Chữ quốc ngữ, chữ nước nhà, kỳ 1

by Tim Bui
Chữ quốc ngữ, chữ nước nhà, kỳ 1

TRẦN NHẬT VY

LTS: Chữ quốc ngữ là “thứ chữ ghi lại tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự Latin,” nay nói chung là “tiếng Việt.” Tiếng Việt hiện nay được xếp hạng 64 trên thế giới trong bảng xếp hạng tiếng nói được hơn 60 triệu người sử dụng và là tài sản vô giá của người Việt.

Chữ quốc ngữ là một thứ chữ “rất đặc biệt” và hoàn toàn của riêng người Việt. Đặc biệt, bởi nước Việt nằm giữa “dòng chảy” của chữ Trung Hoa và chữ Ả Rập, song nhờ may mắn, người Việt được trời ban cho một thứ chữ rất riêng để sử dụng và sánh vai với các loại chữ khác ở năm châu. Nếu không có thứ chữ ấy, không biết người Việt sẽ ra sao khi phải nói một đằng viết một nẻo?

Loạt bài này rút gọn những vấn đề chính của việc ra đời và phát triển chữ quốc ngữ ở nước ta sau gần nửa thiên niên kỷ, tính từ lúc chữ quốc ngữ ra đời. Muốn đọc thêm chi tiết, độc giả có thể tìm đọc cuốn “Chữ quốc ngữ – 130 năm thăng trầm” của tác giả, xuất bản năm 2018, để biết thêm chi tiết.

Ai tạo ra chữ quốc ngữ?

Cho tới nay, vẫn còn không ít người vẫn cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhode, tên tiếng Việt là Đắc Lộ, là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, nay gọi chung là tiếng Việt. Và tiếng Việt nay được định nghĩa là “thứ chữ ghi âm tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự La tinh.”

Đây là cách suy nghĩ của thế kỷ 20, khi người Pháp còn làm chủ Đông Dương đã dành khá nhiều công sức đề cao, tôn vinh Đắc Lộ, một người Pháp, nhằm nâng cao vị thế của người Pháp nói chung.

Họ viết sách và ra sức tuyên truyền về công của Đắc Lộ trong dân chúng và cả giới học thuật. Ở Sài Gòn có ít nhất hai cơ sở tôn giáo mang tên Đắc Lộ. Đó là trường trung học Đắc Lộ ở quận Tân Bình và trung tâm công giáo Đắc Lộ ở quận Ba. Nhiều sách báo tiếng Việt về sau do những nhà “nghiên cứu” có nghiên mà không bổ cứu đã dịch lại những văn bản, sách, báo của Pháp và truyền ra cái tư tưởng của người Pháp về chữ quốc ngữ. Điều đó đã làm cho nhiều người Việt và Pháp không nghi ngờ và nghĩ rằng đúng là giáo sĩ Đắc Lộ đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ.

Công bằng mà nói, Đắc Lộ chỉ là người có công “in ra cuốn sách có chữ Việt đầu tiên” trên thế giới vào năm 1651. Đó là cuốn tự điển Việt-Bồ-La đến nay vẫn còn lưu truyền và một bản sách in gốc vẫn còn được gìn giữ cẩn thận ở nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên.

Cuốn tự điển ấy là cuốn sách dành cho các giáo sĩ học tiếng Việt khi được cử đến truyền đạo ở Việt Nam, đồng thời được coi là một thứ “sinh ngữ” Đông Nam Á trong các tu viện đạo thiên chúa để dạy cho các tu sĩ đang tu học.

Phần lớn các tu sinh từng học ở các tu viện viện lớn ở Á Châu như Macau [Trung Quốc], Goa [Ấn Độ} hay Penang [Indonesia] đều có học và biết tiếng Việt. Đơn cử trường hợp giáo sĩ Paul Puginier được cử đến Việt Nam từ năm 1858, nhưng do chiến tranh phải tạm trú tại tu viện ở Macau hai năm và đã học thành thạo tiếng Việt ở đây. Khi giáo sĩ này tới Sài Gòn năm 1860 đã thành thạo tiếng Việt tới mức mở hẳn một trường học lấy tên là trường D’Adran, nay là cơ sở các trường trung học Võ Trường Toản và Trưng Vương ở trước Sở thú Sài Gòn, dạy cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Hay các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký đã học tiếng Việt trong thời gian tu học ở tu viện Penang, Mã Lai.

Nhưng trong số những người Pháp có một người không tin Đắc Lộ là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Đó là linh mục, nhà ngôn ngữ học người Pháp, Roland Jacques, hiện là giáo sư, trưởng khoa Giáo luật đại học Saint Paul ở Canada. Ông này cho rằng người Pháp “không đủ điều kiện để sáng tạo ra dấu âm trong tiếng Việt” mà phải là một người khác!

