Chiều 26-3, nhà chức trách đã bắt Lò Việt Chung, người tổ chức cho bọn cướp hơn 2 triệu đô la ở Tây Ninh định trốn ra ngọai quốc.
Tường trình của công an cho biết, bà PTML ở quận 3, Sài Gòn có hợp tác làm ăn với bà H ở Campuchia. Do sự liên hệ nầy, ngày 8-3 bà H ngỏ ý mượn bà L 2,5 triệu Mỹ kim. Ngày 10-3, bà L cho nhân viên của mình là L.T.Đ người Tây Ninh đem 2.281.700 Mỹ kim từ Sài Gòn về Tây Ninh để giao cho bà L.T.H.O. sống ở huyện Bến Cầu, Tây Ninh theo yêu cầu của bà H., để chuyển số tiền này sang Campuchia. Biết chuyện, Phạm Lý Phương, con trai của bà H.O, không phải con của bà L như bản tin trước đây, đã rũ đồng bọn tới nhà mình ăn cướp số tiền nầy. Sau khi cướp được toàn bộ số tiền, nhóm người này chia nhau bỏ trốn không liên hệ với Phương nữa. Lộc, Duy và Anh đi qua nhiều tỉnh như Bình Định, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Ninh Bình rồi ra Hà Nội gặp Lê Nguyên Bình (sống ở Đồng Nai), giao số tiền cướp được để Bình chuyển sang tiền kỹ thuật số (USDT).
Khi bà L tố cáo vụ cướp với công an vào ngày 11-3, ngày ngày 15-3, lực lượng công an bắt giữ Lê Nguyên Bình (sống ở Gò Vấp) tại một khách sạn ở quận Hà Đông, Hà Nội, thu được 1.959.800 USD. Ngày 22-3, ban chuyên án phát hiện Lò Việt Chung (sống ở Đồng Nai) người định giúp Đào Xuân Lộc, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Anh Duy đi tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai tìm đường bỏ trốn sang nước ngoài, song cả bọn đã bị bắt. Ngày 26-3 Lò Việt Chung bị bắt khi đang định xuất cảnh.
Hiện công an đã thu được 2.259.800 USD, 150 triệu đồng và 3 xe hơi. Sự việc đang được tiếp tục điều tra. Đáng chú ý, tất cả những tên cướp đều chạy ra phía Bắc và Cao nguyên, không hề có ý định chạy về miền Tây Nam Bộ.
Theo Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo – Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết căn cứ Điều 13, Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định về sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân như sau: Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt. Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.
Như vậy, có thể hiểu là pháp luật không quy định hạn mức về giữ ngoại tệ đối với công dân Việt Nam. Theo quy định hiện nay, người dân được quyền sở hữu ngoại tệ không giới hạn. Ngoài ra, cũng không có quy định nào yêu cầu người dân phải chứng minh nguồn gốc, kê khai số lượng…, trừ trường hợp phải kê khai khi mang quá 5.000 USD khi xuất cảnh.