gọi là Nam man, đến vùng Lĩnh Nam ở phía Nam của Động Đình Hồ của Trung Quốc nơi có các bộ tộc Bách Việt sinh sống.

Khi Tần Thủy Hoàng đánh bại các quốc gia chư hầu ở Trung Nguyên và thống nhất Trung Quốc lại thành đế quốc Tần. Nhà Tần đã xua quân xuống chiếm vùng Lĩnh Nam, sáp nhập và đồng hóa các bộ tộc Bách Việt vào đế quốc Tần. Có lẽ vì hoàn cảnh địa lý đặc biệt, có dãy Hoàng Liên Sơn phía bắc che chở, bộ tộc Lạc Việt trong nhóm Bách Việt sống ở miền bắc Việt Nam đã sống sót trong đợt chinh phục này.

Rồi sau đó nhà Hán nổi lên thay thế nhà Tần. Một đợt chinh phục mới lại được tiến hành bởi đế quốc Hán. Lần này bộ tộc Lạc Việt lúc đó đã hình thành nước Âu Lạc bị chiếm đóng và bị các đế quốc phía Bắc đô hộ suốt 1000 năm. Trong thời kỳ 1000 năm bị đô hộ, nhiều cuộc nổi dậy đổ máu của người bản địa đã nổi lên. Cuối cùng vào đầu thế kỷ thứ 10 thì người Việt đã giành lại được độc lập và bắt đầu bước vào thời kỳ mới: thời kỳ phát triển đất nước.

Trong khi nền văn minh sông Hoàng Hà phát triển rực rỡ, thì ở Ấn Độ nền văn minh sông Ấn cũng huy hoàng không kém với những sáng tạo vật chất như đền đài cung điện, xe cộ, quần áo đặc thù của riêng mình. Về tinh thần thì văn minh sông Hoàng Hà đi liền với chủ thuyết phong kiến và tham vọng bình thiên hạ; còn văn minh sông Ấn với đạo Bà La Môn thờ các vị thần, sống nhiều với nội tâm và không mang nhiều tính cạnh tranh.

Cũng giống như sự lan rộng của văn minh Hoàng Hà về dải đất phía nam, nền văn minh sông Ấn đã được truyền bá qua đường hàng hải đến các quốc gia lân cận của vùng biển Ấn Độ. Nó đã đi đến các bộ tộc Nam Đảo mà bây giờ hình thành các nước Mã Lai và Nam Dương. Từ các quốc gia Nam Đảo này, nó đã không dừng bước mà theo dòng thủy triều của biển cả, nó đã du nhập vào miền Trung và miền Nam của nước Việt Nam bây giờ. Cũng vậy, những nơi đó đang có những bộ tộc bán khai sinh sống. Sau đó, sự du nhập này đã hình thành các quốc gia mà lịch sử sau này gọi là nước Chiêm Thành ở miền trung và nước Phù Nam ở miền nam Việt Nam. 

Trong khi bộ tộc Lạc Việt hình thành văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc với Trống đồng với các Lạc Hầu – Lạc Tướng, thì ở miền Trung có lẽ  cùng lúc đó cũng phát triển văn hóa Indus (Indonésien) và văn hóa Sa Huỳnh (Mã Lai), và miền Nam phát triển văn hóa Môn Khmer (Óc Eo-Phù Nam).

Những bộ tộc mới đến vùng đất miền Trung và miền Nam này có trình độ văn minh hơn. Họ đã thu phục và đồng hóa những bộ tộc bản địa, để chỉ còn yếu tố Nam Đảo độc tôn, và thiết lập quyền cai trị. Những bộ tộc bản địa, không chấp nhận hay không chịu nổi sự cai trị của nhóm di dân mới tới, đã di tản lên vùng rừng núi sinh sống và trở thành những nhóm sắc tộc thiểu số ngày nay. 

Sách Lĩnh Nam Chích Quái nói rằng biên giới phía Nam của nước Xích quỷ của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân là nước Hồ Tôn phỏng đoán là nước Chiêm Thành hay còn gọi là Champa bắt đầu từ Quảng Bình chạy dài hết miền trung Việt. 