Vậy ai là người sáng tạo ra tiếng Việt?

Đó là câu hỏi của đa số người Việt quan tâm đến chữ quốc ngữ. Bởi từ xưa tới nay, ngành giáo dục Việt Nam qua các thời đại đều không có môn “lịch sử chữ quốc ngữ!”

Trong các giáo trình, các sách lịch sử Việt đều chỉ ghi nhận những cuộc chiến đấu giữ và mở nước; mỗi trang sử đều thấm đẫm và tanh mùi máu! Còn chữ quốc ngữ thì… Ngay cả nơi ra đời đầu tiên của chữ quốc ngữ, tới nay vẫn chưa được phân định rõ ràng. Các địa phương mà người sáng tạo ra chữ đã cư trú đều giành giật nhau, không ai chịu ai và chẳng ai làm trọng tài để quyết định.

Đó cũng là câu hỏi đau đáu trong lòng của nhà ngôn ngữ học, linh mục người Pháp Roland Jacques. Linh mục này luôn cho rằng, người Pháp không đủ điều kiện để sáng tạo chữ quốc ngữ, bởi họ không thể có được những dấu âm sắc huyền hỏi ngã nặng… những dấu âm đặc trưng của tiếng Việt, khiến tiếng Việt biến hóa khôn lường. Và ông đã dành 10 năm trời để nghiên cứu, tìm hiểu và lục tung các thư tịch Dòng Tên ở châu Âu. Cuối cùng, vào thập niên đầu của thế kỷ 21, ông đã tìm ra dấu vết tại thư viện Hoàng Gia của Bồ Đào Nha. Nơi đây, ông tìm được hai tài liệu chưa hề được công bố của giáo sĩ Francisco de Pina. Đó là bức thơ viết dở dang dài bảy trang Pina viết năm 1623 gửi cho bề trên Jerónimo Rodrigues ở Macau, và một tiểu luận dài 22 trang tựa đề Nhập môn tiếng Đàng Ngoài.

Khám phá của Roland Jacque đã làm thay đổi toàn bộ cách nghĩ trước đây của thế giới về chữ quốc ngữ, cả người Pháp lẫn người Việt.

Muốn biết rõ ngọn ngành phải đi vòng lại khá xa từ thế kỷ 16.

Các tài liệu của Giáo hội Thiên chúa giáo đều thừa nhận, giáo đoàn Bồ Đào Nha đã tới truyền giáo tại Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản từ thế kỷ 16 trong khoảng hai thập niên đầu tiên của thế kỷ này.

Các giáo sĩ Dòng Tên, tức dòng mang tên chúa Jesu, là một dòng tu “cao cấp” của đạo Thiên chúa, nếu không có bằng tiến sĩ văn hóa sẽ bị đuổi ra khỏi dòng, đã đến các quốc gia này và dành nhiều thời gian để “latinh hóa” chữ bản địa. Do các giáo sĩ thấy chữ bản địa khó đọc và mất rất nhiều thời gian để học, khó truyền kinh sách cho giáo dân, họ đã nghĩ ra một thứ chữ gọi là Romaji. Và ở Nhật Bản, họ đã in vài cuốn tự điển bằng thứ chữ này trong thế kỷ 16.

Đầu thế kỷ 17, năm 1615 có một nhóm giáo sĩ Dòng Tên đã tới Đàng Trong của nước Việt và tạm trú tại hai địa điểm là Nước Mặn [Qui Nhơn] và Hội An [Quảng Nam]. Đoàn giáo sĩ này gồm có người Bồ, người Ý. Và họ cũng ra sức latin hóa chữ bản địa. 

Thời đó, nước ta dù Đàng Ngoài hay Đàng Trong, nhà cầm quyền vẫn dùng tiếng Hán trong giáo dục cũng như trong đời sống. Chúng ta đều biết, tiếng Hán khó học mà chữ Nôm tức chữ Nam dựa theo chữ Hán mà viết, càng khó học hơn nữa. Để có thể truyền đạo bằng kinh sách, các giáo sĩ mới tìm cách latin hóa chữ Việt bằng cách ghi âm tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự Latin. 

Một thành viên của giáo đoàn là giáo sĩ Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, tới Hội An năm 1617, vốn có thiên khiếu về ngôn ngữ. Chỉ sau 6 tháng ở Đàng Trong ông đã nhanh chóng nói được tiếng Việt và giao tiếp tốt với người địa phương, trong khi các giáo sĩ khác phải nhờ các giáo dân người Nhật sống ở Đàng Trong phiên dịch. Chính những người sống cùng thời với ông đã ghi nhận rằng, Pina là người giỏi tiếng Việt nhất trong số các giáo sĩ tới Việt Nam.

Giáo sĩ Pina sau một thời gian ở Hội An lẫn Nước Mặn đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ bằng cách “latin hóa tiếng nói của người Việt.” Năm 1623, trong một báo cáo về tòa thánh, ông viết “đã Việt hóa xong chữ quốc ngữ, đang viết phần ngữ pháp.”

Hình giáo sĩ Francisco de Pina (hình trên wikipedia do AI tạo ra)

Những chữ Việt thời Pina đã được phổ biến trong nhiều tài liệu ngày nay như:

Ôn ghè: ông nghè
Chiam: chàm
Ôn sư: ông sư
Blời: trời

Ông Pina cũng là thầy dạy tiếng Việt cho giáo sĩ Đắc Lộ, khi giáo sĩ này tới Hội An năm 1624.

Đáng tiếc là những công trình sáng tạo của Pina không được thế giới biết đến nhiều khi ông còn sống. Ông mất cuối năm 1625 do chết đuối ở cửa biển cù lao Chàm. Theo nhiều tài liệu thì ông đi ghe ra tàu lớn để lấy lương thực tiếp tế và đồ phụng vụ nhưng bị gió lật ghe, vì áo chùng của ông bị vướng trên ghe nên chết đuối.

Francisco De Pina sinh tại thành Guarda, Bồ Đào Nha khoảng năm 1585, gia nhập Dòng Tên vào năm 19 tuổi, sau đó đến xứ Goa (Ấn Độ) sống ít lâu trước khi sang Trung Quốc truyền đạo. Năm 1611, ông theo học tại Học viện Macau (Collège de Macau) về khoa học xã hội, thần học và tiếng Nhật. Tại đây ông tiếp xúc với giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, soạn cuốn văn phạm tiếng Nhật chuyển tự sang chữ cái Latin dựa vào cách phát âm tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. Cuốn văn phạm này in khoảng năm 1604-1608. Francisco de Pina có thể đã theo phép chuyển tự này để ghi chép tiếng Việt khi ông vào Đàng Trong.

Năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến Đàng Trong làm việc tại trụ sở Hội An, Quảng Nam. Qua năm 1618, Pina đến cư trú tại Nước Mặn, Bình Định với Buzomi và Borri, người Ý. Năm 1619, ông đến Thanh Chiêm mua đất dựng nhà thờ nay tên là Thánh Andre và năm 1623 thành lập trụ sở Thanh Chiêm. Pina chết đuối trên bờ biển Quảng Nam ngày 15/12/1625. Cái chết ông được ghi nhận như sau.

Dịp đó, tàu Bồ Đào Nha từ Campuchia về Macau, bỏ neo ở hải phận Quảng Nam, gần Cù Lao Chàm, Pina cùng một người Việt Nam chèo thuyền ra tàu để lấy các đồ phụng vụ.

Khi trở vào bờ, bất ngờ gió bão nổi lên, thuyền lật, Pina vì vướng áo chùng không bơi được nên chết đuối, còn người kia bơi vào bờ thoát nạn. Theo linh mục Đỗ Quang Chính, xác ông được đưa về Hội An làm lễ an táng rất trọng thể và chôn cất sau nhà thờ Thanh Chiêm.

Tất cả công trình về tiếng Việt của ông và của một số người khác, đã được giáo sĩ Đắc Lộ gom lại mang về Macau. 

Giáo sĩ Pina Nghiên cứu và sáng tạo tiếng Việt

Vừa đến Hội An, Pina lao vào học tiếng Việt và chỉ trong thời gian rất ngắn, ông đã có thể đàm thoại với người bản xứ mà không cần phiên dịch. Giáo sĩ Gaspar Luis, người đến Đàng Trong năm 1624 cùng với Đắc Lộ, đã ghi lại như sau: “Linh mục De Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là giáo sĩ đầu tiên đã miệt mài nghiên cứu tiếng nói.

Khi Đắc Lộ đến Thanh Chiêm vào năm 1624 thì đã thấy Pina giảng Kinh thánh mà không cần phiên dịch. Và Pina cũng là giáo sĩ duy nhất giảng Kinh thánh bằng tiếng Việt ở Thanh Chiêm.

Không chỉ vậy, để có thể nghiên cứu tiếng Việt chuẩn hơn, ông đã xin về Thanh Chiêm từ năm 1619, trước khi trú sở này được thành lập vào năm 1623.

Trong tài liệu mà linh mục Roland Jacques tìm được, ông viết: “Đối với việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm triều đình” (thời điểm này Thanh Chiêm, tức Kẻ Chàm, là nơi đóng dinh Trấn Quảng Nam).

Hội An xưa là thủ đô kinh tế của Đàng Trong và là khu phố chợ quan trọng, một trung tâm thương mại xuất nhập khẩu lớn của cả miền Trung. Do là khu thương mại, mua bán nên dân cư cũng hỗn tạp, ngôn ngữ lai tạp.

Trong khi đó, Thanh Chiêm là “thủ đô” chính trị của Đàng Trong thời kỳ này, tiếng nói ổn định hơn và có nhiều trí thức hiểu biết về chữ nghĩa hơn, tiếng Việt thuần hơn. Vì vậy, việc lựa chọn của Pina rõ ràng là nhắm vào việc nghiên cứu tiếng Việt chuẩn xác hơn. Tại nơi này, ông cũng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với quan trấn thủ dinh trấn.

Đối với việc nghiên cứu tiếng Việt, Pina bắt đầu bằng suy nghĩ mà đã có nhiều người phương Tây nói đến là tiếng Việt tuy khó nhưng lại “du dương hòa điệu,” “giống như bản nhạc liên hồi,” “nói như hát.” Khi nghe người Việt nói, C. Borri cho rằng: “Người nào có tài về âm nhạc, biết phân biệt âm thanh thì tiếng Việt là tiếng dễ dàng đối với họ” (Lịch sử chữ quốc ngữ, Đỗ Quang Chính, NXB Tôn Giáo 2012, trang 15).

Việc Latin hóa tiếng Việt là công việc được thực hiện lâu dài và tiệm tiến. Ban đầu, các giáo sĩ chỉ có thể ghi lại âm tiếng Việt bằng những từ ngữ mà “chỉ có họ mới hiểu được” như Cecham (Kẻ Chàm, một cách gọi xưa của Thanh Chiêm), Quamguya (Quảng Nghĩa), Qui nin (Qui Nhơn), nayre (nài, nài voi), Onsaij (ông sãi)… rồi tiến đến Ke Cham (Kẻ Chàm), Qui nin (Qui Nhơn), ten si (tiến sĩ), dau nhu (đạo Nho), ba hon (ba hồn) bai via (bảy vía)… sau hết mới có dấu như ngày nay.

Do đó, khi bắt đầu nghiên cứu sáng tạo chữ quốc ngữ, Pina ghi lại tiếng nói của người Việt bằng “những khung nhạc.” Và trong tài liệu mới đây được triển lãm trong hội thảo chữ quốc ngữ vào tháng Bảy, 2018 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, người ta đã thấy những khung nhạc để thể hiện dấu âm của tiếng Việt.

Chính những người Bồ và người Ý mới có thể tạo ra những dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) của chữ quốc ngữ. Nếu chữ Ba là nốt La (A) thì Bá là nốt La thăng (A#), Bả là nốt Mi (E), Bà là nốt Rê (D)… trong âm nhạc. Đây cũng là một nguyên tắc đánh dấu âm của tiếng Việt mà người Pháp như Đắc Lộ, vốn chữ không có dấu, không thể làm được.

Cũng trong tài liệu trên, Pina ghi chép khá nhiều chữ, từ những chữ bình thường dễ nghe dễ đọc đến những chữ khó nghe, khó viết như “chớ đi,” “đừng làm,” “khoãn đã nào,” [khoan đã nào], “có đi thì đến,” “bán bạo nheo” [bán bao nhiêu], “bao mlớn” [bao lớn]… và tất cả những chữ này đều rất gần với chữ Việt hiện nay.

Có một điều chắc chắn rằng việc sáng tạo chữ quốc ngữ của Pina được sự giúp sức của các giáo sĩ đồng lứa và khá nhiều thanh niên Việt theo đạo. Chính người Việt đã giúp ông có được những dấu âm tuyệt vời cho chúng ta ngày nay.

Trong báo cáo gửi cho cha bề trên năm 1623, Pina viết: “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này… Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người của chúng ta có thể đọc và học các từ đó.

Những ghi chép này là những bằng chứng vững chắc chứng minh việc Pina đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ từ trước khi Đắc Lộ đến Thanh Chiêm.

Thế nhưng ngày nay việc xác định thời điểm chữ quốc ngữ ra đời và địa điểm đầu tiên giáo sĩ Pina tạo ra tiếng Việt vẫn chưa minh định được. Song điều chắc chắn là Hội An và Nước Mặn là hai địa điểm tiếng Việt đầu tiên ra đời. 
(Kỳ sau: Giáo sĩ Đắc Lộ và cuốn tự điển Việt Bồ La)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights