Cuộc di cư vĩ đại năm 1954

by Tim Bui
Cuộc di cư vĩ đại năm 1954

LTS: Nhân dịp Tết Nguyên Đán năm nay, để hồi tưởng lại 70 năm của cuộc di cư không tiền khoáng hậu của người Việt xảy ra năm 1954, ban biên tập tạp chí “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” xin chia sẻ với quý độc giả một bài viết để ôn lại biến cố lịch sử này.

Tháng Năm, năm 1954, lực lượng Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, một tổ chức liên minh các lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, trong đó nhóm Cộng sản là lực lượng nòng cốt và đóng vai trò chủ đạo, đánh bại quân đội thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ làm cho người Pháp phải chịu ngồi xuống ký hiệp ước đình chiến ở Geneve.

Sau gần mười năm chiến tranh (từ năm 1945 – 1954) cả hai bên đều kiệt quệ và muốn có một giải pháp để đạt đến những mục tiêu mà họ muốn. Về phía Việt Minh, một nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa còn non trẻ mới vừa thành lập năm 1945 muốn có một mảnh đất để xây dựng. Còn đối với người Pháp, đã kiệt quệ sau Thế chiến thứ Hai, muốn rút lui khỏi vũng lầy Việt Nam để kiến thiết lại đất nước của họ.

Trước tình hình đó, hai bên đồng ý chia đất nước Việt Nam thành hai mảnh. Hiệp định Geneve quy định lấy sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự. Hệ thống lực lượng của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tập trung ở miền Bắc và hệ thống của chính quyền Liên hiệp Pháp được tập trung ở miền Nam, chờ ngày tổng tuyển cử tự do, dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 20 tháng Bảy năm 1956. 

Điều 14 phần (d) của Hiệp định đình chỉ chiến sự quy định: “Trong thời gian từ khi Hiệp định có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu kiểm soát của bên này muốn sang ở vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển đó.”  Việc  di cư này sẽ diễn ra trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến và sẽ chấm dứt vào ngày 19 tháng Năm,  năm 1955. 

Để giám sát thực thi hiệp định, Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến được thành lập theo điều 34 của hiệp định với đại diện của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, và Canada.

Được quyền chọn chốn để dung thân, người dân hai miền lũ lượt gồng gánh trong điều kiện có thể được để di dân đến vùng đất mới. Câu chuyện di cư không chỉ diễn ra trong 300 ngày, mà còn kéo dài thêm cả năm sau đó. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, có khoảng một triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam, và chỉ có khoảng 180,000 người từ Nam ra Bắc.

Cuộc di cư vĩ đại

Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều sự kiện di dân lớn đã từng xảy ra. Như trong thời kỳ Tần Thủy Hoàng chinh phục nhóm Bách Việt sống ở các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây… Trung Quốc vào thế kỷ đầu công nguyên thì trong đợt chạy khỏi nanh vuốt của bạo Tần này, chỉ có giới quí tộc là bỏ nước ra đi và gia nhập vào nước Âu Lạc của An Dương Vương. Rồi trong 1000 năm Bắc thuộc, từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 10, làn sóng Hoa hạ đã thu hút hàng triệu người di dân đến vùng đất gọi là An Nam thanh bình để tránh họa chiến tranh ở  phương Bắc, nhưng cả triệu người di dân này lần lượt đến Việt Nam trong giai đoạn cả ngàn năm. Rồi khi nhà Hồ, vào thế kỷ thứ 14, chiếm lấy kinh đô Quảng Nam của nước Chiêm Thành, thì một lần nữa, chỉ có giới quí tộc cầm quyền và những người giàu có của Chiêm Thành bỏ xứ vào Nam. Cuối cùng là khi các chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ về phía Nam, thì nhiều cuộc di dân của người Việt và người Hoa đến khai phá vùng đất mới. Nhưng những cuộc di dân này có tầm vóc nhỏ và trải qua một thời gian kéo dài hàng thế kỷ.

Cuộc di cư năm 1954, tiếng Anh gọi là Operation Passage to Freedom, còn tiếng Việt có tên Chiến dịch Con đường đến Tự do là một cuộc di cư của gần một triệu người Việt từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian chỉ có hai năm. Vào lúc đó, dân số ở Việt Nam chỉ độ 24 triệu người, trong đó có khoảng 12 triệu người ở miền Bắc. Do đó có thể nói theo tỷ lệ là cứ 12 người thì có một người bỏ xứ ra đi. Phải nói, đây quả là một cuộc di dân vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong đợt di dân này, không chỉ bao gồm những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay chính phủ quốc gia, thành phần tư sản thành thị, mà đại đa số giới sinh viên đang học trong các trường đại học ở miền Bắc cũng quyết định bỏ Bắc vào Nam. Cái yếu tố khác với những kỳ di dân trong lịch sử là đại đa số trong bọn họ là những gia đình nông thôn, chịu lìa bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để phiêu lưu vào một vùng đất xa lạ, không biết tương lai sẽ về đâu, chỉ vì lo sợ hiểm họa của chế độ Cộng sản. 

Cái hiểm họa này đã manh nha từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm được Trung Hoa lục địa từ năm 1949. Với chủ trương xây dựng một xã hội dựa trên nền chính trị chuyên chính vô sản, vô thần, và vô gia đình, những cuộc đấu tố địa chủ và tiêu diệt giai cấp tư sản một cách dã man ít nhiều mang những tai tiếng và cảm giác không an toàn của thế giới Cộng sản trong xã hội Việt Nam. Từ khi cuộc Cách mạng tháng Tám   năm 1945 thành công ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam) dưới sự cố vấn triệt để của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo mô hình sắt máu của Trung Quốc. Năm 1953 đã bắt đầu có những cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố địa chủ ở Thái Nguyên với sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc. Cho nên người Việt Nam đã có ý thức và hình dung được cuộc sống của một người dân trong một nước Cộng sản sẽ như thế nào.

Có những cáo buộc cho rằng những người di dân từ Bắc vào Nam là do tác động tuyên truyền và thúc đẩy của tình báo Mỹ. Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về hành động cưỡng bách di cư. Trong số 25.000 người Ủy hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ bị “cưỡng bách di cư” hay muốn trở về Bắc cả.

Thuở còn nhỏ, tôi thường được xem đi, xem lại bộ phim “Chúng tôi muốn sống” trong đó nói về một đại đội trưởng của phong trào Việt Minh đã anh dũng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Anh bị Công an ra tuyền tuyến dẫn độ về quê hương vì cha mẹ anh là địa chủ. Cha mẹ anh bị đấu tố, làm nhục, và bị chôn sống. Còn người yêu của anh, lại hợp tác với chính quyền và kết tội anh. Lý tưởng cứu quốc bị sụp đổ, anh chia tay với người yêu, và cuối cùng, cùng với những người “thuyền nhân” khác, vượt qua nhiều chốt kiểm soát của công an biên phòng, thoát được khỏi miền Bắc.

Những người thân Cộng sản cho rằng đây là thủ đoạn tuyên truyền của bọn Mỹ – Ngụy. Sau này, đến ngày Cộng sản chiếm được miền Nam vào năm 1975 thì mọi người ai cũng thấy là “ai tuyên truyền ai.” Lại hàng triệu người bỏ nước ra đi, đến độ những người miền Nam phải thốt ra là: “Nếu cái cột đèn mà có cái chân thì nó cũng sẽ bỏ đi.” Người Cộng sản luôn tuyên truyền rằng là họ sẽ xây dựng một xã hội công bằng và mọi người sẽ có cơ hội làm việc và hưởng thụ. Vấn đề lạ lùng là những người dân trong nước, nếu từ chối sống trong một xã hội đẹp đẽ như vậy và bỏ xứ ra đi thì sẽ bị bỏ tù với cái tội danh phản quốc.

Phương tiện

Vì không dự trù là số lượng di dân vào miền Nam nhiều đến như vậy, giới chức miền Nam không có đủ phương tiện để đáp ứng làn sóng người này. Giới chức Pháp và chính quyền miền Nam phải kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở và định cư. Có nhiều nước trong khối đồng minh với Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế tham gia.

Ngày 4 tháng Tám năm 1954 cầu hàng không nối phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn trong Nam với các sân bay Gia Lâm và  Bạch Mai, Hà Nội; Cát Bi, Hải Phòng ngoài Bắc được thiết lập. Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ (khoảng 1.200 km đường chim bay). Sân bay Tân Sơn Nhất trở nên đông nghẹt; tính trung bình mỗi 6 phút là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635 người.

Ngoài ra, một hình ảnh quen thuộc với người dân tị nạn là “tàu há mồm” (tiếng Anh: Landing Ship, Tank – viết tắt là LST) đón người ở trên bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải phận miền Bắc. Các tàu thủy vừa hạ xuống, hàng trăm người đã giành lên. Các tàu của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân Quốc, Ba Lan… giúp được 555.037 người “vô Nam.”  “Nam” được hiểu là cả dải duyên hải miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Vũng Tàu. 

Vì số người di cư quá đông, Cao uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19 tháng năm được đổi thành ngày 19 tháng Tám. Trong thời gian gia hạn, thêm 3.945 người đã vượt tuyến vào Nam. Chuyến tàu thủy cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16 tháng Tám, năm 1955.

Thêm vào đó, còn tới 102.861 người tự tìm đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng.

Trong khi đó, trên con đường ngược lại di cư ra Bắc, chỉ có khoảng 45.000 – 85.000 dân thường và 100.000 binh sĩ chính quy của Việt Minh tập kết ra miền Bắc.

Định cư

Những người di cư được chuyển tới các vùng ven Sài Gòn để tiến hành chuyện định cư, chỉ một số ít tự lựa chọn điểm đến, đa phần theo sự sắp xếp của nhà thờ hoặc do chính quyền Ngô Đình Diệm quy hoạch. Những nơi tập trung người Bắc di cư ở Sài Gòn bao gồm Tân Bình, Xóm Mới, Lăng Cha Cả, ngã ba Ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền…

Ngay từ tháng Tám năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trao cho giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi một khu đất 25.000 ha để cho giáo xứ Bùi Chu (Nam Định) tái định cư ở Hố Nai thuộc Xuân Lộc và Biên Hòa ngày nay. Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chính quyền đã xây 40 làng với 2.500 dân/làng, hình thành những xóm Đạo liên tiếp với nhau với mấy chục nhà thờ dọc theo quốc lộ. 

Đối với giáo xứ Phát Diệm (Ninh Bình), chính quyền Sài Gòn và giám mục Tađêô Lê Hữu Từ chủ trương đưa họ tới Gia Kiệm thuộc tỉnh Đồng Nai bây giờ. Tới tháng 12/1955, chính quyền Sài Gòn đã thiết lập được 257 khu tái định cư và cũng giống khu vực Hố Nai, giáo dân di cư sống trong các xóm Đạo chung quanh các nhà thờ Công giáo.

Dân miền biển làm nghề cá thì chuyển ra vùng duyên hải. Bà rịa, Vũng Tàu, Bình Thuận. Bà Rịa là một trong những nơi có nhiều người Bắc định cư. Ngoài nghề đóng tàu và đánh bắt hải sản, người Bắc ở đây còn nổi tiếng trong ngành sản xuất mắm tôm.

Chính phủ Hoa Kỳ trích một số tiền viện trợ qua cơ quan USOM mua nông cụ, trâu bò và một số vật liệu xây cất để giúp người di cư, tập trung ở vùng Cái Sắn. Ở vùng này, chính quyền cho đào nhiều con kinh song song nhau dọc theo tuyến đường Long Xuyên – Rạch Giá, từ sông Cái Sắn đến sông Thoại Hà để định cư cho khoảng 100.000 người. 

Để phát triển vùng Tây Nguyên, một số nhỏ được sắp xếp định cư ở gần Buôn Mê Thuột, Pleiku, và Đà Lạt.

Ký ức sống chung với người Bắc

Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực Cái Sắn, nơi có nhiều con kinh ngang chạy song song với nhau. Nơi này, chính quyền miền Nam tổ chức định cư cho những người Bắc di cư có chỗ dung thân trên vùng đất mới.

Mỗi con kinh như vậy dài 10km, được đặt tên: về phía Bắc thì gọi là A, B, C, D, E,  F, G, H còn về phía Nam thì gọi là 1, 2, 3, 4,  5,6, 7, 8. Kinh này cách kinh kia 2km. Những gia đình người Bắc được chính quyền cấp đất và giúp đỡ nông cụ để làm ruộng. Tôi thấy họ xây dựng những căn nhà mái bằng tranh và vách bằng đất mà chúng tôi gọi là “nhà tranh, vách đất,” dọc theo hai bờ kinh, nhà này cách nhà kia một khoảng cách khá thoải mái. Theo tôi ước tính thì mỗi con kinh có khoảng 5.000 người Bắc định cư. Ho đều là người Công giáo, cho nên chính quyền xây dựng một nhà thờ ở trung tâm của mỗi con kinh.

Những người Bắc di cư này quanh năm làm ruộng và trồng rẫy, họ rất chăm chỉ, lễ phép, và tiết kiệm. Sau mùa vụ, ngoài chuyện sản xuất thêm huê màu (các loại nông sản khác) và chăn nuôi, một số gia đình trồng lát và dệt chiếu, có gia đình sản xuất pháo để bán vào dịp Tết Nguyên Đán mỗi năm, và nhiều gia đình làm nhiều ngành nghề thủ công khác.

Mỗi buổi sáng, khi tôi giúp cha mẹ trong việc buôn bán, tôi thấy có vài chị người Bắc có thân hình mảnh khảnh gánh bốn, năm đôi chiếu trên vai ra chợ quận để bán vào phiên chợ sáng. Trong trường hợp khuân vác nặng như vậy, người ở phố chúng tôi  thường dùng những chiếc xe thồ để đẩy. Tôi không hiểu làm sao mà họ có thể mang được một sức nặng như vậy và vượt khoảng đường gần mười cây số để có mặt ở chợ vào lúc năm giờ sáng được. 

Xong buổi chợ sáng, những người Bắc đi buổi chợ tan. Họ mua những bắp cải và rau quả dạt, tức là những thứ có vấn đề như bị úng, sâu chẳng hạn mà người ở chợ sẽ bỏ đi. Họ mua với giá rẻ mạt và họ nói là về cho heo ăn. Có lần tôi xuống kinh (danh từ kinh là chỉ nơi những người Bắc di cư ở), tôi thấy họ cắt những phần ung thối bỏ, phần tốt còn lại họ nấu canh ăn ngon lành và làm dưa cho những bữa ăn khác.

Người Nam mặc dù không kỳ thị người Bắc di cư, tuy nhiên cũng có một số người gọi là xấu miệng. Họ chế giễu người Bắc: “Bắc kỳ ăn cá rô cây; ăn nhầm lựu đạn, chết cha Bắc kỳ.” Có dịp tìm hiểu câu chuyện, tôi mới biết là ở miền Bắc đã trải qua một nạn đói kinh khủng vào những năm 1944 – 1945 làm chết hàng triệu người. Sự tích cá rô cây như sau: Trong thời gian đói kém, nhiều nơi không có thức ăn, để cho bữa ăn được ngon miệng hơn, có gia đình làm con cá rô bằng gỗ, đem kho với nước mắm, rồi nhìn con cá rô gỗ, tưởng tượng như đang gắp miếng cá rô thật vào miếng cơm.

Một câu chuyện khác mà người Nam ở quê tôi hay kể như chuyện cười về người Bắc là: “Ăn một củ trả tiền hai củ.” Câu chuyện như sau: Ở các hàng quán ở miền quê miền Nam người ta hay luộc khoai và cho vào một cái dĩa để trên bàn. Trên bàn thì lúc nào cũng có bình trà nóng và vài cái ly xây chừng (một loại ly nhỏ dùng để uống cà phê nóng) để thực khách ăn khoai uống miễn phí. Khi thực khách đến ăn khoai, thì chủ ngồi trong quầy nước, chỗ pha cà phê nhìn ra xem khách ăn bao nhiêu củ. Có ông Bắc di cư vào ăn khoai, ông chủ để ý thấy ông chậm rãi lột vỏ khoai như người miền Nam, rồi nhâm nhi hết củ khoai. Ông chủ có việc đi ra phía sau, ông khách thấy không có ai, lại nhâm nhi hết đống vỏ khoai. Khi chủ đi ra thấy ông khách miệng vẫn còn nhai, cho nên khi tính tiền ông chủ cứ nghĩ là ông khách ăn thêm một củ khi ông ấy đi ra phía nhà sau nên tính tiền hai củ. Ông khách mắc cỡ không dám thừa nhận là khúc sau mình chỉ ăn mớ vỏ khoai đành bấm bụng trả tiền. Khi bước ra ông ấy chửi thề: “Địt mẹ, ăn một củ trả tiền hai củ.”

Có sống chung nhau mới thấy, trong khi người Nam rộng rãi, thì người Bắc rất cần kiệm. Cần kiệm chứ không phải bần tiện. Nhờ văn hóa chan hòa như vậy, khi cuộc sống được ổn định thì với điều kiện sống dễ dàng hơn với nương rẫy nhờ đất tốt nên lúc nào cũng có huê màu, cá tôm thì thả lưới xuống dòng kinh là có, người Bắc di cư dần dần cũng trở nên rộng rãi hơn. Ngược lại thì người Nam thì học được câu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” của người Bắc. Điều này được thể hiện rõ ràng khi miền Nam lọt vào tay Cộng sản vào năm 1975. Vào thời điểm đó, mọi người, kỳ này không những người Bắc di cư, mà kể cả người Nam, ai cũng muốn chạy khỏi thiên đường Cộng sản. Vào lúc đó, đi gọi là “vượt biên.” Thực sự là vượt biển. Muốn ngồi lên chiếc ghe thì phải trả bằng vàng với giá trung bình là ba cây (ba lượng vàng) cho mỗi người. Gia đình chúng tôi cũng tôi cũng muốn vượt biên nhưng không có đủ vàng để chung cho các anh chị em. Bạn tôi nói, không ngờ những người Bắc trong kinh, chỉ làm ruộng rẫy, mà khi móc ra thì có hàng chục cây vàng.

Đi học trường ông Cha

Vào lúc đó, ở quê tôi không có trường trung học, trẻ con sau khi học hết bậc tiểu học, nếu muốn tiếp tục học, phải ra tỉnh đi thi tuyển vào trường công lập của tỉnh lỵ hay nếu không vào được thì theo học ở các trường tư thục và phải trả tiền học phí.

Các ông cha ở các nhà thờ dưới kinh mới vận động giáo hội Công giáo mở một trường tư thục trong quận hạt để trẻ con trong quận có cơ hội tiếp tục học tập cho đỡ tốn kém hơn. Thời đó, dân ở chợ quận đa số là gốc Hoa làm nghề buôn bán, sống chung quanh chợ là người Việt miền Nam thì đa số làm nghề nông, ra khỏi khu vực người Nam là các con kinh đào nơi người Bắc di cư ở. Chúng tôi Hoa, Nam, Bắc, cùng nhau đi học ở trường trung học Thoại Giang mà lúc đó người dân địa phương gọi là “trường ông Cha.” Tình bạn khắng khít, chúng tôi thường cùng nhau thề thốt: “Không phân biệt Bắc, Nam, Trung, Chệt (người Hoa); vì cùng chung dòng máu Lạc Hồng.”

Có lần có người bạn Bắc di cư đến nhà tôi chơi, nhân lúc mẹ tôi vừa mua được một mẻ lưới cá Mè Vinh, mỗi con to bằng bàn tay người lớn. Mẹ tôi mới tặng cho bạn hai con mang về cho gia đình. Để làm món ăn cho cá Mè Vinh, thường dân ở chợ chiên tươi chấm với nước mắm chanh, hay kho lạt với mía. Cá Mè Vinh ăn cơm rất ngon miệng vì có lớp mỡ hai bên hông. Có dịp, tôi hỏi anh bạn tôi làm món gì với hai con cá thì anh ấy nói là mẹ ảnh luộc chấm với nước mắm tươi. Sau này khi lớn lên tôi mới thấy là cách ăn uống của người miền Nam lúc nào cũng cầu kỳ. Sự cầu kỳ này có thể là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tim mạch. Đa số người Nam ở chợ chết ở tuổi 60 – 70, trong khi người Bắc ở kinh thường thọ hơn 80 tuổi. Người ta nói, người Nhật, với cách sống và dinh dưỡng của họ làm cho họ sống lâu, vì vậy chúng ta nên học cách sống của họ. Theo tôi nghĩ thì cứ theo phong cách sống của người Bắc di cư học theo là chắc cú. Đâu cần đi đâu xa cho mệt.

Đóng góp của người Bắc vào xã hội miền Nam

Người Nam may mắn được sinh ra trong vùng đất trù phú với quá nhiều thức ăn nên có phong cách sống chậm rãi và không có nhiều cố gắng trong sinh hoạt. Người Bắc mang tính cần cù qua nhiều đời, cho nên mặc dù đã sống ở miền Nam với điều kiện tốt hơn so với lúc trước nhưng họ vẫn chăm chỉ làm việc và học hành. Chính vì vậy mà họ thành công và chững chạc hơn trong cuộc sống. Sau này nhiều có nhiều người Bắc ở quê tôi trở về quê dạy học trong các trường từ tiểu học đến trung học và làm việc trong các cơ quan hành chính. 

Người Bắc di cư góp phần rất nhiều trong việc xây dựng xã hội miền Nam. Nếu tính có một triệu người Bắc di cư vào miền Nam trong khi dân số miền Nam lúc đó vào khoảng 12 triệu, thì tỉ lệ người Bắc di cư thành đạt và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, nghệ thuật là rất lớn.

Nhân dịp Xuân về, chúng tôi không có gì hơn là món quà nhỏ này tặng độc giả để giải trí trong tinh thần: “Trước mua vui, sau học tập.” Chúc quý độc giả một mùa Xuân an lành và hạnh phúc.

Ban biên tập tạp chí TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights