TÁM BÔN XA
Với người Việt ở trong nước, khi điện thoại trong túi “ting, ting” là niềm vui. Bởi mấy tiếng “ting, ting” là báo hiệu “tiền về” từ lương tháng, hưu bổng hay từ thân nhân ở ngoại quốc chuyển về. Tiền về thì ai chẳng vui, không chỉ vui mà còn quá vui là đàng khác.
Còn khi nghe trên tivi, báo chí nói tới mấy chữ “tăng, tăng” thì ai cũng toát mồ hôi hột! Mấy chục năm rồi, cái gì mà chả tăng? Ổ bánh mì từ hai ngàn đồng nhảy lên 3000 đồng, tương đương với 0,8 cent lên 1,2 đôla. So với Mỹ kim, với lương ngày của người lao động ở Hoa Kỳ thì chả nhằm nhò gì nhưng với người lao động trong nước, lương bốn, năm triệu đồng/tháng, khoảng 150 tới 200 Mỹ kim, lại quá nặng nề. Đâu chỉ vậy, còn có điện, nước, xăng… và các nhu yếu phẩm khác cũng tăng phi mã! Thiệt chết một cửa tứ!
Mấy tháng nay, vàng tăng giá vùn vụt khiến những người lỡ mượn nợ bằng vàng không muốn treo cổ cũng muốn nhảy xuống cầu Bình Lợi! Bởi chỉ qua một đêm, vàng nhảy vọt lên vài triệu đồng làm cách nào có tiền mà trả nợ? Hồi thập niên 1990, vàng lòng vòng ở giá 4 triệu đồng/lượng. Nay thì chồm lên tới gần 90 triệu đồng/lượng, ai không sợ!
Thôi thì vàng không phải ai cũng có, không phải ai cũng nợ nần. Nhưng giá vàng tăng nó lại đi liền với giá sinh hoạt, giá nhu yếu phẩm. Hễ đứa này tăng thì đứa kia cũng chen lên chớ không chịu đứng yên một chỗ.
Nhưng cái tăng mà dân chúng ít thấy nhưng lại rất đau đó là giá các công trình xây dựng công ích tăng!
Mới đây, truyền thông trong nước đưa tin dự án cải tạo rạch Tham Lương, rạch Bến Cát, rạch Nước Lên dài 32 cây số tăng vốn từ 830 tỷ đồng lên 9000 tỷ đồng! Theo các kinh truyền thông thì việc tăng vốn này phần lớn là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng có thay đổi. Dự án cũng phải thực hiện di dời bảy trụ điện cao thế, nâng cấp hai tuyến đường dây 500kV đạt cao trình đúng quy định, di dời, tái lập các hạng mục công trình thuộc khu chôn lấp rác Gò Cát. Quy mô sử dụng đất cũng tăng thêm gần 3.600 m2. Chi phí xây dựng của dự án cũng gia tăng do đầu tư bổ sung các hạng mục đường giao thông, hệ thống lấy nước phòng cháy chữa cháy, 39 cửa xả, cửa van ngăn triều, cống. Bên cạnh đó, chi phí quản lý dự án tăng theo tỷ lệ chi phí xây dựng, thiết bị.
Nên nhớ, dự án này bắt đầu từ năm 2006 và tới nay xêm xêm 20 năm rồi vẫn còn lấp lửng, chưa đâu vào đâu.
Rạch Tham Lương, nay bị mấy ông cầm quyền biến thành “kênh,” là con rạch có nguồn từ vùng nước ngập Đồng Tháp Mười chảy ra sông Vàm Thuật ở Gò Vấp. Phần lớn con rạch nước trong veo, nhiều tôm cá này chảy qua những vùng trũng, sình lầy của hai quận Tân Bình và Gò Vấp, không có người cư ngụ và không canh tác nhiều. Sau năm 1975, người ta đã đào con kinh 19/5 nối rạch Tham Lương với kinh Tân Hóa. Và nhiều vùng trũng, sình lầy bị san lấp để lấy đất cất nhà, kho bãi. Rồi người ở đâu không biết tràn vô cất nhà, xây xưởng ở tràn ngập ven con rạch. Dĩ nhiên, rác rến, nước dơ người ta đổ hết xuống rạch biến rạch thành một con “kinh nước đen” bốc mùi thúi hoắc.
Giờ thì bắt đầu “cải tạo.” Nói cải tạo chứ phần lớn dự án là thu hẹp dòng chảy và lấy đất hai bên bờ rạch để bán! Ai bán? Ai có quyền bán? Thì quí vị nên hỏi ông cầm quyền chớ Tám tui bó tay!
Các con rạch Nước Lên, rạch Bến Cát cũng vậy.
Thôi thì nhà cầm quyền làm một công trình công ích có lợi cho dân chúng, ta cũng nên hoanh nghênh, hy vọng nó thơm tho hơn. Chỉ có điều vốn tăng và tăng hơi bị nhiều thì người dân cũng phải có tiếng nói chứ.
Một dự án mà tăng gần chục lần thì vấn đề nằm ở đâu? Khi tăng như vậy thì tiền đâu ra? Chỗ này dân chúng cũng chưa thấy ăn thua gì tới mình. Bởi tiền của nhà nước mà! Vậy thời nhà nước lấy tiền ở đâu? Trên thế giới này, không có chính phủ nào tự làm ra tiền, bởi chánh phủ chỉ có nhiệm vụ quản trị, điều hành quốc gia chứ không có nhiệm “làm ra tiền.” Muốn có tiền, chánh phủ phải dựa vào sức dân, tức là “thu thuế!” Trước thu thuế một để làm công trình nay tăng lên gấp 10 thì thuế cũng phải tăng gấp 10 chớ!
Đó, chỗ này mới dính đến dân nè!
Có nhà cầm quyền ở quốc gia nào làm ra tiền không? Chắc chắn là không. Cái gọi là ngân sách, là tiền chính phủ… đều là tiền mồ hôi nước mắt của dân đóng vô mà thế giới kêu bằng “thuế.”
Thuế ở các quốc gia thường được chia là 4 khoản:
- Nuôi bộ máy chính quyền
- Lo an ninh đất nước
- Lo cho dân sinh và các công trình công cộng
- Để dành xài khi có thiên tai, dịch bệnh
Ở nước Việt thì thuế cũng giống vậy nhưng khác cái chỗ khi nào phải làm các công trình dân sinh thì nhà cầm quyền lại kêu “nhà nước và nhân dân cùng làm,” kêu phải “xã hội hóa.” Thuế đã tăng mà còn kêu thêm mấy thứ này nữa có chết cha vợ thằng Đậu không? Lại nữa, nhà cầm quyền đã kêu mà dân không nghe cũng chết! Họ đến tận nhà để “vận động đóng góp” nếu không đóng thì sẽ… Một con hẻm nhỏ lầy lội, dân muốn tráng xi măng cho dễ đi cũng phải “xã hội hóa” chứ tiền thuế đã đóng hỏng biết đã chạy đi đâu mất tiêu rồi!
Việc các công trình công cộng ngâm lâu ngày đội giá lên sát chưn ông trời không thấy ai có trách nhiệm mà nhà cầm quyền chỉ tìm cách moi tiền của dân bằng cách tăng thuế và kêu gọi “xã hội hóa.” Tăng gì thì tăng chớ tăng cái món “trả nợ cho những sai lầm của ai đó” thì ai mà không sợ. Nhưng dân chúng sợ mà biết chạy đâu cho khỏi?Bởi vậy mỗi khi nghe “tăng tăng” là nước mắt cứ trào ra như bị con vợ đuổi ra khỏi nhà!