LÝ THÀNH PHƯƠNG
Bốn vị kế thừa đầu tiên chức vị lãnh tụ, trong lịch sử của Hồi giáo, được gọi là RASHIDUN. Họ được coi là bốn trụ cột của Hồi Giáo trong thời kỳ sơ khai. Họ đã lần lượt thay thế nhau giữ ngôi giáo chủ trong 29 năm, nhưng những việc làm của họ đã có những ảnh hưởng hết sức lớn lao cho sự tồn vong của đạo Hồi. Bốn vị đó là: Abu Bakr, Umar Khattab, Uthman Affan, và Ali Talib.
Abu Bakr (632-634)
Ngay sau khi Muhammad qua đời, cộng đồng Hồi Giáo non trẻ lâm vào tình trạng hỗn loạn vì không có lãnh đạo. Không một ai được đa số tín đồ Hồi Giáo tín nhiệm bầu lên làm người kế vị Muhammad. Trước tình thế bế tắc đó, Abu Bakr tự động đứng lên giành quyền lãnh đạo. Ông trở thành vị Caliph (lãnh tụ Hồi giáo hay Giáo chủ) đầu tiên.
Abu Bakr là một thương gia giàu có và có uy tín bậc nhất ở Mecca. Ông đã nghiêm khắc ra hai lệnh cấm khẩn cấp để bảo vệ đạo Hồi và cộng đồng Hồi giáo:
– Tuyệt đối cấm không một tín đồ nào được rời bỏ cộng đồng Hồi giáo.
– Không một ai được tự xưng là tiên tri vì Muhammad là vị tiên tri cuối cùng của Thiên Chúa trên thế gian này.Abu Bakr đã mau chóng phá tan các âm mưu chia rẽ cộng đồng Hồi giáo và chỉ sau hai năm, Hồi giáo lan rộng ra cả bán đảo Ả Rập. Bán đảo Ả Rập rất rộng lớn, hiện nay bao gồm các quốc gia: Saudi Arabia, Yemen, Qatar, Omar và Emirate.
Umar Khattab (634-644)
Sau khi Abu Bakr qua đời, Umar được bầu làm người kế vị. Vào lúc này, quốc gia Islam ở Medina cai quản cả một cộng đồng Hồi giáo rộng lớn trên toàn bán đảo Ả Rập.
Umar là một thiên tài quân sự kiệt xuất trong lịch sử Hồi giáo. Ông đã ban hành trên toàn lãnh thổ Ả Rập những biện pháp sau đây:
- Để bảo toàn lực lượng Hồi giáo, các bộ lạc trong Cộng đồng đạo Hồi tuyệt đối không được đánh nhau.
- Mọi người nam giới trong các bộ lạc trên lãnh thổ bán đảo Ả Rập đều là các binh sĩ, tất cả đều được huấn luyện quân sự và được sắp xếp thành các đơn vị quân đội.
Umar tự xưng là “Tư lệnh của các tín đồ.” Sau hai năm huấn luyện các binh sĩ và trang bị vũ khí đầy đủ, Umar với đại bản doanh ở Medina bằng sức mạnh quân sự đi chinh phục các nước lân cận:
- Năm 636, Umar đích thân chỉ huy quân Hồi giáo chiếm Iraq và Syria.
- Năm 637, Umar chiếm toàn lãnh thổ của Đế quốc Sassanid (Đế quốc Tân Ba Tư) và chiếm thành phố lớn nhất của Đế quốc Byzantine là Anatolia.
- Năm 638, Umar xua quân chiếm Palestine và thánh địa Jerusalem.
- Năm 641, Umar chiếm toàn bộ các nước Bắc Phi gồm Ai Cập, Algeria, Tunisia và Maroc.
Dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của Umar trong 10 năm, Hồi giáo từ một nước nhỏ ở sa mạc đã biến thành một đế quốc rộng lớn. Các tín đồ Hồi giáo cho đó là một phép lạ của Đấng Allah.
Những quốc gia khác ở Âu châu gọi đạo Hồi là “đức tin của bạo lực” (A violent faith) hoặc là một “tôn giáo quân phiệt” (a militaristic religion). Vào một ngày định mệnh trong tháng Mười Một năm 644, trong khi Umar đang cầu nguyện trong đền thờ tại Medina thì bị một tù binh người Ba Tư đâm chết.
Uthman (644-656)
Uthman là cánh tay mặt và phục vụ dưới trướng của Umar trong mười năm. Uthman đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về tài thao lược quân sự của Umar. Vào lúc này, Hồi giáo có một lãnh thổ rất rộng lớn cùng với một nền kinh tế vững mạnh. Dưới sự lãnh đạo tài ba của Uthman trong 12 năm, quân đội Hồi giáo đã lập nên nhiều kỳ tích chưa từng thấy:
- Trước hết, quân đội Hồi giáo chiếm Hy Lạp và nhiều nước phía đông Địa Trung Hải.
- Mấy năm sau, một cánh quân tiến về phía Tây chiếm Libya.
- Một cánh quân khác tiến về phía đông chiếm nước Âu châu Armenia, tiến vào miền Caucase của Nga. Trong khi đó một cánh quân khác tràn xuống phía nam đánh chiếm Bắc Ấn Độ (tức Afghanistan và Pakistan ngày nay).
Tới lúc này, Hồi giáo đã thành một đế quốc mênh mông kéo dài từ Âu sang Á tới Bắc Phi. Nhưng những cuộc chiến chinh phục thế giới liên miên đã gây sự bất mãn trong quân đội Hồi giáo. Vào năm 656, một nhóm tướng và binh sĩ đã bất thần trở về Medina vây bắt và giết chết Uthman tại chỗ. Nhóm này đưa Ali Talib lên làm vị Caliph thứ tư của Hồi giáo.
Ali Talib (656-662)
Vụ sát hại Uthman để đưa Ali lên thay là một biến cố vô cùng tai hại cho Hồi giáo trong suốt nhiều thế kỷ qua và có thể còn kéo dài mãi mãi về sau. Ali là con rể của Muhammad, được bầu lên làm Caliph. Vừa lên được chức giáo chủ, Ali đã gặp phải sự chống đối của Muawiyah là người nhà của Uthman. Muawiyah, lúc đó là quan toàn quyền Hồi Giáo cai trị Syria, lên tiếng chỉ trích Ali đã không trừng phạt kẻ sát hại Uthman. Ali mang quân đến đánh Muawiyah nhưng hai bên đánh nhau khá lâu không phân thắng bại nên phải ngưng chiến.
Năm 662, Ali bị ám sát chết. Muawiyah tự cho mình là người đang nắm quyền lực quân sự mạnh nhất nên tự xưng là Caliph lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo. Y tự ý dời thủ đô Hồi Giáo từ Medina về Damascus lúc đó là thủ đô của Syria.
Umayyad Dynasty
Muawiyah mở đầu cho một triều đại Hồi giáo kéo dài tới sáu thế kỷ. Đó là triều đại Umayyad (Umayyad Dynasty) gồm những vị vua cai trị các nước Hồi giáo, tất cả đều tự xưng là Caliph (661-1250). Do đó, tất cả các vua Hồi giáo thuộc triều đại Umayyad đều được gọi chung là “Caliphate Rulers,” có nghĩa là các nhà lãnh đạo cộng đồng với tư cách là người kế vị Muhammad.
Riêng cá nhân Muawiyah được xem như một vị minh chủ, cai trị toàn bộ cộng đồng Hồi giáo rộng lớn trong 19 năm. Ông biến những người theo ông thành một giai cấp quý tộc mới, nói đúng hơn là một giai cấp thống trị. Chủ thuyết của Muawiyah là cai trị dân bằng sức mạnh quân sự. Muawiyah chết vì bệnh năm 680.
Trong thời gian đó, những người Hồi giáo thân Ali đã lập ra một giáo phái mới là giáo phái Shiite. Nhóm đa số theo Muawiyah tự gọi là Hồi giáo Sunni để phân biệt với nhóm thiểu số Shiite.
Năm 680, vua Yazid (con của Muawiyah) đến Medina chặn bắt con trai của Ali là Husayn và giết nhiều người thuộc giáo phái Shiite. Năm sau (681), Yazid mang quân trở lại Medina tàn phá và dìm thành phố thánh địa này trong biển máu. Để trả thù, giáo phái Shiite mang quân chiếm thánh địa Mecca và tàn phá nặng nề thành phố này.
Từ đó đến nay, trải qua trên 13 thế kỷ, hai giáo phái Sunni và Shiite thường xuyên xung đột nhau nhiều trận đẫm máu. Số người tử trận cả hai bên có thể lên tới nhiều chục triệu người. Đây là một thảm họa lớn nhất trong lịch sử Hồi giáo.
Nước Syria ngày nay
Tên chính thức là Cộng hòa Ả Rập Syria, là một quốc gia ở Tây Á, giáp biên giới với Liban và biển Địa Trung Hải ở phía Tây, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, Iraq ở phía Đông, Jordan ở phía Nam, và Israel ở phía tây Nam.
Dân số khoảng 17 triệu, thủ đô là Damascus, khoảng 80% dân số là người Ả Rập, phần lớn là tín đồ Hồi giáo Sunni.
Nước Syria hiện nay được thành lập như một vùng ủy trị của Pháp và giành được độc lập tháng Tư năm 1946, như một nhà nước cộng hòa nghị viện. Giai đoạn hậu độc lập khá bất ổn, và nhiều cuộc đảo chính quân sự đã làm rung chuyển đất nước trong giai đoạn 1949–1970. Syria đã ở dưới một Luật Khẩn cấp từ năm 1962, hoàn toàn ngừng mọi việc bảo vệ hiến pháp cho các công dân và hệ thống chính phủ của nó bị coi là phi dân chủ. Cuộc nội chiến gần đây càng làm cho nền kinh tế và chính trị của quốc gia này càng trở nên bất ổn. Syria là quốc gia có thu nhập trung bình, với một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp, dầu mỏ, công nghiệp và du lịch. Tính đến năm 2016, GDP của Syria đứng thứ hàng 68 trên thế giới.