BẮC KỲ DI CƯ
“Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn!” (Cũng có người nói là “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Tiểu nhân nói lại là tiểu nhân khôn!)
Hồi nẫm, nghe câu “châm ngôn” này, Sáu tui buồn cười, cho rằng tay nào sáng tác ra câu này láo lếu quá. Chỉ xúi bậy. Sáu tui vốn mê ông Phùng Quán từ hồi còn học Trung Học, nên cứ cố bắt chước theo ông mà thực hành:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…
Tôi muốn làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Bút giấy tôi, ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá!”
Học thuộc lòng câu này rồi, Sáu tui cứ nhắm mắt làm theo, để đến khi về già, mới giật mình, nghĩ lại thấy mình đúng là dân đại ngu. Thực hành theo quan niệm của ông thi sĩ này thì khi thành công cũng thấy thoải mái trong lòng, nhưng rồi thất bại lia chia, mà còn tạo ra lắm kẻ thù, kẻ ghét, kẻ ghen tị. Mệt quá trời đi!
Để cho khẳng định tư tưởng, tui lái xe đến nhà thầy Tư, vấn kế.
Gặp Thầy đang phì phèo điếu thuốc lá, tui nhập đề ngay:
-Thầy nghĩ sao về việc nói thật và nói dối. Ở cuộc đời ma mãnh này nên nói dối hay nói thật?
Thầy nhíu mày nhìn tui:
-Nội cái câu hỏi của mày đã thấy mày ngu bạo!
Tui ngớ người ra:
-Ủa! Tui nói chi mà thầy nói tui ngu?
-Thì cái câu hỏi của mày đó! Có ai dám trả lời câu của mày đâu! Biểu mày nói thật như câu “Thật thà là cha quỷ quái” thì đời mày lỗ to. Mà biểu mày cứ nói láo đi, thì cầm bằng biểu mày làm ác. Ai mà trả lời được!
Tui ngẫm nghĩ lại thấy mình ngu thiệt. Nên đặt lại câu hỏi:
-Vậy, có lúc nào phải nói dối không?
Thầy Tư gật gù:
-Thiếu gì. Nè, mày coi. Trường hợp Bác sĩ biết rằng bệnh nhân chỉ sống vài phút nữa thôi, mà khi người bệnh nắm tay bác sĩ giật giật, thì bác sĩ cũng phải nói dối: “Yên tâm đi! Còn nước còn tát. Tôi sẽ cố gắng…” Đại khái như vậy! Đời nào mà bác sĩ nói thẳng vào mặt người sắp chết: “Anh chỉ sống có vài phút nữa thôi!”
-Còn trường hợp nào nữa không?
Thầy Tư nhíu mày:
-Tao hỏi mày nhé. Trong số bạn gái của mày, có một cô mê mày mà không đẹp theo ý mầy, mày có dám nói là “Em ơi! Em là gái trời bắt xấu!” không? Hay là mày lại nhắm mắt khen: “Hôm nay, sao em đẹp lạ lùng!” Thấy mắt em ti hí, mày nói: “Mắt em lãng mạn quá”. Thấy một em mập, một em gầy, mày nói: “Gầy thì đẹp, mập thì sang!” Rồi nữa, quan trọng hơn là một ngày kia, mầy vừa gặp người yêu cũ, hai người rủ nhau vào quán nước, tâm sự chút đỉnh. Khi về nhà, mày có dám nói thật với vợ là “anh mới gặp người yêu cũ của anh” không? Khi người yêu cũ ở trong tình trạng khó khăn, mày thấy thương, bèn móc hết tiền ra, dúi cho người yêu cũ, về nhà vợ hỏi “tiền đâu rồi,” mày nói là “anh bị móc túi” hay là nói “anh cho người tình cũ rồi?” Ngay cả khi mày lỡ dại với người yêu cũ một lần, mày về nhà kể thật cho vợ nghe hả? Khi đi làm trong sở, có cô đồng sự cứ bám lấy mày, mày có nên kể lại với vợ không? Nhiều vụ lắm…”
-Ừa… ừa… cũng có lý! Thảo nào mà thằng bạn tri kỷ của tui cứ rỉ rả nói hoài: “Cho dù bị vợ bắt gặp quả tang mày ăn vụng, cũng cứ chối loạn. Thà để vợ nghi, giật tóc, cào cấu, còn hơn vợ vác dao bếp ra đâm hoặc tống cho mày cái va li rồi chỉ tay ra cửa!”
Thầy Tư nhăn mũi, nhìn tui:
-Nghe mầy nói kiểu khoái trí đó, chắc mày đã từng đi ăn vụng phải không?
Tui giật mình, cải chính:
-Đâu có! Tui là người “tu tại gia” mà. Ý tui nói là ở đời, đôi khi cũng không nên làm Lục Vân Tiên hoài. “Có sao nói vậy, người ơi” là nguy hiểm cho bản thân.
Thầy Tư giơ tay cảnh cáo:
-Nói vậy để cho mày đề phòng chứ không phải nói vậy cho mày thực hành. Bây giờ phong trào nói dối thành ra kiểu cách, khuynh hướng rồi. Nói láo từ trên nói xuống. Nói láo hàng ngang, hàng dọc. Chính phủ nói láo với dân. Lãnh đạo nói láo với thuộc hạ. Dân nói láo với dân. Mày nhìn lại coi: các cỏ non ở Việt Nam muốn qua Mỹ thì thề thốt chung thủy với mấy lão trâu già, để rồi sang tới Mỹ thì đi kiếm trai trẻ, rồi đá đít ông chồng già. Mấy tay đực rựa có vợ sờ sờ, nói láo với gái tơ: “Anh ly dị rồi.” hoặc “Con vợ anh nó xấu hoắc à. Hồi đó má anh bán anh cho nó để trừ nợ! Dữ như Chung vô Diệm, anh đang tính ly dị.” Sếp muốn cho người thân vào làm để phụ với mình tham nhũng, thì mắng cô nhân viên chăm chỉ: “Cô làm việc dở quá! Tôi cho cô nghỉ việc!”
Nghe thầy Tư nói có lý, tui gật gù:
-Đúng vậy, thầy ơi! Ở Mỹ bây giờ nói láo thành ra “kinh kệ rồi. Nghe nói láo hà rầm, mà mấy người nghe còn khoái trí, hoan hô nữa. Cũng vì thế, mà tui còn nhận thấy “bè” nhiều hơn “bạn.” Kiếm ra một người bạn thân có thể tâm sự khó lắm. Nhất là hồi này vụ chính trị Cộng Hòa hay Dân Chủ làm cho bao nhiêu người mất bạn, chỉ vì nói rõ quan điểm của mình. Bạn trở thành thù, ghét nhau đến nỗi chỉ muốn đè bẹp nhau như dí con gián, chỉ vì tính thật thà “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét!” Sống ở đời này, muốn yên thân, phải nói dối hoặc nín cái miệng. Tui thấy mấy cơ quan truyền thông Việt mình, có lúc vì tường thuật những tin một bên nào không thích, thì bị bên đó đánh phá tưng bừng. Hôm sau lại tường thuật tin bên khác không thích, lại bị đánh tiếp. Có kẻ thù ghét, còn lôi mấy đời ông nội, ông ngoại của người không hợp với quan niệm mình ra mà chửi. Khó sống quá, hả thầy?
Ngẫm nghĩ một lát, tui nói tiếp:
-Bởi vậy, tui khoái câu nhạc này: “Triệu người quen, có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa.” Đúng quá xá! Còn câu nữa: “Khi anh đứng lên, thì biết ai là kẻ thù. Khi anh ngã ngựa, mới biết ai là bạn.” Bây giờ, đi họp mặt đồng hương, đồng liêu, đồng trường, tui không dám nói thật quan điểm của mình, vì sợ bị đập. Cứ cười hì hì, nói dối cho qua, khi có bạn hỏi về chính trị, chính em. Nói dối lúc này là thượng sách, phải không, thầy?
Thầy Tư thở dài:
-Mày nói đúng đó! Bởi vậy, tao bây giờ cũng chán, không muốn đi họp mặt đồng hương, đồng liêu gì nữa. Ngồi im, thì chúng bảo mình bị bệnh già, nói thật thì chúng xúm lại đánh đấm, mà nói dối thì tao không bao giờ làm. Thà mang tiếng là già lão, còn hơn là nói điều trái với lương tâm.
Nhìn thẳng vào mặt tui, thầy nói gằn giọng:
-Còn mầy! Liệu cái mồm! Cứ “có sao, nói vậy, người ơi!”, có ngày chúng dí mầy chạy không kịp.
Tui nhoẻn miệng cười:
-Thầy yên trí, tui chạy nhanh lắm.
Nói xong, tui chạy ra xe liền.
Bắc Kỳ Di Cư
Tháng Ba, 2025
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/chong-gia-vo-tre-la-tien/