NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D
Dẫn nhập
Có thể nói, trà gần như là có mặt trong hầu hết mọi gia đình người Việt, là một thức uống trang trọng dành để tiếp đãi những người khách quý viếng thăm, hoặc được dùng trong những ngày lễ hội truyền thống dân tộc, trong những ngôi thờ tự, đền chùa…
Tại nhiều quốc gia khác, việc thưởng thức trà còn được nâng lên hàng nghệ thuật, ví dụ như nghệ thuật Trà Đạo, một hình thức văn hóa nghệ thuật độc đáo của người Nhật Bản. Trà xanh tất nhiên, cũng không thể thiếu trong các sinh hoạt truyền thống này.
Không những thế, hương vị trà còn phảng phất trong chốn Thiền Lâm, như bốn câu thơ sau trong bài thơ Thiền Trà của nhà thơ Thiện Hùng:
“Nhẹ nâng một chén trà Thiền,
Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay.
Cuộc đời – một giấc mộng say,
Trăm năm nhìn lại… mới hay… Vô thường!”
Qua bốn câu thơ trên, chúng ta có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng của một ngôi chùa, và hương vị Trà dường như đã làm cho không gian ấy thêm phần thanh thoát. Tất cả những điều nói trên khiến chúng ta khởi lên một câu hỏi: “Trà có nguồn gốc từ đâu và đã có mặt trong đời sống của con người từ bao giờ?”
Nguồn gốc
Theo nhiều tài liệu lịch sử, trà có nguồn gốc từ Trung Hoa, theo thời gian, trà du nhập đến các quốc gia Á châu lân cận như Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn, Thái Lan, và sau đó là các quốc gia Tây phương… Trà với hương vị thanh tao, có tác dụng làm hưng phấn tinh thần, nên đã được con người ưa chuộng từ hơn 4,000 năm trước và có thể là lâu hơn nữa.
Tuy nhiên, dựa trên các truyền thuyết, nghệ thuật thưởng ngoạn trà bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời kỳ cổ đại của vua Thần Nông. Một tài liệu lịch sử cổ xưa là một quyển sách mang tên Trà Kinh, do ông Lu Yu sống vào đời nhà Đường, đã viết chuyên đề về Trà xanh vào khoảng năm 780. Nội dung quyển sách này nói về nguồn gốc, cách thức trồng trọt, thu hái, chế biến và nghệ thuật thưởng thức trà. Rồi sau đó hơn 400 năm, đến quyển Trà Thư – Book of Tea, ấn bản vào cuối thế kỷ thứ 12, năm 1191 của một Thiền sư Nhật Bản tên Eisai, có nói đến các tác dụng tốt đẹp của trà xanh trên Ngũ tạng: Tâm Can Tỳ Phế Thận, là các cơ quan quan trọng của cơ thể.
Trải qua nhiều thời kỳ trong lịch sử, con người đã thấy rằng trà không chỉ là một loại thức uống lành mạnh, mà còn là một dược thảo có nhiều tác dụng tốt như: giúp cầm máu, làm lành vết thương, điều hòa thân nhiệt, kích thích tiêu hóa, làm hưng phấn tinh thần, thư giãn não bộ… Đó là những nhận xét của người xưa về trà.
Nhưng đến mãi vài thập kỷ vừa qua, trà xanh mới bắt đầu lan rộng đến các quốc gia Tây phương, nơi thường được mệnh danh là xứ sở của trà đen. Cho đến nay, trà xanh ngày càng được ưa chuộng ở các quốc gia này. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng còn cho rằng, trà xanh là một thức uống lành mạnh nhất thế giới hiện nay.
Phân loại trà xanh
Một cách tổng quát, tại Trung Hoa hiện nay có tám loại trà xanh thường thấy nhất được trồng tại các tỉnh Giang Tô, An Hội, Chiết Giang, Hồ Nam… Trong khi đó thì Nhật Bản có chín loại trà xanh trồng tại nhiều địa phương khác nhau. Cách nấu trà của Trung Hoa và Nhật Bản khác nhau ở chỗ trà Trung Hoa được pha trong nước sôi, trong khi trà Nhật lại được pha bằng cách chưng cách thủy (steaming) và nước trà có màu xanh đậm hơn và đục hơn rất nhiều. Nam Hàn và Bắc Hàn có 12 loại trà Xanh, trong số đó có hai loại thường được pha chung với gạo nâu (brown rice green tea), và một loại pha với nước chanh (lemon green tea). Việt Nam chúng ta cũng có vài loại trà Xanh, hai địa phương tiêu biểu trồng nhiều trà nhất là Bảo Lộc ở miền Nam và Thái Nguyên ở miền Bắc.
