Câu chuyện về rắn

by Tim Bui
Câu chuyện về rắn

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Từ những kỷ nguyên trước khi có loài người thì các khủng long và thằn lằn bay từng có một thời gian dài thống trị trái đất. Khi có một sao chổi cực kỳ lớn va chạm với cường độ mãnh liệt vào quả địa cầu, trái đất trải qua một cuộc đại hỏa hoạn. Giống khủng long và thằn lằn bay gần như bị tuyệt chủng. 

Một giống vượn tinh tinh sống gần nguồn nước may mắn còn sống sót, tìm mọi cách để sinh tồn, và qua hàng triệu năm, chuyển hóa thành loài người.

Cùng lúc với giống vượn tinh tinh chuyển hóa thành loài người thì căn cứ theo khoa khảo cổ học, hậu duệ của giống thằn lằn bay, còn sống sót, cũng chuyển hóa thành các loài rắn, sống rải rác trên trái đất.

Như vậy có thể nói là loài người và loài rắn có một định mệnh sống chung với nhau. Nhân dịp đầu năm con Rắn, ban biên tập tạp chí ”Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” xin chia sẻ với quý độc giả những nhân quả giữa loài người và loài rắn.

Câu chuyện trong Kinh Thánh

Thiên Chúa tạo dựng nên Adam và Eva
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, sau khi đã dựng nên trời đất và muôn vật trong sáu ngày, Thiên Chúa nắn một hình người từ bụi đất theo hình ảnh của ngài và hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở thành một loài sinh linh. Ngài đặt con người trong vườn Eden để trồng và trông nom khu vườn, cho phép người ăn tất cả các loại cây trong vườn trừ Cây biết thiện và ác – Trái cấm. Thiên Chúa phán: “…vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” 

Thiên Chúa cũng tạo ra các loài thú, rồi dẫn đến trước mặt Adam thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu như tên nào Adam đặt cho mỗi vật sống đều thành tên riêng cho nó. Adam đặt tên cho các loài súc vật, các loài chim trời, thú đồng, nhưng về phần Adam thì ngài chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết, và vì thế Thiên Chúa làm cho Adam ngủ mê, lấy xương sườn và lấp thịt thế vào. Ngài đã dùng cạnh sườn Adam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Adam. Adam nói rằng: “Người này là làm bởi xương tôi, bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì do người nam mà ra.” Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một thịt. Adam và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.

Adam và Eva bị con rắn dụ dỗ
Trong các loài thú đồng mà Thiên Chúa đã tạo nên, rắn là loài quỷ quyệt hơn cả. Rắn nói với người nữ: “Ông bà chắc chắn sẽ không chết đâu! Vì Thiên Chúa biết rằng khi nào ông bà ăn trái cây đó, thì mắt mở ra và ông bà sẽ giống Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.” Người nữ thấy trái của cây đó trông vừa ngon vừa đẹp mắt thì cả tin mà hái xuống rồi ăn, và đưa cho chồng cùng ăn. Mắt của hai người mở ra và nhận thức được sự trần truồng của mình, họ kết lá và đóng khố che thân. Khi nghe thấy tiếng Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc chiều, Adam và vợ ẩn mình giữa các lùm cây trong vườn để tránh mặt ngài. Thiên Chúa kêu Adam và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Adam thưa rằng: “Nghe tiếng Thiên Chúa trong vườn, tôi sợ nên đi trốn, vì tôi trần truồng.” Thiên Chúa hỏi: “Ai đã chỉ cho ngươi biết mình trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm đó không?” Adam thưa: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” Thiên Chúa hỏi người nữ. Người nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi đã ăn rồi.”

Thiên Chúa trừng phạt con Rắn, Adam và Eva
Thiên Chúa nguyền rủa con rắn: “Vì ngươi đã làm điều đó nên trong các loài thú đồng, chỉ có ngươi bị nguyền rủa. Ngươi sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn đời. Ta sẽ làm cho ngươi và người nữ, dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau. Người (loài người) sẽ giày đạp đầu ngươi (con rắn), còn ngươi (con rắn) sẽ cắn gót chân người (loài người).”

Ngài phán với người nữ: “Ta sẽ gia tăng nhiều nỗi nhọc nhằn khi ngươi mang thai, và thêm nhiều đau đớn mỗi khi ngươi sinh đẻ. Tuy nhiên, ngươi vẫn ước muốn sống bên chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.”

Sau đó, Ngài phán với Adam: “Vì ngươi đã nghe theo lời vợ, ăn trái cây mà Ta đã cấm, nên đất đai sẽ vì ngươi mà bị nguyền rủa. Ngươi phải khổ nhọc suốt đời mới có miếng ăn từ đất sinh ra. Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng ruộng. Ngươi phải làm đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, là nơi ngươi từ đó mà ra. Vì ngươi là cát bụi, ngươi sẽ trở về với cát bụi.”

Họa phẩm về Eve và con rắn trong vườn địa đàng

Vài nét về loài rắn

Rắn là một trong những loài động vật đặc biệt và đa dạng nhất trong thế giới động vật. Chúng thuộc lớp bò sát, và có mặt ở hầu hết các môi trường sống trên Trái Đất, từ rừng nhiệt đới đến sa mạc khô cằn. Với hơn 3.000 loài khác nhau, rắn không chỉ gây ấn tượng bởi hình dáng và màu sắc mà còn bởi những đặc điểm sinh học độc đáo và vai trò quan trọng trong hệ sinh thái.

Đặc điểm sinh học
Rắn có cấu trúc cơ thể dài, không chân, với lớp da được bao phủ bởi vảy. Hệ xương của rắn rất khác biệt so với các loài động vật khác; chúng có thể có từ 200 đến 400 xương sống, cho phép chúng linh hoạt và dễ dàng di chuyển qua các địa hình khác nhau. Kích thước của chúng biến động từ nhỏ, như rắn chỉ (Leptotyphlops carlae) chỉ dài khoảng 10cm cho tới lớn như trăn gấm (Python reticulatus) dài tới 8,7m. 

Rắn không có lỗ tai, nhưng có khả năng cảm nhận âm thanh và rung động qua xương hàm và cơ thể. Mắt của rắn không có mí, thay vào đó, chúng được bảo vệ bởi một lớp màng trong suốt gọi là “scale.” Điều này giúp bảo vệ mắt rắn khỏi bụi bẩn và tổn thương. Hơn nữa, rắn có khả năng phân biệt nhiệt độ, điều này giúp chúng xác định vị trí con mồi hoặc kẻ thù.

Tập tính sống
Rắn là loài động vật ăn thịt, chủ yếu tiêu thụ động vật nhỏ như chuột, chim, và các loài bò sát khác. Chúng dùng nhiều phương pháp để săn mồi, từ việc rình rập cho đến tấn công bất ngờ. Một số loài, như rắn hổ mang, có nọc độc mạnh, cho phép chúng tấn công con mồi nhanh chóng và hiệu quả.

Rắn thường sống đơn độc, chỉ tụ tập với nhau vào mùa sinh sản. Chúng có thể sinh sản bằng cách đẻ trứng hoặc sinh con, tùy thuộc vào loài. Sự chăm sóc con non rất ít; hầu hết các loài rắn không chăm sóc con non sau khi chúng nở.

Các loài rắn còn sinh tồn đã được tìm thấy trên gần như mọi châu lục (ngoại trừ châu Nam Cực), trong lòng các đại dương như Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, và nhiều đảo nhỏ trong Đại Tây Dương. 

Phần lớn các loài rắn không có nọc độc, còn những loài nào có nọc độc thì thường dùng nó vào việc giết chết hay khuất phục con mồi thay vì để phòng vệ. Một số loài có nọc độc mạnh tới mức đủ gây ra vết thương đau nhức hay gây tử vong cho con người. Các loài rắn không nọc độc hoặc là nuốt sống con mồi hoặc là giết nó bằng cách quấn và vặn xiết.

Rắn là loài máu lạnh. Chúng dựa vào nhiệt của ánh nắng mặt trời để duy trì thân nhiệt. Vì vậy đa số loài rắn sống ở những vùng khí hậu ấm áp và các vùng nhiệt đới ẩm trên thế giới. Trong môi trường sống chung quanh chúng ta ở, rắn thường sống trong biển, sa mạc, rừng rậm, và những vùng đầm lầy xa với nơi con người sống quây quần.

Ở Việt Nam ngoài những vùng rừng núi xa xôi như dãy Hoàng Liên Sơn ở miền Bắc, dãy trường Sơn ở miền Trung, thì ở miền Nam rắn tập trung ở những vùng rừng thiên nước độc như rừng U minh ở mũi Cà Mau.

Còn ở Trung Quốc, rắn nổi tiếng có nhiều nhất ở vùng Tây Vực nơi sát với biên giới của Trung Đông là nước Afghanistan bây giờ. Trong chuyện kiếm hiệp nổi tiếng Anh hùng xạ điêu của tác giả Kim Dung, Lão độc vật Tây Độc Âu Dương Phong thống lĩnh đàn rắn do lão huấn luyện ở Tây Vực xuống làm mưa làm gió Võ lâm Trung nguyên.

Rắn trong quá trình hình thành nền văn minh của loài người

Trong lịch sử Ai Cập, rắn có một vai trò quan trọng. Rắn hổ mang sông Nin trang điểm cho vương miện của các Pharaoh trong thời kỳ cổ đại. Nó được tôn thờ như là một vị thần và từng được sử dụng cho các mục đích độc ác: nó là kẻ sát nhân trong một vụ tự sát theo nghi lễ của Cleopatra..

Ấn Độ thường được gọi là vùng đất rắn và huyền ảo trong các tập tục liên quan tới rắn. Rắn hổ mang có trên cổ thần Shiva còn thần Vishnu thường được vẽ trong tư thế đang ngủ trên con rắn bảy đầu hoặc với các cuộn rắn. Có một số đền miếu tại Ấn Độ chỉ dành cho rắn hổ mang, đôi khi được gọi là Nagraj (vua rắn) và người ta tin rằng rắn là biểu tượng của sự trù phú. Có một lễ hội Hindu gọi là Nag Panchami mỗi năm, trong ngày đó những con rắn được tôn thờ và vái lạy. 

Con rắn trong góc nhìn Á châu
Tỵ (rắn) là một trong số 12 địa chi của Thiên Can Địa Chi, trong lịch cổ đại của Trung Quốc. 

Thiên can: đại diện cho Trời dùng để chỉ ngày. Thiên Can được kết hợp bởi năm yếu tố trong Ngũ Hành và sự cân bằng về Âm Dương. Theo đó, Âm Can bao gồm: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý và Dương Can bao gồm: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Thân. 

Địa chi: là đại diện của Đất. Nếu Thiên Can chỉ về không gian đơn thuần thì Địa Chi chỉ thời gian và nhiều phương diện phức tạp khác. Địa chi là tên gọi của 12 con giáp, mỗi con giáp là một Địa Chi gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Con rắn trong biểu tượng ngành y
Theo thần thoại Hy Lạp, Etquylap là con của ông tổ nghề thuốc, tên là Apollon. Etquylap không những chữa được bệnh mà còn có khả năng cứu người chết sống lại. Tài năng của Etquylap bị coi là chống lại “mệnh trời.” Vì thế, trời đã sai thiên lôi đánh chết Etquylap.

Trong khi sinh tiền, Etquylap đã dùng nọc rắn để cứu chữa người bệnh và phòng chống dịch bệnh, vì vậy sau khi Etquylap chết, người ta đã dựng tượng vị thần y này và cả hình tượng con rắn.

Từ đó, người ta đã lấy biểu tượng ngành y là con rắn quấn quanh cái ly và chiếc gậy. Về sau, theo xu hướng giản tiện khi thể hiện các biểu tượng, người ta đã bỏ cây gậy, chỉ còn hình ảnh con rắn quấn quanh cái ly, đầu nhô lên trên như đang nhả nọc vào chiếc ly ấy.

Tượng Etquylap, ông tổ của ngành Y 

Va chạm với loài người

Thông thường rắn không tấn công con người, trừ khi bị giật mình hay bị thương. Nói chung phần lớn các loài rắn cố gắng tránh tiếp xúc khi đối mặt với con người. Ngoại trừ các loài trăn lớn, các loài rắn không có nọc độc không phải là mối đe dọa đối với con người. 

Những vết cắn của rắn không nọc thường là vô hại do răng của chúng không được thiết kế để xé rách hay gây ra những vết thương sâu, mà là để tóm giữ. Tuy vậy vẫn có khả năng xảy ra tổn thương mô và nhiễm trùng từ những vết do rắn không nọc cắn. Ngược lại, rắn có nọc độc (rắn độc) lại tiềm ẩn nguy hiểm lớn hơn nhiều cho con người, cho dù những ca tử vong do rắn cắn không phải là quá phổ biến. Những vết cắn không dẫn tới tử vong do rắn độc gây ra có thể vẫn dẫn tới hậu quả là phải cắt cụt một phần chân tay. 

Trong số khoảng 725 loài rắn có nọc độc trên toàn thế giới thì chỉ khoảng 250 loài có thể giết chết con người chỉ bằng một nhát cắn. Tại Úc trung bình chỉ một lần rắn cắn gây tử vong mỗi năm. Tại Ấn độ có tới 250.000 lần rắn cắn được ghi nhận trong năm, gây ra tới 50.000 vụ tử vong.

Trong quá trình tiến hóa, loài  người càng ngày càng thông minh hơn, trong khi loài rắn thì không có gì thay đổi trải qua hàng triệu năm. Sau nhiều lần bị rắn cắn loài người đã tìm ra cách đối phó.

Việc giải quyết vết rắn cắn cũng thay đổi tùy theo từng loại vết cắn. Phương pháp thông dụng và hiệu quả nhất là thông qua huyết thanh kháng nọc rắn (antivenom hay antivenin), một loại huyết thanh được chế ra từ nọc rắn. Một số loại anti venom là chuyên biệt theo loài, trong khi một số khác được chế ra để sử dụng cho nhiều loại. Chẳng hạn tại Hoa Kỳ, gần như tất cả các loài rắn độc đều là rắn vipe hốc lõm, ngoại lệ duy nhất là các loài rắn san hô. 

Để sản xuất anti venom, hỗn hợp nọc của các loài rắn khác nhau như rắn chuông, rắn đầu đông, và rắn miệng bông được tiêm vào cơ thể ngựa với liều lượng tăng dần cho tới khi ngựa được miễn dịch. Sau đó máu được chiết ra từ ngựa đã miễn dịch. Huyết thanh được tách ra để tinh chế tiếp, loại bỏ các protein ngoại lai, và sấy thăng hoa. Nó được hoàn nguyên với nước cất và trở thành huyết thanh kháng nọc rắn. Vì lý do này mà những người bị dị ứng với ngựa rất dễ bị dị ứng với huyết thanh kháng nọc rắn. 

Huyết thanh kháng nọc rắn cho những loài nguy hiểm hơn như mamba, taipan, và rắn hổ mang được sản xuất theo phương pháp tương tự tại Ấn Độ, Nam Phi và Australia, mặc dù các loại huyết thanh kháng nọc rắn này là đặc hiệu theo loài.

Số phận của loài rắn

Trong khi đa phần các nền văn hóa không dùng rắn làm thực phẩm thì tại một số quốc gia việc sử dụng rắn làm thực phẩm lại được chấp nhận hay thậm chí còn được coi là đặc sản, do các thức ăn chế biến từ rắn được đánh giá cao về tác dụng y học.

Món súp rắn trong ẩm thực Quảng Đông được người dân tại đây dùng trong mùa Thu do họ coi nó có tác dụng làm ấm cơ thể. 

Rượu rắn là loại rượu ngâm nguyên cả con rắn trong các loại rượu sản xuất từ gạo hay ngũ cốc. Việc uống rượu rắn tại Trung Quốc lần đầu tiên được ghi chép lại có từ thời Tây Chu và được coi là có tác dụng chữa bệnh và làm cường tráng cơ thể theo y học cổ truyền Trung Quốc. 

Ở các nước châu Á khác Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, và Campuchia, việc uống rượu pha tiết rắn—cụ thể là  rắn hổ mang được cho là làm gia tăng khả năng tình dục.  Việc lấy tiết rắn được thực hiện khi con rắn còn sống bằng cách rạch cổ nó lấy máu tươi và pha với một vài loại rượu mạnh hay rượu mùi để cải thiện mùi vị. 

Ở nước Mỹ tại các vùng quê của tiểu bang như Georgia, Alabama, Oklahoma, và Texas hàng năm có lệ hội rắn gọi là Rattlesnake round-ups thu hút rất nhiều người đến tham dự. Hàng trăm ngàn con rắn được mang đến để bán, trưng bày, biểu diễn, giết lấy thịt và da. Lễ hội lớn nhất có thể nói là ở Sweetwater Texas. Có giải thưởng cho cá nhân hay công ty mang những con rắn to nhất, nặng nhất, hay có số lượng nhiều nhất. Trong những năm gần đây, các hội đoàn địa phương lên tiếng về tính dã man của sự kiện.

Rượu rắn

Dùng rắn như một nô lệ

Nghệ thuật thôi miên rắn là một ngón nghề truyền thống được phát triển rất mạnh ở Ấn Độ. 

Khi làm công việc này, các thầy “phù thủy” đường phố thường tạo ra bầu không gian thần bí bằng cách mặc trang phục truyền thống và đem theo một chiếc giỏ chứa những con rắn hổ mang. Khi họ chơi một thứ nhạc cụ gọi là kèn pungi, khán giả sẽ chứng kiến con rắn di chuyển theo âm nhạc và cho rằng chúng bị thôi miên.

Sự thật là, loài rắn không có tai ngoài và chẳng hề nghe thấy tiếng nhạc. Việc rắn phồng mang lên và đung đưa theo điệu nhạc chẳng qua vì nó coi chiếc kèn pungi là mối đe dọa và đang đứng lên trong tư thế phòng thủ. Nếu quan sát kỹ hơn, có thể thấy con rắn hổ mang chỉ nhìn chằm chằm vào nhạc cụ của các thầy “phủ thủy” – đặc biệt là chuyển động của ngón tay xung quanh chiếc kèn.

Để huấn luyện rắn có khả năng biểu diễn như vậy, khi bắt được một chú rắn hổ mang, người ta cho nó vào một cái giỏ. Người luyện rắn dùng cây chọc cho nó dựng đầu lên và phùng mang. Thấy người ngồi trước mắt vừa tầm mổ, nó tấn công ngay. Người luyện rắn liền đưa tay ra, nắm tay được trùm bởi một cái hũ sành. Rắn dồn sức để mổ nên sự va chạm rất mạnh khiến rắn đau ê ẩm. Người luyện rắn lại chọc nữa, rắn lại mổ mạnh hơn. Nhưng chỉ độ mươi lần là rắn kinh sợ vì đã quá đau. Bấy giờ, người luyện rắn lấy cái hũ ra, để nắm tay trần, rắn cứ quay đầu nhìn theo chiều bàn tay mà không dám mổ nữa. 

Người luyện rắn đưa tay biến chuyển linh hoạt và rắn cứ quay đầu mãi theo chiều hướng của bàn tay, tạo thành một vũ điệu nhịp nhàng. Sau đó, người luyện rắn cầm một ống sáo để thổi. Người xem cứ tưởng là rắn múa theo điệu nhạc của người thổi sáo, thật ra thì nó múa theo bàn tay. Khi điệu nhạc chấm dứt, ống sáo hạ xuống, rắn cũng chấm dứt vũ điệu. Không còn thấy bàn tay trước mắt nữa, nó ngoan ngoãn rụt thân vào trong cái rọ quen thuộc.

Vai trò của rắn trong hệ sinh thái

Rắn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái. Chúng là một phần quan trọng trong chuỗi thức ăn, giúp kiểm soát số lượng động vật gặm nhấm và các loài nhỏ khác. Nếu không có rắn, số lượng các loài gặm nhấm có thể bùng nổ, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường và nông nghiệp.

Ngoài ra, một số loài rắn còn có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát bệnh tật. Ví dụ, rắn có thể tiêu diệt chuột, loài mang nhiều mầm bệnh có thể lây lan cho con người.

Kết thúc câu chuyện

Thượng đế đã trừng phạt loài rắn và loài người. Theo Kinh Thánh Tân Ước, Chúa Jesus con của người đã chịu đóng đinh trên thập tự giá để chuộc lỗi cho loài người. Chúa Jesus hằng mong xây dựng một nước Trời, đó là Vương Quốc của tình yêu, công chính, bình an và niềm vui trong Thần Khí. Đó là một xã hội tốt đẹp, trong đó mọi người sống như anh em trong sự công bình và bác ái. Và hơn thế nữa, mọi loài được Thượng đế tạo ra, như rắn và người, cũng có cuộc sống hài hòa với nhau trên trái đất này. 

Ngày nay các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới cực lực lên án hành vi giết rắn ăn thịt, lấy da, cắt tiết, ngâm rượu, và biểu diễn rắn. Riêng ở các vùng miền Nam của nước Mỹ, dần dần người ta có khuynh hướng thả rắn về thiên nhiên nơi chúng có thể sinh tồn mà không đụng chạm với loài người.

Rắn là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái, với những đặc điểm sinh học và tập tính sống độc đáo. Chúng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát số lượng động vật nhỏ mà còn có thể giúp con người trong việc duy trì sức khỏe cộng đồng. Việc hiểu rõ về rắn và giá trị của chúng sẽ giúp chúng ta bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, từ đó tạo ra một môi trường sống bền vững cho các loài động vật và con người.

Sưu tầm và biên tập từ những nguồn khác nhau trên Internet


You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights