Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 21 – Tiếp chuyện Quái kiệt Phan Thứ Khanh

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 21 Tiếp chuyện Quái kiệt Phan Thứ Khanh

TRẦN NHẬT VY

Chẳng bao lâu sau, đại nạn của gia đình Thứ Khanh tới.

Không rõ nguyên nhân vì sao mà “căn nhà ghe” của anh bị chìm. Nghe nói là đáy ghe bị chuột khoét, cũng có tin là mấy miếng ván dưới đáy ghe lâu ngày quá bị mục nên…

Cả nhà Thứ Khanh không ai bị gì nhưng toàn bộ cái gia tài nghèo nàn của anh đều chìm theo chiếc ghe xuống dưới đáy sông. Nghèo lại mắc cái eo, gia tài tiêu tán hết mà còn phải đền chiếc ghe cho ông chủ ghe ở Thủ Thiêm. 

Làng báo liền mở một cuộc lạc quyên để giúp Thứ Khanh, mỗi người vài đồng để Thứ Khanh giải quyết chuyện “nhà.”

Nhà báo Hiền Sĩ, phóng viên của báo Saigon cầm sổ thâu ngân đi gặp bạn bè để lạc quyên. Gặp đồng nghiệp nào Hiền Sĩ cũng hỏi “Biết gì về chuyện Thứ Khanh chưa?” Khi bị hỏi lại, ông ta mới kể chuyện “nhà ghe” của Thứ Khanh bị chìm xuống sông và kết luận bằng câu “Không có ai chết hết, nhưng tất cả đều chìm xuống sông. Bây giờ ảnh chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người mà thôi.” Ai nghe cũng mủi lòng và lẹ tay ký vô sổ lạc quyên.

Sau vụ chìm ghe, Thứ Khanh nhứt quyết không ở dưới sông nữa và đưa cả gia đình lên đất liền lập căn cứ. Và đó cũng là chỗ ở cuối cùng của đời Thứ Khanh, khoảng năm 1940-1941.

Đó là một căn nhà trong con hẻm sâu ở khu Đất thánh Cầu Kho nay gọi là khu Mả Lạng trên đường Frère Louis [Nguyễn Trãi, quận 1], Sài Gòn. Phải kêu đúng tên đó là một căn chòi. Nóc nhà lợp bằng thùng thiếc vụn ghép lại, dựa lưng sát vách tường khu đất thánh Cầu Kho, vách hai bên che bằng giấy cạc tông và nơi ra vào thì để trống! [Nhà nghèo quá cần gì làm cửa cho nó phí của!]. Sau hơn 10 năm làm báo mà chỗ ở như thế này thì quả là…nghèo hết biết! Bởi vậy Thứ Khanh làm bài thơ “Túng Tiền” để giãi bày tâm sự.

Bấy lâu mình túng biết bao nhiêu,
Thiếu của nên chi túng đủ điều,
Tiền bạc có đâu mua nước lại,
Cột rường thiếu mãi để nhà xiêu.
Vì niềm trung hiếu chưa trong sạch,
Nên nợ bồng tang phải mắc nhiều
Không biết làm sao cho hết túng?
Mượn ai làm chứng bán trởi tiêu.

Trong bài thơ có mấy chữ “mua nước lại” và “cột rường thiếu mãi” là để tả cảnh nghèo hết biết của gia đình Thứ Khanh. Mua nước lại vì chỗ nhà ông ở không có nước, giếng lại xa nên phải mua từng đôi nước để xài. Ở Sài Gòn xưa, hầu như nhà nào cũng có giếng riêng để xài nước. Khi dân số tăng vọt quá nhanh, chính quyền mới cho xây những phông tên nước công cộng ở các khu dân cư để cung cấp nước cho dân chúng xài miễn phí. Nhiều gia đình không có người trẻ khỏe, có tiền, hoặc làm biếng thì mua nước gánh về xài. Do đó sinh ra một đội ngũ chuyên hứng nước phông tên gánh về nhà cho các gia chủ, mà đa số là phụ nữ có sức khỏe nhưng ít học được báo chí đặt tên là “Ma ri đờ phông tên,” chuyên gánh nước mướn. Nước được gánh từng đôi, hai thùng. Thùng là những thùng thiếc đựng dầu hôi 20 lít hiệu con sò của hãng Shell được đóng thêm quai xách. Tiền gánh nước mướn kiểu này được tính từng đôi hoặc trả hàng tháng, tùy gia đình. Xưa người Sài Gòn kêu cách bán mua nước kiểu này là “đổi nước.” Cách kêu của người xưa rất tinh tế nhằm tránh hai chữ “bán nước” rất nhạy cảm!

Còn “rường cột” rõ ràng miêu tả căn nhà tạm bợ của ông Thứ Khanh. Bởi “căn chòi” ấy làm gì có cột!

Nhưng nếu không thấy, không biết cảnh nghèo của Thứ Khanh, đọc bài thơ người ta cứ tưởng ông đang tỏ rõ chí khí cao xa, nghĩ đến số phận của nước nhà! Và trong căn “nhà” ấy, gia đình Thứ Khanh vẫn sống qua ngày, và ông vẫn cứ làm báo ngon lành như nhiều ký giả “no đủ” khác.

Trong lịch sử nghề báo ở Việt Nam có lẽ không có nhà báo nào vượt qua kỷ lục về “nghèo” như Thứ Khanh. Những người đương thời quen biết với ông cho biết, gia tài “đáng giá nhất” của ông là cái quần Tây rách đít có ít nhất mười lỗ vá! Khi cái quần không có thể vá được nữa thì ông mới chịu đi “mang ơn” một người bạn nào đó giúp cho cái khác. Kế đó là đôi giày hả họng cùng cái áo sơ mi cũng vá víu đủ chỗ. Có thể nói, bộ quần áo mà ông mặc ra đi làm, khi ra đường nếu chưa bị nhân viên Sở kiểm tục nhắc nhở về tội “công xúc tu sĩ” thì ông chưa nghĩ tới việc phải đổi cái khác!

Phải thừa nhận rằng nghề báo là nghề nghèo.

Xưa nay, chưa thấy ai làm báo mà giàu có, trừ chủ báo. Nghề báo chỉ được cái tiếng chứ còn đời sống thì đa số là heo hắt. Bởi lương bổng đâu có bao nhiêu, nhuận bút thì khi đực khi cái, tùy vào lòng hảo tâm của chủ báo, của chủ bút. Bởi vậy những người làm báo, viết báo phải cày tối đa với sức có thể mới đủ chi dùng và nuôi gia đình. Có người mỗi ngày phải viết 1,000-1,500 chữ. Nói thì nhẹ nhàng nhưng phải ngồi vô bàn viết mới thấy nó nặng như núi Thái Sơn, phải bóp trán, vắt óc mới viết ra được bằng ấy chữ. Mà có phải bài nào cũng được đăng báo đâu! Có đăng mới có tiền còn không thì… Cũng có những người mới làm báo vài năm đã có xe hơi, nhà lầu thì chắc nụi rằng họ không phải con nhà giàu thì cũng đi viết bậy, làm bậy! Xưa nay vẫn có không ít những người như vậy.

Phan Thứ Khanh vốn con nhà dòng giống nên không thể làm bậy, viết bậy. Nhưng ông có nỗi khổ riêng nên cũng không thể nhờ vả gia đình nên đành chịu nghèo. Bạn bè từng thấy ông xé nát 3 tờ chi phiếu đề tên Phan Hựu vì nhờ ông viết cái gì đó có lợi cho một hãng xưởng nào đó.

Về ở khu đất thánh Cầu Kho thì Thứ Khanh trở thành một “thể tháo gia.” Mỗi ngày ông phải đi bộ từ nhà ra tòa soạn ở đường Catinat [Đồng Khởi]. Sự đi bộ thường xuyên của ông đã trở thành giai thoại của làng báo Sài Gòn.

Hồi ấy, có hai giai thoại nổi tiếng của làng báo là chiếc xe “cái miễu ông Thợ” của Tạ Thu Thâu và ký giả đi bộ Phan Thứ Khanh. Giai thoại này cũng làm bộ mặt của Hòn ngọc viễn đông bị trầy xước chút ít.

Chiếc xe của ông Tạ Thu Thâu là chiếc Renault 5 ngựa, mui kiếng nhưng có hình một cái thùng cây. Nhưng vì quá cũ nên trông nó xơ xác như cái miễu ông Thợ trong Gò Vấp. Tiếng máy xe nổ ầm ầm như xe hủ lô và tốc độ thì không qua nỗi chiếc thổ mộ! Xe như vậy mà mang ra chạy khắp con đường Catinat cầm bằng chửi cha mấy ông Tây sang trọng ngồi vinh râu trong nhà hàng Continental.

Còn Phan Thứ Khanh thì ăn mặc không khác gì một lão ăn mày mà ngày nào cũng đi phất phơ trên đường Catinat tới tòa soạn báo Điển Tín! Nên biết, thời ấy, ăn mày bị cấm héo lánh đến chợ Sài Gòn nói gì tới đường Catinat. Nhưng Thứ Khanh cứ đi như vậy mà chẳng thấy ai làm gì, nếu không kể sự “mất mặt” của ông chủ nhiệm Lê Trung Cang và trùm báo chí De Lachevrotière chủ tờ L’Impartial và Trung Lập Báo!

Ở được một năm thì Thứ Khanh có hàng xóm là nhà báo Trần Tấn Quốc. Nói là hàng xóm chớ cũng cách nhau vài con hẻm. Song đồng nghiệp với nhau thỉnh thoảng qua lại cũng đỡ buồn. Ông Quốc có chiếc xe đạp nên thường chạy qua nhà Thứ Khanh để thăm nom, hỏi han. 

Một chiều nọ, khi ông Quốc đạp xe về nhà mình thì thấy bà Từ Minh ngồi chờ. Thông thường, sự có mặt của bà Từ Minh ở nhà ông Quốc không gì ngoài việc mượn tiền mua thuốc phiện. Lần này thì khác, bà Từ Minh cho hay đứa con đầu lòng 3 tuổi của vợ chồng bà đã…chết! Nghe vậy, ông Quốc biết ngay là bà Từ Minh muốn nhờ mình lo việc tống táng đứa nhỏ. Bởi ngoài cái nghề làm báo ra, Thứ Khanh không hề biết gì về thủ tục quan hôn tương tế.

Vậy là ông Quốc chạy qua nhà Thứ Khanh giúp lo việc tang chế. Qua chiều bữa sau, thì đem đi chôn. Từ trong nhà Thứ Khanh ra đường lộ Nguyễn Trãi cũng không gần, hai người lụi hụi khiêng cái quách ra tới đường cái muốn bứt hơi. Nhờ kêu trước xe ngựa chờ sẵn đó, hai người bỏ cái quách lên rồi hối người đánh xe chạy riết xuống Chợ Lớn. Trước đó, ông Quốc đã nhờ một ký giả người Tàu đi giao thiệp với một ông ba Tàu…giữ nghĩa địa của một hiệp hội ở đường Cây Mai để xin cái huyệt nhỏ. Ông giữ nghĩa địa dặn phải đem chôn trước 7 giờ tối, nếu không nhị tì đóng cửa. Nhưng khi xe ngựa tới nghĩa địa thì đã 7 giờ 30 tối. Làm sao đây? Bởi ông Quốc chỉ quen ông ký giả người Tàu giúp chớ đâu có quen ông ba Tàu giữ cửa nhị tì! Vậy là ông Quốc phải “thương thuyết” bằng nhiều lý lẽ và tình cảm để ông Tàu giữ cửa nhị tì mở cửa trong khi Thứ Khanh không nói tiếng nào, cứ đứng giữ cái quách mà khóc như mưa. 

Cuối cùng cũng thuyết phục được ông giữ cửa nhị tì mở cửa để đem quách vô chôn. Huyệt vừa lắp xong thì trời đổ mưa như trút nước. Ông Quốc hối bạn mau ra xe nhưng Thứ Khanh cứ trì kéo vừa la “Thôi rồi! Chết tôi rồi anh ơi!” Cứ nghĩ bạn vì tình cha con mà đau đớn nên ông Quốc khuyên “Thôi! Bề gì cháu cũng mất rồi. Mình đã chôn cất cháu xong nên về thôi. Hôm nào có nhớ thì vô thăm!” Song dường như Thứ Khanh không nghe ông Quốc nói mà bộ tịch như bị mất của, hai tay cứ sờ soạn trong túi quần, vừa khóc, vừa run, miệng nói “Thôi rồi! Chết tôi rồi anh ơi!”

Thương bạn, ông Quốc vừa kéo Thứ Khanh đi vừa nói lớn tiếng “Chết cái gì?” Chừng đó Thứ Khanh mới nói rõ “Hồi nãy lo hè hụi lấp huyệt tôi vô ý làm rớt mất gói thuốc phiện đâu mất rồi. Mò kiếm nãy giờ không thấy!” Thiệt là động trời! Nghe vậy ông Quốc vốn là người hiểu nỗi khổ của dân ghiền nên chỉ biết cười trừ.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights