LÝ THÀNH PHƯƠNG
Vào khoảng năm 1200 -1300, các bộ lạc bán khai Mông Cổ, sống ở phía bắc Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn, đã thống nhất thành một quốc gia – Quốc gia của những người du mục. Quốc gia này với một đội kỵ binh hùng mạnh và thiện chiến đã chinh phục cả nước Trung Quốc, gần trọn Á Châu, và Âu Châu. Họ thiết lập một đế quốc rộng lớn nhất tự cổ chí kim chưa từng có trong lịch sử loài người
Người Mông Cổ mù chữ, dân cư thưa thớt, có lẽ chỉ vào khoảng 700.000 người, bao gồm những bộ lạc du mục và chăn thả lẻ tẻ, thường đánh nhau để giành bãi chăn, và trong thời khó khăn họ thỉnh thoảng đi cướp bóc.
Những người du mục này sống trên những thảo nguyên bao la phía bắc sa mạc Gô bi và phía nam các cánh rừng Siberi, ở phía bắc Trung Quốc. Trước năm 1200, người Mông Cổ bị chia lẻ thành những nhóm nhỏ do một thủ lĩnh dẫn đầu gọi là Hãn, họ sống trong những cái lều da có thể mang đi được.
Người Mông Cổ lớn lên trên lưng ngựa, biết săn bắn từ thuở nhỏ, làm họ trở thành những chiến binh tốt hơn so với những người sống trong xã hội nông nghiệp và các thành phố. Vũ khí chính của họ là cung và tên. Và những người Mông Cổ vào đầu những năm 1200 có kỷ luật cao, có đội ngũ tốt, và có thủ đoạn khôn ngoan.
Năm 1200, một người Mông Cổ tên là Thiết Mộc Chân (Temüjin) nổi lên làm Hãn đối với nhiều bộ tộc. Ông là một nhà quản lý giỏi, khéo thu phục lòng dân. Vào năm 1206, ở tuổi 42, Thiết Mộc Chân đã đánh bại các liên minh của các bộ lạc Mông Cổ khác và sáp nhập họ vào liên minh của mình như một quốc gia của các bộ tộc du mục trên thảo nguyên Gô bi. Ông được người Mông Cổ đặt danh hiệu là Thành Cát Tư Hãn (có nghĩa là vua của các Hãn).
Giống như những người khác, dân chúng của Thành Cát Tư Hãn coi họ ở trung tâm của vũ trụ, là dân tộc vĩ đại nhất và được Thượng đế ưu đãi. Họ nghĩ rằng những chiến thắng của Thành Cát Tư Hãn trong chiến tranh cho thấy ông chính là người chủ không chỉ của “dân tộc của những chiếc lều da” mà còn của cả thế giới.
Sau khi thống nhất các bộ tộc trên đồng cỏ, Thành Cát Tư Hãn tiếp tục cải thiện tổ chức quân sự của mình, biến nó thành một chính quyền di động, xóa bỏ sự tồn tại còn lại của các bộ tộc thù địch. Ông tạo ra một khuôn khổ luật pháp bắt mọi người phải tuân theo, điều chỉnh lại việc săn bắn – một hoạt động mùa đông – cải thiện khả năng cung cấp thịt cho mọi người, đặt ra chữ viết cho ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ông cũng tạo ra một trật tự mới ở trong vương quốc của mình và làm nó mạnh mẽ hơn cũng như làm tăng khả năng bành trướng lãnh thổ của ông.
Dân tộc Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của ông đã biến thành một quốc gia đặc thù, với các bộ tộc du mục – săn bắn có tổ chức, tạo nên nguồn lương thực dồi dào; sống trên một thảo nguyên – có quy hoạch xã hội đúng mức; có một chính quyền di động; và một đội kỵ binh hùng mạnh có tính tổ chức và kỷ luật rất cao.
Vào năm 1210, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu tấn công các vị vua của vùng chăn thả và trồng cấy khác ở phía bắc Trung Quốc. Vào thời điểm đó, nhà Tống rất yếu, đã bị các bộ tộc thiểu số chiếm những tỉnh phía tây bắc thành lập quốc gia Tây Hạ hay còn được gọi là nước Liêu.
Cũng vào năm 1210, người Kim, một bộ tộc có tên là Nữ Chân, nằm phía Đông Bắc của Trung Quốc (sau này còn gọi là Mãn Châu), đánh bại nhà Tống và đẩy lùi nhà Tống về phía nam. Nhà Tống phải dời đô, lấy Lâm An (Hàng Châu) làm thủ phủ, sử gọi là nhà Nam Tống. Nhà Kim cai trị vùng đông bắc Trung Quốc, đóng đô ở Bắc Kinh – lúc đó họ gọi là Yên Kinh.
Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn và quân đội của mình bắt đầu tấn công người Kim. Người Kim có một đội quân lớn và hiệu quả nhưng lúc đó họ bị sức ép từ ba phía khác nhau: quân Mông Cổ mạnh mẽ từ phía bắc, quân Tây Hạ – từ phía tây, và nhà Tống của Trung Quốc tấn công từ phía nam. Người Mông Cổ sử dụng các mưu mẹo chinh phục và chia rẽ, cuối cùng đã đánh bại người Kim. Vị vua Nữ Chân cuối cùng đã phải công nhận quyền lực Mông Cổ và đồng ý nộp cống.
Sau sáu năm chiến tranh, Thành Cát Tư Hãn quay trở lại Mông Cổ, để một trong những vị tướng giỏi nhất của mình ở lại những vị trí phòng thủ người Kim. Cùng quay về với Thành Cát Tư Hãn và đội quân Mông Cổ của ông là những kỹ sư, những người đã trở thành một bộ phận thường xuyên trong quân đội đó, và còn có cả những nhạc sĩ, phiên dịch, bác sĩ và người viết chữ, lạc đà và các toa xe hàng hóa bị tóm được. Trong số hàng có tơ lụa, quần áo, chăn đệm, áo choàng, thảm, tranh treo tường, đồ gốm, ấm sắt, vũ khí, nước hoa, đồ trang sức, rượu, mật ong, thuốc, đồng, bạc và vàng cùng nhiều thứ khác. Và hàng hóa từ Trung Quốc đã trở thành một dòng chảy bền vững du nhập vào thảo nguyên Mông Cổ.
Với những thành quả đạt được, Thành Cát Tư Hãn đã mang quốc gia Mông Cổ đến gần nền văn minh của Trung Quốc. Họ nhanh chóng học được nhiều điều từ nhà Tống của Trung Quốc, một trong những thứ ấy là việc sử dụng đại bác và thuốc súng trong chiến trận công thành. Thành công trong chiến tranh đã làm thay đổi người Mông Cổ – họ tự tin họ là một quân đội bách chiến bách thắng.
Trở thành Đế quốc
Sau khi xây dựng được một quốc gia thiện chiến trên thảo nguyên, Thành Cát Tư Hãn gửi một đoàn sứ giả sang tỉnh phía đông của đế quốc Hồi giáo Khwarezm (vùng Trung Á bao gồm nước Afghanistan và Iran ngày nay) với mục đích thảo luận khả năng buôn bán với quốc gia này. Thống đốc của tỉnh này đã giết chết họ và làm Thành Cát Tư Hãn giận dữ. Ông đã cho 200.000 quân tràn sang để trả thù. Quân đội Mông Cổ với chiến lược và chiến thuật hơn hẳn đã nhanh chóng hạ thành phố này và hành hình viên thống đốc bằng cách đổ bạc nóng chảy vào tai và mắt ông ta để trả đũa hành động xúc phạm tới Thành Cát Tư Hãn. Toàn bộ Đế quốc Hồi giáo Khwarezm, trải dài từ biển Caspi ở phía tây và vịnh Ba Tư, biển Ả Rập ở phía nam, hoàn toàn sụp đổ và trở thành lãnh địa của Mông Cổ vào năm 1220.
Năm 1226, Thành Cát Tư Hãn tấn công Tây Hạ. Chỉ trong mấy tháng, quân Mông Cổ đánh bại Tây Hạ, đã giết vua Tây Hạ, và cả hoàng tộc này. Vương quốc Tây Hạ bị diệt vong sau khi tồn tại 190 năm, từ 1038 đến 1227.
Sau đó quân đội Mông Cổ chia làm hai đạo quân, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy một nhánh vượt qua Tây Hạ, đi về phía đông của Trung Quốc, tràn vào chiếm Afghanistan và bắc Ấn Độ. Nhánh kia do tướng Tốc Bất Đài chỉ huy tiến vào Kavkaz và Nga. Họ đã cướp bóc và đánh bại mọi đội quân mà họ gặp.
Những cuộc xâm lăng này đã bổ sung thêm Transoxiana (vùng Trung Á) và Ba Tư vào Đế chế vốn đã ghê gớm và xác lập hình ảnh của Thành Cát Tư Hãn như một chiến binh khát máu trong những người không biết hoặc không muốn biết rằng ông là ông chủ thực sự của thế giới.
Tháng 7 âm lịch năm 1227, Thành Cát Tư Hãn bệnh nặng.
Trước lúc tắt thở, Thành Cát Tư Hãn vẫn không quên nói ra chiến lược tác chiến sinh tử giữa 3 quốc gia lớn: Mông Cổ, Kim và Nam Tống. Sách lược của Thành Cát Tư Hãn là trước mượn đường Tống để diệt Kim, sau đó quay lại diệt Tống. Không những thế, Thành Cát Tư Hãn còn chỉ cụ thể con đường xuất quân và việc thực hiện phương án tác chiến. Ông nói: “Quân tinh nhuệ của Kim ở Đồng Quan, phía nam chiếm cứ Liên Sơn, phía bắc bị hạn chế bởi sông lớn, như thế khó đánh thắng nhanh. Nhưng Tống và Kim có mối thù truyền kiếp, giả liên Tống thì đánh Kim sẽ dễ. Bởi lúc này Kim nóng vội, trưng binh hàng vạn, tiếp tế khó khăn, người ngựa mệt mỏi, ta sẽ đánh thắng“. Nói xong, Thành Cát Tư Hãn tắt thở, ông băng hà ngày 18 tháng 8 năm 1227 tại huyện Thanh Thủy, gần Lục Bàn Sơn, Trung Quốc, thọ 66 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn chưa được sáng tỏ, nhiều người cho rằng do ông ngã ngựa vì tuổi già và suy giảm thể lực hay bị hạ độc từ phía kẻ thù, tuy nhiên đến ngày nay vẫn chưa ai biết rõ.
Thành Cát Tư Hãn chỉ định Oa Khoát Đài là người kế vị để thực hiện kế hoạch tiêu diệt nhà Kim và chinh phục Trung Quốc. Ngoài ra còn 3 vị vương tử khác chia nhau thống trị vùng thảo nguyên và các lãnh thổ vừa được chinh phục của Đế quốc Mông Cổ.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn mất, đại quân Mông Cổ căn cứ vào kế hoạch của ông, ồ ạt mở cuộc tấn công chưa từng thấy vào nước Kim (Bắc Trung Quốc), cuối cùng Kim bị tiêu diệt vào năm 1234. Năm 1235, người Mông Cổ bắt đầu cuộc chiến tranh thôn tính Nam Tống (Nam Trung Quốc). Cuộc chiến tranh này kéo dài 45 năm. Vào năm 1279, quân Mông Cổ hoàn toàn đánh bại nhà Nam Tống, hợp nhất toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, và lập nên nhà Nguyên cai trị toàn bộ Trung Quốc, với một lãnh thổ rộng lớn chưa từng có trong lịch sử, từ nam chí bắc bao gồm cả vùng thảo nguyên phía bắc
Quân đội Mông Cổ cũng buộc Triều Tiên trở thành chư hầu, thiết lập sự kiểm soát vĩnh cửu đối với Ba Tư, và, đáng chú ý nhất, mở rộng về phía tây dưới sự chỉ huy của hãn Bạt Đô để chinh phục vùng thảo nguyên của Nga. Công cuộc chinh phục của họ về phía tây bao gồm gần như toàn bộ lãnh thổ Nga. Đây là một chiến thắng lớn của Mông Cổ vì đại thắng nước Nga là việc ngay cả Napoleon và Hitler cũng không thể làm được. Tiếp theo Oa Khoát Đài bàn kế hoạch chinh phục Hungary và Ba Lan. Các con trai của Oa Khoát Đài là Khoát Đoan và hãn Quý Do đã tấn công Ba Lan và Transylvania (thuộc Romania ngày nay).
Hãn Oa Khoát Đài đã ra lệnh xâm chiếm toàn bộ châu Âu. Quân Mông Cổ tiến tới bờ biển Đại Tây Dương, chuẩn bị tấn công Áo, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha cũng như các công quốc nhỏ khác tại châu Âu. Các lực lượng Mông Cổ đã tiến sát tới thành Viên, đã thực hiện chiến dịch quân sự ác liệt trong mùa đông và chiến thắng liên quân Áo và Đức trong đợt tiến quân đầu tiên vào Tây Âu, thì Oa Khoát Đài đột ngột chết.
Nhiều nhà sử học tin rằng cái chết của Oa Khoát Đài mới chấm dứt sự xâm chiếm toàn bộ châu Âu, vì trước đó quân Mông Cổ đã dễ dàng đánh tan liên quân Đức-Ba Lan và Thập tự quân Kitô giáo tại trận Legnica, và hai ngày sau đó là quân đội Hungary tại trận Mohi.
Vào năm 1259, người thừa kế của Oa Khoát Đài là Mông Kha, trong khi tiến hành cuộc chiến ở Trung Quốc tại thành Điếu Ngư (ngày nay thuộc quận Hợp Xuyên, Trùng Khánh), lại bị trúng tên chết gần khu vực đang vây hãm. Cái chết của ông buộc tướng Húc Liệt Ngột phải bỏ dở chiến dịch của mình tại Syria và Ai Cập, cũng như đã gây ra cuộc nội chiến dẫn tới sự sụp đổ của khối thống nhất Mông Cổ.
Quân Mông Cổ xem như một đội quân dũng mãnh nhất trong các Đế quốc. Họ chỉ thất bại trong 3 lần chinh phục nước Đại Việt (Việt Nam bây giờ) trong chiến tranh đường bộ và đội chiến thuyền của họ bị bão đánh chìm trong việc chinh phục Nhật Bản bằng đường biển.
Sau khi chiếm trọn Trung Quốc, vua Mông Cổ đầu tiên cai trị Trung Hoa (nhà Nguyên) là Hốt Tất Liệt, chết năm 1294 ở tuổi 79. Cháu nội của ông, Thiết Mộc Nhĩ kế tục ông, hòa bình với Nhật Bản và tiếp tục giữ được sự thịnh vượng đáng có. Thiết Mộc Nhĩ là người chu đáo và có năng lực, nhưng các ông vua tiếp sau ông lại yếu kém hơn ông và Hốt Tất Liệt. Trong hai mươi sáu năm từ 1307 đến 1333 có bảy ông vua cai trị.
Các trận lũ lụt tàn phá Trung Quốc vào năm 1347 gây ra nạn đói khắp nơi đã tạo những khó khăn cho đế quốc Mông Cổ. Dân đói bắt đầu nổi loạn chống lại chính quyền Mông Cổ. Các lực lượng quân đội đồn trú Mông Cổ tiếp tục chiếm giữ các điểm chiến lược ở Trung Quốc, nhưng người Mông Cổ kém số lượng rất nhiều và không được chuẩn bị để chiến đấu với cuộc nổi dậy lớn.
Bộ máy quân sự Mông Cổ bắt đầu suy sút. Các đội quân thông thường của Mông Cổ đã bị đưa vào làm các việc trồng cấy để tự nuôi mình. Trong nhiều thập kỷ hòa bình khả năng chiến đấu của chiến binh Mông Cổ đã bị giảm. Một số chiến binh Mông Cổ cũng không thành công trong việc làm ruộng và mất ruộng đất. Một số thành những kẻ lang thang, trong khi các sĩ quan Mông Cổ vẫn là một tầng lớp quý tộc ăn lương tách biệt khỏi những binh sĩ thông thường.
Mới đầu cuộc nổi loạn diễn ra ở quanh Quảng Châu. Vào năm 1352, một nhà sư Phật giáo và là một chú bé cựu ăn mày, Chu Nguyên Chương, quẳng áo lễ, gia nhập nổi loạn, và trí thông minh khác người của mình đã giúp ông dẫn đầu đội quân khởi nghĩa. Tới năm 1355 cuộc nổi loạn đã lan rộng ra đa phần Trung Quốc, dẫn tới tình trạng vô chính phủ. Chu Nguyên Chương được lòng dân chúng bởi ông cấm quân lính cướp bóc. Năm 1356, Chu Nguyên Chương chiếm được Nam Kinh và biến nó thành thủ đô của ông, và ở đó ông được một nho sĩ giúp đỡ tung ra các tuyên bố cho ông và tổ chức các nghi lễ tuyên bố Mệnh Trời. Và ông đánh bại các đội quân làm loạn khác.
Trong lúc ấy, nội bộ Mông Cổ lại trở mặt đánh lẫn nhau, làm giảm sút khả năng đàn áp nổi loạn của họ. Năm 1368, Chu Nguyên Chương mở rộng quyền kiểm soát tới Quảng Châu, cùng năm đó vị vua cai trị người Mông Cổ là Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ bỏ chạy đến Hòa Lâm (thủ đô cũ của người Mông Cổ). Chu Nguyên Chương và quân đội tiến vào Đại Đô – thủ đô của Mông Cổ (Bắc Kinh ngày nay) và năm 1371 quân của ông đến Tứ Xuyên. Năm 1387 – sau hơn ba mươi năm chiến tranh – Chu Nguyên Chương đã giải phóng toàn bộ Trung Quốc và lập ra một triều đại mới – nhà Minh. Chấm dứt gần 100 thống trị của người Mông Cổ.
Những triều đại nhà Minh sau này nhiều lần tấn công vào thảo nguyên của Mông Cổ và phá hủy kinh đô Hòa Lâm. Đế quốc Mông Cổ không những sụp đổ ở Trung Quốc mà còn ở khắp những lãnh thổ mà họ chiếm đóng. Người Mông Cổ, ở thảo nguyên của họ, sau này trỗi dậy và tiếp tục đánh phá vào lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Thanh, nhưng bị quân đội của nhà Thanh đánh tan vào thời vua Ung Chính.
Trong thời kỳ cận đại, Mông Cổ chia làm hai vùng. Nội Mông là vùng sát với biên giới phía bắc Trung Quốc thì bị cộng sản Trung Quốc sáp nhập vào lãnh thổ của họ và được xem như một vùng tự trị nằm trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngoại Mông, nằm phía bắc của Trung Quốc và sát với Liên Xô, tuyên bố độc lập trở thành nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ vào năm 1921.
Mông Cổ ngày nay
Nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ với diện tích rất lớn, nhưng đa số là sa mạc và thảo nguyên không sử dụng được, với dân số hơn 3 triệu dân, đa số theo Phật giáo, trong đó có khoảng một phần ba vẫn giữ truyền thống du mục, thủ đô là Ulanbata, và được xem như một quốc gia kém phát triển.Có điều rất lý thú là sau khi những người Âu châu khám phá ra châu Mỹ thì họ phát hiện những người thổ dân ở đó có cùng nguồn gốc với dân Mông Cổ ở thảo nguyên châu Á. Các sử gia cho rằng các bộ tộc Mông Cổ, vào hàng chục ngàn năm về trước đã du mục lên Bắc cực, đến Alaska, và vượt qua vịnh Bering, lúc đó là dải đất liền nối qua châu Mỹ. Những người du mục này sinh sôi nảy nở và tiếp tục du mục xuống Canada, Hoa Kỳ, và các vùng đất của châu Mỹ Latin ngày nay.
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/i-to-p/ly-thanh-phuong/