TRẦN NHẬT VY
Hai mươi năm đầu thế kỷ 19, hoạt động của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam khá thoải mái. Nhiều nhà thờ, xứ đạo phát triển khắp cả nước. Tất nhiên, các mâu thuẫn văn hóa trong đời sống giữa con chiên và những người ngoại đạo ở nhiều nơi, nhiều chỗ là không thể tránh khỏi.
Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi thì việc cấm đạo được “lật lại” và ngày càng căng thẳng hơn. Trong thời kỳ này, từ Minh Mạng trở đi, số thừa sai và giáo dân bị giết có đến và chục ngàn người! Thời Minh Mạng việc cấm đạo Thiên Chúa được cho là “tàn khốc” nhất trong hơn hai trăm năm Bách đạo ở Việt Nam.
Năm 1816 Gia Long không nghe lời can ngăn của các đại thần đã chọn Hoàng tử Đảm làm thế tử. Từ khi được chọn làm thế tử, Hoàng Tử Đảm đã tỏ ra không ưa thích các thừa sai. Năm 1819 trước khi từ trần, Gia Long để lại di chúc cho Minh Mạng trong đó có câu Đạo Thiên Chúa, đạo Nho và đạo Phật đều tốt cả. Không được phép bách hại đạo nào vì sẽ gây ra các vụ rối loạn trong nước, có khi làm mất nước nữa.
Khi lên ngôi, Hoàng tử Đảm lấy hiệu là Minh Mạng, khôn khéo trong đối xử với các đại thần để củng cố ngôi vị. Song ông tỏ rõ việc không ưa đạo Thiên Chúa nên các ‘đại thần người Pháp” từng cùng Gia Long vào sanh ra tử, dù có gia đình yên ấm ở Huế, đã lần lượt từ bỏ chức vụ trở về Pháp.
Từ năm 1822, Minh Mạng đã có lệnh không cho các cố đạo Tây phương đi theo các tàu buôn được nhập cảnh. Năm 1825, Tàu Thétis đến buôn bán có chở theo linh mục Regéreau nhưng không được phép xuống tàu vào đất liền. Ban đêm giáo dân lén lút giúp ngài trốn xuống, nhưng sau đó bị lùng bắt nghiêm nhặt. Trong khi đó, ở Nam kỳ do “ngán” Thượng công Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định Thành và danh nghĩa là cha nuôi, nên Minh Mạng để các thừa sai hoạt động thong thả. Xin được nhắc lại, Gia Định Thành khi ấy là vùng đất kéo dài từ giáp Bình Thuận đến chót mũi Cà Mau; còn thành Gia Định là cái thành do Nguyễn Ánh xây dựng nay thuộc trung tâm Sài Gòn.
Sau khi Lê Văn Duyệt chết thì Minh Mạng không còn sợ ai nữa, ra lệnh bắt đạo và giết các đạo trưởng. Ông chia Gia Định Thành ra thành Nam Kỳ Lục Tỉnh và cử các thân tín của mình vào làm Bố Chánh. Những Bố chánh này làm đủ mọi tội ác khiến Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt phải đứng lên nổi loạn và chỉ trong vòng một tuần lễ, Khôi đã chiếm được toàn bộ Nam kỳ. Theo chính sử nhà Nguyễn, thì vụ Khôi nổi loạn có sự giúp đỡ của giáo dân và các cố đạo Thiên Chúa. Do vậy mà sau đó Minh Mạng nặng tay hơn trong việc bách đạo.
Trước năm 1835, Minh Mạng đã đề nghị Thừa sai Jaccard và Odorico ký vào bản hiệu triệu viết sẵn, kêu gọi người có đạo tại miền Nam phản lại Khôi. Hai thừa sai đã không ký, và nói rằng các ngài viết thư riêng. Trong thư, Thừa Sai Jaccard đã nêu gương anh dũng của các thừa sai đổ máu ra vì đạo chứ không làm giặc, và nhắc nhở giáo dân những hậu quả không những họ phải chịu mà những người đồng đạo phải liên lụy. Nhưng Minh Mạng không hài lòng, tự ý viết một thư lấy danh nghĩa thừa sai gửi đi. Tuy nhiên giáo dân đã không tin và lá thư không gây được kết quả nào. Cha Jaccard và Odorico bị đày sang Ai Lao.
Ngày 8/9/1835 quân của triều đình chiếm được thành Gia Định, bắt được sáu người đứng đầu và 1994 người khác. Hai chục ngày sau tất cả những người này bị tàn sát, còn các lãnh tụ và Cố Marchand Du bị giải về kinh. Những người bị tàn sát và chôn trong nhiều hố tại Đồng Tập Trận, khu vực ngày nay nằm trong giới hạn các con đường Cách Mạng Tháng Tám – Cao Thắng – Điện Biên Phủ – 3 tháng Hai. Ngay khi được tin binh triều chiếm được thành, Minh Mạng ra một tuyên cáo cho dân chúng biết đã bắt được sáu lãnh tụ, trong đó có đạo trưởng Tây Marchand và sáu giáo dân.
Từ đầu năm 1836 đã có lệnh “cấm các tàu buôn không được đến các cửa biển ngoại trừ cửa Hàn. Quan coi cửa biển này phải nghiêm mật trông chừng tất cả mọi người nước ngoài đến đây buôn bán. Phải có phép quan trước mới được xuống đất để buôn bán và suốt trong thời gian này phải có người theo dõi, không được tách rời dù trong bất cứ người đặc biệt nào. Khi họ đã buôn bán xong phải kiểm điểm số người trước khi dẫn lên tàu. Nếu có người nào tìm cách trốn ở lại sẽ bị bắt ngay và phải xử tử. Còn các tàu buôn người Trung Hoa có thể đến tất cả các cảng khác, nhưng vừa tới sẽ bị khám xét ngay và nếu trên tàu có đạo trưởng Âu Tây sẽ bị bắt và xử tử. Các đạo trưởng Âu Tây bắt được trong đất liền cũng phải xử tử. Người oa trữ cũng bị một hình phạt như thế. Các quan cũng sẽ bị trừng phạt xử tử nếu đạo trưởng bị bắt trong địa hạt của họ vì đã không chịu lùng soát cho kỹ“.
Dầu có lệnh nghiêm ngặt như thế, các quan trong Nam đã không bắt bớ giáo dân để tra hỏi, trái lại khi có biến thì đến nói trước để người có đạo kịp lẩn trốn. Khi lệnh cấm đạo được công bố tại Bắc Việt ngày 2-2-1836, các thừa sai lại rút vào những hầm trú ẩn mà Cha Retord gọi là mộ chôn sống!
Trong khi tại Huế, Minh Mạng tưởng là các thừa sai đã bị bắt hết không còn ai, thì tại Bắc Việt xảy ra vụ bắt Cha Cornay ở Sơn Tây vì bị tướng giặc tố cáo để chạy tội. Cha Cornay bị bắt ngày 20-6- 1837 và được trình về Vua Minh Mạng. Lần này Minh Mạng đổ dồn tâm trí vào việc bắt đạo tại Bắc Việt.
Cha Gispert nói rằng vua gửi 5 lệnh tất cả: một lệnh chung cho các quan đầu tỉnh và 4 lệnh cho mấy tỉnh đặc biệt. Tháng 11 năm 1837, tổng đốc Trịnh Quang Khanh, là một người ghét đạo, trông coi Nam định từ cuối năm 1836, bị gọi về kinh chịu khiển trách vì không bắt đạo cho tận tình. Năm 1838, mở đầu cuộc bắt đạo như vũ bão trên khắp các tỉnh Bắc Việt, và từ ngày 7-6 có người tố cáo Thừa Sai Candahl đang lén lút mở trường ở Dương Sơn, cuộc bắt đạo đẫm máu tại Huế bắt đầu. Thừa Sai Delamotte đang trốn tránh tại Nhu Lý đã viết về năm 1838 như sau: “Năm 1838 là một năm khốn nạn và bắt bớ tại Bắc Việt và Trung Việt. Lưỡi gươm bắt đạo đã mặc sức chém giết, nhưng nước trời lại thêm đông số các đấng tử đạo...”
Trong một chỉ dụ gửi cho các quan đầu tỉnh năm 1838, Minh Mạng hạ lệnh: “Hãy bắt bớ đánh đập không thương tiếc. Hãy tra tấn. Hãy ra lệnh xử tử tất cả những người từ chối đạp ảnh thánh giá. Hãy biết rằng từ chối đạp ảnh là trở thành người phản nghịch. Không cần xét xử, hãy lấy gươm, búa, giáo, tất cả những gì có trong tay mà tiêu diệt những kẻ mù quáng và cố chấp, đừng để một người nào thoát chạy…”
Ngày 18-3, Trịnh Quang Khanh, tổng đốc Nam Định cho đặt thánh giá ở các cửa thành và bắt mọi người ra vào phải đạp lên trên.
Tháng 4, tổng đốc còn bắt 500 lính công giáo phải bước qua ảnh. Chỉ có 15 người trung thành. Trong đó có ba binh sĩ tử vì đạo được phong thánh là Phạm Viết Huy, Bùi Đức Thể và Đinh Đạt. Tổng kết nguyên năm 1838 có 23 đấng tử đạo đã được tôn phong, không kể các vụ bắt bớ khác và thừa sai chết, như Đức Cha Harvard, Cố Candahl, và Vialle trên đường trốn tránh.
Sau đợt bắt bớ ồ ạt năm trước, năm 1839 tương đối ít các cuộc lùng bắt hơn. Tuy nhiên Minh Mạng lại chú trọng đến việc giảng huấn với sắc lệnh ngày 3-10-1839. Sắc lệnh này chỉ tạo cơ hội cho các quan địa phương hạch sách làng Công Giáo và đòi tiền hối lộ.
Nhân vụ xử hai ông Huy và Thể, vua Minh Mạng ra một sắc dụ mạt sát đạo Thiên Chúa. Nội dung sắc dụ gồm sáu phần. Phần một vua kể ra các lời buộc tội Công Giáo là không tuân giữ luật nước, đầy dẫy giả dối, giảng dạy những điều phi lý như thiên đàng, thánh giá, nước thánh, các đạo trưởng móc mắt người chết, dụ dỗ đàn bà con gái. Phần hai vua kể ra những việc đã làm để tận diệt đạo này như các hình phạt sắc dụ. Phần ba liệt kê các hình phạt dành cho binh lính. Phần bốn liệt kê những lý lẽ các quan phải làm cho lính bỏ đạo Gia Tô mà theo đạo nhà nước. Phần năm giải thích bổn phận hiếu đễ với cha mẹ để được giàu có và danh giá, người không chịu bỏ đạo sẽ phải trừng phạt và làm điếm nhục cha mẹ. Phần sáu truyền cho tất cả các quan trong nước phải tận tâm giảng dạy các chỉ thị của vua. Người nào chối đạo rồi thì không phải đến nghe giảng nữa, người nào không sẽ phải tội chết. Người nào chưa có thề bỏ đạo thì phải đưa đến trước mặt quan để đạp ảnh rồi mới được để cho yên, bằng không phải thọ hình.
Trước hết Minh Mạng cho rằng vì ngu dốt mà dân chúng cố chấp theo đạo, nên cần phải giảng dạy và đề cao vẻ đẹp của đạo ông bà. Minh Mạng truyền lệnh cho mỗi làng phải dựng miếu kính tổ tiên và có thầy đến dạy về mười điều huấn dụ và các nghi lễ cúng tế.
Sắc dụ viết: “Tất cả các quan đầu tỉnh phải chỉ thị cho các quan cấp dưới sai các cai tổng, lý trưởng những làng có người Công Giáo để giảng dạy và xóa bỏ những sai lầm. Sau đây là những điều cốt yếu phải giảng dạy: “Ông Gia Tô, ông tổ đạo của các ngươi là một người ở nước xa xôi và thuộc về một giống người khác lạ với các ngươi. Nếu đạo lý của ông ta thật củng cố lòng trung với vua, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em thì có ai bắt các ngươi theo đâu? Còn đối với các thừa sai giảng dạy về một thánh giá trên đó có treo một đứa trẻ hoàn toàn không thể hiểu được. Tốt hơn hết là đừng tin tưởng gì vào đó. Còn nếu các ngươi nói rằng theo đạo Gia Tô để được lên thiên đàng sau khi chết ư? Nhưng các ngươi hãy xem sự gì xảy ra cho linh mục Marchand, Cornay, cho trùm Hiền (Cha Fernandez), trùm Hai (Đức Cha Henares). Không phải là họ đã chết khốn nạn sao? Hình khổ của họ không phải là một điều ghê sợ sao? Hẳn thật bốn thừa sai này giữ đạo hoàn hảo hơn tất cả dân chúng, đạo đã không ngăn cản cho họ khỏi chết, cũng như sau khi hành quyết đầu của bốn người đã tách rời khỏi xác. Xem đấy, chính họ đã kể lể những cái đẹp đẽ sau khi chết, cái chết của họ đã lật tẩy những lời xảo ngôn. Làm sao có thể lên trời khi người ta không còn sống được nữa? Trái lại các ngươi hãy xem gương các cha Việt Nam Duyệt và Kiên. Bây giờ những người đã đạp ảnh thì đều được tự do và sống an bình cho tới ngày cuối đời chờ đợi nước trời dành cho họ. Hãy nói những niềm vui thiên đàng ở về phía nào và những hình khổ hỏa ngục về phía nào? Nếu các ngươi không nhạy cảm về các điều suy nghĩ trên và nếu các ngươi tiếp tục hội họp để cầu kinh bí mật, các ngươi có bằng chứng là điên rồ và cố chấp trong tội ác. Đó là những ý tưởng lớn cần phải quảng diễn cho người Công Giáo để soi sáng và dẫn dụ họ trở về. Theo lòng nhân từ sẵn có, trẫm cho triển hạn một năm để những người có trách nhiệm phổ biến những huấn thị này để qua những lần giảng giải, dần dần họ thâm nhập vào được tinh thần của người Công Giáo, soi sáng họ hối hận về quá khứ và quyết tâm sửa đổi trong tương lai. Cũng phải thúc ép các người tín hữu dựng đền thờ tại mỗi làng để cứ thời hạn ấn định sẽ cúng tế các tổ tiên và thần làng. Chính nhờ làm trọn những nghĩa vụ này mà họ thâu hồi những quyền lợi và được mọi người kính trọng và tỏ ra xứng đáng trong thời đại thái bình của triều đại trẫm. Nếu sau khi đã công bố lệnh các quan không tận tình ép buộc được các cai tổng và lý trưởng để thi hành lệnh, và nếu những cai tổng, lý trưởng không nhiệt tâm giáo hóa dân chúng, thì hết thời hạn định, nếu còn các người Công Giáo phản nghịch trong nước, không có dấu hiệu phục tòng bên ngoài nghĩa là ban ngày là lương, nhưng ban đêm lại thực hành đạo và truyền đạo, thì khi ấy phải trừng phạt không thương tiếc tất cả những người Công Giáo bất trị và những viên chức chểnh mảng.”
Sắc dụ trên là cơ hội cho bao nhiêu quan bắt ép dân phải góp tiền dựng chùa, trả tiền cho thầy đồ dạy cách cúng giỗ tại các làng. Chỉ với tiền bạc đút lót, quan mới làm ngơ không bắt dựng chùa, còn thầy đồ vừa được quan trả tiền vừa được giáo dân đút tiền để đừng dạy dỗ những điều sai lầm.
Trong sắc lệnh ngày 3-10-1839 Minh Mạng ra hạn một năm bắt các quan phải giảng dạy việc thờ kính ông bà và dựng miếu với quyết tâm xóa bỏ hẳn được dấu vết đạo Công Giáo. Ngoài việc bắt bớ đạo, Vua Minh Mạng còn một mối lo là họa xâm lăng của các cường quốc tây phương. Những người của các nước này đã đặt chân lên Ấn Độ, Trung Hoa
Năm 1840, Minh Mạng sai nhiều tàu Việt Nam đi dò la thái độ của các quốc gia tây phương ở Anh, Nam Dương và chính tại Âu châu. Ngày 28-2-1840 một chiếc tàu đi Ấn Độ để tìm hiểu thái độ của người Anh, một tàu khác đi Batavia để dò la người Hoa Lan. Thừa sai Regereau trong lá thư đề ngày 25-4-1840 cho biết có ba nhóm sứ giả Việt Nam tới Penang,
Mã Lai để sửa soạn đi các nơi dò la tin tức. Đến tháng 11 thì một nhóm khác gồm hai vị quan và hai thông ngôn đi Pháp và Anh. Theo Dương Quảng Hàm và Phan Phát Huồn thì Phan Thanh Giản là một trong các vị sứ giả này. Theo Phạm Văn Sơn thì hai vị quan nói trên là Tôn Thất Tường và Trần Viết Xương. Phái đoàn được bộ thương mại tiếp ngày 5-1-1841 rồi sau đó sang Anh. Phái đoàn trở lại Penang thì được tin Minh Mạng đã qua đời ngày 20-10-1841 vì ngã ngựa.
Sau khi Minh Mạng qua đời, những tưởng việc cấm đạo sẽ khác trước, song các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức việc cấm đạo và bắt đạo vẫn như cũ.
Đặc biệt, khi liên quan Pháp-Tây Ban Nha bắt đầu tấn công Đà Nẵng, rồi đánh chiếm thành Gia Định, chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ với danh nghĩa “bảo vệ các thừa sai” thì việc bắt đạo Thiên Chúa càng dữ dội hơn. Ngay cả giới sĩ phu đã có hẳn những tuyên ngôn cho rằng chính những người của đạo Thiên Chúa đã dẫn kẻ thù vào đánh phá, chiếm đất nước làm cho dân chúng lầm than nên cần phải loại bỏ. Việc hơn 300 giáo dân bị thiêu sống, chỉ có 10 người sống sót, tại Bà Rịa năm 1861 là một minh chứng.


Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/tran-nhat-vy/