TRUNG NGÔN
Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người đang ở các vị trí lãnh đạo cấp trung bất ngờ phải đi tìm việc làm, và ngoài việc chứng tỏ khả năng, một trong những chuẩn bị là cách vượt qua buổi phỏng vấn tại nơi xin việc. Việc bạn có được tuyển hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác ngoài màn thể hiện trong phần hỏi – đáp truyền thống.
“Có một số phương pháp mà nhà tuyển dụng sử dụng để đánh giá ứng viên, từ việc quan sát ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn là câu trả lời, cho đến việc cố ý để ứng viên chờ lâu và xem phản ứng của họ, hoặc họ sẵn lòng đợi bao lâu,” Zoe Grant, chuyên viên nhân sự tại Click Consult, chia sẻ với tờ Metro.
“Một số nhà tuyển dụng còn bước vào phòng chờ mà không giới thiệu mình là người phỏng vấn, và bắt chuyện với ứng viên như thể họ cũng đến để phỏng vấn. Cách này giúp họ hiểu rõ hơn về ứng viên khi họ bớt căng thẳng, ngoài những câu hỏi chính thức.”
Căn bản của các cách đánh giá ứng viên qua hành vi cử chỉ của họ không phải không hợp lý.
Những hành động nhỏ nhặt, tưởng chừng như vô nghĩa, lại có thể nói lên rất nhiều về tính cách và phẩm chất của một con người. Khi tuyển dụng một nhân sự, nhất là ở các vị trí lãnh đạo, các nhà tuyển dụng rất cẩn thận chọn người có đủ tài và đức để làm lèo lái đội ngũ của mình.
Câu chuyện về “bài kiểm tra cái ly cà phê” của ông Trent Innes, cựu giám đốc điều hành của Xero Australia và hiện là Giám đốc tại SiteMinder, là một minh chứng rõ ràng cho điều này.
Trên podcast kinh doanh The Ventures, ông Trent Innes, giám đốc của công ty SIteMinder cho biết ông sử dụng một kỹ thuật cụ thể để đánh giá liệu ứng viên có phù hợp hay không: đó là bài kiểm tra tách cà phê.
Cách bắt đầu là, Trent sẽ đưa ứng viên đi tham quan văn phòng của mình, ghé qua nhà bếp và mời họ một tách cà phê hoặc đồ uống.
“Sau đó, chúng tôi quay lại và bắt đầu phỏng vấn,” ông giải thích. “Và một trong những điều tôi luôn chú ý vào cuối buổi phỏng vấn là: liệu người được phỏng vấn có mang tách cà phê đã uống xong trở lại nhà bếp hay không?”
Theo Trent, nếu bạn không phải kiểu người sẵn sàng đặt cốc vào máy rửa chén – hoặc ít nhất là rửa sơ qua – thì bạn sẽ không trở thành một nhân viên tốt.
Ông tiếp tục: “Bạn có thể học được kỹ năng, có thể tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, nhưng điều cốt lõi vẫn là thái độ, và thái độ mà chúng tôi luôn nhấn mạnh chính là khái niệm ‘hãy tự rửa tách cà phê của mình’.”
Trent còn nói thêm về văn hóa công ty và trách nhiệm cá nhân với môi trường xung quanh, ông bổ sung: “Tôi không phải lúc nào cũng yêu cầu họ mang tách trở lại – và thường thì tôi sẽ làm điều đó thay họ – điều tôi quan tâm là cảm giác rằng họ sẵn lòng làm vậy.”
Doanh nhân này, người đã bắt đầu sử dụng phương pháp thử tách cà phê khi còn là giám đốc điều hành của Xero Australia, cho biết khoảng 10% ứng viên trượt qua bài kiểm tra này. Tuy ông tin rằng điều đó giúp ông chỉ tuyển những người có tư duy “chủ động sở hữu.”
Mặc dủ “phép thử tách cà phê” này của Innes đã được tiết lộ từ năm 2019, nhưng gần đây đã bất ngờ gây bão trên các mạng xã hội. Từ TikTok, Facebook đến Reddit, cư dân mạng chia thành hai phe tranh luận sôi nổi về tính công bằng và hiệu quả của “phép thử tách cà phê”.
Nhiều người phản đối, cho rằng đây là một tiêu chuẩn đánh giá quá khắt khe và thiếu công bằng. Họ đặt ra những câu hỏi: Liệu có phải ai cũng biết về “luật bất thành văn” này? Việc rửa tách cà phê có thực sự phản ánh đúng năng lực và thái độ làm việc của một người? Một số người còn cho rằng hành động này khiến ứng viên cảm thấy không thoải mái, nhất là khi không biết nên xử lý chiếc tách như thế nào sau buổi phỏng vấn. Họ cho rằng việc hỏi ứng viên xem họ muốn làm gì với chiếc cốc sẽ hợp lý và tôn trọng hơn.
“Tôi thấy kỳ lạ khi phải tự rửa tách cà phê trong một buổi phỏng vấn, khi mà mình là khách,” một người dùng TikTok bình luận. “Tôi chắc chắn sẽ hỏi xem họ muốn tôi làm gì với cái tách.”
Một số khác lại tỏ ra đồng tình với Innes, cho rằng đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để đánh giá ý thức và sự tinh tế của ứng viên. Họ lập luận rằng, việc tự giác dọn dẹp sau khi sử dụng là một hành động lịch sự tối thiểu, thể hiện sự tôn trọng với môi trường làm việc chung. Một bình luận dí dỏm trên TikTok đặt câu hỏi: “Những người đang bức xúc về việc này chắc chắn là những nhân viên thường xuyên để bát đĩa bẩn trong bồn rửa chén.”
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng việc này tạo ra sự gượng gạo và áp lực không cần thiết cho cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Nếu ứng viên biết mình đang bị “kiểm tra”, họ có thể hành động khác đi so với bình thường. Điều này khiến kết quả bài kiểm tra trở nên thiếu khách quan và không đáng tin cậy.
Ngoài ra, nhiều người đề nghị Innes nên tập trung vào việc đánh giá năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của ứng viên, thay vì quá chú trọng vào những chi tiết nhỏ nhặt như việc rửa tách cà phê. Họ cho rằng có nhiều yếu tố quan trọng hơn để đánh giá sự phù hợp của một ứng viên, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, và sự nhiệt tình trong công việc.
Vậy, “phép thử tách cà phê” có thực sự là một phương pháp tuyển dụng hiệu quả? Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Tất nhiên, các nhà tuyển dụng đều có những cách đánh giá khác nhau để có cái nhìn toàn diện về ứng viên, tránh đánh giá sai năng lực của họ dựa trên một hành động nhỏ nhặt. Tuy vậy, những chi tiết nhỏ có thể tiết lộ nhiều về bản chất của ứng viên mà những câu hỏi bài bản lại không thể.
Cuối cùng, câu chuyện này cũng đặt ra một câu hỏi thú vị: Liệu bạn sẽ làm gì với tách cà phê sau buổi phỏng vấn? Bạn sẽ rửa nó, để lại, hay lịch sự hỏi nhà tuyển dụng xem nên làm gì với nó? Suy cho cùng, cách ứng xử của bạn trong tình huống này cũng phần nào phản ánh con người bạn.