DAVID LE
Tháng Mười Một là tháng ở Việt Nam có phong trào tri ân thầy cô giáo, tức tri ân ngành giáo dục. Người tri ân là những bậc cha mẹ và những người “có học” trong xã hội, có thể nói là cả xã hội tỏ lòng biết ơn đến những người đã “dạy dỗ” chúng ta và con cháu.
Giáo dục là xây dựng con người cho mai sau.
Giáo dục là đào tạo ra lớp người mới đủ sức đảm đương những trách nhiệm trong xã hội với những kiến thức phong phú và tính cách nhân văn đầy chất “người.” Đó là mục tiêu của giáo dục và cũng là triết lý của ngành giáo dục nói chung ở hầu hết các quốc gia.
Ở miền Nam trước năm 1975, dù mỗi ngày tiếng bom đạn vẫn ầm ì khắp nơi, mỗi ngày vẫn có người chết vì tên bay đạn lạc, nhưng trong giáo dục vẫn giữ vững triết lý “tiên học lễ, hậu học văn” chứ không dạy gặp ai cũng “biết bố mày là ai không?”
Các chương trình từ tiểu học cho đến đại học đều dạy mỗi người thành “con người” biết lễ nghĩa trước khi trở thành người có học, có tri thức! Phải biết kính già yêu trẻ, con nít ra đường gặp người lớn tuổi phải dở nón, cúi đầu chào dù có quen biết hay không; gặp đám tang phải cúi đầu; phải dạ thưa khi nói chuyện với người lớn; phải có kiến thức căn bản, cái gì không biết thì “dựa cột mà nghe,” phải thương yêu mọi người dù quen hay lạ…Còn từ 49 năm bảy tháng đã qua, chúng ta thấy gì từ nền giáo dục Việt?
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Đây là năm điều ông Hồ Chí Minh dặn dò thiếu niên ở Bắc Việt, có thể coi là triết lý giáo dục của nhà cầm quyền cộng sản.
Chúng ta thấy gì từ 5 điều này?
Nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy đây là lời dặn dò của một lãnh tụ đối với các đảng viên là chính, chứ không phải đối với học sinh bình thường.
Một trẻ em mới ra ràng, còn ngỡ ngàng trước biển đời mênh mông mà “không biết yêu thương gia đình, anh em, cha mẹ” thì con người đó khi trưởng thành sẽ thế nào? Và chúng ta cũng đã thấy không ít thanh niên trưởng thành từ vùng đất “XHCN” luôn vỗ ngực trước người khác “biết bố mày là ai không?” luôn chen lấn giành giật mọi lúc mọi nơi, hung hăng trong tất cả những vụ xung đột khiến cả xã hội bình thường phải bàng hoàng.
Cận cảnh các sách giáo khoa chúng ta còn thấy những bài học kiểu như “chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê,” “phải đấu tranh” cùng rất nhiều câu chữ như “thằng Mỹ,” “thằng Diệm”… Một kiểu giáo dục thôi thúc lớp trẻ luôn chém giết, luôn thù hận và nói năng kiểu chợ búa…
Gần đây, tại Bảo tàng quân sự ở Hà Nội, một số thanh niên đã tỏ thái độ khiếm nhã khi đứng trước quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Điều này cho thấy sự giáo dục “thù lâu, nhớ dai” đã hằn sâu trong đầu lớp trẻ.
Hệ quả cũng đã thấy rõ. Từ mấy chục năm nay, ngày càng nhiều những chém giết nhau còn hơn cả phim ảnh, những vụ nói năng như ở chợ Cầu Muối từ miệng những người ăn mặc rất lịch sự. Rồi trò chém trò, phụ huynh đánh thầy, thầy chửi học sinh… xảy ra như cơm bữa!
Những vụ mua bán bằng cấp từ tú tài cho tới tiến sĩ ngày càng lộ dần trên các phương tiện truyền thông cho thấy một sự xuống cấp trầm trọng của ngành giáo dục.
Ngay cả sách giáo khoa, chưa từng có một quốc gia nào mà sách giáo khoa cùng cấp, cùng lớp, năm trước mới phát hành, qua năm sau đã phải bỏ!
Người viết chương trình, người in sách giáo khoa thay vì nghĩ tới hàng triệu học sinh, trong số có rất nhiều em gia cảnh bần hàn, thì họ chỉ nghĩ tới bản thân sao cho mau giàu, mau vinh vang với đời…
Vậy mà miệng cứ luôn tuôn ra các câu chữ “vì dân,” “nhân văn.” Tiến sĩ Bùi Trân Phượng từng là hiệu trưởng Đại học Hoa Sen ở Sài Gòn, khi đề cập đến nền giáo dục hiện nay đã nói “giáo dục để biến người ta thành công cụ của đồng tiền hay khuất phục quyền lực, không giáo dục để làm người, chỉ dạy cách ra đời để có lương cao hơn người khác, để thượng đội hạ đạp… thì không thể là giáo dục.”
Vậy mà khi chất vấn ông Bộ trưởng Giáo dục không thấy ông nghị bà nghị nào ở nghị trường quốc hội động tới việc thay đổi chương trình giáo dục mà cứ loanh quanh một số chuyện tiêu cực ở Bộ này!
Ở Việt Nam, người ta thường kể cho nhau nghe những câu chuyện vui về giáo dục trong mùa “tri ân thầy cô giáo.”
