Những điều để nhớ trong mỗi chuyến đi

by Tim Bui
Những điều để nhớ trong mỗi chuyến đi

KIỀU MỸ DUYÊN

Kiều Mỹ Duyên thăm núi Bà Đen, Tây Ninh, ngày 9/12/2024

Lâu quá rồi, mười năm trở lại Việt Nam, tôi gọi thăm mười người bạn ngày xưa học cùng lớp, trường Trưng Vương, Văn Khoa, Luật Khoa, người thì trả lời mẹ con đã qua đời, người thì trả lời bà ngoại con đã chết lâu rồi. Ở Việt Nam, người qua đời nhanh hơn ở Mỹ? Cuộc sống nhiều lo âu, khí hậu không tốt, thức ăn không tinh khiết, ra đường hồi hộp, không biết mình còn mạng để trở về nhà. Lối chạy xe ở Việt Nam làm cho mọi người dễ bị đau tim, nhất là những người ở xứ rất trật tự như ở Mỹ. 

Về Việt Nam, người nào cũng có thể bị đau tim.

Vừa về Việt Nam, tôi đến nhà cô em, Phú Mỹ Hưng, để hành lý, ăn một chút rồi đi. Tài xế rất giỏi, ở đâu cũng tới, đường nào cũng biết. 

Sài Gòn bây giờ đông người quá, so với mười năm về trước, những tòa nhà chọc trời đâu có thua gì ở Mỹ, nhưng than ơi, ban đêm trên vỉa hè, quán bia đầy ngập, người trẻ, nam, nữ ngồi vỉa hè hút thuốc, uống rượu. Một xã hội mà ban đêm người trẻ không đi học, chỉ hút thuốc, uống bia thì bệnh viện phải mở rộng để chữa bệnh ung thư, ung thư cổ họng, ung thư phổi, chắc chắn như vậy rồi.

Chợ Cầu, quận Hóc Môn có trung tâm huấn luyện Quang Trung, bây giờ không còn nữa, chúng tôi tìm kiếm trường Lý Thường Kiệt, trường Văn Hóa Quân Đội và nhà thờ ở giữa hai trường công này không còn. Bây giờ là siêu thị, là cơ sở thương mại sầm uất. Lòng tôi bùi ngùi, muốn khóc.

Ngày xưa, tôi học trường Lý Thường Kiệt, sau này dạy trường Văn Hóa Quân Đội, cả hai trường rất nổi tiếng với học sinh rất giỏi.  Than ôi, vật đổi sao dời, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung với sân banh rất lớn, đã từng được tổ chức thi hoa hậu ở đây, và buổi sáng thứ Bảy nào, tân binh quân dịch cũng diễn hành ở sân vận động và đi ngang qua nhà thờ và hai trường trung học lớn này, không còn nữa. Các thầy cô của hai trường này đa số không còn, đã qua đời, học sinh thì tứ tán khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi chạy xe qua lại nhiều lần ngôi trường cũ, nhà thờ thân yêu, mà không tìm được dấu vết gì của ngày xưa. Buồn ơi là buồn. Không phải một mình tôi buồn mà học trò của chúng tôi cũng rớt nước mắt khi nhớ về ngôi trường thân yêu không còn nữa.

Xã Trung Chánh, nơi ở của nhiều người Bắc di cư, những ngôi nhà nho nhỏ dễ thương ngày xưa bây giờ biến thành cơ sở thương mại. Cô Thắm, cô Kiểm là những cô giáo dễ thương dạy chúng tôi tiểu học. Bây giờ học trò muốn tìm cũng không được vì nhà của các cô đã bị che khuất bởi những cơ sở thương mại đồ sộ. Người Bắc di cư thập niên 50 bây giờ tị nạn khắp nơi trên thế giới. Người Bắc đi đâu cũng thành công nhờ chịu khó, cha mẹ, con cái ở chung với nhau, anh em đùm bọc lẫn nhau, thương yêu nhau, làm gì chẳng được chứ?

Tôi muốn thăm Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở quận Hóc Môn thân yêu của chúng tôi, gần xa lộ Đại Hàn, làng Tân Thới Hiệp thân yêu nơi có bãi tập cho tân binh học tập, là một trong 12 làng quận Hóc Môn của 18 thôn vườn trầu, có anh hùng Nguyễn An Ninh chống Pháp. 

Khi trở lại Sài Gòn, ngoài thăm những ngôi chùa ở Sài Gòn, chúng tôi đến Phú Cường, Bình Dương, thăm mộ ông cố, người từ miền Trung vào Nam lập nghiệp và thành công ở đất miền Nam. Năm ngôi nhà tổ bỏ trống vì hầu hết đi tị nạn ở Hoa Kỳ, chỉ còn một người chị ở lại.

Bỗng dưng tôi cảm thấy thương chị họ ở lại chăm sóc mồ mả ông bà. Tôi là dòng thứ sáu của dòng họ, các anh, các chị ở Mỹ, chỉ có bà chị họ thứ tám và con của chị ở lại, mở trường dạy học, dạy các em bé, con của người trong làng.

Kiều Mỹ Duyên thăm trường mẫu giáo nơi chị Tám mở ra dạy cho trẻ em trong làng, Bình Dương, ngày 7/12/2024

Ngày xưa, xung quanh nhà tổ, nhiều cây ăn trái: dứa, mãng cầu, măng cụt và nhiều thứ trái cây khác, bây giờ chỉ là cỏ. Mồ mả ông bà của năm đời. Bên kia đường là khu du lịch giải trí Đại Nam. Họ muốn mua đất của ông bà chúng tôi nhưng các bác không bán, để lại cho con cháu. Bây giờ các cháu đi định cư ở Hoa Kỳ, chỉ còn một ít ở lại để giữ mồ mả tổ tiên.

