NGUYỄN DUY CHÍNH
LGT: Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính, cộng tác viên của Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, là một nhà nghiên cứu lịch sử và là một trong những “cao thủ” về trà đạo ở Quận Cam. Ông không chỉ rành trà mà còn là một nhà sưu tập ấm trà như một thú vui. Loạt bài viết sau đây của ông nhằm giới thiệu cho các quý vị có “để tâm” đến thú uống trà và chơi ấm đất. Đồng thời cũng cung cấp kiến thức về các loại ấm uống trà mà lâu nay chúng ta chỉ nghe và thấy nhưng chưa thật hiểu hết. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài của ông.

Hầu như đã uống trà thì ai cũng có cách uống riêng của mình, không thể nói ai sành hơn ai. Ðối với người Á Ðông trà là một thức uống rất phổ thông, vào tiệm ăn thường gia đình nào cũng gọi thêm một ấm trà nóng để làm đồ uống phụ vào bữa chính.
Lịch sử còn khá nhiều hình ảnh liên quan đến uống trà, từ một gánh trà rong bán cho phu kéo xe ở Quảng Ðông hồi cuối thế kỷ XIX đến những trà quán tương đối sang trọng hơn ở San Francisco. Ngay từ nhiều thế kỷ trước đã có những hình vẽ về sinh hoạt chẳng hạn như Ðấu Trà [thi uống trà] đời Nguyên. Thế nhưng phong cách uống trà của người Trung Hoa khác người Việt, phần vì họ luôn luôn có vẻ màu mè, phần khác vì cố tình nâng lên trà lên thành một nghệ thuật và ngày nay mỗi cộng đồng người Hoa lại tự tạo một cách thức riêng nên lại càng phức tạp.
Người Việt uống trà thường là để giải khát hơn là thưởng thức và thói quen này cũng chính là một cách phòng ngừa bệnh tật. Nước nấu sôi là một cách khử trùng hữu hiệu mặc dù ngày xưa chưa có kiến thức về mầm bệnh ẩn trong nước lã chưa đun. Một cụ đồ ngồi trên sập tay cầm xe điếu bên cạnh bộ đồ trà và hộp đựng trầu [chụp vào khoảng 1870 ở Hà Nội] là một hình ảnh rất Việt Nam nhưng rõ ràng con người là trọng điểm còn những thứ khác chỉ là phụ.
Theo lịch sử, đồ sứ của nước ta đã được xuất cảng sang nước khác từ thời Trung Cổ trong đó có cả một số đồ dùng để uống trà. Ðã có thời đồ sứ Việt Nam là sản phẩm người Nhật ưa chuộng vì lối chế tạo giản phác phù hợp với sở hiếu của họ. Thế nhưng trà cụ Việt Nam nằm trong khung cảnh chung là đồ sứ vì đồ trà nước ta không dùng một loại đất riêng và cũng không có một phương thức chế tạo khác biệt như người Trung Hoa. Chính vì nét độc đáo này, hiện nay cứ nói tới tử sa [zisha], Nghi Hưng [Yixing] … thì ai cũng biết đó là ấm đất nung Trung Quốc. Hiện nay có một số đồ sứ Nhật tái tạo các trà cụ nhập cảng từ Việt Nam vài trăm năm trước để bán cho những người sưu tập dưới cái tên Beni-Annam.

Vài chục năm trở lại đây, từ khi chính quyền Hoa Lục mở cửa thông thương với bên ngoài, sản xuất và tiêu thụ ấm trà bộc phát mãnh liệt. Việc sử dụng, sưu tầm ấm tử sa đã thành một trào lưu và sách vở viết về trà và ấm trà khá phong phú [thường từ Hoa Lục hay Ðài Loan], phổ biến trong giới người Hoa và cả một số người Việt.
Một cách tổng quát, có hai hạng người sưu tầm ấm. Một hạng thuộc về sưu tập đồ cổ, coi trọng niên đại và người nặn ấm. Chọn ấm loại này không phải vì công dụng của chiếc ấm mà vì giá trị của món hàng với con dấu là bằng chứng của tác giả. Hạng người thứ hai là người sưu tập như người ta chơi tem, chơi sách, chơi cây cảnh, càng nhiều càng tốt, thích mắt thì mua. Tuy nhiên, mỗi hạng người lại có nhiều trình độ, có người sưu tập theo kiểu, theo cỡ, theo loại, cũng có người sưu tập theo tên tác giả giống như người sưu tầm tranh.
Những cơn sốt ấm trà tạo nên những nhu cầu giả tạo và không hiếm người nặn ra những chiếc ấm lạ lùng, giống như một tác phẩm điêu khắc hơn là một dụng cụ dùng hàng ngày(Nếu ai muốn biết những chiếc ấm lạ lùng trên thế giới xin đọc Garth Clark: The Artful Teapot (London: Thames & Hudson Ltd., 2001). Tuy nhiên theo những chuyên gia thì ấm dùng để pha trà nên có đủ những tiêu chuẩn để tạo được một ấm trà ngon mới đáng kể.
Trà cụ
Ðối với chúng ta, uống trà chỉ cần những món tối thiểu: ấm đun nước, ấm pha trà và chén để uống. Thêm một chút là ấm chuyên hay chén tống, dụng cụ để rót trà vào rồi san ra chén nhỏ cho đều nhau, không ai đậm, ai nhạt. Thế nhưng theo thời đại, việc uống trà nay phức tạp hơn nhiều, không phải chỉ ấm mà còn nhiều thứ lỉnh kỉnh khác.
Theo sách vở, một bộ đồ trà đầy đủ bao gồm những món sau đây:
– Ấm pha trà [trà hồ – 茶壺]
– Hũ đựng trà
– Bồn chứa nước thừa
– Ðĩa lót ấm [trà thuyền – 茶船] để đặt ấm và hứng nước tràn ra khi pha trà
– Ấm chuyên [trà chung – 茶盅] còn gọi là trà hải hay đại công bôi
– Ðĩa để nắp [khi nhắc ra để rót nước sôi vào ấm thì để nắp ấm vào đó]
– Khay trà [phụng trà bàn – 奉茶盤]
– Chén [bôi – 杯] và đĩa [thác – 托]
– Muỗng xúc trà
– Cóng đong trà [trà hà – 茶荷]
– Ðũa moi bã trà và đũa thông vòi ấm
– Khăn lau
Những người chơi ấm lại có cả một số bút lông, bàn chải… là những khí cụ mà người ta gọi là “dưỡng hồ” [nuôi ấm] để đánh bóng chiếc ấm đang dùng cho thêm phần cổ kính.
Thành thử, một bộ đồ trà kể cũng nhiêu khê nhất là món nào cũng có nhiều hạng, giá cả cũng vô chừng. Một bộ đồ hoàn chỉnh khoảng vài trăm dollars. Nếu mọi thứ đều kén chọn, giá cả có thể lên đến bạc ngàn.
Cách chọn ấm
Mua ấm lý do chính là để pha trà. Ngày xưa, khi người khôn của khó thì có một cái ấm dùng mãn đời, chết đi để lại cho con cháu như đồ gia bảo. Ấm đất đem sang nước ta thường là loại nhỏ, đơn giản do một số thương nhân người Hoa chở thuyền sang bán.
Ngày nay, khi đi vào nghệ thuật chơi ấm, những tiêu chuẩn cũ ít ai dùng mà phải theo sách vở nghĩa là có lý thuyết hẳn hoi. Cứ theo các nhà chuyên môn nhiều kinh nghiệm, khi chọn ấm người mua cần biết một số kiến thức để khỏi lầm.
Nguyên liệu
Tự cổ chí kim, ấm trà được chế tạo bằng nhiều loại, từ kim khí như vàng, bạc, đồng, thiếc, sắt, thuỷ tinh, đá, sứ… trong đó đất nung là vật liệu được coi là có nhiều ưu điểm hơn những loại khác. Một trong những truyền kỳ là ấm đất càng dùng lâu càng quý và vì thế đồ cũ đắt hơn đồ mới.
Ấm đất nung thường gọi là ấm tử sa (紫砂) [tử là màu tím nâu]. Tử sa là một loại đá được nghiền nát, sàng lọc, chế biến qua nhiều giai đoạn khác nhau trước khi đến tay người thợ. Loại đá này phân chất ra bao gồm những nguyên tố chính như thạch anh, đất sét, vân mẫu và quặng sắt.(Ðể ý chữ sa [砂] trong tử sa người Trung Hoa viết với bộ thạch là đá chứ không viết bằng bộ thuỷ [沙] như cát thường).
Các chuyên gia đều cho rằng một trong những cái thú của người uống trà là việc dùng vải hay bàn chải đánh bóng chiếc ấm cũ, càng lúc càng lên nước như có phủ một lớp si. Do đó, việc chọn chất liệu làm ấm được coi là ưu tiên hàng đầu của người sành sỏi vì loại ấm không tốt dùng lâu tuy cũ đi nhưng màu xỉn không bóng bẩy.
Nói chung ấm cũ Nghi Hưng thứ thiệt hạt tương đối lớn, nặng tay và kỹ thuật thời đó còn chưa tinh vi tới mức “thưởng ngoạn” nên ít khi có ấm thật đẹp. Dù sao chăng nữa, thời đại và giá trị kinh tế là những yếu tố quyết định, không thể không quan tâm. Những ấm mới ngày nay, mỹ thuật hơn, đất mịn hơn, tinh xảo hơn, nhiều đẳng loại hơn nên thường phải nhiều lần sàng lọc trước khi chúng ta có được một bộ sưu tập ưng ý. Hiếm có ai sành sỏi ngay từ những ngày đầu và kinh nghiệm nào cũng có cái giá riêng của nó.
Tử sa [紫砂]
Màu tử sa có nhiều cấp độ, từ đỏ thẫm chuyển sang màu nâu đến màu đen, tuy không đen nhánh như sừng nhưng nhìn kỹ có màu tím than và nếu chẳng may bị vỡ sẽ thấy cạnh sắc như đá. Tử sa là màu thông dụng nhất, dễ kiếm hơn cả nên sách vở thường đồng hoá ấm tử sa [zisha] với Nghi Hưng [yixing].
Ðoạn nê [緞泥]
Ðoạn nê là đất màu vàng, thường có lẫn những tạp chất li ti màu đen. Hiện nay, nhiều ấm màu vàng nhưng không phải là đoạn nê vì tinh khiết quá, màu tươi quá. Ðoạn nê thật thường không thuần sắc và cũng không mịn mặt một cách giả tạo. Ấm đoạn nê thường nhỏ, ít khi kiếm được loại to.
Chu nê [硃泥]
Chu nê theo nghĩa đen là đất màu đỏ mặc dù có người phân biệt ra một loại đất đỏ, màu tươi, độ dính cao mà người thợ khéo có thể nặn mỏng như vỏ trứng [egg-shell]. Ấm chu nê có đặc tính dùng lâu sẽ thẫm lại như một trái bồ quân chín. Nhiều người chuộng ấm chu nê vì dùng một thời gian thì thẫm dần, mỗi khi rót nước nóng vào lại đỏ au lên sinh động chẳng khác gì một con cá lia thia thấy bóng mình trong nước.
Có điều đất chu nê đã khai thác hết từ mấy chục năm nay, phần lớn ấm nói là chu nê không phải là đồ thật, ngoại trừ một số danh thủ còn giữ được một số ít để làm những ấm khá đắt tiền.
Ngoài ba loại màu chính trên đây, một số màu khác tương đối hiếm hơn, do thiên nhiên cũng có mà do pha chế cũng có, màu trắng, màu xanh dương, màu lục … với nhiều cấp độ cũng được dùng trong kỹ nghệ làm ấm nhưng không được ưa chuộng bằng.
Kỹ thuật
Việc chế tạo một chiếc ấm trải qua thời gian đã được thử thách và thí nghiệm nhiều kỹ thuật khác nhau, từ luyện nê đến xây lò, nung đất. Thời Ðại Bân [một danh thủ nặn ấm đời Minh mạt] còn giã nhỏ đồ sứ làm thành hồ để nặn ấm mới. Gần đây, một số công tác đã được nghiên cứu theo lối khoa học hiện đại nên càng ngày càng rút tỉa được những kinh nghiệm quý báu. Ðể cung ứng cho nhu cầu ngày càng cao, một số công ty đã cố gắng tái tạo một số ấm chén theo kiểu đồ sứ thời Tống, thời Nguyên. Tuy ấm đất chưa có những tiêu chuẩn nhất định về độc ẩm, song ẩm, quần ẩm … nhưng học hỏi kinh nghiệm, kế thừa kỹ thuật là điều cần thiết và càng ngày chúng ta càng thấy mới mẻ về hình dáng lẫn chất liệu.
Hình dáng
Hình dáng thay đổi theo từng thời kỳ, muôn hình vạn trạng. Hầu như trong lĩnh vực tạo hình, ấm đất đã được chế tạo đa dạng hơn hẳn các loại đồ gia dụng khác.
Giai đoạn đầu tiên, ấm được nặn giả làm đồng cổ, hình đa giác, mũ nhà sư, cho chí hình dẹt, hình ống. Những đời sau cũng bắt chước chỉ thêm các hoa văn, chữ viết hay điêu khắc cho lạ kiểu. Ðến gần đây, hình thù lại càng đa dạng nhưng không thích hợp cho việc pha trà.
Về dung lượng, có những ấm nhỏ để trang trí nhưng cũng có những ấm thật to mà người thợ muốn nặn cho khác thường. Thông dụng nhất là các loại dùng để pha trà, khoảng từ 120 đến 400 cl dùng cho một đến bốn, năm người.
Trang trí
Trang trí và điêu khắc trên thân ấm, nắp ấm cũng là một cách để gửi gắm ước vọng, trình độ của chủ nhân. Ngày xưa, nhiều nho sĩ tự tay mình đề thơ hay vẽ hình trước khi cho vào lò nung. Ngày nay, phần lớn ấm được sản xuất với số lượng lớn, chỉ những ấm nặn tay hay đặc biệt mới có thêm điêu khắc hay chữ viết, nhìn vào thư pháp hay nội dung có thể đánh giá phần nào được trình độ và phong thái của chủ nhân.
Công năng
Thường thì chúng ta mua ấm chú trọng đến hình dáng, kiểu ấm, chất liệu nhưng lại ít để ý đến công dụng chính của chiếc ấm là để pha trà. Một chiếc ấm tốt thường dễ rót, nước chảy ra thông sướng, không tấm tức.
Ấm mới ngày nay thường chặn được lá trà khỏi chui vào vòi làm tắc ấm bằng nhiều lỗ nhỏ [6 hay 9 lỗ] thay vì một lỗ lớn hoặc tổ ong hình cầu đục vô số lỗ nhỏ. Nắp ấm cũng cần khít khao, vừa vặn kín hơi. Thông thường nhất, đổ nước vào khoảng 2/3 rồi rót ra, nếu bịt lỗ thông hơi trên nắp, nước ngừng ngay lại không chảy nữa là ấm kín.
(còn tiếp)
Similar article: https://docs.google.com/document/d/1H32PTnZjN3yKdiOmyz2Hhg8zEKygG8aV/edit