Hai vợ chồng khác nhau quá, làm sao cứu gỡ hạnh phúc gia đình?

by Tim Bui
Hai vợ chồng khác nhau quá, làm sao cứu gỡ hạnh phúc gia đình?

MẮT NÂU

Hỏi: Tôi  tên Oanh 54 tuổi, có một con riêng, nấu ăn  khá, có khả năng nói chuyện mỗi khi  tụ họp bạn bè – Không thích văn chương,  không ưa đọc sách.

Tôi đi bước nữa để có người chung tay trong cuộc sống, và chúng tôi có một con với nhau. Chàng ít nói, có thể nói là ăn nói vụng về, mê  văn chương, thích đọc sách, nhưng không có khả năng viết… là  những món tôi cho là  không thực tế.


Anh ấy viết nhạc, mê sáng tác, có giọng tốt nhưng không biết hát. Thuê ca sĩ bên Việt Nam, tốn tiền mà chẳng tới đâu. Gửi bài cho ca sĩ bên này thì không được đáp ứng sau khi họ xem qua bản nhạc. Những bản nhạc viết xong nằm một chỗ, khiến anh đâm ra mất tinh thần. Theo tôi vì anh chủ quan, gàn dở và tự ái.

   
Nhưng anh đặc biệt hãnh diện về bản dịch truyện Kiều sang Anh ngữ, cậy đăng tứ tung hy vọng nổi tiếng. Anh tự hào kiến thức bản thân, nhưng cho là “sinh bất phùng thời,” “đơn thương độc mã,” không vây cánh, không bè phái, không người tung hứng nên chẳng ai biết đến. Tự biết vì thẳng tính, vụng ăn nói nên không có bạn.

Tính tình khác nhau, khác sở thích, khác tư tưởng, khác suy nghĩ, khác cả cách dạy con, nên chúng tôi lủng củng, đời sống mất thú vị. Tình trạng gia đình có mòi tan vỡ. Nay cô có cách nào thay đổi tính cách, cải thiện được tình trạng gia đình, xin mách chỉ dùm.
(Oanh)

Đáp: Thành ngữ có câu: “Giang sơn dễ đổi/Bản chất khó dời“. Câu này cho thấy bản chất con người là một thành trì kiên cố vững chãi, nghĩa là lấp bể dời sông còn dễ hơn thay đổi tính chất một con người. Huống hồ cùng một lúc xoay chuyển hai cá tính, khác nhau về sở thích, về suy nghĩ và tư tưởng.

Biết nói sao khi ngay từ đầu, mọi vui buồn và trong giao tiếp bạn bè hai người xem ra đã không cùng một nhịp, nếu không muốn nói là trái nhịp khi mà cái thích của người này, là cái không thích của người kia.

Mỗi suy nghĩ, mỗi tâm tư là mỗi thầm kín nằm trong ước mơ. Thỏa mãn một thói quen và thỏa mãn đam mê, chính là vòng quay trăn trở nhất của đời người. Theo thời gian, những trăn trở cứ gặm nhấm ngày càng tăng, không giảm theo số tuổi.

Nhịp sống quay theo danh vị. Ước mơ và ham muốn quay theo dục vọng. Mà dục vọng là nỗi thôi thúc không đơn giản. Thế mới gọi là đời.

Cái-sự-đời dây dưa nghiệp dĩ, là chướng ngại khắc nghiệt có từ quá khứ kéo sang hiện tại và dẫn tới tương lai. Cách tốt nhất may ra cứu vãn cục diện lủng củng gia đình, không gì bằng chính hai đương sự tự cải thiện, tức thay đổi “cái tôi” cứng ngắc và to đùng của bản ngã.   

Ý thức được tình thế đang lung lay lủng củng, là nhận biết tình trạng hàn gắn quan trọng hàng đầu, để mong cứu vãn tình hình đang tan rã.

Nếu vì con cái, nếu xem con cái là mục đích tối hậu, cho dù là cuộc hôn nhân  đầu hay cuộc hôn nhân đi thêm bước nữa. Con riêng, hay con chung cũng là con, cũng là một thế hệ trẻ rất cần vun đắp, cần không khí gia đình để vui sống, hầu phát triển thành công dân tốt.

“Hữu xạ tự nhiên hương,” nếu nổi tiếng thì đã nổi rồi. Hay tại  số trời lận đận… thì biết  làm sao. Hục hặc nhau chẳng giải quyết được gì.

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược ” hay những đả kích trái chiều trong hôn nhân,  là sự bất hạnh cho cả người hôn phối lẫn con cái. Đây là điều mà trong quá khứ những người đi trước đã chứng minh. 

Thử bớt thành kiến, bớt suy diễn, bớt cực đoan may ra biết đâu cứu gỡ được gia đình – mình và đối phương cùng dễ chịu – hai bên cùng bớt ương gàn, ương chướng. 

Ương chướng, gàn dở, đôi khi cũng vì tự ái sĩ diện và do suy diễn mà thôi.

Tiết kiệm sức khỏe để vui sống, là điều quan trọng nhất, mà chỉ hai đương sự trong cuộc mới có thể thực hành, cải thiện tình hình, bắt đầu cho sự đoàn viên.
       
Tuy không dễ, nhưng có thể – Bớt cái tôi tức là bớt cái ngã to tướng và cố chấp.

Vì thiện chí, vì yêu thương, con người có thể đánh đổ bản ngã và chấp ngã.     

Tình thương yêu là yếu tố ơn trên ban cho nhân loại, nó vượt được ích kỷ bản thân.  

Như đã từng có những người cha, nghiện thuốc lá hy sinh bỏ thuốc, tiết kiệm tiền mua bánh, mua đồ chơi, mua sách vở cho con… Giữ gìn sức khỏe cho vợ con. 

Hay là những người mẹ hy sinh thân mạng vì yêu con như   biển.

Trong xã hội, trong sách vở, trong tiểu thuyết …  không ít những chuyện đời thường như thế. Danh ngôn bảo: “Sống bình thường đã là phi thường rồi.
       
Khi chưa làm người phi thường, sống bình thường cho qua đi một kiếp bình thường.      

Danh vọng, tiền bạc có ngày đội nón ra đi.  Âm nhạc, văn chương, nấu ăn, tiền tài hay tiếng tăm danh vọng, cũng chỉ là nhất thời thăng hoa tô điểm cho một  đoạn đời. 
      
Nó sẽ hết và sự chấm hết mới là vĩnh cửu. Ra đi, tay trắng – Mọi sự tàn theo thời gian, tàn theo thời cuộc vô thường. Chẳng còn gì nữa, vô nghĩa, đi vào quên lãng.
     
Đã chọn đi chung một đoạn đường thì đi cho trót. Đừng bực dọc, không bình phẩm bớt khen chê, chẳng  cần đánh giá  cái này là xấu cái kia là tốt – Chính là đang tu tập hoàn chỉnh chính mình. Xác thân sẽ bớt nặng nề, mặt mũi bớt nhăn  nhó khó thương.  
      
Nghe ra có vẻ viễn vông, nhưng chắc chắn sẽ  cảm nhận ngay trong tâm nhẹ nhõm, đối phương thư giãn và  con cái rạng rỡ, vui vầy hạnh phúc.
      
Hãy giữ lấy người bên cạnh.

Thú văn chương thật dễ thương
Âm nhạc xoa dịu một đoạn đường
Nấu ăn khéo thật phi thường
Cùng nhau tấu khúc nghê thường trần gian

Bồng bềnh gió cuốn mây tan
Giấc mơ nổi tiếng… như đàn ngang cung 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights