Theo báo Người Lao Động ngày 20-2 cho biết, nhiều công nhân lao động phải làm việc đến 20, 21 giờ/ngày để có thể đủ sống. Đơn cữ trường hợp chị Kim H., công nhân khu chế xuất Tân Thuận với mức lương 7 triệu đống/tháng, từ nhiều năm nay phải làm việc quá 10 tiếng đồng hồ/ngày mới đủ trang trải chi phí cuộc sống. Chị H. tâm sự: “Cày cục gần 8 năm, tôi mới trả hết nợ. Giờ thì cố gắng làm lụng để con gái có cuộc sống tốt hơn“. Chị bày tỏ mong muốn tiền lương sẽ cải thiện để bản thân giảm bớt công việc và có thời gian chăm sóc con cái.
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (quận Tân Phú, TP HCM), nhìn nhận tiền lương thấp kéo theo những hệ lụy. Theo bà Thảo, hằng năm, Chính phủ đều có Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động ở các vùng lãnh thổ. Điều này người lao động rất mong đợi dù biết rằng mức lương tối thiểu này còn rất thấp, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Hiện tại, theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 tại vùng 1 là 4,96 triệu đồng/tháng. Mức lương này không bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.
Do đó, người lao động muốn đảm bảo cuộc sống thì bắt buộc phải tăng ca tới 20, 21 giờ/ngày. Lúc nào cũng miệt mài với công việc thì họ không thể tiếp xúc với đời sống xã hội. “Tôi mong muốn, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ quan tâm hơn đến việc điều chỉnh lương tối thiểu, làm sao cho lương tối thiểu phát huy đúng vai trò của nó là đáp ứng các nhu cầu sống tối thiểu của công nhân. Nếu công nhân đã ra sức tăng ca thì khoản tiền tăng ca đó phải là tiền dư ra của họ để sắm sửa nhà cửa, trang thiết bị phục vụ cuộc sống” – bà Thảo đề xuất.