Thầy giáo làng, kỳ 34

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 34

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Hoàng hôn rực rỡ với các đám mây màu cam, đỏ và tím. Gió mùa vẫn chưa đến và vì thế những người dự tiệc đã ngồi ngoài trời. Tuy nhiên, ngoài Tâm ra, không ai chú ý đến bầu trời huy hoàng. Mọi người tấp nập ăn uống, nói cười ồn ào. Họ ngồi quanh những bàn đủ loại và những giường tre hoặc gỗ được bày ngoài sân chung quanh ngôi nhà của ông Xã Trưởng. Sân rộng lớn được bao bọc bới bốn bức tường gạch kiên cố.

Ngài tiến sĩ tân khoa, quan tuần phủ mới, đang ngồi tại một bàn dài gần nhà nhất, xung quanh một bên là tộc trưởng, cha mẹ, và các cô chú của ngài. Bên kia là các quan chức từ tỉnh đến cấp làng. Đám đàn bà ngồi khoanh chân trên những cái giường riêng biệt được sắp xếp thành một nhóm gần phía sau nhà.

Tâm chọn cho mình một vị trí xa trung tâm mọi sự chú ý và gần những bức tường. Từ đó chàng có thể quan sát được phần lớn khung cảnh bữa tiệc. Người trong làng nhận ra Tâm và kính cẩn nhường chỗ cho chàng. Tâm để ý thấy Đại úy Duẩn cũng ở gần đó, trong khi một số lính tráng hộ tống đang tập trung tại các bàn cạnh cổng chính.

Tâm nhớ lại cuộc gặp gỡ vừa rồi với người bạn học cũ. Chí đề nghị cho chàng một chức vụ trong chính quyền tại tỉnh, nơi mà Chính sẽ đến làm tuần phủ. Chức này sẽ trả một mức lương tốt, cộng với “các phúc lợi phụ” mà Chí không xác định. Tâm sẽ trở thành cánh tay phải của Chí trong mọi vấn đề, dân sự cũng như quân sự. Tâm không ngần ngại từ chối ngay đề nghị của người bạn học cũ. Chàng nói thẳng rằng chàng rất thỏa mãn với công việc hiện tại, tức là dạy học ở ngôi trường làng.

Ngồi cách xa trung tâm của sự chú ý của mọi người, Tâm biết rằng mình đã được mời lên bàn chính nếu nhận làm việc cho Chí. Nhưng chàng không hối tiếc vì nhiều tháng trước đây chàng đã quyết định dành phần còn lại của đời mình để làm một thầy giáo làng. Đó là niềm đam mê của chàng ngay từ ngày đầu tiên chàng nối nghiệp cha mình, và có lẽ từ trước đó nữa. Chàng mến bọn trẻ và mục tiêu trong cuộc sống của chàng là mở mang đầu óc của chúng với những khái niệm và kiến thức về thế giới bên ngoài ngôi làng quê.

Những người đầy tớ trai và gái, và những người tình nguyện đang mang từng khay đồ ăn thức uống từ sau nhà ra bàn theo những hiệu lệnh ngắn gọn của Kim Liên. Nàng chắc chắn là người phụ trách toàn thể dòng họ, và nàng có toàn quyền chỉ huy ngay cả những người lớn tuổi như mẹ và dì của nàng.

Ít nhất trong ký ức của Tâm, bữa tiệc hôm đó là bữa lớn nhất được tổ chức trong làng, ngay cả khi các học giả trước đây cũng được vinh danh tương tự như Chí. Gia tộc Nguyễn Hữu là một trong những gia tộc thành công và có ảnh hưởng nhất trong tỉnh, nắm giữ nhiều vùng đất đáng kể khắp nơi. Nhiều người có mặt tại bữa tiệc là những đồng minh kinh doanh của gia tộc. Nhiều người khác trong đám đông còn lại là những kẻ thuê đất hoặc hưởng nhận các dịch vụ và tín dụng từ gia tộc.

Đã có một số diễn văn và nâng ly chúc mừng khi bữa tiệc bắt đầu. Những tràng pháo tay của các vị khách đang đói bụng đã thúc giục phần lớn những kẻ diễn thuyết không được dài dòng văn tự. Khi những món ăn đầu tiên được mang ra, các bài diễn văn bị cắt ngắn hoặc tạm dừng một lúc trong khi mọi người lao vào những khay thịt lợn, vịt, gà và cá.

Bàn nào cũng có xôi đậu xanh vàng, rượu gạo thuộc loại tinh khiết nhất. Những khuôn mặt của nhiều người ngày càng đỏ hơn khi màn đêm buông xuống, mức độ ồn ào của cuộc trò chuyện và tiếng cười cũng gia tăng theo, kể cả từ bàn của các quý bà.

Tâm, người đã quen với việc ăn uống tiết kiệm trong suốt quãng đường dài đi bộ về nhà, đã rất ngạc nhiên khi thấy những người khác ăn thả cửa. Đại Úy Duẩn không nói năng gì cả, và thức ăn ông gắp lên miệng lập tức biến mất như ném xuống vực sâu không đáy. Đại úy chắc đang tuân theo truyền thống của lính tráng là nên ăn uống càng nhiều càng tốt, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào.

Mặt đỏ bừng, một người đàn ông ngồi ở một trong những chiếc bàn gần nhà chính đang cố gắng đứng dậy. Nhưng anh ta đã đánh giá quá cao khả năng giữ thăng bằng của mình và phải vịn vào vai của hai người ngồi cạnh. Cuối cùng sau khi đứng thẳng dậy được, anh ta nâng cốc chúc mừng, giọng nói vững vàng bất chấp cơn say.

“Tôi là cậu của cháu trai vị tiến sĩ tân khoa, người đã đem lại danh tiếng không chỉ cho bản thân, cho gia đình, cho dòng tộc mà còn cho làng này và cho cả miền Bắc của chúng ta. Như nhiều người trong số quý vị hiện diện tại đây, tôi đã đến chứng kiến cuộc rước vinh quy bái tổ của cháu về đến nhà sau một chuyến hành trình dài từ kinh đô. Thưa quý vị, đó là một cảnh tượng tuyệt vời, có phải không?”

Một số khách gật gù và một số khác phát biểu sự đồng ý của họ bằng những giọng nói say sưa. Hầu hết đã ngừng nói chuyện để lắng nghe những gì người cậu nói.

“Tuy nhiên, quý vị có biết điều gì còn thiếu không?” người đàn ông tiếp tục, và tự trả lời câu hỏi của mình. “Những gì còn thiếu không phải lỗi của chúng ta! Không phải vì ông xã trưởng đã không xếp đặt người của mình kịp thời, hay vì những người còn lại như chúng ta đã không chuẩn bị. Không, thưa quý vị, cái còn thiếu là một cái võng được chở sau lưng ngựa của cháu tôi, một cái võng trên đó có một thiếu nữ xinh đẹp đang theo chồng về nhà. Không có cô tiến sĩ. Vâng, thưa quý vị, vinh qui hôm nay thiếu một cô tiến sĩ.”

Cử tọa phá lên cười, các mắt hướng về Chí. Mặt tân khoa đã chuyển sang màu đỏ hơn. Chàng vẫy tay cho cậu của mình ngồi xuống, nhưng ông ta không ngưng nói dễ dàng như vậy.

“Thưa quý vị, mấy năm nay cháu trai tôi bận học hành, không có thời giờ tìm vợ. Cha mẹ cháu luôn luôn nhắc nhở cháu, ông nội cháu thúc giục cháu, các chú, dì, và cô, cậu của cháu đã đưa ra rất nhiều ý kiến. Tuy nhiên, cháu đã cố gắng giành được vinh dự do nhà vua ban cho, với kết quả là cháu đã về nhà với chúng tôi mà vẫn còn độc thân. Nghe đồn các quan trong triều không quên xướng tên các cô con gái đến tuổi lấy chồng. Nhưng, không, cháu không có thời gian cho việc đó vì nhà vua đã giao cho cháu một chức vụ quan trọng, và cháu không muốn lãng phí thời gian để trở lại đây đảm nhận chức vụ đó. Nếu cháu tiếp tục làm những gì cháu đã từng làm cho đến nay, thưa quý vị, cháu trai tôi sẽ là chàng độc thân đủ điều kiện nhất cho đến cuối đời. Ha, ha, ha!”

Nhiều người phá lên cười, một số khác hô to lên.

“Đừng nói thế, đó là nghiệp chướng của chàng!”

“Hãy cho chàng thêm thời gian, để học giả của chúng ta học thêm một vài điều mà chàng chưa từng biết!”

Những trận cười cuối cùng này phát ra từ một số người đàn ông đang vỗ vai nhau trong khi các bà vợ tìm cách làm cho mấy đấng phu quân phải ngừng cười nói. Người cậu, hài lòng với mình vì đã khuấy động được cử tọa, đứng dậy, và quay một vòng tại chỗ trước khi kết thúc phần nâng cốc chúc mừng của mình.

“Thưa quý vị, chúng ta chắc chắn không thể để mọi chuyện như vậy, phải không? Quan tuần phủ mới này cần được giúp đỡ. Điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm là để tất cả cùng tôi nâng cốc, trước tiên là chúc mừng cháu đã đạt được thành tích vẻ vang, và thứ hai là chúc ông tơ hồng sẽ sớm dẫn một cô gái may mắn đến làm cô dâu của cháu.”

Các vị khách nâng chén rượu của họ lên và nhiều người cố gắng uống cạn ngay trước khi đập chén xuống bàn thật mạnh. Ngay lập tức các cuộc trò chuyện và niềm vui lại tiếp tục khắp mọi chỗ.

Chán đứng điều khiển gia nhân, Kim Liên đi đến bàn đầu và ghé sát vào tai cha thì thầm.

“Anh con không ngu ngốc và chắc chắn không nhút nhát. Anh ấy đã để mắt đến người khác rồi.”

“Người đó là ai? Con gái gia đình nào?” Xã trưởng Nguyễn Hữu Long, người giàu nhất trong vùng, hào hứng hỏi con gái. “Sao anh ấy không nói với cha mẹ? Con đừng bịa chuyện đấy nhớ!”

“Nếu cha không tin con, cha cứ hỏi anh ấy,” Kim Liên trả lời trong khi dùng cằm chỉ vào anh trai mình. “Anh ấy chỉ ngồi đó và để những kẻ say rượu chế nhạo. Cha cứ hỏi anh ấy xem.”

Kim Liên đứng dậy, bĩu môi, giả vờ tức giận và lững thững tiếp tục đi làm công việc quản lý nhân sự của mình.

Chuyện Gia Đình

Trong một xã hội mà việc đặt chức vụ trước tên người là một tục lệ, Nguyễn Hữu Long đã không tìm ra chức nào mà hắn thực sự muốn có cho đến khi tài sản của hắn trở nên bền vững. Ban đầu người ta quen gọi hắn là Cả Long, vì là con cả trong gia đình. Rồi sau khi gia nhập hội đồng xã, Cả Long trở thành Hội Đồng Long. Nhưng chức vụ đắc ý nhất là chức Xã Trưởng và sau khi chiếm được chức đó, Hội Đồng Long trở thành Xã Long.

Xã trưởng thông thường là người có nhiều quyền lực nhất ở nông thôn. Xã Long đã khéo léo sử dụng địa vị này để làm lợi cho mình và sớm trở thành nông dân giàu có nhất tỉnh và một quan chức địa phương được mọi người, kể cả những quan lại nắm quyền hành chính tại những cấp cao hơn, nể sợ và kính trọng.

Xã Long là một người đàn ông cao và bệ vệ, với khuôn mặt vuông, mũi to và đôi mắt lồi, và tạng người rất phù hợp với nghề nông hoặc binh nghiệp. Khi còn trẻ, mỗi ngày hắn có thể cày được gấp đôi diện tích đất so với những người cùng tuổi. Đó là một trong những yếu tố giúp hắn xây dựng tài sản của mình. Ban đầu hắn cày cấy trên đất nhà. Rồi hắn cho người khác thuê sức lao động của mình. Sau đó, nhờ các cuộc thương lượng khôn ngoan, hắn bắt đầu mở rộng chu vi đất đai của mình.

Chẳng bao lâu, hắn không còn phải mó đến cái cày hay phải dắt trâu nữa. Hắn thuê người khác canh tác trên đất của mình và bắt đầu buôn bán gạo và gia nhập hàng ngũ thương gia. Hắn là một doanh nhân xảo quyệt và tàn nhẫn, và sẵn sàng sử dụng những đặc điểm đó để chiếm lợi thế trong mọi giao dịch kinh doanh của mình.

Trong suốt những năm qua, bất kể công việc kinh doanh nào, hắn bao giờ cũng xoay sở để giành được phần lợi hơn cho mình. Mỗi lần như vậy tài sản và quyền lực của hắn lại càng tăng thêm. Những người chống lại hắn sớm muộn gì cũng bị đè bẹp, trong khi những người còn lại phải chịu áp lực của hắn, mang nợ hắn và phải trả ơn bằng cách thực hiện mệnh lệnh của hắn với niềm tin tuyệt đối vào tài kinh doanh và sự khôn khéo của hắn trong mọi chuyện cần thiết.

Xã Long đã thuê những thợ thủ công và thợ nề giỏi nhất đến làng để dựng lại ngôi nhà của dòng họ Nguyễn Hữu. Ngôi nhà đã được xây lại hoàn toàn và mở rộng thành một biệt thự sang trọng bao quanh bởi bốn bức tường gạch. Gỗ lim đắt tiền đã được vận chuyển từ các tỉnh xa về để làm cột và sườn nhà, và để đóng một số bàn ghế theo ý muốn của chủ nhà.

Các thầy phong thủy danh tiếng được mời đến để cho ý kiến về khu vườn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo rằng năng lượng của thiên nhiên chảy qua cả biệt thự và những phòng của từng người trong gia đình. Xã Long tin rằng kết quả là công việc kinh doanh và quyền lực của hắn tăng trưởng mạnh mẽ sau đó. Hắn là một người đàn ông được các vị thần che chở, được tôn thờ bởi bạn bè và tay sai. Hắn là một con rồng thực sự, đúng theo nghĩa của tên Long.

Xã Long là một người gần như mù chữ và phải nhờ người khác đọc và viết cho những chữ Nho mà hắn không bao giờ có thời gian hoặc đủ kiên nhẫn để học. Tuy nhiên, khi trở nên giàu có, hắn kết hôn với cô con gái khiêm tốn nhưng học giỏi của một thầy giáo nghèo ở làng bên cạnh. Chí, con trai của hai vợ chồng đã thừa hưởng từ bà mẹ năng khiếu bẩm sinh về sách vở và chuyện học hành. Tuy mong muốn cậu con trai có được một thân hình và tính tình giống mình, Xã Long đã nhìn thấy một vị quan tương lai khi cậu bé mới chập chững được mẹ dạy dỗ.

Vợ chồng Xã Long đã gửi Chí đến trường làng thật sớm. Tại đó một cậu bé khác tên Tâm, con của ông thầy giáo làng, đã bắt đầu học sớm hơn nữa . Hai người học trò đương nhiên thành đối thủ, tuy Chí luôn luôn phải vất vả để cố gắng theo kịp cậu bé kia. Xã Long không thích điều đó nhưng cũng không biết phải làm gì để thay đổi tình thế. Vợ ông, người biết chữ Nho, ra sức kèm Chí, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Xã Long nghi ngờ ông thầy giáo làng thiên vị với Tâm, nhưng hắn không có bằng chứng nào về chuyện ấy, và nếu có hắn cũng sẽ không biết đối xử như thế nào.

Khi ông thầy giáo làng qua đời, X Long vội gửi ngay Chí đến một trường học ở Hà Nội để theo học với một trong những thầy giáo giỏi nhất của kinh đô cũ. Hắn không muốn con trai mình đi học tại trường làng sau khi đối thủ trẻ tuổi đã kế vị cha mình để trở thành thầy giáo làng lúc mới 17 tuổi đầu. Việc chuyển đến Hà Nội rõ ràng đã đem lại kết quả. Con trai của Xã Long lúc này đã là tiến sĩ tân khoa và được nhà vua phong chức tuần phủ, trong khi đối thủ Tâm đã thất bại một cách đáng hổ thẹn. Chí về nhà làm quan theo lệnh nhà vua, trong khi Tâm phải tiếp tục cuộc sống nghèo nàn của một thầy giáo làng tầm thường.

Xã Long đã nhận thấy sự tôn kính và lễ phép ngày càng tăng đối với hắn trong những giao dịch với các giới công nhân, thương nhân và quan lại. Người ta nói khẽ sau lưng rằng hắn là cha của quan tuần phủ mới được bổ nhiệm. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ háo hức từ xa đến thăm vợ hắn, mang theo những món quà nhỏ và gợi ý về triển vọng lập gia đình của thiếu nữ này và thiếu nữ kia. Trước đây đã có nhiều khách đến nhà của Xã Long, nhưng gần đây số khách đó đã tăng gấp đôi. Hắn chắc chắn bà vợ sẽ sàng lọc trước những cô con dâu tương lai, và hắn sẽ duyệt xét danh sách cuối cùng và quyết định lựa chọn một cô xứng đáng nhất để làm vợ con trai hắn.

Vì vậy lời thì thầm của Kim Liên vào cuối bữa tiệc đã làm cho Xã Long thức cho đến mãi tận bây giờ. Hắn ngồi trong căn phòng khách riêng của gia đình, xung quanh là vợ và con gái. Tất cả đang chờ Chí xuất hiện. Tất cả, trừ Kim Liên, đều mệt mỏi, nhưng ai cũng muốn tìm ra sự thật.

Kim Liên, Xã Long nghĩ, có vóc dáng và tính tình giống mình. Nàng cao hơn hầu hết những cô gái khác, với dáng người đầy đặn, và người ta đồn rằng nàng có thể nhấc một bao gạo nặng như bất cứ người đàn ông khỏe mạnh nào. Theo gương bố, Kim Liên coi thường việc học hành, sách vở và nàng ngừng đến trường làng ngay khi Xã Long cho thoát khỏi cực hình đó.

Kể từ đó, với một sự bướng bỉnh tuyệt đối, Kim Liên dần dần đảm nhận công việc điều hành gia đình, và hạ những người phụ nữ lớn tuổi hơn nàng xuống vai phụ. Những người đó và mọi người hầu vừa khiếp sợ vừa khâm phục sự quyết tâm của nàng, với mục tiêu hoàn thành mọi chuyện, từ việc chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày cho đến việc tổ chức bữa tiệc tối hôm đó, một công việc phức tạp chưa từng thấy trong lịch sử của làng.

Trong thời gian gần đây, Xã Long bắt đầu để Kim Liên đi cùng hắn trong các giao dịch kinh doanh, và nàng tỏ ra sắc sảo và quyết liệt như cha. Có kẻ đã nói thà giao dịch với Xã Long để hy vọng nhận được một ít nhượng bộ hoặc lợi thế mà Kim Liên sẽ không bao giờ cho họ. Xã Long thường tự hỏi liệu ai sẽ là người chế ngự được con hổ cái mà hắn đã nuôi nấng. Giá như con trai hắn có nghị lực và quyết đoán như Kim Liên, Xã Long sẽ chẳng phải lo lắng.

Hắn quyết định hỏi con gái mình câu hỏi đã lởn vởn trong đầu hắn.

“Cô gái mà con nói đến, có phải là con gái của người nông dân ở đầu làng tên là Cả Nguyên, người thuê mấy mẫu đất của mình không?”

“Đúng nó đấy, thưa cha. Con biết con bé ấy từ khi còn học trường làng. Nó bắt đầu đi học ở đó khi con học năm cuối.”

“Thế có nghĩa là cô nàng trẻ hơn anh con khoảng mười tuổi phải không? Nếu vậy thì cũng chẳng sao,” hắn thở dài và chợt nhớ đến một người phụ nữ cũng còn khá trẻ khi hắn nhìn thấy nàng lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

Kim Liên nhận thấy sự thay đổi đột ngột trong nét mặt của cha, nhưng nàng không đoán ra nguyên nhân tại sao.

“Phải, và nó có khuôn mặt xinh xắn, trông còn trẻ hơn nữa. Nó đã lọt vào mắt xanh của anh con từ khi nó còn nhỏ. Người ta nói rằng nó là học trò cưng của thầy giáo làng.”

“Thầy nào? Thầy già hay thầy trẻ?”

“Cả hai. Cha Thầy Tâm coi nó như con gái của mình, còn Thầy Tâm thì xem nó như một đứa em gái,” Kim Liên trả lời và cảm thấy hơi băn khoăn về phần thứ hai của câu trả lời. Nàng nhớ Thầy Tâm đã quở trách nàng hồi chiều hôm đó khi chàng bênh vực Thi. Ngay lúc đó Kim Liên đã nổi cơn ghen và thắc mắc tại sao Thầy Tâm lại ra mặt bảo vệ cô học trò đang bị mình bắt nạt lúc đó.

“Vậy để anh con đến đây nói với cha và mẹ rằng anh ấy muốn lấy cô nàng,” Xã Long nói. “Sau đó mình sẽ nói chuyện với cha mẹ cô ấy.”

Vợ Xã Long cuối cùng cũng tham gia vào câu chuyện.

“Ông để tôi. Tôi sẽ lo mọi chuyện cho xong.” 

Bà là một người phụ nữ gầy gò, khuôn mặt ít khi biểu lộ cảm xúc, nhưng đôi mắt không ngại thách thức chồng khi nào cần. Bà bằng lòng để Xã Long điều hành công việc kinh doanh, nhưng bà cho rằng việc lo cho tương lai của con cái, đặc biệt là cậu con trai cưng, là đặc quyền của người mẹ.

“Ông không phải làm gì cả,” bà mẹ nói. “Chí không nhất thiết phải cưới con bé đó. Thực sự mà nói, Chí có thể chọn bất cứ người nào trong danh sách mà tôi đã lập ra trong mấy tuần qua. Nếu ông không gửi Chí đi học ở tỉnh lớn, mình đã có thể cưới vợ cho nó vài năm trước đây, và ông sẽ chơi với cháu của mình bây giờ. Giá như ông đã nghe lời tôi.”

“Nghe lời bà? Chí sẽ chẳng là gì ở làng này, nếu anh ta ở lại đây,” Xã Long hét lên. Hắn không thích quyết định của mình bị ai chỉ trích. “Chỉ vì tôi đã bắt anh ấy đi học nơi khác cho nên bây giờ chúng ta mới có một quan tuần phủ trong ngôi nhà này. Nếu nó cưới vợ sớm hơn có lẽ đã không xảy ra chuyện đó và con trai của bà chắc vẫn còn ôm váy vợ!”

“Dù sao đi nữa, cô bé đó vài năm trước đây còn quá trẻ,” Kim Liên cố lái cha mẹ trở lại đề tài chính. “Năm nay nó mới được mười bảy tuổi.”

Xã Long vẫn không nguôi giận vợ.

“Còn con gái bà đây thì sao? Tại sao bà không lo tìm cho nó một đám nào môn đăng hộ đối ? Bây giờ Kim Liên đã lớn tuổi hơn bà khi bà lấy tôi.”

Bà mẹ chưa kịp trả lời thì Kim Liên đã vội la lên.

“Cha mẹ không phải lo cho con!”

Mẹ nàng buồn bã nói: 

“Mẹ biết, con và cha con sẽ quyết định con kết hôn với ai và vào lúc nào.” Từ lâu nay, bà đã thôi không muốn xen lấn vào đời tư của đứa con gái cứng đầu. “Ông Xã Trưởng ơi, con gái của ông không chịu nghe lời tôi thì tôi phải làm sao đây?”

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights