NGUYỄN THỊ TIÊU DAO
Vào một buổi sáng mùa Đông, một hàng dài người xếp hàng chờ cả giờ trước Vườn Bách thảo Brooklyn ở New York để vào xem và ngửi bông hoa hiếm có, tên tục là “hoa xác chết”. Được biết bông hoa hiếm này chỉ nở một lần sau từ bảy tới mười năm, và cũng chỉ nở trong đôi ba ngày rồi tàn.

Có người tưởng là bước vào phòng kính nơi hoa nở thì sẽ ngửi thấy mùi xác chết. Thực ra, người xem phải ghé thật gần vào miệng hoa thì mới ngửi thấy thoang thoảng mùi mà tùy theo ký ức của khứu giác mỗi người, có người nói giống mùi chuột chết, rau hư, phó mát, hay… ngăn locker chứa đồ đầy mồ hôi trong phòng tập thể thao, hoặc cả… mùi chân bị bệnh hôi.
Tại sao hoa có mùi hôi đó? Nhân viên Vườn Bách thảo Chris Sprindis, người đã săn sóc cho hoa từ khi còn là cây giống nhận được từ Malaysia bảy năm trước, cho biết: “Hoa được thụ phấn do loài côn trùng như ruồi và bọ hung, là loài thường đẻ trứng trên những xác loài vật, và các ấu trùng từ trứng nở phát triển nhờ thịt xác chết. Trong tiến trình đó, chúng vô tình đã giúp hoa thụ phấn vậy.”
Do đấy, mùi như của xác chết của hoa sở dĩ có là vì nhu cầu sống còn vậy. Có tỏa ra được mùi đó thì mới lôi kéo được côn trùng tới để giúp thụ phấn.

Vẫn chuyện mùi của hoa: “Hôm qua ít nhất cũng có mùi chuột chết với một ít tỏi, một ít nhựa cháy,” người dưỡng hoa, anh Sprindis, cho biết. “Hôm nay mùi chỉ thoang thoảng, song vẫn phát ra từng đợt, và tôi cảm thấy giống như mùi pho mát hôi hám, mùi chân hôi.”
Anh Sprindis cũng cho biết thực ra cái ta nhìn thấy không phải chỉ là một bông hoa mà là cả một tập thể hoa (inflorescence), với “bên trong là hàng trăm bông hoa, cả cái lẫn đực.”
Được biết, cũng đồng thời với dân New York có dịp xem và ngửi hoa xác chết vừa nở ở New York, dân Sydney cũng có cơ hội xem tận mắt–nhưng không rõ có được ngửi tận mũi–cụm hoa hiếm này vì cung cách qua đó hoa được ra mắt công chúng khá trang trọng, như trong hình bên dưới.

mấy tiếng tại Royal Botanic Gardens để xem và ngửi hoa xác chết. “Sự kiện là [cây hoa] thật vĩ đại, phải lâu lắm mới chịu nở và mùi thật là hôi đã lôi cuốn người xem,” chuyên gia giám đốc Brett Summerell nói. Hệ thống truyền hình trực tuyến của RBG cũng đã lôi cuốn gần một triệu người vào xem. (Ảnh Reuter)

Nguồn gốc và tương lai của loài hoa xác chết
Tên khoa học của cây hoa xác chết là Amorphophallus titanum và được gọi là bunga bangkai ở Indonesia, nơi nó lần đầu được tìm thấy trong rừng. Bông hoa to lớn này có những cánh hoa màu đỏ thẫm và đường kính có thể dài hơn một mét (3 feet) với cuống nhọn ở giữa có thể cao tới 3 mét (10 feet). Hoa có tuổi thọ cao, 30-40 năm và nở khá hiếm, trung bình 7-10 năm mới nở một lần, sau đó sẽ “ngủ” tới đợt nở lần tới.
Vào cuối thập niên 1870, một nhà thực vật học người Ý tên là Odoardo Beccari đã thu thập hạt giống từ loài hoa xác chết khi đi du lịch qua đảo Sumatra ở Indonesia. Ông đã cung cấp hạt giống của hoa cho Vườn Bách thảo Kew ở Vương quốc Anh, nơi cây titan arum đầu tiên nở hoa bên ngoài nơi cố thổ của cây vào năm 1889. Hạt giống cây titan arum đã tìm đường đến một số vườn thực vật chọn lọc ở Hoa Kỳ, nở hoa lần đầu tiên ở Vườn Bách thảo New York ở Bronx vào năm 1937. Kể từ đó, nhiều vườn thực vật đã thử trồng loài cây hoa này.
Tại sao hoa có mùi hôi? Trong một nghiên cứu nhằm phân tích khí của các nguyên tố hóa học và hợp chất có nguồn gốc từ sự phát hoa của hoa xác chết, thì chất tạo mùi chính gây ra mùi trong giai đoạn nở hoa được xác định là dimethyl trisulfide, một hợp chất có mùi lưu huỳnh phát ra từ một số loại rau, vi sinh vật và vết thương ung thư. Các hóa chất khác bao gồm dimethyl disulfide, có tác dụng tạo mùi tỏi; axit isovaleric, góp phần tạo ra mùi mồ hôi chua; và methyl thioacetate, có mùi hòa quyện giữa tỏi và phô mai.
Nói tóm lại, titan arum tỏa ra một mùi nồng nặc kết hợp giữa vết thương thối rữa, tỏi, pho mát và mồ hôi cũ để thu hút ruồi và bọ cánh cứng cần thiết cho quá trình thụ phấn của nó.
Hiện cây hoa xác chết nằm trong danh sách loại thực vật bị đe dọa tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Có nhiều lý do khiến một loài thực vật có thể trở thành hiếm hoi tại chính nơi cố thổ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng của loài này là do việc khai thác gỗ và chuyển đổi môi trường sống trong rừng nguyên sinh của loài thực vật này sang trồng cọ dầu để xuất cảng sinh lợi. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt cây hoa này vào danh sách bị đe dọa, với ước tính chỉ còn khoảng 1.000 cây trong môi sinh tự nhiên. IUCN ước tính số lượng loài này đã giảm hơn 50% trong 150 năm qua.
Hiện tại, hoa xác chết chỉ được trồng bởi các chuyên gia trong các vườn thực vật và vườn ươm đặc sản bên ngoài phạm vi cố thổ của chúng. Loài cây này đòi hỏi lượng phân bón dồi dào, phòng có nhiều nắng hoặc nhà kính có trần cao ít nhất 30 foot để ra hoa.
Dù thích hay không thích hoa hôi thay vì thơm, mỗi khi nghe có nơi đã thành công trong việc dưỡng hoa và được hoa nở như cười với đời một lần sau nhiều năm ngủ yên, dù chỉ trong một tới hai ngày ngắn ngủi, nhiều người vẫn không quản ngại xếp hàng hàng nhiều giờ để vào xem và ngửi hoa một lần cho biết. Các nhà vườn cũng đồng thời đặt máy thu hình và trực tiếp truyền đi cho khách phương xa không tới được, xem cho đỡ thèm con mắt, nhưng ngửi được mùi hôi tăm tiếng này thì chắc phải chờ kỹ thuật một ngày nào đó làm bước nhảy vọt và chuyển được cả mùi hay vị qua thế giới ảo.
Năm 2004, khi người viết nghe tin vườn thực vật của đại học UC Davis ở Bắc Cali thành công trong việc gầy một cây titan arum nở hoa, nên đã không quản ngại lái xe cả tiếng tới ngắm/ngửi hoa, như trong băng hình bên dưới.

Du khách nào may mắn lắm thì sẽ được nhìn thấy hoa nở ngoài thiên nhiên, như nhóm người trong phim ngắn bên dưới.

Similar articles: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/len-rung-nghe-cay-tam-su/