Dù đã có rất nhiều ý kiến về giá cả dịch vụ ăn uống trong phi trường Tân Sơn Nhất từ nhiều năm nay, nhưng hình như “không ai nghe” dù ai cũng biết! Ai từng đi máy bay từ Sài Gòn hẳn đã không quá lạ với việc một tô phở lèo tèo vài lát thịt có giá trên dưới 100.000 đồng, một ổ bánh mì hơn 50.000 đồng, hay một chai nước suối có giá 35.000 – 40.000 đồng. Phải chăng là phi trường nên giá phải ‘trên trời’?
Mảng dịch vụ nhà hàng, ăn uống tại phi trường vẫn đang là “con gà đẻ trứng vàng”.
Thật ra, những hành khách thường đi lại bằng máy bay, hẳn không quá xa lạ với việc một tô phở lèo tèo vài lát thịt có giá trên dưới 100.000 đồng, một ổ bánh mì hơn 50.000 đồng, hay một chai nước suối 500ml có giá 35.000 – 40.000 đồng ở bên trong phi trường.
Trong khi đó ở bên ngoài, chỉ với 50.000 đồng là mua được một tô phở ngon hơn hay một chai nước cùng dung tích giá chỉ 5.000 – 10.000 đồng.
Với những hành khách đi lần đầu hoặc vài năm mới đi một lần hẳn sẽ rất “choáng” với mức giá được các hàng quán trong phi trường niêm yết. Nếu thật sự có nhu cầu, hành khách buộc phải bấm bụng móc túi ra trả dù biết mức giá như thế là rất bất hợp lý. Bởi không còn cách nào khác khi qua cửa an ninh thì tất cả đồ ăn, thức uống đều buộc phải bỏ lại.
Có ý kiến cho rằng giá cả đã được niêm yết đàng hoàng, thuận mua vừa bán. Cũng có ý kiến cho rằng phi trường là chỗ “sang chảnh”, bên trong không có nhiều hàng quán để lựa chọn như bên ngoài, cộng thêm giá đấu thầu cao nên phải có giá bán tương ứng.
Thật ra, phi trường cũng là nơi trung tâm vận chuyển hành khách, hiện đại và sạch sẽ hơn so với các nơi trung chuyển khác. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thức ăn, nước uống có giá cao gấp hàng chục lần so với giá bên ngoài. Càng không thể lấy lý do ít hàng quán hơn để rồi “chặt chém” và càng không thể bao biện rằng do giá đấu thầu cao nên đẩy phần chi phí này vào giá bán cho người tiêu dùng.
Nếu vì lý do này thì hơn ai hết, chính lãnh đạo quản lý các phi trường và chủ các hàng quán phải ngồi lại để thỏa thuận một mức giá đấu thầu “dễ chịu” hơn. Và nếu đã thấy bất hợp lý mà không tìm cách để đưa về mức giá hợp túi tiền hành khách thì rõ ràng cần phải xem lại.
Đáng nói là các cơ quan chức năng cũng đã không ít lần ra công văn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh tình trạng này nhưng mọi thứ vẫn không có chuyển biến gì, thậm chí là giá cả còn có xu hướng “té nước theo mưa” theo các mức giá khác để tăng lên. Hoặc có nơi còn lấy một khảo sát từ nước ngoài nào đó, cho rằng giá cả ăn uống tại phi trường Tân Sơn Nhứt là rẻ nhất (?!).
Nhìn ra một số phi trường quốc tế lớn như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), Tokyo – Haneda (Nhật Bản), không khó để nhận ra, giá cả các hàng quán trong và ngoài phi trường chênh nhau không nhiều, tính ra chỉ vài ngàn đồng (tiền Việt Nam), hoặc thậm chí là giá không khác nhau. Vậy nên, thật khó chấp nhận việc thức ăn nước uống tại các sân bay Việt Nam cao gấp 3-5 lần so với mức giá bình quân bên ngoài.
Hành khách càng khó chấp nhận hơn khi tình trạng diễn ra nhiều năm, giá năm sau nhúc nhích đi lên so với năm trước mà chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt và đưa về đúng mức của nó?
Trong khi đó các đơn vị kinh doanh vẫn báo lãi “khủng” với dịch vụ ăn uống trong phi trường. Hay do phi trường nên mọi thứ cũng phải có giá “trên trời”?!