Khi về Việt Nam, tôi mang hai vali thật to trong đó là quà tặng cho bà con, những thứ thuốc cần thiết để dùng hàng ngày, nhức đầu, sổ mũi, thuốc cảm, thuốc cao mỡ, cao máu, tiểu đường, …, để tặng cho người lớn tuổi, nhất là tặng cho người ở trong rừng sâu, núi thẳm, xa thành phố, ngoài ra còn có chocolate, và nhiều thứ khác, hành trang cả nhà chỉ có một vali nhỏ.

Khi trở về, tài sản của tôi, quà được tặng cũng hai vali lớn đủ thứ quà, nhưng quà nhiều nhất là sách. Ngày đầu tiên đến Việt Nam, ngay buổi chiều hôm đó, tôi được Đức Cha Nguyễn Thái Hợp tặng sách. Những quyển sách có giá trị như: Để họ lớn lên, Việt Nam dấu yêu, Quê hương và Giáo hội, chính ngài viết và viết tặng cho chúng tôi. Rồi từ đó, ngày nào chúng tôi cũng được tặng sách. Nhìn vào tủ sách nào tôi cũng nhìn một cách say mê, nhìn từng cuốn sách, từng bìa sách, nhìn tên tác giả. Đi đến đâu tôi cũng được tặng sách, đến Quy Hòa, tôi cũng được tặng sách của cha linh mục hưu trí, đến Gia Lai, tôi cũng được tặng sách, rồi đến Kontum, tôi được tặng sách của Đức Cha Nguyễn Hùng Vị, của cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, là “Để hiểu biết và áp dụng tông huấn Amoris Laetitia.” 

Đức Ông Nguyễn Văn Phương ký tặng sách cho Kiều Mỹ Duyên tại nhà thờ Phường Tư, tỉnh Vĩnh Long, ngày 7/12/2024

Chúng tôi đến Vĩnh Long thăm Đức Ông Nguyễn Văn Phương. Ngày xưa, Đức Ông làm chánh văn phòng bộ truyền giáo ở Vatican. Sau này hưu trí, Đức Ông về Việt Nam dạy học. Chúng tôi đến thăm, Đức Ông đang ở nhà thờ. Tất cả lối đi vào nhà thờ đều có cây ăn trái, hoa lá rực trời. Có một linh mục trẻ từ San Jose đến làm việc xã hội, làm cho tổ chức Caritas (Caritas là tiếng La Tinh, có nghĩa là bác ái, tình yêu thương rộng lớn. Caritas là tổ chức trong Giáo hội Công giáo có nhiệm vụ điều phối, cổ võ việc thực thi bác ái xã hội.) Đức Ông Phương tặng tôi sách “Chúa nói gì với tôi hôm nay” quyển 1 và 2. Lúc đầu mới về Việt Nam, Đức Ông cũng gặp khó khăn nhưng dần dần thì quen.

Chúng tôi đến thăm thầy Hạnh Viên, nơi thờ thầy Tuệ Sỹ, là một nhà sách, nơi nào cũng thấy sách. Thầy Hạnh Viên tặng tôi rất nhiều sách thầy Tuệ Sỹ viết, nhiều người viết về thầy Tuệ Sỹ. Sau đó, chúng tôi đi thăm thầy Nguyên Giác ở chùa Già Lam. Thầy Nguyên Giác tặng cho chúng tôi “Thể Nhập Chánh Pháp Lăng Già”, dịch, luận giải, chú thích. Chúng tôi thăm thầy Trí Siêu, tức giáo sư Lê Mạnh Thát. Thầy tặng cho chúng tôi nhiều sách.

Đối với tôi, sách là món quà quý giá nhất trên trần gian này. Thức ăn, ăn rồi cũng hết nhưng sách và tư tưởng của người viết sách vẫn còn ở đây, còn trong đầu, trong não của người đọc. Sách đọc xong, tôi thường tặng cho thư viện Mỹ, thư viện của các trường đại học, hay thư viện của thành phố. Các thư viện cần sách lắm. Nếu thư viện của quốc hội Hoa kỳ không tồn trữ những bài phóng sự của chúng tôi trong thời gian chiến tranh mùa hè đỏ lửa thì làm sao chúng tôi có tài liệu để in hồi ký “Chinh Chiến Điêu Linh” của Kiều Mỹ Duyên chứ?  

Tôi rất quý sách, thích đọc sách từ lúc nhỏ như: Tam Quốc Chí, nhân vật Khổng Minh, Vô Kỵ của Kim Dung. 70 năm trước đọc những quyển sách này, hơn nửa thế kỷ đọc lại vẫn thấy hay như thường.

Viết về sách, viết về những vị lãnh đạo tặng tôi sách, như một lời tri ân, nhớ ơn, biết ơn những tác giả đã tặng sách cho tôi. Tôi đọc từng trang sách, từng dòng, ngồi trên xe, trên máy bay, nơi nào tôi cũng có thể đọc sách một cách say mê.

Mong được tặng sách hơn tặng tiền. Nếu không đọc sách thì óc mình sẽ nghèo, khi đã nghèo rồi muốn giàu cũng khó lắm. Mong quý đồng hương người nào cũng say mê đọc sách và mong những vị học giả vẫn tiếp tục viết sách một cách say mê như người đọc sách. Sách quý vị tặng, tôi cũng trân trọng như châu báu.

Orange County, 2/2025
(kieumyduyen1@yahoo.com)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/dai-hoi-quan-nhan-nguoi-my-goc-viet-2024-tai-orange-county-california/

You may also like

Verified by MonsterInsights