Earpods tách rời chúng ta với thế giới

by Năm Cư

KIM VÂN

Dạo gần đây, tôi hay thấy nhan nhản một hiện tượng chung từ những đứa trẻ tan học về nhà, những người lớn dắt chó đi dạo, hay những sinh viên đang học bài hay đang làm việc, hầu hết đều đeo tai nghe. Mà đây là những loại tai nghe đeo mắc tiền – loại bluetooth không dây giá từ $300 trở lên cho mỗi cặp. Mỗi lần đi bộ ngoài đường mà làm rớt một bên tai nghe thì coi như mất tiêu $300, phải mua cặp tai nghe khác thấy mà tiếc tiền quá!

Nhưng tiền bạc là chuyện phụ, điều mà tôi trăn trở hơn là, liệu chúng ta, trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, có đang dần đánh mất kết nối với chính mình và với xã hội xung quanh?

Công nghệ cũng có giá trị của nó nhưng tôi tin rằng việc đeo tai nghe suốt ngày, bất kể là vì bạn muốn theo dõi tin tức hay bất cứ nội dung nghe là gì, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý, cảm xúc và các mối quan hệ xã hội của chúng ta.

Hãy tưởng tượng, khi đeo tai nghe, chúng ta bước vào một trạng thái “lơ lửng” giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Sự tập trung vào âm thanh từ tai nghe khiến ta sao nhãng khỏi những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Nói cách khác, tai nghe ngăn cản ta sống trọn vẹn với những trải nghiệm nội tâm. Ta khó có thể nhận biết mình đang vui, buồn, phấn khích hay tức giận bởi tâm trí đang bị “chiếm đóng” bởi những âm thanh bên ngoài. Việc không cảm nhận được đầy đủ các cung bậc cảm xúc khiến cuộc sống trở nên kém phong phú, kém ý nghĩa. Phải chăng, với một số người, tai nghe đã trở thành “lá chắn” bảo vệ họ khỏi một thế giới đầy khắc nghiệt, hay một liều thuốc tê giúp họ trốn tránh những nỗi đau trong lòng?

Không chỉ ảnh hưởng đến thế giới nội tâm, tai nghe còn tạo ra một bức tường vô hình ngăn cách chúng ta với xã hội. Khi đeo tai nghe, ta ít có cơ hội tương tác với những người xung quanh. Ta không còn để ý đến những nụ cười, những ánh mắt, những câu chuyện thường nhật. Bạn có bao giờ muốn bắt chuyện với ai đó nhưng lại thôi vì không muốn làm phiền họ đang đeo tai nghe? Chính tai nghe đã vô tình gửi đi một thông điệp: “Tôi không muốn bị làm phiền.” Và hãy thử nghĩ xem, những khoảnh khắc bất ngờ, những cuộc gặp gỡ tình cờ, những mối quan hệ ý nghĩa đã đến với bạn như thế nào? Chúng đến khi ta mở lòng với thế giới xung quanh, khi ta sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Nhưng với tai nghe, ta đã tự xây nên một bức tường ngăn cách, khiến những cơ hội đó khó có thể đến.

Một hệ quả khác, có lẽ ít ai ngờ tới, đó là việc lạm dụng tai nghe khiến chúng ta mất dần khả năng cảm thấy buồn chán. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự buồn chán lại là một chức năng quan trọng của sự tiến hóa. Nó thúc đẩy ta suy nghĩ sáng tạo, tìm kiếm những trải nghiệm mới, bước ra khỏi vùng an toàn. Khi buồn chán, ta có động lực để khám phá, để thay đổi. Nhưng với sự kích thích liên tục từ tai nghe, tâm trí ta bị “cố định” vào nội dung đang nghe, không còn không gian cho những suy nghĩ tự do, những mơ mộng viển vông. Mà chính những khoảnh khắc “lãng đãng” ấy lại là khởi nguồn của những ý tưởng mới, những sáng kiến đột phá.

Tôi thực sự không biết phải làm gì với những suy nghĩ này mà chỉ biết viết lên những dòng này để chia sẻ tâm tư.

Cuối cùng, tất cả phụ thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta cần nhận thức được giá trị của việc kết nối với bản thân và với xã hội. Chúng ta cần chủ động lựa chọn những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình, đồng thời lan tỏa những giá trị đó đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Bởi chỉ khi mỗi cá nhân thay đổi, xã hội mới có thể thay đổi.

Vậy nên, hãy thử tháo tai nghe ra và lắng nghe thế giới xung quanh, bạn nhé!

You may also like

Verified by MonsterInsights