Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 8 – Chữ quốc ngữ ra đời

by Tim Bui
Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 8 Chữ quốc ngữ ra đời

TRẦN NHẬT VY

Mùa Xuân năm 1859, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công và chiếm thành Gia Định ở trung tâm thị tứ Bến Nghé. Với vũ khí tân tiến, với đoàn quân thiện chiến, những chiến sĩ bảo vệ thành Gia Định với giáo mác trong tay, với mấy chục năm không ra chiến trận đã nhanh chóng bại trận. Sau khi hạ thành, Pháp đã dùng 33 cốt mìn phá tan thành rồi để lại một toán quân khoảng 800 người đóng ở đồn Hữu Bình, nay là khu vực Tân Thuận, quận 7, Sài Gòn, rồi kéo quân sang Trung Hoa. Trên thực tế là quân Pháp đã chiếm và làm chủ một khu vực rộng bao gồm cả khu Chợ Lớn, Thị Nghè, Gò Vấp… trong suốt hai năm 1859-1860. Những người theo đạo Thiên Chúa, đầu năm 1859 còn bị quân triều định săn đuổi phải trốn tránh, nay trở thành những người “tự do” đi lại, truyền đạo và một số người tham gia giúp đỡ quân Pháp. Và chữ quốc ngữ trước đó còn truyền bá lẩn lút thì nay đã được sử dụng công khai trong các nhà thờ, nhà nguyện…

Tháng Tư năm 1860, người Pháp đã dần củng cố địa vị tại vùng đất họ chiếm đóng mặc tình thế còn mong manh, song họ “hy vọng một cách hợp lệ rằng họ sẽ không bị đánh đuổi ra và sẽ cố định luôn ở đây” [Đời tổng Giám mục Puginier, Louis E.Louvet, Nguyễn Tiến Văn dịch, nxb Hà Nội, Hà Nội 2019, trang 115]. Do đó, Giám mục Lefebvre đã xin với bề trên gửi một đoàn dì phước tới Bến Nghé. Bề trên đồng ý với điều kiện có thêm đồng sự cùng đi. Và linh mục Puginier đã cùng đi và tới Bến Nghé. 

Paul Puginier là một tân linh mục người Pháp, sau khi thụ phong vào năm 1858 đã được Hội thừa sai Paris cử đến Tây Đàng Ngoài, tức miền Bắc nước ta. Song do chiến tranh và việc bách hại đang cao trào, ông đã phải tạm trú tại Hương Cảng hai năm. Trong thời gian này, ông đã học thành thạo “tiếng Annam”, theo Louvet. Tiếng Annam lúc bấy giờ chính là tiếng Việt ghi âm bằng mẫu tự Latin tức chữ quốc ngữ. Louvet viết, “Năm đầu tiên hoàn toàn trôi qua ở ban quản sự ở Hương Cảng và được sử dụng hữu ích vào việc học tiếng Annam vốn rất khó. Khi đó, ban quản sự có hai linh mục bản địa và nhiều thầy giảng từ Bắc Kỳ… không thể về lại trong nước trước khi sự bách hại chấm dứt. Đó là một cơ hội trời cho để dùng những khoảng thời gian rảnh rỗi gò bó này, mà vì vốn là người thực tiễn nên ông Puginier ít khi nào bỏ lỡ. Không dễ bị sờn lòng trước những cam go của ngôn ngữ mới này, ông can đảm bắt tay vào việc học, và bằng sự chăm chỉ, chẳng bao lâu ông đã có thể tự làm chủ được việc đọc và hiểu những sách viết tiếng Annam” [Louvet sách đã dẫn, trang 113]. 

Sau khi tới Bến Nghé, Puginier lấy tên Việt là Phước. Khi đó, tại Bến Nghé có khoảng hơn mười linh mục và chỉ có mỗi Giám mục Lefebvre là người Pháp. Vì vậy, ngay khi tới Bến Nghé, Puginier đã được chỉ định phụ trách Tiểu Chủng Viện và một xứ đạo kéo dài từ rạch Thị Nghè đến rạch Tham Lương thuộc quận Bình Thạnh và Gò Vấp hiện nay. Ông đã nhanh chóng thành lập xứ đạo Hanh Thông Tây Xã [nay quen gọi là Hạnh Thông Tây] mà tân tòng được ông rửa tội đầu tiên là đốc phủ Trần Tử Ca, một tội đồ của dân chúng Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa. 

Puginier có ba chủ trương cứng rắn là:

  • Kitô hóa những vùng Pháp chiếm đóng
  • Loại bỏ chữ Nho ra khỏi đời sống dân chúng
  • Không sử dụng nhân sự của nhà Nguyễn trong nền hành chính mới

Vì vậy, ông thành lập một trường học “dạy tiếng Pháp và Annam” mang tên là trường D’Adran nằm sau lưng tiểu chủng viện. Nay là cơ sở của hai trường trung học Võ Trường Toản và Trưng Vương, cùng một cơ sở hành chính của ngành giáo dục. Theo Louvet, ban đầu trường có 100 học sinh. Và đây là trường dạy chữ quốc ngữ công khai đầu tiên ở nước ta. Ngôi trường này đến năm 1882 được giáo hội chuyển nhượng cho nhà cầm quyền Pháp ở Nam kỳ và chuyển đến một địa điểm khác để thành lập một trường tư thục khác mang tên Taberd nay là trường Trần Đại Nghĩa. 

Từ đó đến đầu năm 1861, dân quân Bến Nghé, Gia Định liên tục có những cuộc đột kích vào những nơi đóng quân của Pháp. Song việc đối đầu với vũ khí tân tiến và sự tinh nhuệ trong chiến trận của quân Pháp, những thắng lợi giành được rất không đáng kể. Để bảo vệ những phần đất khác, quân Việt kéo về phía Đông Bắc thị tứ Bến Nghé lập chiến tuyến phòng thủ ở phía Biên Hòa dọc theo sông Đồng Nai, và phía Tây Bắc tỉnh Gia Định thì tu bổ và giữ các đồn Phú Nhuận, Phú Thọ, Chí Hòa, Thuận Kiều, Tây Thới… đồng thời tập trung quân lực, xin viện trợ từ Huế và tuyển thêm quân nghĩa dũng. 

Cuối năm 1860, sau khi giải quyết xong chiến trường Trung Hoa, Tướng Charner kéo quân về Gia Định tính toán một trận quyết định với quân Việt. Quân Pháp lập một hàng rào quân sự từ thành Gia Định kéo dài đến chùa Cây Mai trên tuyến đường Nguyễn Trãi hiện nay. Pháp lấy các chùa làm cứ điểm tập trung các súng đại bác như ở chùa Khải Tường [nay là khu vực Bảo tàng chiến tranh và trường Lê Quý Đôn], Trường thi [nhà văn hóa Thanh Niên], chùa Ao [khu vực của Bộ công An và Sở công an Sài Gòn], chùa Chuông [khu vực trường Đoàn Thị Điểm và cao ốc trên đường Lý Thường Kiệt-Hùng Vương, quận 5], và chùa Cây Mai. Tuyến phòng thủ này là ranh giới giữa quân Việt và quân Pháp. Trong suốt năm 1860, quân Việt nhiều lần tấn công bằng nhiều cách, nhưng chỉ giết được một sĩ quan Pháp tên là Barbier ở khu vực chùa Khải Tường.

Cuối năm 1860, sau khi được vua Tự Đức ra lệnh, Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương vào Gia Định tập trung lực lượng xây dựng đại đồn Chí Hòa mà người Pháp kêu là đồn Kỳ Hòa, nằm ở làng Chí Hòa và làng Tân Sơn Nhì thuộc tổng Bình Trị Hạ. Đại đồn là một dãy gồm 5 đồn riêng biệt nằm sát nhau, kéo dài khoảng ba cây số dọc theo đường Thiên Lý, từ sát cánh đồng mồ mả [khu vực Hòa Hưng hiện nay], qua ngã ba Ông Tạ đến Bà Quẹo. Bề ngang đồn dài một cây số từ mép đường Thiên Lý đến vùng sình lầy phía sau, nằm bên trái đường Thiên Lý, tính từ trung tâm Bến Nghé đi Tây Ninh. Ưu thế của Đại đồn là phía trước là rạch Nhiêu Lộc và phía sau là vùng đất sình lầy mà địch quân không thể kéo đại bác và ngựa đi lại. Khi đó, quân Pháp dùng ngựa, loại ngựa rất lớn mà nước ta chưa có, để kéo các khẩu đại bác. Đại đồn còn được bảo vệ bởi các đồn phía xa như đồn Phú Nhuận nằm gần cầu số 3 tức cầu Kiệu; đồn Phú Thọ [Pháp kêu là đồng Reduce] nằm trong khu vực trường tiểu học Phú Thọ hiện nay ở quận 11. Hậu phương là đồn Thuận Kiều, đồn Tây Thới, Rạch Tra. Quân số trong đồn ước tính khoảng 30 ngàn người. Đồn Trung tức đồn chỉ huy nằm ở khu vực ngã tư Bảy Hiền và là bệnh viện Thống Nhất hiện nay. Đồn đắp bằng đất, phía ngoài trồng tre gai. Bao quanh là nhiều hầm chông phủ bằng các chà gai tre. 

Theo các bản đồ các vùng phụ cận Sài Gòn 1895, dấu vết của đại đồn vẫn còn nguyên, đồn Tiền nằm kế con kinh Vòng Thành, con kinh do người Pháp đào năm 1863 từ rạch Nhiêu Lộc ở cầu Kiệu kéo dài đến kinh Ruột Ngựa ở Chợ Lớn [nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ và Bắc Hải]. Đồn Hậu của đại đồn nằm sát nguồn con rạch Nhiêu Lộc, nay là đường Trương Công Định quận Tân Bình.

Trang bị của quân Việt khi ấy có thể nói quá cũ kỹ. Alfred Schreiner ghi nhận binh khí của quân Việt “đều là súng tay cò máy đá…kiểu 1777 và cựu hơn…làn đạn súng cò máy đá đi mà hại được thì khoảng 250 thước langsa.” Trong khi quân Pháp dùng “súng carbine kiểu 1853, súng lính hộ vệ kiểu 1854 và súng tay kiểu 1857…thì làn đạn di hại là 1200 thước langsa.” Còn đại bác thì quân ta trang bị vài chục khẩu kiểu xưa cò máy đá, bắn đạn sắt, tầm đạn vài trăm thước, trong khi quân Pháp thì dùng đại bác có khương tuyến, đầu đạn nổ được, bắn xa từ 1200 thước đến 5000 ngàn thước. “Cò máy đá” ở đây chính là loại cò súng có viên đá lửa, khi bắn cò súng bật lửa làm cháy dây tim làm nổ thuốc bên trong để đẩy viên đạn đi. Đây là loại súng của thế kỷ 18. Các loại súng này bắn chậm và độ sát thương không cao, đặc biệt là đại bác cò máy đá, mỗi khi bắn phải “cúng bái” và những viên đạn sắt lớn cỡ trái cam bay chừng hơn 100 thước, trúng ai thì người đó chịu. 

Đạn đại bác của quân Việt thế kỷ 19 (hình chụp tại đình thờ ông Nguyễn Ảnh Thủ, ở làng Thuận Kiều nay thuộc quận 12)

Binh lính quân nghĩa dũng trong Đại đồn có khoảng 30 ngàn người, phần lớn trang bị bằng giáo mác. Trong khi đó, quân Pháp khoảng 3000 người cùng khoảng 600 dân công người Hoa.

Đầu năm 1861, quân Pháp mở cuộc tấn công vào đại đồn. Khi không khí tết còn ngọt ngào trong cuộc sống của dân chúng, thì tiếng súng đại bác và tiếng thét tấn công của quân Pháp đã diễn ra. Ngày 19/2, Pháp bắn một loạt đại bác từ chùa Khải Tường và chùa Cây Mai vào đại đồn. Sau đó, bằng phương tiện mà dân chúng ngày nay cũng ít thấy là khinh khí cầu để quan sát toàn cảnh xung quanh đồn [theo Alfred Schreiner, Đại Nam quấc lược sử, Saigon 1906, bản tiếng Việt do Nguyễn Văn Nhàn dịch] mà quân ta không hề hay biết. Sáng sớm ngày 24/2, Pháp tấn công đồn Phú Thọ mà Pháp kêu là đồn Reduce và nhanh chóng chiếm đồn này, rồi kéo sang tấn công đồn Tiền của đại đồn Chí Hòa. Bằng phương thức “tiền pháo hậu xung”, tiếng đại bác từ các chùa, nhất là chùa Khải Tưởng cách đó năm cây số, đồng loạt nổ dồn dập khiến quân Việt hết hồn.

Với khoảng 3000 quân cùng khoảng 600 ngàn dân công, quân Pháp đã mạnh dạn đánh đại đồn có khoảng 30 ngàn quân tưởng chừng “châu chấu đá voi”. Song Pháp là quân thiện chiến, quen chiến đấu, có vũ khí tân tiến hơn, có chiến thuật. Còn quân Việt vốn không quen trận chiến, phần lớn lại là quân nghĩa dũng vì yêu nước mà cầm vũ khí chống giặc chớ chưa từng ra trận, vũ khí chỉ có giáo mác là chính, súng bắn từng phát, đại bác thì bắn xa được hơn trăm mét, nên dù đông cũng lọt vào tình thế bị động, phải thủ để chống chọi là chính. 

Sau khi quan sát địa hình và nắm được chỗ yếu của đại đồn là Đồn Hậu nằm ở Bà Quẹo nằm ngoài tầm bắn của đại bác ở các chùa, trang bị yếu, ít quân lại nằm xa chiến trận đang diễn ra. Quân Pháp kéo đại bác đi vòng qua khu vực Bình Hưng Hòa, Bà Quẹo rồi tấn công vào đồn Hậu. Và chỉ trong ngày 25/2, dù tướng Nguyễn Tri Phương cố gắng chống chọi nhưng phải rút quân khỏi đại đồn bỏ lại hàng ngàn xác chết. Khi chiếm đại đồn, Pháp thẳng tay chiếm luôn đồn Thuận Kiều còn thấy rất nhiều dấu máu! Rồi tiến đến chiếm đồn Tây Thới ở Hóc Môn, kh đó quân Việt đã bỏ chạy mất! 

Sau trận chiến này, cả ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường đều lọt vào tay quân Pháp. Và trong báo cáo chiến thắng của Tướng Charner gởi về Paris, chữ “thành phố Sài Gòn” lần đầu xuất hiện và cũng từ đó cái tên Bến Nghé bị xóa bỏ vĩnh viễn thay vào đó là Sài Gòn dù cho tới năm 1877 thành phố này mới có “khai sanh” chính thức.

Để chống giặc ngoại xâm, tháng 3-1861 vua Tự Đức ra chỉ dụ kêu gọi có đoạn “Mỗi người trung thần nghe lời trẫm khuyên, hãy giục dân trỗi dậy và lập ra một đạo binh theo cách như vầy:

  • Kẻ nào chiêu đặng 10 người, thì nó sẽ đặng chức bá hộ.
  • Kẻ nào chiêu đặng 50 người sẽ cho làm chánh lục phẩm suất đội. Nó sẽ lãnh đặng một phần lương nhà nước phát cho với khí trượng mà nó luyện tập.
  • Kẻ nào chiêu đặng 100 người sẽ cho nó chức phó vệ.
  • Kẻ nào chiêu được từ 200 cho tới 400 sẽ phong chức tùy theo nhơn số nó dụ được.
  • Kẻ nào lập đặng một đạo 500 người sẽ phong cho làm chánh nguyên phẩm cơ.
  • Phàm như ai bắt đặng một người langsa, nó sẽ lãnh 4 nén bạc thưởng. ai mà giết đặng một người langsa sẽ lãnh 2 lượng bạc. Như ai giết đặng một tên dân Annam nào mà ở giúp người langsa, nó sẽ lãnh một lượng bạc.

[Alfred Schreiner, Đại Nam quấc lược sử, Saigon 1906, Nguyễn Văn Nhàn dịch, trang 358]

Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Tự Đức, hàng loạt cuộc nổi dậy của dân quân diễn ra ở nhiều nơi. Tại Gia Định có Trần Thiện Thành, Gò Công có Quản Định, Cai Lậy có Phủ Cậu, Tân An có Nguyễn Trung Trực, Đồng Tháp Mười có Võ Duy Dương…Thế nhưng…lòng yêu nước và giáo mác không thể chống lại súng đại bác, tàu sắt!

Cuối năm 1861, tướng Bonard đến Sài Gòn nhậm chức toàn quyền đầu tiên của Nam Kỳ. Chủ trương của Bonard là “không ép dân theo đạo Thiên Chúa”, “sử dụng lại quan chức nhà Nguyễn trong hệ thống hành chính cấp thấp” và “không chấp nhận các tu sĩ, giáo sĩ Thiên Chúa giáo tham gia chính quyền”. Chủ trương này đã bị các tu sĩ đạo Thiên Chúa ở Sài Gòn phản ứng dữ dội. Nhiều đơn thư thưa kiện từ Sài Gòn gửi về chánh quốc bày tỏ sự phẫn nộ với chính sách của Bonard. Chính sách của Bonard đi ngược lại ý muốn của giới giáo sĩ là “kitô hóa các vùng Pháp chiếm đóng” và “tham chánh” vì họ đã ủng hộ Pháp. Họ cho rằng Bonard đã phản bội mục tiêu ban đầu của Pháp khi chiếm Nam Kỳ là “bảo vệ sự tự do truyền đạo” của các giáo sĩ.

Là người từng cai trị một thuộc địa, làm chính trị lỏi đời, Tướng Bonard hiểu rằng nếu không nhượng bộ đôi chút thì tình hình Nam Kỳ lại có thêm một mặt trận ngay trong lòng quân Pháp. Đặc biệt  là khi Nam Kỳ vẫn chưa thật sự ổn định, các vụ chống phá vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhứt là ở vùng Gò Công, Cai Lậy…Vậy là ông ta cùng bộ tham mưu gồm toàn những sĩ quan trẻ, có cái nhìn mới và thoáng, quyết định nhượng bộ giới giáo sĩ chống đối bằng cách “dùng chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ thay vì dùng chữ Pháp hay chữ Nho”. Đây là sự nhượng bộ mang tính “tình thế” có tánh cách thuần chánh trị hơn là quý trọng chữ quốc ngữ. Bởi với người Pháp, chữ quốc ngữ là thứ chữ của người thấp kém, kẻ bị trị! Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết “Về mục đích sử dụng chữ quốc ngữ và mục tiêu chính trị có lợi cho thực dân Lanessan cũng ghi nhận là do các thừa sai khuyến cáo khi ông bàn về vai trò của các hội truyền giáo trong chế độ bảo hộ”. [Nguyễn Văn Trung, Chữ quốc ngữ thờ kỳ đầu Pháp thuộc, Nam Sơn Saigon 1974, trang 14]. Mục đích ban đầu của thực dân là vậy, song sự nhượng bộ này đã làm cho văn hóa của người Việt thay đổi mãi mãi và rất ít người sau đó còn đọc được chữ của “thánh hiền” tức chữ Nho. Và chỉ gần 100 năm sau đó, người Việt đã biến chữ quốc ngữ thành “của báu” của dân tộc.

Thời kỳ này, chữ Nho là thức chữ được các sĩ phu Nam Kỳ sử dụng và cũng là thứ chữ mà triều đình nhà Nguyễn sử dụng chính thức. Đây là thứ chữ rất khó học, do vậy đa số dân chúng đều mù chữ hoặc biết rất ít chữ, trừ những người có điều kiện học hành như thầy thuốc, thầy giáo, giới trưởng giả và quan lại ở nhiều cấp. 

Trong chủ trương của linh mục Puginier nhất định phải loại bỏ chữ Nho vì vấn đề chính trị là chính. Bởi còn phổ biến chữ Nho là dân chúng vẫn còn hướng về nhà Nguyễn và liên lạc với các nghĩa quân đang ngày đêm nổi dậy và chống Pháp. Khi nhà cầm quyền quyết định dùng chữ quốc ngữ cũng là một cách để người Việt quên dần chính quyền cũ, thoát Trung bằng cách ra khỏi thứ chữ có ô vuông. Mặt khác là chìu theo giáo giới để hạn chế sự chống đối trong nội bộ. 

Chữ quốc ngữ khi đó vẫn là thứ chữ mà dân chúng nói chung kêu là “chữ của người ngoại quốc”, “chữ của đạo Thiên Chúa”…và rất ít người biết. Để phổ biến chữ quốc ngữ rộng rãi hơn, nhà cầm quyền thành lập trường Thuộc địa [nay là trường Lê Quý Đôn] vào năm 1862 để dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Ban đầu trường là một dãy nhà lợp lá ngay trên phần đất của chùa Khải Tường, một dãy làm lớp học, dãy khác làm nơi ở cho học sinh nội trú. Học sinh của trường ban đầu là những người Pháp được chuẩn bị làm thông ngôn cho chính quyền và những người Việt thuộc nhiều thành phần, mà đa số đều là con em của những người thuộc đạo Thiên Chúa, để làm thông ngôn, hoặc thầy giáo dạy tiếng Việt. Tất cả các học sinh đều được học và ăn ở miễn phí hoàn toàn, lại còn được cấp phí tiêu vặt hàng tháng. Sau hai năm học, các học sinh này trở về làm việc cho nhà cầm quyền trong các phòng thông ngôn, hoặc làm thầy giáo dạy trở lại lớp học sinh sau.

Vài năm sau, trường bắt đầu tuyển học sinh từ 10 đến 15 tuổi từ các làng mạc ở Nam Kỳ vào học cũng vẫn với tiêu chuẩn như trước. Theo nhiều tài liệu, phần đông các học sinh trường Thuộc Địa thuở ban đầu từ năm 1864 trở về sau, đều là con em của nhà giàu ở các làng. Mỗi làng hàng năm phải chọn 1 học sinh vào trường. Các học sinh đều ở nội trú, được cấp quần áo, sách vở và tiền tiêu vặt hàng tháng. Song tâm lý chung của dân chúng thời ấy là sợ dính dáng đến người Pháp sẽ bị phiền nhiễu nếu nhà Nguyễn giành lại được Nam Kỳ, mà luật pháp nhà Nguyễn thời ấy rất cứng rắn đối với những người cộng tác với giặc! Do vậy, nhiều gia đình giàu có rất lo sợ, trong đó có cả nỗi lo con mình “sẽ bị đưa đi Pháp”, “sẽ mất con” nên mướn người khác đi học dùm! Hiện tượng này kéo dài khá lâu cho đến tận đầu thế kỷ 20 vẫn còn. Và đã có nhiều sự tréo ngoe xảy ra. Có anh vốn là người ở đợ cho nhà giàu, nhờ “bị” đi học nên trở thành một ông thông ngôn hoặc thầy giáo, giàu có ngon lành khiến mọi người kính nể! Có giai thoại cho rằng ông Lưu Văn Lang, một kỹ sư cầu cống đầu tiên nổi tiếng ở Nam Kỳ và cả Đông Dương, là người như vậy.

Sau khi mở trường dạy chữ quốc ngữ ở Sài Gòn, nhà cầm quyền quyết định ra tờ báo chữ quốc ngữ, đó là tờ Gia Định Báo. 

(còn tiếp)

Khu vực đại đồn Chí Hòa trên bản đồ Sài Gòn 1895

Sân trường Lê Quý Đôn ngày nay

Trường Võ Trường Toản, một phần của trường D’Adran xưa

Một góc trường Trưng Vương nguyên là một phần của trường D’Adran xưa

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/tran-nhat-vy/

You may also like

Verified by MonsterInsights