Ngoài ra, trong Lĩnh Nam Chích Quái cũng có giai thoại như sau: “Xưa kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm (có lẽ là Phù Nam). Vị vua của vương quốc này có tên là Tràng Minh, hiệu Quỷ Vương có mười đầu. Phía Bắc vương quốc này có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh (quốc gia của người khỉ) do vua Daxaratha cai trị. Hoàng tử Rama, người kế vị vua Daxaratha, có một người vợ là công chúa Sita có một sắc đẹp tuyệt trần không giống người phàm. Quỷ Vương, mê hồn trước sắc đẹp của Sita, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh cướp công chúa Sita về nước. Hoàng tử Rama, quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh vượt núi băng biển tiến vào vương quốc Diệu Nghiêm, giết Quỷ Vương, đưa công chúa Sita về.”

Theo nhận xét của học giả Huber (La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises), Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Champa cổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó đều có sự tích giống nhau, tại Indonesia trong các đền thờ Bà La Môn lớn đều khắc chuyện thần thoại này trên tường đá. Chuyện Quỷ Vương có mười đầu chỉ là cách mô tả thô thiển ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ và Phù Nam thường có hình con rắn hổ mang mười đầu.

Căn cứ theo Việt Nam sử lược, khi nhà Tây Hán thiết lập chế độ đô hộ Nam Việt, các quan lại nhà Hán tiến xuống thu phục các bộ tộc phía Nam dãy Hoành Sơn (từ Quảng Bình tới Bình Định, sau này là nước Chiêm Thành) và hình thành quận Nhật Nam. 

Năm 192, người bản địa quận Nhật Nam theo Khu Liên khởi binh chống nhà Hán và thành lập nước Champa độc lập. Lực lượng nhà Đông Hán ở phía nam yếu ớt không chống nổi, bất lực trước sự ly khai của Khu Liên. Từ đó phía nam quận Nhật Nam trở thành nước Champa, tách hẳn sự cai trị của nhà Đông Hán và các triều đại Trung Quốc sau này.

Trong quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt, nước Chiêm Thành hoàn toàn bị thôn tính và sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Không còn nguồn sử liệu gì của họ, ngoại trừ những dữ kiện ghi lại trong sử Trung Quốc, bia văn còn lưu lại, và truyền thuyết trong dân gian. Tuy nhiên qua những mảng góp nhặt, có thể hình dung như sau về vương quốc Chiêm Thành.

Vương quốc này trước đó có rất nhiều tên: Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm, sau này còn được gọi là Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (hay Champa hay Chăm). Những tên này đều do người Trung Hoa hay người Việt đặt ra, dựa theo cách phát âm của người địa phương mà gọi.

Trong thời kỳ người Việt bị đô hộ bởi các đế quốc phương bắc suốt 1000 năm, vương quốc Chiêm Thành phát triển phồn thịnh nhờ các cảng ở Quảng Nam và Bình Định. Lãnh thổ của Chiêm Thành vào thời kỳ lập quốc vào khoảng đầu thế kỷ thứ 2 bao gồm vùng đất từ Quảng Bình cho đến mũi Kê Gà – Phan Thiết.

Cũng như người Việt, Chiêm Thành là một quốc gia đa chủng tộc mà trong đó hai bộ tộc chiếm đa số là bộ tộc Dừa (có lẽ gốc Indo) và bộ tộc Cao (có lẽ từ Mã Lai di dân đến).

Bộ tộc Dừa sinh sống tập trung vùng Quảng Nam – Quảng Ngãi. Trong ngôn ngữ của họ, họ không có những chữ ghép nguyên âm “a” với một âm khác, chẳng hạn “y.” Sau này khi hội nhập vào xã hội Việt, họ có vấn đề phát âm tiếng Việt. Hãy nghe một người Quảng Nam nói câu sau đây: “Máy bay nó bay trên cao, nó nổ nghe đau đầu.”

            “Má ba nó ba tranh câu, nó nổ nghe đa đàu.”

Bộ tộc Cao sinh sống phần lớn ở vùng Bình Định – Phú Yên. Trong ngôn ngữ thì phát âm chữ “a’ thành “e.” Chẳng hạn họ đọc số 32 là “be he” (người Quảng Nam thì đọc là “boa hưa”). “Không thể” thì họ phát âm là “không thở.”

Rất nhiều từ ngữ của hai dân tộc trên góp phần vào tiếng Việt sau này, chẳng hạn như Nẩu, một chập …

Căn cứ theo sử liệu Trung Quốc, trong thời kỳ đầu bắc thuộc dưới thời Tây Hán, dân số của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân (tức là nước Âu Lạc) cũ vào khoảng 900.000 còn dân số quận Nhật Nam (sau này là Chiêm Thành) vào khoảng 600.000.

Nhiều người sẽ hỏi dân số vương quốc Chiêm Thành xưa bây giờ ở đâu? Không lẽ đã bị tiêu diệt hết sao ? Con số 100.000 người Chăm tại Bình Thuận và Châu Đốc có phản ánh đúng sự thật không?

Câu trả lời là không và dân chúng gốc Chăm vẫn còn nguyên vẹn. Người Chăm đồng bằng không đi đâu cả, họ đã ở lại trên lãnh thổ cũ tại miền Trung và với thời gian đã trở thành công dân Việt Nam một cách trọn vẹn. Có thể nói không một người Việt Nam nào sinh sống từ lâu đời tại miền Trung nào mà không mang ít nhiều dòng máu Champa trong người. Điều này cũng rất dễ khám phá, ít nhất là về hình dáng: da ngăm đen, vai ngang, mặt vuông, tóc gợn sóng, vòm mắt sâu, mắt bầu dục hai mí, mũi cao, môi dày, miệng kín…

Những tinh hoa của dân tộc Chiêm Thành có lẽ vẫn còn truyền từ đời này sang đời nọ ở vùng Quy Nhơn – Bình Định, vùng đất mà ngày xưa từng vang bóng một thời với cái tên lịch sử Đồ Bàn, nơi sản xuất ra nhiều nhân tài mà người ta gọi là địa linh nhân kiệt.

Cũng không phải vô tình mà cách phát âm của người miền Trung khác hẳn phần còn lại của đất nước, với nhiều âm sắc thấp của người Champa. Đó là chưa kể những danh từ có nguồn gốc Champa. Cũng không phải tình cờ mà các điệu múa hát của người Chăm trở thành những điệu múa hát trong cung đình và ngoài dân gian thời Nguyễn.

Người Chăm bị ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ được du nhập và củng cố thường xuyên trong thời kỳ dựng nước từ những người Nam Đảo. Ban đầu họ theo đạo Bà La Môn hay còn gọi là Ấn Độ giáo, sau đó thì du nhập thêm Phật giáo tiểu thừa, rồi sau này có thêm Hồi giáo.

Qua các di tích lịch sử cho thấy dân tộc Chăm ngay từ đầu công nguyên đã có chữ viết. Mô hình chữ viết có nguồn gốc từ chữ Phạn (giống chữ Ấn Độ bây giờ). Dù rằng kế thừa nền văn minh của Ấn Độ, nhưng kiến trúc của họ cũng có những nét đặc thù. Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam – Đà Nẵng và những tháp Chàm rải rác từ Bình Định, Khánh Hòa, đến Phan Rang đã nói lên nét độc đáo của nền văn minh Chiêm Thành.

Sau này khi người Việt giành lại độc lập vào thế kỷ thứ 10. Đại Việt là một thể chế quân chủ tập quyền trong khi Chăm Pa không phải là quốc gia thống nhất, mà là một vương quốc liên bang lỏng lẻo với năm tiểu vương quốc đó là Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, và Panduranga. Mỗi tiểu vương quốc có vua chúa riêng, hành chính riêng và cách điều hành riêng. Cơ cấu tổ chức này không phát huy mạnh được ý thức hệ đoàn kết của một dân tộc và thường làm suy yếu đi tiềm năng quân sự của quốc gia một khi vương quốc này bị tấn công bởi một nước láng giềng. Có lẽ vì lý do đó mà người Champa đã bị mất nước về tay người Việt.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights