Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 22 Đoạn cuối cuộc đời quái kiệt Phan Thứ Khanh

by Tim Bui
Đoạn cuối cuộc đời quái kiệt Phan Thứ Khanh

TRẦN NHẬT VY

Cuộc đời của vợ chồng Thứ Khanh-Từ Minh cứ thế trôi qua trong căn nhà không có cột ở khu Mả Lạng. Ông vẫn tiếp tục làm việc với tờ Điển Tín cho tới năm 1945, và bà thì sanh thêm cho ông hai cô con gái nữa. Tới thập niên 1960-1970, cả hai cô đều có chồng sĩ quan VNCH, và theo tin từ một người cháu của Thứ Khanh thì hai cô vẫn ở Sài Gòn cho tới năm 2016. 

Năm 1945, tình hình rất lộn xộn. Hết Nhật lên nắm quyền rồi tới Việt Minh, rồi Pháp quay lại… dân tình tản cư ra khỏi Sài Gòn rất nhiều. Nhưng gia đình Thứ Khanh vẫn bám vô căn nhà không cột mà sống lây lất, chứ biết đi đâu bây giờ!

Rồi một ngày cuối tháng 9/1945, đang đêm bỗng có một người khách lạ “đến nhà thăm” Thứ Khanh. Đây là điều lạ lùng! Bởi lâu nay, chỉ có đồng nghiệp của ông mới tới nhà chơi mà thời điểm này thì hầu hết đã tản cư vì báo chí đóng cửa không hoạt động gì được. Vị khách lạ tự xưng tên là Nguyễn Văn Cui, nghiệp chủ ở Chợ Lớn, đang làm ăn phát đạt. Gặp Thứ Khanh ông Cui cho biết vì “ái mộ thơ của Thứ Khanh và được biết cuộc sống ông khó khăn nên tới thăm và giúp đỡ.” Nói rồi ông Cui móc trong túi ra một phong bì lấp ló một xấp giấy xăng kính cẩn tặng thi sĩ gọi là giúp đỡ. Nhưng Thứ Khanh dứt khoát từ chối dù ông Cui hết sức nài nỉ.

Một thời gian sau, Thứ Khanh gặp lại ông Cui khi tờ Điển Tín hoạt động lại. Lần này, ông Cui nói rõ ý định của ông ta là muốn lập một Viện Văn Hóa và mời Thứ Khanh làm giám đốc kiêm phụ trách phần biên dịch. Việc này đặt trụ sở ngay trên lầu nhà của ông Cui công ty xuất nhập cảng Thiên Lực ở số 2 Quai Phúc Kiến. Vì nghèo và vì nghĩ đây là chuyện làm ăn đàng hoàng nên Thứ Khanh nhận lời. Làm việc tháng đầu, Thứ Khanh nhận lương 800 đồng và chủ nhân còn phụ cấp thêm một tạ gạo, hai tĩn nước mắm, 4kg cá khô.

Công việc chính là dịch một cuốn sách chữ tàu ra Việt văn. Đây là một cuốn sách loại điều tra phóng sự về việc Mỹ thả bom xuống hai thành phố Trường Kỳ và Quảng Đảo của Nhật Bản. Ông Cui dự định xuất bản cuốn sách ấy nhưng cuối cùng thì… thôi vì thông tin trong sách hầu hết báo chí đã viết rồi! Vì vậy, chỉ vài tháng sau Viện đóng cửa và Thứ Khanh lại trở về với…cái nghèo!

Lúc này, tờ Tin Điển của bà Anna Lê Trung Cang đã đóng cửa nên Thứ Khanh về đầu quân về tờ Quần Chúng của ông Nguyễn Văn Sâm do Trần Văn Ân chủ trương biên tập với Huỳnh Hoài Lạc, Nguyễn Văn Mại. Đây là tờ báo của Dân Xã Đảng chống Cộng sản nên thường bị Việt Minh khủng bố. 

Một bữa, Thứ Khanh đang ngồi làm việc trên lầu của nhà in A Sau thì bị liệng lựu đạn. Khi trái đạn rớt xuống sàn nhà cái cụp, mọi người đều nằm xuống để tránh. Còn Thứ Khanh thì đứng lên, tay cầm viết, chạy xuống lầu. Do đó, trong số những người bị thương thì Thứ Khanh bị nặng hơn hết. Vụ nổ lựu đạn làm chấn động báo giới Sài Gòn và việc Thứ Khanh bị nạn khiến các đồng nghiệp mũi lòng và ngay bữa sau tin tức tràn ngập các báo. Do Thứ Khanh phải đi nhà thương cấp cứu, các đồng nghiệp chỉ nghe kể lại rằng Thứ Khanh bị lựu đạn máu me đầy mình chắc… không sống nỗi. Vậy là báo chí bữa sau loan tin Thứ Khanh đã chết! Song Thứ Khanh không chết mà chỉ bị thương phần mềm thôi. Rồi ở nhà thương về, Thứ Khanh tiếp tục làm việc ở báo Quần Chúng đến tháng 7 năm 1947.

Ông Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm tờ Quần Chúng, là thành viên trong chánh phủ Bảo Đại, trong chuyến xe buýt đi từ Sài gòn về nhà ông ở Chợ Lớn thì bị ám sát chết. Ai bắn? Cho tới nay vẫn còn là nghi án. Nhưng cái chết của ông Sâm kéo theo cái chết của tờ Quần Chúng. Đương nhiên là Thứ Khanh lại thất nghiệp.

Một thời gian sau, Thứ Khanh lại được mời về làm cho tờ Thông Tin. Đây là tờ báo của chính quyền Nam Kỳ tự trị của Thủ tướng Trần Văn Hữu do ông Trần Văn Ân, Tổng trưởng Thông tin đích thân thành lập. Báo của chính quyền nên tòa soạn được canh gác cẩn mật nên tránh được nạn liệng lựu đạn của Việt Minh. Không liệng lựu đạn được thì họ dùng cách khác, đó là “hỏi thăm sức khỏe” của anh em trong tòa soạn. Và Thứ Khanh cũng không tránh khỏi. Hầu như đêm nào, dù trời mưa hay khô ráo, nhà Thứ Khanh đều có “những người anh em lạ mặt” đến thăm hỏi. Họ không chiếu cố gì tới gia cảnh quá bần hàn, cũng không hứa hẹn sẽ giúp đỡ gì cho gia đình, mà chỉ “khuyên” Thứ Khanh không nên làm việc cho tờ Thông Tin nữa. Dù Thứ Khanh cố trình bày rằng mình “chỉ là một biên dịch viên và văn nghệ kiếm sống nuôi gia đình chớ không liên quan gì tới chính trị.” Song không ai nghe ông nói, mà họ dứt khoát khuyên Thứ Khanh nên nghỉ việc ở tờ Thông Tin và hăm nếu cần thì sẽ gởi một trái lựu đạn tới nhà để “đặt cọc!”

Sau nhiều đêm suy nghĩ và bàn bạc với vợ, Thứ Khanh quyết định nghỉ làm ở tờ Thông Tin bằng cách xin “nghỉ phép 15 ngày” theo luật lao động. Nghỉ được hai tuần thì Thứ Khanh ngã bệnh và sau đó lặng lẽ qua đời! Trong khi đó, ông Trần Văn Ân, chủ tờ Thông Tin thì cứ nghĩ rằng, Thứ Khanh là ký giả quèn thì ai để ý làm gì nên…

Để rồi, tới năm 1951 ông Trần Văn Ân viết bài “Thứ Khanh viết báo” trên tờ Đọc Thấy số ra ngày 23/9/1951. Nguyên văn bài báo như sau:

Ông Phan Thứ Khanh là nhà viết báo kỳ cựu ở Nam Kỳ đã qua đời năm 1948. Bà Từ Minh trong bài “Tự trào” đã cho bạn đọc biết Thứ Khanh là người Ghiền, Chơi, Lười, Ngông, Say, Điên mà lại là người coi đời không ra gì. Công danh từng liệng, bạc tiền từng quăng mà còn ghiền cả văn thơ.

Bạn chưa nghe bà nói đến Thứ Khanh viết báo.

Tôi có dịp cộng sự lâu với ông, biết con người ấy quả kỳ dị. Tôi có thể nói vắn tắt về việc Thứ Khanh viết báo.

Một ông Chủ, hoặc Cuộc hay Trưởng ty nào không biết tài và không mến Thứ Khanh thì chẳng khi nào chịu dùng ông ta. Lúc nào ông cũng túng tiền và không có sẵn bài. Thế mà khi đưa tiền là ông viết xong bài ngay. Thêm nữa, ông dùng giấy mực như rác ngoài đường. Một trang giấy lớn ông viết vỏn vẹn có hai câu. Tuồng chữ nghều ngào, nét bút rời rạc. Thứ Khanh viết báo tốn giấy lạ lùng!

Con người Thứ Khanh lúc nào cũng dơ dáy, tóc tai chồm bồm, nửa tỉnh nửa mê. Người thì nhỏ thó, gầy gò, lại thêm bộ vó sật sừ trông thiệt ít ai muốn gần. Thế mà Thứ Khanh chứa một bụng văn chương hầu như ông thâu cả vũ trụ vào lòng ông. Về tài phiên dịch, tôi được biết nhiều người nhưng chưa hề thấy ai dịch mau lẹ và đúng nghĩa như Thứ Khanh với một lời văn nhẹ nhàng như… khói thuốc phiện phất phơ bay.

Có một đoạn cười ra nước mắt trong đời ông là lúc viết báo Quần Chúng bị lựu đạn, ông hoảng chạy xa lắc, bị thương đẫm máu cùng mình mà tay vẫn không rời cây viết.

Thứ Khanh chết lúc tôi không ở trong xứ. Về nghe lại, tôi thấy thương xót! Mà ngộ thay, khi tôi bước xuống máy bay, có người bạn trong số người đi rước tôi báo cáo liền cái chết của Thứ Khanh. Mới hay, không chỉ riêng tôi mến Thứ Khanh.”

Có người cho rằng, ông Trần Văn Ân “nói quá” khi khen tài dịch thuật của Thứ Khanh. 

Thế nhưng đây lại là sự thật. Chính cái tài này mà các chủ báo mới mời Thứ Khanh  làm việc và các bạn đồng nghiệp đều ca ngợi Thứ Khanh về cái tài ấy. 

So với nhiều đồng nghiệp, Thứ Khanh chắc chắn thua về học hành, bằng cấp. Bởi có khá nhiều anh em trong tòa soạn các báo có bằng tú tài Pháp, bằng tú tài hoặc cử nhơn Hán học. Vậy mà mỗi khi gặp chữ khó dịch sau khi tra cứu nhiều tự điển rồi thì đều chạy đến “nhờ” Thứ Khanh dịch dùm! Trong khi đó, Thứ Khanh đã bỏ nhà đi lưu lạc từ năm 16 tuổi, không có bằng cấp gì. Và bạn bè đồng nghiệp cũng chưa từng thấy ông tra tự điển. Vậy mà ông dịch các chữ khó, cả chữ Pháp lẫn chữ Nho ra Việt văn, một cách nhẹ nhàng, suôn sẻ như có sẵn chữ trong bụng! Có anh em nghĩ “chắc cha này dịch ẩu!” Nhưng coi lại thì không phải vậy. Chữ dịch của Thứ Khanh gọn gàng, dễ hiểu và rất nhanh lẹ.

Hồi năm 1939-1945, thế giới phát sinh rất nhiều chữ mới chưa hề có trong tự điển như B.29 [siêu oanh tạc cơ], thiết xa lưỡng dụng [xe tăng lội nước], lựu đạn, liên thanh cao xạ pháo… Đều được Thứ Khanh chuyển ra Việt ngữ nhẹ nhàng. Đặc biệt, là bom nguyên tử, tiếng Pháp dịch là Bom A (a tô míc, atomic); còn người Tàu thì dịch âm chữ A Tom là “hạnh nhân” hay “hạch tâm”; người Nhật thì dùng danh từ “genshibakudan” nghĩa là “nguyên tử bộc đạn.” Nghe được chữ ấy, Thứ Khanh liền dịch Bom A ra Việt ngữ là “bom nguyên tử.” Và từ đó, chữ “nguyên tử” trở thành thông dụng khi nói tới những chuyển biến bên trong của vật chất.

Sau khi Thứ Khanh mất, bà Từ Minh phải trở về nghề gõ đầu trẻ để sống nuôi con. 
Trước khi mất, Thứ Khanh gởi lại cho vợ một bài thơ bằng chữ Nho có tựa “Tặng ái thê.”

Côi nhạn linh hồng tụ nhất oa
Kinh phong hải vũ biến thiên nha
Lân khanh bạc mệnh đồng tân khổ
Qui ngã vi tài tận khảm kha
Linh điểu tuy nan điền hận hải
Cuồng phu thường nguyện vãn thiên hà
Lưỡng xoan bi phận sầu tương tổ
Sái lệ tương tiền cộng tráng ca

Nghĩa là:

Nhạn lẽ hồng côi hợp một nhà
Chân trời mưa gió mấy năm qua
Thương em phận bạc cùng cay đắng
Thẹn tớ tài hèn luống khảm kha
Chim mọn dù không trang biển hận
Người điên còn muốn kéo trời xa
Sầu đem nỗi giận cùng nhau tỏ
Bên chén say vùi khóc lẫn ca.

Đây là những dòng chữ chót của Thứ Khanh, gửi cho vợ cũng là gi lại cho đời. Ông mất vì thiếu thuốc, thiếu rượu mà cả vì thiếu ăn. Một nhà báo nghèo, hũ gạo chỉ đủ sống trong một ngày, ông dành trọn cho vợ con để rồi… để rồi ra đi trong một đêm sau hai tuần ôm bụng chịu.

Thứ Khanh được chôn trong Trung Việt nghĩa trang gần bên với Lan Đình Bùi Thế Mỹ mà không một điếu văn, không có bạn bè đưa tiễn! Đến nỗi bà Từ Minh phải thốt lên bốn câu thơ:

Đau lòng lắm Thứ Khanh ơi!
Muốn nói nhưng không dễ thốt lời
Đành gởi thương tâm vào lai cảo
Cho lòng bớt khổ, lệ đừng rơi.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights