NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Tối hôm đó, Kim Liên bước ra khỏi căn nhà tắm nhỏ cạnh bếp, nơi nàng đã tắm rửa và mặc bộ quần áo rộng rãi để sửa soạn đi ngủ. Mái tóc không buộc của nàng buông xõa, dài đến tận cuối lưng.
Cả nhà đang ngủ say, với nhiều tiếng ngáy lớn phát ra từ phía nhà kho nơi những người lính đang tạm ở. Nàng nghiến răng, hy vọng rằng mình sẽ không nghe thấy những tiếng động kinh tởm ấy khi về đến giường ngủ. Đột nhiên, ngay trước khi vào nhà chính, nàng nhìn thấy vài bóng đen xuất hiện ở bên phải của mình.
Trước khi Kim Liên có thể hét lên hay nói bất cứ điều gì, một bàn tay đã bịt chặt miệng nàng trong khi cả hai cánh tay nàng bị ghì chặt xuống. Những người đàn ông ra tay trong sự im lặng, và chẳng mấy chốc đã trói nàng vào một trong những cột đỡ mái nhà kéo dài từ ngôi nhà chính đến nhà bếp. Một mảnh vải che ngang miệng nàng trước khi bị buộc chặt lại phía sau gáy. Hoảng sợ và run rẩy, nàng nhìn những người đàn ông tiến về phía nhà kho.
Kim Liên nghĩ sẽ có một cuộc giao chiến hoặc ít nhất là một sự hỗn loạn nào đó khi bọn cướp đi vào nhà kho. Nhưng nàng kinh ngạc nhận thấy không có gì xảy ra trong một thời gian khá lâu. Cuối cùng, bọn đàn ông quay trở lại, mỗi người mang theo súng trường hoặc những gói khác mà nàng không quen thuộc. Vừa ra khỏi cửa nhà kho, họ chạy về phía sau, nơi nàng biết có cổng ra vườn và ruộng ở sau nhà.
Sau cùng, một người đàn ông khác, cư xử như một vị lãnh đạo, bước ra. Hắn đi thẳng đến chỗ nàng. Trong bóng tối, nàng nhìn thấy mặt của hắn được che bằng một miếng vải đen giống như những người kia. Hắn nhanh chóng cởi trói cho nàng nhưng vẫn để nàng bị bịt miệng và không chạm vào những sợi dây trói còn lại quanh hai cánh tay và ngực của nàng.
Hắn kéo nàng lên một cách dứt khoát, rồi bắt đầu bước đi, kéo nàng theo sau bằng một trong những sợi dây trói. Nàng rên rỉ nhưng không phát ra âm thanh nào, và nàng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo hắn, như một con trâu vụng về đi theo chủ. Nàng cố lê chân để làm tên cướp chậm lại, nhưng hắn giật mạnh hơn. Khi nàng vấp ngã và lao người về phía trước, hắn quay lại và giữ vững nàng bằng một cánh tay. Hắn lắc đầu không nói lời nào, trong tay đột nhiên xuất hiện một con dao găm. Chỉ bằng một động tác, hắn cho nàng hiểu rằng hắn sẵn sàng cắt cổ nàng nếu nàng không lặng lẽ đi theo hắn. Sau đó hắn quay về phía trước, giật dây trói mạnh hơn nữa, và dẫn nàng vào màn đêm.
***
Mãi đến giữa buổi sáng, cả nhà cuối cùng cũng thức dậy và phát hiện ra hai điều kinh hoàng: hầu hết súng ống và đạn dược của những người lính hộ tống quan Tuần Phủ đã biến mất, và không ai thấy Kim Liên ở đâu. Quần áo của nàng, những thứ nàng đã thay trước khi đi ngủ, nằm rải rác gần một cột nhà. Bốn trong số những con gà mái do dân làng đóng góp cho bữa ăn trong ngày đã biến mất.
Quan Tuần Phủ nổi giận lôi đình. Ngài quở trách Đại Úy Duẩn trong khi các người lính đi khắp các hướng để tìm kiếm Kim Liên và vũ khí bị mất tích. Có nhiều vết chân trên những con đê nhỏ ngăn cách những cánh đồng phía sau nhà, nhưng có thể những người nông dân dậy từ lúc mặt trời mọc để đi làm ruộng đã tạo ra những vết chân đó.
Xã Long, quen đối phó với các cuộc khủng hoảng, đã kiềm chế được cơn tức giận của mình và bắt đầu đảm nhận vai trò xã trưởng. Hắn không để ý đến bà vợ đang khóc than thê thảm. Thấy con trai mình không quen hành động quyết đoán, hắn đã nắm lấy vai chỉ huy.
Hắn cử người giúp việc đi gặp những danh nhân trong làng, kể cả anh thầy giáo làng, cũng như những thương nhân, chủ đất và những người thuê đất của hắn để canh tác. Hắn yêu cầu họ hỏi han người quen biết để tìm ra những kẻ bắt cóc là ai và, nếu có thể, đã đi đâu rồi.
Xã Long ra lệnh cho mọi người trong làng phải đi khắp bốn phương để tìm kiếm con gái của hắn. Họ lấy làng làm trung tâm và đi ra càng xa càng tốt.
Những người tìm kiếm đi từ nhà này sang nhà khác để hỏi xem có ai nghe thấy hoặc nhìn thấy gì vào đêm hôm trước không. Nhưng những âm thanh và cảnh tượng duy nhất được nhớ đến nhiều nhất là từ bữa tiệc ồn ào và những vị khách say sưa khi ra khỏi nhà ông xã trưởng.
Các người tình nguyện đi khắp nơi, kể cả các làng xung quanh để hỏi bất cứ ai mà họ nhìn thấy. Tin đồn lan truyền nhanh chóng khi mọi người tập hợp thành từng nhóm nhỏ để trao đổi tin tức, thực tế hay tưởng tượng. Có người đoan chắc rằng cô con gái của Xã Long đã chạy trốn theo phong trào Cần Vương, mang theo một nửa số binh lính cùng với vũ khí. Người khác thì biết Kim Liên có người yêu trong quân Cờ Đen và đã đi lên miền núi giáp ranh với tỉnh về phía Tây Bắc. Khi đến tai Xã Long, các tin đồn càng phức tạp và càng xa sự thật hơn nữa.
Ngay khi được tin, Thầy Tâm cho trường làng nghỉ một ngày. Sau khi bảo các em nhỏ về nhà, chàng yêu cầu các học trò lớn cùng chàng tham gia cuộc tìm kiếm. Trước khi bắt đầu, chàng đi vòng quanh trường và nhìn khắp các hướng để xem những người lính và người dân trong làng đã đi những đâu. Họ có mặt ở khắp mọi nơi, một số người trong làng đi từ nhà này sang nhà khác, những người khác ra ngoài đường chính, và nhiều người ở xa hơn nữa đang có những cuộc trò chuyện sôi nổi với những dân làm ruộng.
Đằng xa về phía Tây, cặp vợ chồng lao động cần cù nhất đang gánh những thùng phân đêm, bước đi vững chãi và nhịp nhàng về phía cánh đồng của họ. Như thường lệ, không có ai theo họ, và chắc họ không hề biết về cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong làng. Tâm tự hỏi liệu có ai nghĩ đến việc hỏi hai kẻ đó không. Vì họ là một trong những người đầu tiên trong làng thức dậy để làm công việc của mình, có thể nào họ đã nhìn thấy một cái gì đó, bất cứ cái gì, có liên quan đến vụ bắt cóc con gái Xã Long?
Một cảm giác lo ngại bắt đầu xâm chiếm trong lòng Tâm. Chàng bảo các học trò của mình lập thành nhiều nhóm nhỏ trước khi phân tán ra khắp làng. Học trò làm chuyện đó rất nhanh và ra đi ngay. Tâm theo dõi họ bằng mắt một lúc trước khi chàng đi về hướng mà chàng đã nhìn thấy hai người nông dân canh tác vàng. Hai vợ chồng lúc đó chỉ là những chấm nhỏ ở phía chân trời.
Mặc dù chàng sung sức và bước đi nhanh nhẹn nhưng Tâm vẫn khó đuổi kịp mục tiêu của mình. Chàng đi theo những con đê chia cách các thửa ruộng, ngoằn ngoèo qua biển xanh của những cây lúa nhấp nhô, cố gắng không để mất dấu cặp vợ chồng. Nghe thấy tiếng bước chân đằng sau, chàng quay lại thì thấy Thi đang vội chạy theo. Chàng dừng lại và đợi cô học trò.
“Thưa Thầy, để em đi với Thầy,” Thi nói khi đuổi kịp chàng.
“Em có chắc không? Thầy đi nói chuyện với cha mẹ Chính đằng kia kìa.”
Nàng gật đầu, nhớ đến chàng trai vạm vỡ và vui vẻ học trước nàng vài năm ở trường làng. Kể từ khi Chính bỏ học và bỏ làng cách đây vài năm, nàng đã không nghĩ nhiều về anh đó.
“Được rồi,” Tâm nói. “Chúng ta sẽ đi thật nhanh để cố gắng đuổi kịp người ta.”
Lúc Tâm và Thi đến nhà, hai vợ chồng nàng Cơ đã chất đồ xuống ruộng, rồi vội vàng rửa tay chân để chuẩn bị đón hai người mà họ nhìn thấy đang đi về phía họ. Dân làng ít khi đến gần họ, và họ hoàn toàn không chuẩn bị gì cho người thầy giáo làng mà họ đã không gặp trong mấy năm vừa qua. Cô gái trẻ xinh đẹp đi cùng Thầy Tâm trông hơi quen, có lẽ là người trong làng, nhưng họ không biết từ gia đình nào.
Cả hai dường như không bận tâm đến mùi nồng nặc tràn ngập khu vực, hoặc ít nhất là họ không cho thấy điều đó. Đứng trước cửa nhà, hai vợ chồng cung kính cúi đầu chào Thầy Tâm. Người chồng trông trẻ hơn vợ cao gần bằng anh ta. Mặc dù Cơ rõ ràng là lớn tuổi hơn chồng, nhưng khuôn mặt của nàng rất dễ nhìn và nàng cười vui vẻ khi lên tiếng trước.
“Thưa thầy, chúng em rất mừng thầy đến thăm chúng em. Chúng em có thể giúp thầy điều gì không?”
“Trong làng đã có một chuyện quan trọng xảy ra,” Tâm đáp. “Có thể anh chị chưa nghe thấy, nhưng con gái của ông xã trưởng đã mất tích và mọi người đang đi tìm kiếm cô ấy. Những người lính tháp tùng quan tuần phủ cũng cho biết họ bị trộm mất một số vũ khí và đạn dược.”
Anh chưa kịp nói tiếp thì người vợ tái mặt và bất chợt nắm lấy cánh tay chồng. Người chồng ngượng ngùng nhìn đi chỗ khác, không dám nhìn vào mắt ông thầy giáo làng. Cặp vợ chồng đứng chôn chân tại chỗ, im lặng và lo lắng, vẻ mặt của hai người biểu lộ nỗi sợ hãi bao trùm lấy họ. Tâm khẽ quay sang một bên nhìn về phía những ngôi nhà trong làng trải dài từ Bắc đến Nam. Thi liếc nhìn cặp vợ chồng, rồi nhìn Tâm, và nàng hầu như đã đoán được gần hết sự thật.
Từ lâu nay Tâm nghe đồn học trò cũ của mình đã tham gia đảng cướp hỗn hợp với tàn quân Cờ Đen đóng ở vùng rừng núi gần đó. Ban đầu, chàng không tin nhiều vào những lời đồn ấy. Chàng nghĩ một con người có học sẽ không bao giờ trở thành quân thổ phỉ. Vũ Văn Chính tuy bỏ học sớm nhưng có đầu óc tốt và tính tình đôn hậu.
Chính xuất thân từ một gia đình nghèo trong làng nhưng cha mẹ anh thật thà, chịu khó làm ăn, sẵn sàng cho con trai học trường làng chứ không muốn nhờ anh gánh vác công việc. Cả Tâm và cha chàng trước đó đều từ chối nhận học phí hay bất cứ đóng góp hiện vật nào từ gia đình Chính và cho phép con trai họ đến trường học miễn phí. Chính học giỏi và tương lai có triển vọng khá tốt đẹp. Bỗng một hôm Chính không đến lớp nữa, và ngay sau đó những tin đồn bắt đầu xuất hiện. Trong một ngôi làng nhỏ, hầu hết các tin đồn bao giờ cũng có một phần sự thật.
Giờ đây, phản ứng của cả cha mẹ Chính sau khi Tâm chưa nói với họ những gì đã xảy ra đêm hôm trước chỉ có thể xác nhận nỗi lo âu nhất của chàng. Tâm quay sang phía người mẹ.
“Chị phải cho tôi biết Chính có liên quan như thế nào với chuyện mất tích của con gái ông xã trưởng. Tôi cần biết sự thật để xem có cách nào tôi có thể giúp chị được.”
(Còn tiếp)
Thầy Giáo Làng kỳ trước: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-36/