Như trong câu chuyện dưới đây:
Một ông quan chức nọ, có bằng cấp tiến sĩ và nhiều bằng cấp cử nhân. Vào ngày tri ân, ông ta điềm nhiên ngồi nhà uống trà, hút thuốc, coi ti vi một cách rất chi là thoải mái. Bà vợ thấy vậy mới mở miệng:
- Nè ông, này tri ơn thầy cô sao không thấy ông chuẩn bị gì hết vậy?
- Chuẩn bị gì?
- Thì quà cáp hoặc bao thơ đến lễ thầy cô.
- Bà nhiều chuyện quá!
- Nhiều chuyện là sao? Cái ngày này, từ con nít tới người già ai chẳng đi tết thầy cô đã từng dạy dỗ mình!
- Bà biết rồi sao còn nói vậy?
- Biết gì?
- Bà biết tôi có học hành gì đâu mà lễ với tết. Bằng cấp tôi toàn mua cả đâu biết thầy cô là thằng nào!
Mới đây, sau gần một năm “chiến đấu” dân cư mạng xã hội đã thành công khi lôi thầy tu Thích Chân Quang xài bằng giả ra trước bàn dân thiên hạ.
Rồi bà Bích Thủy, phó hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc cũng “được” Đại học quốc gia Hà Nội, nơi cấp bằng cử nhân cho bà, “thu hồi bằng cử nhân văn học” của bà vào ngày 15 tháng Mười Một. Nghe thiên hạ đồn, bà Thủy mới “tốt nghiệp lớp 7” nhưng đã có bằng tú tài! Theo truyền thông lề đường trong nước thì không chỉ ông thầy tu này và bà Thủy mà còn rất nhiều tiến sĩ, giáo sư xài bằng giả chưa bị lộ nữa!
Hồi còn ở trong nước, David có ông bạn hàng xóm là quan chức. Tối ngày thấy ông xách cặp đi họp miết, busy lắm!
Rồi đùng một cái, ổng chìa cho David cái name card ghi rõ “tiến sĩ…!” Thiên hạ đồn ổng là “tiến sĩ đất” tức là cấp cho mấy ông thầy mỗi ông một miếng đất ở nơi ổng làm xếp là có bằng!
David lúc đó nghe thì nghe vậy, không tin lắm, nhưng cũng để đó. Rồi một ngày, anh em gặp nhau ở phi trường. Hồi thập niên 1990, khi ra ngoại quốc phải khai tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ…trong tờ giấy xuất cảnh. Hai thằng đứng kế bên, ổng kêu David “Ê mậy! Chữ này nghĩa là gì?” Ngó qua, thấy chữ Occupation, David cười “Anh là tiến sĩ chớ đâu phải tui mà không biết chữ đó!” Lúc ấy, David mới tin ổng là “tiến sĩ đất!” Mà tiến sĩ loại này giờ nhiều lắm nha, đếm không hết đâu!
Ôi! Một đất nước, một nền giáo dục mà chỉ biết xài bằng giả để tiến thân, để khoe mẽ, chỉ dạy con người mánh mung lừa gạt, chỉ biết dạy con người chém giết… thì bao giờ mới có con người thật sự?
Ngay cả ông Thủ tướng khi đi công du nước người cũng còn mở miệng ra là… nói những lời khó nghe, thì đất nước sẽ đi về đâu? Bắc Việt đã từng có những kỹ sư xây cầu “mau xập,” bác sĩ không biết rõ lục phủ ngũ tạng, giáo viên văn học xác định Tự lực văn đoàn là một gánh hát, tiến sĩ sử học không biết Nguyễn Ánh là người đầu tiên thống nhất đất nước…
Cứ nói tới là đau! Đau cho lớp trẻ đang phải sống trong xã hội ấy. Đau cho con người trong xã hội ấy. Đau cho đất nước không biết ra sao ngày sau?
Bởi vậy, “làm sao để đào tạo ra một người tốt?” vẫn là câu hỏi khó trả lời khi giáo dục còn lắm chuyện!
Có lẽ nhiều chuyện hơn là chuyện ông Triển “Tứng” vừa bị đuổi ra khỏi đất Chile.
Triển Tứng là đại hộ vệ của chủ tịch nước đi sang lân bang bàn chuyện quốc sự, Không biết lâu nay ông được “giáo dục” ra sao mà tay chân táy máy với mấy em phục vụ trong ô ten, chắc là ngựa quen đường cũ. Nào ngờ dân làm ô ten ở nước người không như trong nước, liền tố với cảnh sát và ông Tứng “được” cảnh sát nước sở tại còng tay rồi mời về bót “uống trà.” Sau đó, tòa án phán ông “có tội” và quyết định trục xuất đồng thời cấm ông héo lánh trong vòng hai năm.
Đây cũng là chuyện giáo dục. Một đại hộ vệ của triều đình đã 59 cái Xuân tàn mà cái thói bốc hốt vẫn còn nguyên! Có lẽ khi còn trong nước ông được nhiều giải thưởng “bàn tay vàng” khi hát karaoke? Mà cái ngành giáo dục mấy chục năm qua đã dạy ông Tứng cái gì khiến tâm thần ông “rối loạn” khi ra nước ngoài gặp gái? Phải chăng họ đã dạy ông “coi trời bằng vung,” “gặp là hốt”… để rồi.
Báo chí nước người đăng tùm lum nhưng báo trong nước thì…
Thương ơi là thương các bạn đồng nghiệp! Làm báo nước người “hễ có tin là đăng” còn các đồng nghiệp trong nước “hễ có tin thì phải chờ duyệt” nên buộc phải nhắm mắt cho qua những tin hot, tin mà dân chúng cần biết. Thương quá nhưng không biết làm sao cứu!