TRẦN NHẬT VY
Chữ Việt ghi âm tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự Latin thuở ban đầu ra sao? Đó là thắc mắc của nhiều người, bởi không phải ai cũng được thấy, được đọc những trang nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học kỹ để biết những chữ ấy ra sao. Nếu có, cũng chỉ biết lơ mơ một vài chữ khá phổ biến với các phụ âm như tl, tb…và những chữ này đã lần lần được thay thế bằng những chữ khác trong quá trình giao thoa với các dân tộc khác để tạo chữ. Tỉ dụ, trong âm tiếng Việt ở đồng bằng Bắc bộ không có âm R. Âm R thường được phát âm là GI (ví dụ chữ Trời thường được phát âm là Giời), hoặc CH (các chữ TR thường bị biến thành CH như Trung thành Chung hay Trong thành Chong). Trong khi đó, người miền Nam do tiếp xúc với người Khmer đã nói được một cách bình thường chữ R…
Tiếng Việt, chữ Việt không chỉ độc đáo vì đơn âm mà còn độc đáo nhất là ở dấu âm. Vì dấu âm ấy mà tiếng Việt có đặc điểm rất riêng mà những ngôn ngữ xung quanh nước Việt không có. Và cũng vì sự độc đáo ấy mà “làm khó” người ngoại quốc, làm khó những người có công sáng tạo ra chữ quốc ngữ ghi âm từ tiếng nói của người Việt.
Chúng ta nói tiếng Việt thường ngày hiếm khi chú ý, song với người ngoại quốc vốn dùng ngôn ngữ đa âm thì khác. Họ phải mất nhiều công sức hơn để Latin hóa tiếng Việt. Với người Việt một chữ có hình thức giống nhau hoàn toàn như chữ ba chẳng hạn, những chỉ cần đổi giọng nói chút ít là đã biến thành chữ khác với nghĩa hoàn toàn khác. Khi lên giọng ba sẽ thành bá, khi trầm giọng thì ba thành bà, khi hạ giọng thì ba thành bạ, khi nhấn giọng thì ba thành bã…
Song các giáo sĩ Dòng Tên đã vượt qua được cái khó này khi tìm ra dấu âm của tiếng Việt. Hiện nay tại thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha, người ta còn lưu giữ được bản ký âm dấu giọng tiếng Việt của giáo sĩ Francisco de Pina, người ngoại quốc được thừa nhận là “biết nhiều chữ Việt nhất” và là “người đi đầu trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ.”
Chữ quốc ngữ thuở ban đầu đã trải qua tiến trình ra sao?
Cũng như việc làm để có gạo chúng ta ăn mỗi ngày, nông dân cần phải trải qua nhiều công đoạn “ba sôi, hai lạnh” để hạt lúa nảy mầm rồi mới ra ruộng, xuống đất mọc thành cây lúa. Chữ quốc ngữ cũng vậy, để có chữ ngày nay cho chúng ta viết, đọc cũng phải trải qua nhiều thời gian và công sức của những người đi những bước đầu tiên.
Hiện nay, chúng ta, kể cả các nhà nghiên cứu chữ quốc ngữ, cũng chưa tiếp cận được tất cả các tài liệu, văn bản có hoặc bằng chữ quốc ngữ trong các kho lưu trữ từ Macau [Trung Quốc] tới Roma [Ý], từ Goa [Ấn Độ] đến Lisbon [Bồ Đào Nha]. Hầu những gì đã biết được từ những nơi này đều chỉ là một phần nhỏ, theo các nhà nghiên cứu.
Linh mục Đỗ Quang Chính, người có thể coi là người Việt đầu tiên giới thiệu một cách tương đối về chữ quốc ngữ thời kỳ đầu qua cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1650 được tủ sách Ra Khơi, Saigon in năm 1972. Trong cuốn sách này, linh mục Chính phân tích khá chi tiết những chữ quốc ngữ tìm được từ thời gian 1621-1650 của các giáo sĩ tới Việt Nam học và viết chữ quốc ngữ trước Đắc Lộ, được gọi là thời kỳ Tiền Đắc Lộ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, thì giáo sĩ đầu tiên “biết nhiều chữ quốc ngữ” là giáo sĩ người Ý, Francesco Buzomi và giáo sĩ người Bồ Đào Nha.
Ông Quang trích ghi nhận của nhà sử học Dòng Tên Daniello Bartoli [1608-1685] “Linh mục Buzomi đã cố gắng nghiên cứu học hỏi biên soạn ngữ vựng và văn phạm tiếng Đàng Trong…vào năm 1623, cha Pina và cha Buzomi là những thừa sai nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của Đàng Trong” [Nguyễn Thanh Quang, Nước Mặn trường dạy quốc ngữ đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây, tham luận trong Hội thảo 450 năm hình thành và phát triển chữ quốc ngữ…, Hội đồng giám mục Việt Nam, 2019].

Còn Đỗ Quang Chính thì cho rằng giáo sĩ Cristoforo Borri [1583-1632], người Milan, Ý mới là người viết “nhiều chữ quốc ngữ bằng tiếng Latin đầu tiên.” Borri tới Nước Mặn, Đàng Trong năm 1618 và rời đi năm 1621. Ông chỉ ở Việt Nam có ba năm thôi nhưng đã viết một cuốn sách về Đàng Trong in năm 1631, trong đó có khá nhiều chữ quốc ngữ như Anam [An nam], Tunchim [Đông Kinh], Lai [Lào], Ainam [Hải Nam, tức đảo Hải Nam], Kemoi [kẻ mọi chỉ dân tộc vùng cao nguyên Trung phần], Sinuua [xứ Hóa tức Thuận Hóa, Huế ngày nay], Ranran [Đà Rằng], Nayre [nài voi], Cò [có]…
Những chữ này được in ra vào năm 1631 nhưng là những chữ mà Borr đã biết từ những năm 1618-1621. Cũng có nghĩa là chữ quốc ngữ đã bắt đầu xuất hiện lai rai từ những năm cuối thập niên 1610 và đầu thập niên 1620. Ngoài ra còn có các giáo sĩ Gaspar Luiz, João Rodrigues, João Roiz, Antonio de Fontes…cũng từng viết những chữ quốc ngữ Latin đầu tiên.
Và những chữ quốc ngữ sơ khai thời ấy còn biết được là:
Ondelim: ông đề lĩnh
Unsai: ông sãi
Ungue: ông nghè
Con gnoo: con nhỏ
Doij: đói
Chiuua: chúa
Da an het: đã ăn hết
Scin mocaij: xin một cái
Dàdèn lùt: đã đến lúc
Chìa: trà
Quignin: qui nhơn
…
Đây là những chữ quốc ngữ khoảng những năm 1618-1621 còn mang đậm dấu ấn đa âm của chữ châu Âu và dấu vết của chữ Ý. Đến năm 1626, đã bắt đầu có “câu” như:
Muon bau christiam chiam?: muốn vào đạo chritiam chăng?
Scin motcaij: xin một cái
Onsaij di Lay; ông sã đi lại
Tuijciam Biet: tui chẳng biết
(theo Nguyễn Thanh Quang, sách đã dẫn)
Nhit la Khaum, Khaum la nhit: nhất là không, không là nhất
Thien chũ xán tí: thiên chủ thượng đế
Những chữ này đều được viết trong các báo cáo, tường trình từ Việt Nam gởi về bề trên ở Macau hoặc Rome.
Đến năm 1632, thì các dấu âm của chữ quốc ngữ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đỗ Quang Chính dẫn từ tài liệu của giáo sĩ Gaspar d’Amaral viết trong bản tường trình gửi cho Bề Trên ngày 31-12-1632 những chữ quốc ngữ có khá nhiều chữ “có dấu âm” như:
Đàng tlaõ: Đàng Trong
Đàng Ngoày: Đàng ngoài
Đàng tlên: đàng trên
Oũ nghè: ông nghè
Nhà thượng đày [nhà thượng đài], nhà ti, nhà hién [hiến], nhà phũ, nhà huyẹn, Vĩnh tộ [niên hiệu Vĩnh Tộ], chúa cả, Thanh đô vương, chúa triết, Kẻ Chợ, yêu nhău [yêu nhau], Thíc ca [Thích Ca]… (lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1650, Đỗ Quang Chính, Tủ sách Ra Khơi, Saigon 1972, trang 36-38).
Đến thập niên 1630, chữ quốc ngữ đã có hình dáng tương đối gần với chữ ngày nay. Song phải đợi đến thập niên 1640 thì hình dáng ấy càng rõ ràng hơn với những câu cú pháp kỹ càng hơn.
Một tài liệu viết năm 1645 được Đỗ Quang Chính trích lại đã có các câu “Tau rữa mầi nhân danh Cha, ùa con, ùa spiristo santo” [Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và Spiristo Santo], ngày nay đọc là “Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và thánh thần.” Hay “Tau lấy tên Chúa, tốt tên, tốt danh, tốt tiếng,” “Blai có ba hồn bãy úia, Chúa bloý ba ngôy nhấn danh [trai có ba hồn bảy vía, chúa Trời ba ngôi, nhân danh]….Rất nhiều chữ đã gần với chữ ngày nay. Và trong các chữ có dấu âm đầu tiên này, có dấu vết của tiếng Quảng Nam rõ rệt như chữ “tau” chẳng hạn. Ngày nay, người Quảng Nam vẫn nói “tau” thay vì “tao.”
Năm 1651-1652, Đắc Lộ in ra hai cuốn sách tiếng Việt là tự điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày.
Đọc lại cuốn Phép giảng tám ngày, cuốn sách văn xuôi chữ quốc ngữ đầu tiên của Đắc Lộ, chúng ta sẽ biết thêm về chữ quốc ngữ thời kỳ đầu.
“ngài thứ nhít.
Ta cầu cũ đức Chúa blời giúp fưc cho ta biét tó tuâng đạo Chúa là nhuẩng nào, vì bậy ta hay ỏ thế này chẳng có ai foú lâu, vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuếi chảng cò nhềo, vì bậy ta nên tìm đàng nào cho ta được foú lâu là kiêm bàng foú bậy”
Ngày thứ nhất
Ta cầu cùng Đức Chúa Trời giúp sức cho ta biết tỏ tường đạo Chúa là dường nào. Vì vậy ta phải hay ở thế này chẳng có ai sống lâu; vì chưng kẻ đến bẩy tám mươi tuổi chẳng có nhiều. Vì vậy ta nên tìm đàng nào cho ta được sống lâu, là kiếm hằng sống vậy.”
Đến cuối thập niên 1650 thì chữ quốc ngữ gần như đã hoàn chỉnh gần với chữ ngày nay. Ông Hoàng Xuân Hãn năm 1959 đã công bố trên tạp chí Đại Học một số bức thư “viết bằng chữ quốc ngữ năm 1659” của một thầy giảng tên là Bento Thiện mà ông tìm được từ các kho lưu trữ ở Paris và Roma. Xin trích một đoạn bức thư của Bento Thiện gửi cho Filippo Marino [1]:
“Rày là ngày Lễ Bà thánh Daria đấng sinh tử [2] vì đạo [3]. Tôi xin vì công nghiệp Bà thánh này mà làm thư này cho đến nơi thầy. Tôi lạy ơn thầy vì Đức Chúa blời [4] mà chịu khó nhọc vậy. Tôi đã làm thư gưởi sang [5] Macao [6] cho thầy. Song le chẳng biết là có ai gưởi cho đến Thầy hay chăng. [7] rày có khách Olande tlẩy về bên ấy mà thầy cả [8] gưởi thư đi bên ấy, thì tôi phải làm một hai mlời sang lạy ơn thầy bvậy, các bổn đạo xứ Đông [9] thì lòng nhớ thầy lắm, một [10] ước ao cho thầy lại đến nước này một lần nữa. Song le nước Annam hãy [11] còn rối chưa có xong, các bổn đạo nhà quê rày xa thầy (,) kẻ thì giữ, kẻ thì bỏ vì chẳng có thầy cả đến giảng tội cho [12]. Những kẻ giảng thì đi thăm dạy dỗ một hai mlẽ [13] bvậy, chẳng bằng có Thầy cả thì hơn (.) Rày thì có hai Thầy cả ở Kẻchợ [14] chẳng dám (đi) đâu, song le bổn đạo mọi nơi hằng [15] có đến liên [16] mà hai Thầy cũng chịu khó giảng tội ban đêm (,) đến gà gáy thì làm lễ cho bổn đạo Comunhong [17] rồi lại ra hết chẳng dám bvào ban ngày (.) Kẻ chịu đạo thì hằng có liên chẳng có khi nải [18] nào mà chẳng chịu đạo.”
Chú thích:
1: giáo sĩ Dòng Tên người Ý, tới Đàng Ngoài năm 1647 bị trục xuất năm 1658. Năm 1671 vô Đàng Trong cho tới năm 1674. Giáo sĩ này viết nhiều sách về lịch sử, chính trị và truyền giáo ở Đàng Ngoài.
2: sinh tử: chết vì tôn giáo
3: dấu chấm câu do ông Hãn thêm vào và nhận định “hình như thời ấy chưa có dấu chấm phẩy” (;).
4: blời: trời, không viết hoa
5: sang: bản gốc viết là “san”
6: Macao: trụ sở của Dòng Tên ở Trung Hoa khi ấy
7: bản gốc đánh dấu phẩy (,)
8: thầy cả: người đứng đầu
9: xứ đông: tức tỉnh Hải Dương ngày nay.
10: Một: ai cũng đều
11: hảy: nguyên văn viết dấu hỏi
12: nguyên văn không có dấu này
13: mlẽ: ông Hãn đoán là lẽ hay nhẽ
14: hai thầy cả: tức hai giáo sĩ người Pháp Onufre Borgès và Joseph Tissanier được chúa Trịnh Tạc cho phép ở lại Việt Nam, còn các giáo sĩ khác đều bị trục xuất
15: hằng: luôn luôn
16: liên: tức luôn ngày nay
17: comunhong: lễ ban bánh và rượu
18: nải: chốc lát, một chút

Trang đầu của ngày thứ nhất trong Phép giảng tám ngày của giáo sĩ Đắc Lộ
(còn tiếp)
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/chuyen-bao-chi-sai-gon-xua-ky-11-tan-da-lam-bao-o-sai-gon/