Trà xanh và trà đen
Những ai yêu trà đều biết, trà đen thường gây mất ngủ, nhưng trà xanh phần lớn lại không, ngoại trừ với những người có hệ thần kinh quá nhạy cảm, thì trà xanh vẫn có thể gây khó ngủ hay mất ngủ như thường. Sở dĩ trà đen gây mất ngủ vì có hàm chứa khá nhiều một hóa chất thiên nhiên tên là cafein có tác dụng gây mất ngủ, trong khi ở trà xanh, chất này có rất ít.
Nhưng tại sao có sự khác biệt giữa trà xanh và trà đen, trong khi hai loại đều “xuất thân” từ một cây trà? Sở dĩ có sự khác biệt đó là do quá trình chế biến. Trà xanh sau khi thu hái thì được phơi héo, sau đó vò thành viên rồi đem sấy khô ngay. Trái lại, trà đen sau khi phơi héo, vò thành viên thì phải trải qua giai đoạn lên men ở nhiệt độ dưới 20 độ C trong vòng 15 phút, sau đó mới được sấy khô. Do quá trình lên men này mà trà đen có tác dụng kích thích hệ thần kinh mạnh hơn, dễ làm mất ngủ hơn là trà xanh.
Trà xanh trong nhận xét của Đông y
Theo Đông y, trà xanh vừa là một loại thức uống lành mạnh, vừa là một dược thảo, thích hợp với mọi lứa tuổi. Trà xanh có tác dụng kích thích tiêu hóa, chống khát, giải độc, hóa giải phần nào các tác dụng độc hại của rượu, chống mệt mỏi, lợi tiểu, làm hưng phấn tinh thần, ngăn ngừa căn bệnh suy thoái thần kinh, đó là một căn bệnh mà y học ngày nay gọi là beriberi (một căn bệnh suy thoái hệ thần kinh do thiếu vitamin B1). Cũng nhờ tác dụng lợi tiểu, thư giãn thần kinh nên trà xanh có thể góp phần làm hạ huyết áp. Và nhờ tác dụng chống sưng mà trà xanh có thể làm giảm đau, một vài kinh nghiệm dân gian cho thấy, ngâm bàn chân bằng nước lá trà xanh đun sôi rồi để nguội xuống 40 độ, mỗi tuần ba lần, mỗi lần 20 phút sẽ có thể làm giảm đau nhức bàn chân do phong thấp, và làm giảm chứng ra mồ hôi chân.
Trà xanh cũng giúp phòng chống sâu răng, và trị chứng hôi miệng. Giảm nguy cơ các căn bệnh nan y, bệnh tiểu đường… Vì có tính năng giải độc nên trà xanh có thể giúp gan hoạt động tốt hơn. Riêng với làn da, trà xanh có thể giảm thiểu những tổn thương da.
Trà xanh có thể giúp da mặt giảm bớt được những tổn thương do môi trường ô nhiễm, do căng thẳng, do ánh nắng mặt trời…
Chúng ta có một công thức làm mặt nạ mặt với trà xanh như sau: Dùng một hoặc hai muỗng cafe bột trà xanh, hòa với hai muỗng cafe mật ong, rồi thoa lên da mặt. 30 phút sau rửa mặt bằng nước ấm. Công thức này áp dụng cho những ai có da mặt khô. Nếu có da mặt nhờn, chúng ta có thể pha một hoặc hai muỗng cafe bột trà xanh với hai muỗng nước cốt chanh rồi thoa lên mặt, 30 phút sau rửa mặt bằng nước ấm. Áp dụng công thức này trong vòng một tháng sẽ thấy da mặt đẹp hơn rất nhiều.
Trà xanh trong nhận xét của Tây y
Kể từ vài thập niên qua, trà xanh đã là một đề tài gợi sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Theo một kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ được công bố vào năm 2007, trà xanh chứa rất nhiều Flavonoids, đó là một nhóm hóa chất thực vật có khả năng chống oxy hóa rất cao và đề phòng ung thư. Một cup trà xanh, nếu so sánh với một cup các loại nước trái cây, nước rau, kể cả rượu nho, người ta nhận thấy lượng flavonoids trong trà xanh cao hơn rất nhiều. Trà xanh còn có rất nhiều vitamins quan trọng như vitamin B1, B2, B3, B6, C, nhiều khoáng chất và kim loại như Calci, Natri, Magnesium, Iron, Chromium, manganese, Zinc và caffein. Tất nhiên là lượng cafein trong trà xanh thấp hơn trà đen rất nhiều.
Ngoài ra, trà xanh còn chứa đựng một nhóm hóa chất thực vật tên là polyphenols, trong nhóm này có một tinh chất rất quan trọng là Epi-gallo-catechin gallate, gọi tắt là EGCG, và các dưỡng chất khác như carotenoids, cùng một số hóa chất thực vật. Chính vì sự có mặt của tinh chất EGCG mà trà xanh có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ hơn trà đen rất nhiều. Ngược lại, trà đen không có tác dụng chống lão hóa mạnh như trà xanh, nhưng trà đen lại có tác dụng hạ cholesterol mạnh hơn trà xanh vì hàm chứa một dưỡng chất tên là Theaflavin.
Cũng vì thế, tác dụng giảm cân của trà xanh rất yếu, không mạnh bằng trà đen. Nhưng trong một mức độ nhất định, trà xanh có khả năng chống lão hóa, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, và phòng ngừa một số bệnh ung thư.
Bàn về tác dụng giảm cân, một mình trà xanh không đủ mạnh. Nhưng vào năm 2003, một nghiên cứu lại cho thấy nếu uống kết hợp trà xanh với trà đen thì tác dụng hạ cholesterol và giảm cân sẽ gia tăng rất nhiều. Đó là nhờ sự kết hợp của chất theaflavin trong trà đen và tinh chất EGCG trong trà xanh.
Tất nhiên, kết hợp như vậy sẽ có một bất lợi khác là chúng ta dễ bị mất ngủ nhiều hơn, do tác dụng của chất caffeine có nhiều trong trà đen.
Các tác dụng của trà xanh
Nhiều cuộc nghiên cứu đã phát hiện 9 ích lợi của Trà Xanh như sau:
-Chống lão hóa rất mạnh, vì chứa nhiều thành phần dưỡng chất.
-Tăng cường năng lực của não bộ: Vì có sự hiện diện hai dưỡng chất quan trọng là Caffein và L-theanine.
-Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư: Phái nữ thường xuyên uống trà xanh sẽ giảm được 20% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, và phái nam sẽ giảm được 48% nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Trong khi đó, 29 cuộc nghiên cứu khác cho thấy những ai uống trà xanh thường xuyên sẽ giảm được 42% nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng.
Nhân đây, người viết xin lưu ý quý vị là chúng ta không nên thêm sữa vào trà, vì sữa sẽ làm giảm khả năng chống lão hóa của trà xanh, tác dụng đề phòng ung thư vì thế cũng giảm theo.
-Bảo vệ não bộ: Làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cũng như bệnh Parkinson.
-Có khả năng sát trùng nhẹ: Do đó có thể gia tăng sức khỏe nướu và răng. Giảm nguy cơ nhiễm trùng, do sự có mặt của tinh chất Catechins, có năng lực sát trùng Streptococcus, một loại vi trùng nguy hiểm thường ẩn nấp trong răng và vùng miệng, giúp miệng luôn được thơm tho.
-Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại II.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não: Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trà xanh giảm được 31% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
-Giúp gia tăng tuổi thọ: Một cuộc nghiên cứu quy mô tại Nhật Bản, trên 40,000 người lớn, là những người thường xuyên uống trà xanh, giảm được từ 20% đến 40% tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch, và tai biến mạch máu não.
Vài lưu ý quan trọng
Vào năm 2009, một nghiên cứu của Đại học USC (University Of Southern California) cho biết, những ai đang điều trị ung thư cần lưu ý là chất EGCG trong trà xanh đậm đặc có thể làm giảm tác dụng của một biệt dược chống ung thư là Bortezomib.
Trà xanh, nếu dùng nhiều quá (hơn hai ly mỗi ngày) cũng làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu và làm tổn thương gan.
Phụ nữ đang thai nghén cũng chỉ nên uống một hoặc hai ly trà xanh mỗi ngày là an toàn nhất. Liều lượng thích hợp là một muỗng cà phê trà xanh cho năm ounces nước (150ml).
Vì sao phải uống hạn chế như vậy?
Thứ nhất, trà xanh cũng hàm chứa một lượng caffein nhất định, uống nhiều hơn hai ly sẽ không tốt cho thai nhi. (Các bác sĩ sản khoa thường lưu ý, các thai phụ cần hạn chế lượng caffein dưới 200 mg mỗi ngày).
Hơn nữa, trà xanh hàm chứa catechins, một loại hóa chất thiên nhiên dù rất tốt cho não bộ, nhưng lại ngăn cản cơ thể hấp thu Folic acid, nhất là trong 12 tuần lễ đầu tiên của thai kỳ. Folic acid, còn gọi là sinh tố B9, có khả năng ngăn ngừa sự khuyết tật các ống thần kinh – neural tube ở thai nhi. Uống quá nhiều trà xanh trong thời kỳ thai nghén sẽ làm tăng nguy cơ khuyết tật các ống thần kinh này.
Các loại trà gừng, trà lá mâm xôi (raspberry leaf), trà bạc hà (peppermint), đều an toàn cho các thai phụ lẫn thai nhi. Riêng các loại Trà dược thảo khác, quý thai phụ cần tránh xa, hãy cảnh giác về lượng caffein thường được thêm vào các loại Trà dược thảo này.
Trà Xanh cũng có thể khiến cơ thể khó hấp thụ Iron (chất sắt) từ các thực phẩm không phải là thịt.
Ngoài những lưu ý nêu trên, trà xanh luôn là một thức uống thơm ngon, nhiều ích lợi và an toàn cho sức khỏe của chúng ta.
Quý vị hãy an lòng mà thưởng thức nhé!