DAVID LÊ
Trong khi máy bay chiến đấu các loại đang được điều vô Sài Gòn, khi nhà cầm quyền cấp cao nhất rần rần kéo vô Sài Gòn để bàn chuyện “ăn mừng 50 năm chiến thắng 30-4” [hay chuyện gì nữa chưa biết], thì cái tin miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến lớp 12 được tung ra. Đây là quyết định thực tâm của nhà cầm quyền cộng sản hay chỉ là một chiêu trò chính trị nhằm ve vuốt dân chúng miền Nam trước khi tổ chức “đại lễ?”
Nếu chú ý đến các hoạt động chính trị trong nước, người ta ta sẽ thấy hàng loạt quan chức cấp cao của nhà cầm quyền đang liên tục ra vào Sài Gòn, gặp nhiều giới, tặng huân chương… Đặc biệt là ông Tô Lâm, Tổng bí thư, người mà dân chúng đang nghi ngờ là sẽ “cảnh sát hóa nền hành chính” của đất nước với hàng loạt công an nhảy vào những chức vụ cao trong hệ thống chính quyền từ phường xã cho tới cấp cao nhất, đang cố gắng thay đổi bộ mặt quốc gia bằng nhiều cách.
Dưới tấm bình phong “tinh gọn bộ máy,” ngành công an nhanh chóng chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền từ truyền thông cho tới dân sự. Thậm chí, ngay cả ngành tư pháp bây giờ công an cũng góp mặt tích cực… Tất cả những động thái ấy không thể qua mắt được những ai có cái nhìn tinh tường.
Mặt khác, về ngày 30/4 sắp tới, đã có nhiều lời kêu gọi “không ăn mừng chiến thắng” mà chỉ nên tổ chức một lễ mừng “thống nhất đất nước” bởi hễ “triệu người vui thì có triệu người buồn.”
Song nhà cầm quyền đã không lắng nghe những điều ấy mà vẫn đang rần rần chuẩn bị “mừng chiến thắng.” Thậm chí, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư thành ủy Sài Gòn, còn nhấn mạnh “ngày 30-4-1975 mang ý nghĩa đặc biệt vì đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất.”
Nhà cầm quyền cộng sản luôn luôn từ chối hai chữ “nội chiến” trong cuộc chiến 1954-1975. Với họ đây là chiến tranh giữ nước, giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của Hoa Kỳ!?
Đã từng có câu hỏi “từ 1955 đến 1965, và từ 1973 đến 1975, ai đánh ai?” song câu hỏi ấy luôn bị ngâm tôm không có câu trả lời. Sau chiến tranh, người ta không thấy ông Tây mũi lõ nào mất nhà cửa, tài sản, bị tù đày mà chỉ có người Việt thứ thiệt! Đời thuở nào mà đuổi “ngoại xâm” xong lại tù đày, chiếm tài sản, đất đai, của cải của anh em mình?
Với con cháu của những người từng bị họ giết chóc, tù đày, hắt hủi, liệng ra đường phố, nhà cầm quyền từ mấy chục năm nay vẫn luôn kêu gọi “các tài năng ở nước ngoài về tham gia xây dựng đất nước.” Tuy kêu gọi nhưng họ vẫn giữ hệ thống cầm quyền “phải là đảng viên cộng sản,” thành ra những lời kêu gọi ấy chỉ là hình thức, nói cho có chứ không thực tâm.
Trong khi đó, suốt 50 năm qua, hệ thống giáo dục cộng sản chưa thu được thành quả nào, kể cả văn học! Không một cuốn tiểu thuyết nào khả dĩ bước nổi ra khỏi biên giới, không một công trình khoa học nào có thể ứng dụng rộng rãi được trong đời sống, không một trí thức nào có đủ tư cách đứng ngang hàng với các trí thức thế giới dù tầng lớp giáo sư, tiến sĩ đông như… quân Nguyên!
Hàng năm, vì yêu thương thân nhân đang khốn khó trong nước, nhiều người Việt đang sống và làm lụng cực khổ tại nhiều quốc gia đã gửi về hàng chục tỷ đô la, góp phần “làm đẹp” nền kinh tế èo uột, còn nhà cầm quyền thì coi đó là việc “đương nhiên!”
Nay, để ăn mừng chiến thắng, họ công bố việc “miễn học phí cho học sinh công lập.” Những người biết chuyện đều cười ruồi! Bởi việc học sinh từ mẫu giáo đến hết trung học công lập ở miền Nam đã có từ thời Pháp thuộc cho tới ngày 30/4/1975. “Trường công lập” tức là trường từ cơ sở vật chất cho tới lương giáo viên, cùng những chi phí khác trong trường đều được lấy từ ngân sách, nghĩa là từ tiền thuế của dân.
Vì vậy, các học sinh, nhất là học sinh giỏi các cấp được miễn học phí là đương nhiên! Nhớ, hồi đó từ Đệ Thất thi vô trường công đâu có dễ. Cũng phải học hành sao đó, có căn bản, có kiến thức nhất định mới lọt vô được.
Bởi vậy, ở Sài Gòn, nam mà học Petrus Ký, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Mạc Đỉnh Chi, nữ học ở các trường Trung Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt thì không phải dạng vừa! Lên đại học cũng vậy.
Sau ngày 30/4/1975, nhà cầm quyền cộng sản đã liệng ngay vào sọt rác những lời nói của họ trong chiến tranh “học không tốn tiền, trị bệnh miễn phí,” mà các em, cháu tới trường phải đóng học phí “chít mịa!” Biết bao lớp phụ huynh phải vất vả, lao khổ, nhịn ăn, nhịn mặc để con em mình có được con chữ! Biết bao lớp thanh niên phải ngậm ngùi chia tay trường lớp để vào đời sớm vì không có tiền đóng học phí? Biết bao lớp nhân tài chỉ vì học phí mà bị mai một!
Nhưng rồi họ cũng chỉ là những đám cỏ hoang trong khu vườn “con ông cháu cha,” dù tài năng ngất trời mà không có “lý lịch tốt,” “không có người đỡ đầu” cũng trở thành những người lao động tầm thường dù có bằng đại học, có bằng cử nhân, có bằng tiến sĩ…!
Bạn hãy hỏi một anh chạy Grab, Bee, Sanh hay người chạy xe ôm ở Sài Gòn xem học vấn họ thế nào. Rất nhiều thanh niên trẻ, khỏe, mặt mày sáng sủa, có vẻ trí thức họ sẽ cho bạn biết. Hầu hết đều từng phải vật lộn, đau khổ với học phí, có người cha mẹ phải bán đất, bán nhà, bán vé số… để cho con ăn học.
Nhưng học xong rồi cầm cái bằng đi xin việc nhưng luôn bị lắc đầu! Thôi thì đành ra đường kiếm sống! Có lẽ chưa bao giờ Sài Gòn có lực lượng chạy xe ôm, xe công nghệ đông đúc như hiện nay. Trong số đó, có nhiều người phải đi bán “hàng la,” chiếc xe gắn máy được gắn thêm một bộ phận giống như xe lôi cỡ lớn, chở đầy trái cây, rau… đi bán dạo khắp các ngõ hẻm, chợ nhỏ ở các vùng ven thành phố! Lực lượng này ngày càng ngày càng đông đảo, chẳng những cạnh tranh quyết liệt với các bạn hàng trong các chợ mà còn làm cho việc xe cộ lưu thông thêm khó khăn!
Học phí! Hai chữ này 50 năm qua là hai tiếng mà mọi gia đình có con em ở tuổi đi học đều kinh hoàng! Từ năm nay sẽ được miễn! Phải chăng đây chỉ là trò mèo nhằm “giảm bớt” sự uất ức, sự bực tức của dân chúng để “ăn mừng” khi bước vào năm thứ 50 dưới chế độ cộng sản?
Những người sống ở hải ngoại đều hiểu rõ những trò mèo của cộng sản. Khi còn ở trong rừng, sống chui nhủi họ luôn “dễ thương” và luôn hứa hẹn những điều gần với mơ ước của mọi người. Do vậy, họ ru ngủ được cả những trí thức và nhiều tầng lớp khác. Song khi nắm quyền lực trong tay, họ lập tức trở mặt, mạnh tay gạt bỏ ngay những người đã từng cưu mang, từng cùng họ lao khổ.
Nhớ một chuyện do mấy ông cộng sản già kể lại.
Có một chú cán binh trẻ, đẹp trai đóng quân nhờ trong một nhà dân ở vùng xôi đậu. Nhà có một cô con gái trẻ, đẹp. Khi xin cho chú cán binh ở nhờ, cán bộ địa phương nói với chủ nhà “Thằng này dễ thương, không như người ta!” Ít lâu sau, chú cán binh nọ hành quân đi nơi khác, còn cô con gái chủ nhà thì cái bụng… lúp lúp lên! Bà chủ nhà mới phàn nàn với cán bộ địa phương “Bà nói thằng đó không như người ta, giờ thì con tui nó… có bầu!” Bà cán bộ địa phương, gãi đầu nói “Thì tui nói rồi! Nó không như người ta! Nó là con chó!”Miễn học phí là chuyện dân chúng cả nước đều mừng. Nhưng rồi sao nữa? Bởi chuyện gì cũng phải “có qua có lại,” đâu có dễ mà cho không! Mà qua lại như thế nào thì…xin chờ!
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/mot-thang-the-gioi-len-ruot/