Sự tương đồng giữa âm nhạc và hội họa

by Tim Bui
Sự tương đồng giữa âm nhạc và hội họa

NGUYỄN HOÀNG HUY

Thường nghe nhạc người ta dễ cảm, dễ hiểu hơn là hội họa, bởi ngoài giai điệu trầm bổng của nốt nhạc thì còn có lời phụ họa là ngôn ngữ giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ cảm hơn. Tùy khả năng, trình độ, sự yêu thích của mỗi người sẽ có những sở thích khác nhau: người thích nghe nhạc có lời, người thích nghe nhạc không lời, người thích nghe nhạc giao hưởng v.v…và mỗi thứ đều có cái hay riêng khác nhau phù hợp.

Hội họa cũng thế: người thích tranh tả thực, hiện thực, người thích tranh ấn tượng, biểu hiện, người thích tranh lập thể, trừu tượng v.v…

Tranh đẹp hay không cũng tùy theo cách nhìn, hiểu, cảm nhận của mỗi người. Thông thường người bình thường rất thích xem tranh tả thực, hiện thực: bởi ngoài nội dung tranh dễ hiểu, thì vẽ tranh diễn tả giống thiên nhiên, tự nhiên như thật bên ngoài khiến họ xem dễ nhận biết, dễ so sánh hơn các loại tranh khác. Tương tự nhạc không lời, nhạc giao hưởng…   nhiều phải đòi hỏi người nghe có chút kiến thức ngôn ngữ âm nhạc, nếu không sẽ rất khó hiểu, cảm nhận được như nhạc có lời?

Hội họa và âm nhạc khá giống nhau nhiều thứ trong sáng tạo diễn tả cái đẹp. Trong khi âm nhạc có những từ chuyên môn để dùng như: các cung bậc cao độ, nhịp, tiết tấu, cường độ, chủ âm, giai điệu, khoảng lặng, luyến láy v.v… thì hội họa cũng có những thứ tương đồng như: nhịp, tiết tấu, cường độ, khoảng trống, chuyển sắc, chủ sắc, giai điệu ánh sáng, giai điệu màu v.v…

Chúng ta có thể so sánh một số từ dễ giải thích cụ thể như:

Cung bậc

Ngôn ngữ của âm nhạc là âm thanh, tiết tấu tạo ra những giai điệu. Cụ thể bằng những thang âm cao độ qua những note nhạc, có thể tính đơn giản các nhạc cụ đơn giản chỉ có hai bát độ (khoảng 14- 16 note), và nhạc cụ mạnh có khoảng 8 bát độ (khoảng 56 note nhạc), ( trung bình thường chỉ có 3-4 bát độ), tính luôn các note thăng, giảm…thì số âm thanh sử dụng trong một bản nhạc cao nhất chỉ sẽ có khoảng 168 note nhạc. 

Chỉ có 168 bậc thang âm, thế nhưng sự sáng tạo âm nhạc vô cùng tận cả hàng ngàn năm vẫn chưa tận cùng.

Trong khi đó ngôn ngữ chính của hội họa là màu sắc, sự phong phú của các thang bậc màu sắc quá nhiều, khó thể giới hạn, vì có thể tạo hàng ngàn bậc thang sắc màu khác nhau trong sử dụng sáng tạo vẽ tranh, tạo ra những giai điệu màu sắc rất vô vàn…

Nốt thấp, nốt cao – màu trầm tối, màu sáng tươi

Nhạc có nốt thấp đa số thường tạo nhạc buồn, đau thương, nặng nề thì tranh có màu tối nhiều cũng dễ tạo tranh buồn, nặng nề. Nốt cao dễ tạo nhạc cao vút, thanh thoát, tươi vui, tranh có màu sáng tươi trẻ, dễ tạo sự vui vẻ, thanh thoát, nhẹ nhàng…

Tiết tấu nhanh chậm, cường độ mạnh nhẹ

Các tiết tấu nhanh chậm, dồn dập, thưa thớt, cường độ mạnh nhẹ, cao thấp của các note âm thanh tạo ra những cảm xúc diễn tả trong âm nhạc, thì các mảng màu sắc lớn nhỏ, gần xa, đậm nhạt liên tục hay khoảng cách cũng tạo ra những đa dạng diễn cảm trong tranh.

Chủ âm – chủ sắc

Chủ âm  một khái niệm quen thuộc trong âm nhạc, nhằm nói lên một âm giai chính của bài hát. Từ chủ âm sẽ có âm giai của các cao độ. Âm giai (hay còn gọi là Thang âm, Gam) là tập hợp gồm 8 nốt từ thấp đến cao được chọn từ 12 nốt nhạc trên theo nhiều quy luật khác nhau, vd:  âm giai Do trưởng, La thứ, Mi thứ v.v…

Thường âm giai trưởng tạo nhạc có không khí vui, âm giai thứ tạo nhạc buồn. 

Tương tự, trong hội họa cũng thế: Chủ sắc nóng, tươi sẽ tạo vui, mạnh, ấm áp. Chủ sắc lạnh, trầm sẽ tạo buồn, nhẹ nhàng.

Chuyển láy – chuyển màu

Nếu trong âm nhạc, sự luyến láy tạo sự hấp dẫn, tình cảm, ấm áp thì trong hội họa sự chuyển màu trong mảng màu cũng tạo cảm, mượt và hấp dẫn trong tranh…

 Lớn dần – nhỏ dần

Âm thanh tạo lớn dần, nhỏ dần, tắt dần để dùng diễn cảm, thì trong hội họa màu sắc chuyển từ đậm qua nhạt, tối qua sáng…cũng để diễn cảm khá lớn trong ngôn ngữ màu sắc…

Giai điệu của âm nhạc

Trong khi tiết tấu, nhịp, cường độ âm thanh sẽ tạo ra những giai điệu của âm nhạc, thì trong tranh các cung bậc màu sắc, các tiết tấu ánh sáng cũng tạo ra những đường lượn giai điệu ánh sáng, màu sắc dẫn dắt hòa quyện phong phú.

Để dễ hiểu, ta có thể tự xếp phân tích rõ cụ thể tạm từng phần cho riêng biệt như sau:

Đường lượn ánh sáng: là những mảng màu sáng trong tranh kết nối lại thành một đường cong, thẳng với sắc độ ngang bằng nhau (hình 1). Đường chuyển động ánh sáng: là những mảng màu sáng gần như đơn sắc có sắc độ cao tiến dần chuyển biến tạo một đường cong mềm đơn giản, dẫn dắt người xem từ thấp đến cao, từ sáng đến tối (hình 2)Đường giai điệu ánh sáng: Là những mảng sáng linh hoạt hòa sắc vừa tạo chuyển biến, vừa dẫn dắt người xem tạo nên những tiết tấu trầm bổng, nhanh chậm, mạnh nhẹ… như giai điệu trong một bản nhạc. Chính đây sẽ mở cho người vẽ luôn tự tạo khác nhau, cảm nhận khác nhau độc lập hoàn toàn…Nó chính là thú vui trong sáng tạo mà mỗi giai điệu không ai giống ai… (hình 3).

Tạo màu sắc ánh sáng đậm nhạt, sáng tối tương đồng với cao độ của nốt nhạc cao thấp, dài ngắn, luyến láy.

thử áp dụng theo giai điệu của bản nhạc “Bụi Phấn” ta sẽ tạo ra được dòng giai điệu ánh sáng.

Những đường lượn ánh sáng dẫn dắt  cũng tạo nên những giai điệu hấp dẫn trong tranh tạo cảm xúc cho người xem tranh.

Thử đặt một khối vật nằm ngang 0 độ tương đương note SOL, cứ tăng giảm khoảng 9 độ là một cung bậc, khối vật sẽ bắt ánh sáng mạnh nhẹ tùy theo độ dốc vật bắt ánh sáng, ta sẽ có note tương đương như : vật nghiêng 9 độ = tương đương note LA ; 18 độ = tương đương note SI….vv…

Thử ứng dụng vào bức tranh nổi, các khối có độ nghiêng trong tranh tạo ánh sáng tương đương cao độ note nhạc…soạn theo bản nhạc “Em bé quê” của Phạm Duy.

Từ đây, khi nhìn ngắm các ánh sáng trong bức tranh có những mảng màu ánh sáng chuyển động, hay ngắm các khối mảng của bức tượng điêu khắc bắt ánh sáng chúng ta dễ hình dung ra những giai điệu ánh sáng tương tự như một giai điệu trong âm nhạc, và dễ thưởng thức giai điệu ánh sáng ấy biến chuyển một cách thú vị hơn, vì đó cũng là một phần cái đẹp  hấp dẫn của ngôn ngữ hội họa, điêu khắc vậy.

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights